ART & CULTURE

Giữa quá khứ và thực tại của một thị dân

Feb 24, 2025 | By LUXUO

Lý lịch “thị dân” chính là chìa khóa giải mã, liên kết và hiển bày tinh thần sáng tạo đa dạng nhưng thống nhất trong suốt 30 năm của Bùi Tiến Tuấn.

Bùi Tiến Tuấn, “Tuổi thần tiên 4”.

Bùi Tiến Tuấn sinh năm 1971 tại phố cổ Hội An, vào Sài Gòn học mỹ thuật từ đầu thập niên 1990 và trụ lại, lập gia đình sinh sống ở thành phố này cho đến tận hôm nay. Nhận định: anh là một thị dân toàn thời gian.

Có thể đoạn tiểu sử mô tả ngắn gọn trên làm nhiều người phì cười hoặc cau mày, vì nó vừa khô cứng vừa có vẻ chẳng ăn nhập gì với việc tìm hiểu thế giới nghệ thuật của họa sĩ thế hệ đầu 7x này. Nhưng thật ra, lý lịch “thị dân toàn thời gian” rất liên quan, nếu không nói là mật thiết, là chìa khóa để giải mã và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, liên kết và hiển bày một tinh thần sáng tạo đa dạng nhưng đầy thống nhất trong suốt 30 năm thực hành hội họa chuyên nghiệp của Bùi Tiến Tuấn.

Vì sao có thể nói như vậy?

Vừa là đề tài, vừa là chất liệu

Hẳn nhiên, công chúng và phần lớn giới chuyên môn suốt nhiều năm qua mặc định rằng Bùi Tiến Tuấn vẽ lụa và đề tài xuyên suốt của anh chính là vẽ những cô gái thị thành đương đại. Điều này đúng, và đó như là một lời tán thưởng, một cách định vị vị trí của Bùi Tiến Tuấn trong nền hội họa Việt Nam đương đại. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ.

Nên quay lại, truy vết theo những loạt tranh đã được anh trình làng: năm 2007 là solo “Những hình nhân đường phố” với các bức tranh tân hiện thực – biểu hiện cắt ghép, đặt để về con người và diễn tiến đời sống của một đô thị phồn hoa bậc nhất Việt nam. Năm 2013, anh trình làng bộ tác phẩm “Sợi chỉ đỏ” – đây là bộ tranh giấy dó về những cô gái phồn thực thành thị đương thời. Năm 2016, anh gây kinh ngạc với triển lãm “Hội An hoài niệm”, với loạt tác phẩm vẽ về kí ức Hội An cũng bằng chất liệu giấy dó. Từ năm 2022 đến năm 2024, anh thực hành một loạt tranh giấy dó gần 100 bức về đề tài “Sống trong đô thị” mang đậm phong cách biểu hiện trữ tình và trừu tượng. Đặc biệt, cũng trong thời gian này, Bùi Tiến Tuấn đã ấp ủ và cho ra đời loạt tranh acrylic vẽ trên canvas khổ lớn mang tên “Hội chợ phù hoa”.

Bùi Tiến Tuấn, “Những hình nhân đường phố”.   

Nhìn vào dòng niên biểu trên để thấy, nếu như không nhắc đến bất kì một triển lãm tranh lụa nào, thì chúng ta hoàn toàn có thể nói về Bùi Tiến Tuấn với tư cách là một họa sĩ vẽ tranh giấy dó, vẽ tranh sơn dầu… Anh sử dụng các vật liệu này để dựng nên một bức tranh lớn hơn về một đề tài anh đã sống, tương tác hằng ngày, bằng mắt nhìn trần trụi và tâm tưởng suy tư: đô thị và thị dân. Cả ở thực tại lẫn trong quá khứ. Thực tại của anh là thành phố Sài Gòn, nơi anh chọn để sống và sáng tạo. Quá khứ của anh chính là phố cổ Hội An nơi anh sinh ra, lớn lên, rời xa và hằng năm anh vẫn trở về trong tâm thế của một người khách quen. Sự trở về mang tính định kì này, với anh như là một cách để nuôi dưỡng những kí ức và hoài niệm về một Hội An thuở xa xưa, khi mà du lịch chưa bùng nổ. Suy tư của anh liên tục lật trở và đang xen giữa hai cột mốc kí ức và thực tại, quá khứ đã qua và hiện thực đang trôi, phồn hoa rêu phủ và những tráng lệ không ngừng mọc lên, chiếm dụng lấy bộ nhớ của anh. Những âm bản của kí ức và thực tại ấy trở thành một dương bản qua sự soi rọi bằng chiêm nghiệm và suy ngẫm nơi anh.

Bùi Tiến Tuấn, “Người mẫu”.

Và anh vẽ. Nhìn nhận một cách tổng thể và đi vào chiều sâu thì có thể nói rằng thị dân và đô thị mới chính là đề tài, là đối tượng mà Bùi Tiến Tuấn – với con mắt của một họa sĩ – luôn luôn quan sát, luôn luôn suy tư trăn trở, và thực hành sáng tạo. Còn những cô gái thị thành trên tranh lụa chỉ là một phần nổi trội mà họa sĩ này muốn “chiều chuộng” công chúng và nhà sưu tập. Những cô gái ấy, là một mảng sáng chói giữa một bức tranh đô thị vốn đa chiều kích mà Bùi Tiến Tuấn đã và đang dựng nên.

Chính vì vậy, đô thị và thị dân chính là chất liệu nghệ thuật lớn nhất để Bùi Tiến Tuấn sử dụng cho sáng tạo nghệ thuật. Còn giấy dó hay lụa hay canvas, màu nước, mực, acrylic hay sơn dầu, v.v. tất cả chỉ là vật liệu, là phương tiện vật lý để anh mượn chúng truyền tải cái chất liệu đang ngồn ngộn tuôn trào trong tâm hồn mình. Khác biệt và tài hoa của Bùi Tiến Tuấn đó là anh hiểu, cảm được những vật liệu mình đang sử dụng nên anh đã cùng với những phương tiện ấy đồng lõa, hòa đồng với nhau tạo nên một cuộc trình diễn thị giác bắt mắt, hút lấy người xem.

Bùi Tiến Tuấn, “Nguyệt sáng gương trong 4”.

Bùi Tiến Tuấn, “Ngọc nữ”.

Hội chợ phù hoa – một hiện thực ẩn sau lớp choáng ngợp trữ tình

Bùi Tiến Tuấn tâm sự, sau khi triển lãm “Nguyệt sáng gương trong” khép lại vào đúng lúc đợt dịch Covid-19 tàn khốc nhất bùng phát ở Sài Gòn vào giữa năm 2021, anh đã tự đặt cho mình rất nhiều câu hỏi về đời sống, và đặc biệt là những hệ quả về mặt tinh thần mà lối sống của “xã hội tiêu dùng” mà Đức Giáo hoàng Francis và nhiều nhà xã hội học đã lên tiếng trước đó. Sự tự vấn về một liệu pháp – như thế nào là phù hợp với những mất mát và thương tổn tâm hồn thị dân, khi họ vừa là kẻ sống trong, vừa là kẻ góp phần tạo nên, vừa là nạn nhân của xã hội tiêu dùng.

Chính cái trăn trở ấy cùng với việc lục lại kho tàng sáng tác của mình, anh đã bắt gặp lại một Bùi Tiến Tuấn của thuở trăn trở hiện thực với những bức tranh của thời hình nhân đường phố đang cất sâu trong xưởng vẽ. Liên kết với thực tại, anh quyết định cho ra đời bộ tác phẩm bằng acrylic trên canvas mang tên: “Hội chợ phù hoa” (Vanity Fair). Cái tên này được mượn/nhại từ một tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn William Makepeace Thackeray – kể câu chuyện về cuộc sống của các tầng lớp thượng lưu, về một xã hội không có anh hùng.

Bùi Tiến Tuấn, “Những nàng xuân”.

Hai trường liên văn bản trên được Bùi Tiến Tuấn hòa màu, phối sắc thành những tín hiệu của đám mây đô thị, lớp sương mù thấp thoáng những hình nhân của cái đẹp. Bằng cách sử dụng những tấm canvas to, thoạt nhìn, ta dễ bị họa sĩ đánh lừa vì sự choáng ngợp của cái không khí, không gian lãng mạn mà bức tranh tạo nên. Khởi từ một chân dung phụ nữ cụ thể, một gương mặt cụ thể, rồi tiến dần đến việc xóa bỏ hết mọi thứ, chỉ còn một đám mây bồng bềnh như một sự khước từ để đi vào miền phiêu lãng. Nhưng rồi, khi bị bức tranh giữ chân lại, ta luôn hỏi có điều gì đằng sau cái bềnh bồng phù phiếm ấy làm ta khởi lên sự dằn vặt và trắc ẩn đến vậy? Có lẽ câu trả lời đến từ chính bức tranh: sau cái choáng ngợp mang hơi hướng trừu tượng trữ tình là một hiện thực khác được ẩn giấu.

À! Thì ra “Hội chợ phù hoa” là một kiểu “hình nhân đường phố” khác, một phiên bản mà ở đó họa sĩ đã dùng phương pháp lọc sắc và phương pháp sắp đặt để loại trừ hoặc làm nhòe mờ đi những gồ ghề trần trụi của thành thị đương thời, ở đó anh chỉ còn giữ lại những tín hiệu trữ tình đương đại. Trữ tình nhưng cũng đầy tâm trạng. Lẽ nào đây là liệu pháp của họa sĩ?

Bùi Tiến Tuấn, “Những thiên thần đêm 2”.

Bùi Tiến Tuấn, “Yêu miêu 3”.

Nhắc lại điều này chắc không thừa, Bùi Tiến Tuấn là một họa sĩ với tám năm học tại Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Nên tranh anh luôn tuân thủ những tính chất, nguyên lý căn bản và mô phạm trường quy. Nhưng anh cũng luôn tâm niệm như Marc Jimenez, đại ý rằng những tác phẩm kinh điển sẽ tạo ra các nguyên tắc và chuẩn mực, nhưng đến lượt mình, những quy tắc và chuẩn mực ấy lại không thể tạo ra được tác phẩm kinh điển. Muốn có, phải vượt qua mọi chuẩn mực.

“Hội chợ phù hoa” tuân thủ tối đa tinh thần ấy của Bùi Tiến Tuấn, ở đó, ta thấy phảng phất cái “sai sai” về mặt hình họa và bố cục nhưng rất dễ chịu. Đây chính là một nghịch lý đầy dụng ý nghệ thuật mà họa sĩ gieo vào tâm trí người xem.

Mà không chỉ ở loạt tác phẩm này, kể cả dù là tranh lụa, tranh giấy dó hay bất kì chất liệu nào ta luôn thấy anh phá vỡ, xóa bỏ dần các bài bản trường lớp, bóp méo dần các mực thước giáo khoa. Miễn sao, hiệu ứng về mặt thị giác mà tác phẩm mang lại đạt hiệu quả tối đa. Mà muốn đạt đến tầm ấy, việc đầu tiên, người nghệ sĩ phải hiểu hết bản chất, cái hay của các vật liệu mà mình đang sử dụng: từ bản chất trơn mịn của lụa, cái sần sùi thắm màu và dễ loang của giấy dó, cho đến bản chất chống thấm của canvas, v.v.. Hiểu để làm chủ thực trạng và cảm xúc là điều mà một kẻ sáng tạo luôn cần có.

Bùi Tiến Tuấn, “Tĩnh vật”.

Thay cho lời kết

Nhìn lại hành trình nghệ thuật 30 năm của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn mà chỉ nhắc đến lụa và sơ lược về những mảng tranh khác như đã phân tích ở trên, sẽ khiến cái nhìn về anh bị phiến diện và khiếm khuyết rất lớn. Bởi vậy, việc giải mã tâm thức thị dân và nỗi ám ảnh thường trực về thị thành đương đại tác động như thế nào đến tâm thế sáng tạo của họa sĩ là một việc rất cần thiết. Có thể nói, chính tâm thức “thị dân toàn thời gian” đó vừa cho thấy được sự đa dạng trong việc lựa chọn đối tượng sáng tạo, vừa thống nhất về mặt bút pháp và chất liệu của Bùi Tiến Tuấn.

Đồng thời, tâm thức thị dân này của Bùi Tiến Tuấn có thể đối thoại với dòng văn học và nghệ thuật “bộc bạch thị dân” (chữ của Márai Sándor) vốn đang tuôn chảy từ hơn 150 năm qua trên khắp thế giới.

Lê Văn Đồng

 

“Bùi Tiến Tuấn – Một hành trình”

– Giám tuyển: Lý Đợi

– Thời gian: từ 22/02 đến 09/03/2025

– Triển lãm diễn ra song song ở hai địa điểm:

  • 92 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM (Khai mạc)
  • 106 Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, TP. Thủ Đức (Đặt lịch / RSVP: Ms. Duong – 0932 618 412)


 
Back to top preload imagepreload image