Họa sĩ Lê Thúy: “Con người ngày càng đơn độc trong chính môi trường của họ”
Là họa sĩ trẻ vẽ tranh lụa nổi tiếng ở Việt Nam, các tác phẩm của Lê Thúy nằm trong nhiều bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước. Xuyên suốt hành trình sáng tạo nghệ thuật, chị tập trung đề tài về thiên nhiên, từ đó nhấn mạnh: với lòng tham và sự ích kỷ, con người ngày càng đơn độc trong chính môi trường sống của họ.
Được biết vừa rồi, triển lãm “Life Paradise” của Lê Thúy được tổ chức online. Điều đó có ý nghĩa với chị như thế nào? Theo chị, sân chơi nghệ thuật online có ảnh hưởng với cá nhân chị ra sao?
Đại dịch Covid-19 khiến con người rơi vào hoàn cảnh cách ly. Mọi hoạt động không thiết yếu đều tạm ngừng hoạt động. Cũng chính vì vậy mà các bảo tàng lẫn phòng trưng bày, nơi thường diễn ra các triển lãm nghệ thuật cũng phải đóng cửa.
Mọi hoạt động nghệ thuật đều trở nên yên ắng lạ thường. Việc tổ chức chương trình triển lãm trong thời gian này là không khả thi với cả nghệ sĩ, phòng trưng bày và khán giả. Tuy nhiên, thời đại công nghệ đã mở lối cho sự kiện trực tuyến phát triển mạnh mẽ.
Cũng khoảng thời gian này, tôi nhận lời mời từ Vin Gallery cho một triển lãm trực tuyến. Điều đó khiến tôi vô cùng hào hứng vì từ trước đến giờ, bản thân chưa bao giờ trải nghiệm nó. Đây cũng là phương thức thú vị để tôi giới thiệu tác phẩm và công việc sáng tác của mình đến người xem.
Sân chơi nghệ thuật online có tác động rất mạnh mẽ đến công việc của tôi. Khi tham gia chương trình này, mọi công đoạn tổ chức triển lãm được giản lược rất nhiều. Ngoài việc chuẩn bị tác phẩm, tôi không phải lo nghĩ về việc đóng gói, vận chuyển hay sắp đặt trưng bày tác phẩm. Hơn nữa, khi công nghệ phát triển, thế giới kết nối đa chiều. Việc sử dụng công nghệ 4.0 để tìm hiểu về nghệ thuật sẽ trở nên phổ biến. Các tác phẩm của tôi có thể tiếp cận số lượng người xem khác nhau. Song song với triển lãm thực tiễn, đây cũng là cơ hội tuyệt vời để tôi giới thiệu tác phẩm của mình.
Mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên của chị hình thành trong bối cảnh nào và phải chăng nó biểu thị sự chuyển dịch tư tưởng quan trọng của chị?
Xuyên suốt các tác phẩm của tôi đều tập trung đề tài về thiên nhiên, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên đang ngày càng đối kháng nhau. Với lòng tham và sự ích kỷ, con người ngày càng đơn độc trong chính môi trường sống của họ.
Tôi không phải là người đầu tiên khơi gợi và tìm tòi về vẻ đẹp tự nhiên, càng không phải là người sau cùng hay đặc biệt miêu tả những vẻ đẹp của thiên nhiên. Tôi chỉ là người đi sau, và sống trong xã hội hiện đại. Sự tiện nghi mang đến cho con người cuộc sống tách biệt hoàn toàn với tự nhiên và nó khiến tôi cảm thấy ngột ngạt. Tôi mong muốn nhìn giọt sương mai trên ngọn cỏ, nhìn bóng hoàng hôn nhuốm màu đỏ thắm lúc chiều tà, nhìn thời gian qua những cánh hoa tàn, nhìn những vì tinh tú lộng lẫy lúc bầu trời đêm. Muôn loài sinh ra được bình đẳng như nhau. Nhưng con người có thực sự bình đẳng với mọi giống loài trên trái đất? Phá núi, lấp sông, hủy hoại môi trường, tuyệt diệt muôn loài. Sự ích kỷ và tham lam khiến con người trở nên cô độc.
Chẳng hạn, trong chuỗi các tác phẩm “Sự Sống Bình Thường”, tôi chọn những hình ảnh thiên nhiên đặt vào bức tranh theo quy luật sinh tồn, mọi vật đang vật lộn với cái chết đang đến gần. Tôi hy vọng đằng sau mỗi cái chết, sự sống sẽ hồi sinh và tiếp diễn bình thường.
Ở những tác phẩm trước, tôi mới chỉ dừng lại ở sự hoài nghi. Nhưng các tác phẩm gần đây thì đã biểu lộ nỗi đau về sự mất mát. Có quá nhiều chứng tích lịch sử, thi ca mô tả vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên. Nhưng thiên nhiên của hiện tại – môi trường sống của chúng ta đang phải trải qua những quãng thời gian đầy khắc nghiệt. Sự biểu đạt trong các tác phẩm không còn nằm ở phần bề mặt mà tôi đã đi sâu vào trạng thái, để tìm hiểu về ranh giới mà con người đang phân định trước tạo vật.
Tôi rất thích đoạn văn trong cuốn “Cách mạng một cọng rơm” của Fukuoka: “Con rắn ngậm con ếch… Diều hâu săn rắn. Chó sói tấn công diều hâu. Một người giết chết con sói đó, và sau lại phải đàu hàng trước vi rút bệnh lao. Vi khuẩn sinh sôi trong xác chết của con người còn các loài thú cây cỏ lại phát triển mạnh nhờ chất dinh dưỡng, nhờ hoạt động của vi khuẩn mà sử dụng được. Côn trùng tấn công cây cối và lúc ếch lại ăn côn trùng.” Con người chỉ là một phần trong sự tuần hoàn của tự nhiên. Nếu con người đi ngược lại tự nhiên sẽ dẫn đến tuyệt diệt.
Là họa sĩ trẻ vẽ tranh lụa nổi tiếng, Lê Thúy có thể chia sẻ về hành trình học nhuộm lụa để vẽ tranh của chị?
Đối với tôi, màu đẹp nhất luôn là màu của tự nhiên. Tất cả gam sắc đều hài hòa với nhau để tạo nên tổng thể hoàn hảo. Con người luôn mong muốn học hỏi từ thiên nhiên, vì thế mà nghiên cứu đủ loại màu sắc. Thuở ban đầu, chúng có nguồn gốc từ thiên nhiên, nhưng càng ngày đa phần là màu hóa học. Sắc độ của màu luôn tươi và chói, nếu sắc trầm thì sẽ bị lì, từ đó tạo cảm giác không có sức sống của màu.
Tôi khát khao học hỏi từ thiên nhiên để tạo ra những bảng màu đặc biệt cho tranh. Nhưng quả thực, chẳng có gì dễ dàng. Như bạn thấy đấy, khi vừa nhuộm tấm lụa màu nước trà và gỗ vang xong, màu hiện lên vô cùng đẹp và thắm. Nhưng nếu để một thời gian trong môi trường ánh sáng chiếu thường xuyên, màu sẽ nhanh bạc và phai. Nguồn gốc của màu tự nhiên từ cỏ cây hoa lá sẽ không bền. Có một số màu nhuộm từ đất, đá khoáng có thể giữ lâu hơn, nhưng khi nhuộm, bạn phải xử lý hết tạp chất. Vì vậy, tôi học hỏi để không chỉ dựa trên kinh nghiệm mà còn phải dựa trên nguyên lý khoa học. Các độ màu mỗi lần nhuộm ra phải như mình muốn, chứ không phải tự nhiên mà được. Và điều quan trọng là phải trường tồn với thời gian để không mất đi độ thắm và chân thật của mỗi bức tranh.
Với tôi, con đường tìm kiếm cái đẹp là sự toàn vẹn nhất của cái đẹp. Để có được sản phẩm nhuộm ưng ý, người ta phải bỏ ra vô vàn công sức từ việc ngồi cắt vải, buộc dây, nấu nước, nhuộm màu, phơi… Nhưng không phải nhuộm một lần là xong, nếu màu nhạt quá thì phải nhuộm lại, có cái khi phơi chuyển sắc lại không như ý muốn, cái thì bị loang trong quá trình nhuộm, nên phải bỏ đi. Tôi lại nhìn thấy cái đẹp ở những lỗi ấy. Bởi cái đẹp là cái không vẹn toàn.
Chị thường có những sự chuẩn bị như thế nào cho một bộ sưu tập mới?
Thông thường, khi chuẩn bị một bộ sưu tập mới, tôi dành rất nhiều thời gian trau chuốt những ý niệm mà mình định biểu đạt cho tác phẩm. Bởi ý niệm là cách mình nhìn nhận cuộc sống. Những tác phẩm giá trị với bản thân đòi hỏi những trải niệm thực tế, trau rồi khả năng nhìn nhận vấn đề ở nhiều mặt khác nhau, và người nghệ sĩ lấy đó làm vốn để thực hành tác phẩm.
– Về chất liệu, tôi luôn mong muốn thể nghiệm hoặc tìm cách tiếp cận mới dựa trên những chất liệu truyền thống như lụa hay sơn mài…
– Về thời gian hay thói quen vẽ, tôi thường dựa trên những gì mình định diễn đạt. Lúc nhanh, lúc chậm, tùy vào ngẫu hứng khi tôi đối diện với từng tác phẩm.
Ba tác phẩm mà chị yêu thích?
Ai là người có ảnh hưởng đến sự nghiệp sáng tác của Lê Thúy?
Có hai người ảnh hưởng đến sự nghiệp của tôi: nữ họa sĩ người Nhật Fuyuko Matsui Và Sanyu – họa sĩ người Pháp gốc Trung. Ở họ, tôi học hỏi cách nhìn và triết lý của người phương Đông trong cách thực hành nghệ thuật.
Triết lý sống xuyên suốt các tác phẩm của tôi là thành thực với bản thân, lắng nghe mọi cảm giác để biết mình đang mong muốn điều gì. Bởi vì, cuộc sống là vô thường, mỗi người nên lựa chọn chọn những giá trị cốt lõi để men theo và phát triển nó.
Được biết, tác phẩm của Lê Thúy đã xuất hiện trong nhiều bộ sưu tập trong và ngoài nước. Chị có thể chia sẻ về cơ hội này?
Tôi may mắn khi tác phẩm của mình thu hút một số người yêu thích và sưu tập. Trong lớp nghệ sĩ trẻ, người thực hành lụa không nhiều. Có lẽ vì vậy mà các tác phẩm của tôi phần nào gây ấn tượng. Về cách thức tiếp cận, tôi nghĩ họa sĩ nên tìm hiểu nhiều về nền nghệ thuật trên thế giới, và gần hơn là trong khu vực, nên biết các không gian nghệ thuật nào uy tín, tham gia các chương trình dành cho nghệ sĩ trẻ, các trại lưu trú và thể nghiệm dành cho nghệ thuật. Về hành trình, tôi nghĩ họa sĩ nên tìm kiếm những cơ hội phù hợp với khả năng của bản thân.
Trải nghiệm nào mà chị cho là quan trọng với một nghệ sĩ như chị?
Là được nhìn ngắm thực tế những tác phẩm của các nghệ sĩ lớn trên thế giới, có thể trong bảo tàng, các cuộc trưng bày triển lãm có quy mô chuyên nghiêp, hay các hội chợ nghệ thuật uy tín…
Nghệ thuật là không biên giới. Nếu có cơ hội, nghệ sĩ nên tân dụng thời gian tổ chức triển lãm giới thiệu công việc của mình đến cộng đồng nghệ thuật khu vực và trên thế giới. Thật tốt đẹp nếu có thể giới thiệu văn hóa của Việt Nam tới bè bạn.
Trong thời gian này, Lê Thúy có thử nghiệm mới nào trong quá trình sáng tác nghệ thuật?
Trong thời gian này, tôi đang thử nghiệm những những chất liệu khác nhau trên lụa như acrylic, hay chất liệu tổng hợp. Ngoài ra, tôi còn thử nghiệm về sơn mài không vẽ lên những tấm vóc truyền thống mà được vẽ lên những mẫu đàn cổ. Tiếp đây, tôi sẽ dùng hai chất liệu này để kết hợp với nhau, tạo nên những sắp đặt cho dự án mới, được ra mắt vào cuối năm nay.
Cám ơn họa sĩ Lê Thúy vì những chia sẻ hết sức thú vị!