Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Họa sĩ Lê Võ Tuân: Tự làm mới mình để tái khám phá bản thân

Jul 27, 2021 | By Trang Ps

Hội họa của Lê Võ Tuân (1981) nổi bật với những nét cọ mạnh mẽ, dứt khoát, màu sắc có khi tương phản hay hòa lẫn vào nhau với những sắc độ đậm nhạt để tạo nên một cá tính hoàn toàn riêng biệt. Anh từng nhiều lần tham gia các triển lãm quốc tế, đặc biệt là NordArt vào năm 2017 và 2020. Với sức sáng tạo bền bỉ, Lê Võ Tuân hứa hẹn là họa sĩ thế hệ 8x tạo ra những sáng tạo độc đáo trong thập kỷ tới. 

Được biết, họa sĩ Lê Võ Tuân sinh trưởng trong gia đình có truyền thống hội họa, không biết anh đã bộc lộ năng khiếu này như thế nào?

Ba tôi là họa sĩ, có lẽ do gen di truyền mà tôi đã bắt đầu vẽ từ lúc còn rất nhỏ. Màu và giấy bút có sẵn nên cứ thế nguệch ngoạc, hết giấy thì vẽ trên đất, trên tường… Tôi vẫn nhớ, mỗi lần nhóm lửa nấu cơm, mẹ thi thoảng “vơ” phải mấy tờ giấy mà tôi vẽ lên đó.

Tôi lớn lên một cách tự nhiên, cho đến một ngày năm tôi tốt nghiệp lớp 9, ba hỏi tôi có muốn vào Huế học Mỹ Thuật không. Tôi trả lời chắc nịch, có! Sau khi thi đậu vào trung cấp Mỹ Thuật Huế, tôi biết số phận mình sẽ là họa sĩ.

Trong thời gian mới vào nghề, anh theo đuổi phong cách nghệ thuật ra sao và sử dụng chất liệu như thế nào?

Năm 1996, tôi từ Quảng Bình vào trường Đại học Nghệ  thuật Huế học trung cấp Mỹ Thuật và đây cũng là mốc thời gian tôi bắt đầu tập tành sáng tác trong môi trường chuyên nghiệp. Thời gian này mọi thứ với tôi đều mới mẻ, tư liệu nghệ thuật cũng ít nên chủ yếu tự tìm tòi và vẽ bằng đam mê và bản năng. Từ 1996 – 1999 tôi chủ yếu vẽ bột màu. Đây cũng là chất liệu chủ yếu trong quá trình học ở trường.

Trong quá trình sáng tác, anh đã thử nghiệm các chất liệu ra sao và cảm thấy đồng điệu với chất liệu nào nhất?

Tôi vẽ nhiều chất liệu như bột màu, giấy gió, acrylic, sơn dầu, màu nước… tuy nhiên, tôi lại học và tốt nghiệp chuyên khoa sơn mài. Mỗi chất liệu đều có những thế mạnh và đặc trưng biểu đạt riêng, đều rất ấn tượng và cuốn hút. Hiện tại, tôi tập trung chủ yếu vào sơn dầu hay kết hợp giữa sơn dầu và acrylic. Thỉnh thoảng, tôi lại sử chất liệu tổng hợp. Tôi đơn thuần coi chất liệu là phương tiện và quan tâm đến độ bền theo thời gian của tác phẩm.

Được biết, anh không chỉ vẽ mà còn rất đa tài ở mảng sắp đặt và trình diễn. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này được chứ?

Tôi nhớ năm 1999, tôi và 10 bạn sinh viên trường Đại học Nghệ thuật Huế lần đầu tổ chức một triển lãm sắp đặt và trình diễn. Thời điểm này, sắp đặt và trình diễn vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam, vẫn còn gọi chung là nghệ thuật mới.

Trong sáng tác, tôi yêu thích thử nghiệm; sắp đặt và trình diễn cho tôi một tiếng nói mới – một không gian đa chiều nằm ngoài giá vẽ. Sau tác phẩm đầu tay đó, sau này, tôi còn thực hiện một số tác phẩm sắp đặt ở các dịp khác nhau như: Sắp đặt trong triển lãm cá nhân của tôi tại Mai’s gallery 2004, 2005, 2006, Sắp đặt trong festival Hue 2004 – Trình diễn trong lễ ra mắt quỹ văn hóa Đan Mạch tại Sài Gòn 2006 …

Các họa sĩ thường có hình ảnh lặp lại trong tranh, riêng anh, tranh anh ám ảnh với những hình ảnh nào nhất và tại sao lại như vậy? 

Đúng vậy, thường mỗi họa sĩ sáng tác đều có lý tưởng riêng, cách nhìn riêng, hình tượng riêng… tất cả đều trải qua tôi luyện và hình thành như một kiểu tín hiệu nhận biết hay phong cách nghệ thuật… Với tôi, trong một thời gian dài hình ảnh mà tôi thường thể hiện là những gương mặt hồn nhiên trong sáng… những họa tiết mang âm hưởng của những thể loại nghệ thuật truyền thống Việt Nam, ví dụ như tranh Đông Hồ, hay hoa văn cung đình Triều Nguyễn… Tranh của tôi cũng ảnh hưởng khá nhiều từ các danh họa như Pablo Picasso, Gustav Klimt …

Hiện tại tôi không nuôi dưỡng hình ảnh nào quá lâu quá dài. Tôi thích luôn thay đổi, vừa tự làm mới mình, vừa tự khám phá khả năng bản thân. Rất thú vị nếu nhìn lại những chuyển biến của quá trình làm việc, nó giống như cuốn nhật ký về cách nghĩ, cách làm việc.

Tôi sáng tạo theo từng ý niệm riêng biệt cho những series tranh khác nhau.

Anh đã tham gia khá nhiều triển lãm ngoài nước. Cơ duyên cho triển lãm đầu tiên ở nước ngoài của anh đến trong dịp nào, và việc đem tranh triển lãm ở ngoại quốc đã giúp anh nhìn nhận cơ hội cho họa sĩ Việt ra sao?

Cơ duyên cho triển lãm đầu tiên ở nước ngoài của tôi là vào năm 2001. Năm đó, tôi đang học năm 2 đại học và tham gia cuộc thi nghệ thuật “Eye on the world” do Nokia tổ chức và giành một trong 3 giải nhất đồng hạng tại Việt Nam. Năm đó triển lãm chung kết Châu Á Thái Bình Dương tại Bangkok – Thái Lan.

Sau khi tốt nghiệp, tôi cũng tham gia một vài chương trình cư trú như ở Mỹ, Hàn Quốc… và đặc biệt may mắn được cộng tác với bà Xuân Phượng chủ phòng tranh Lotus, nơi luôn giới thiệu họa sĩ và hội họa Việt Nam ra nước ngoài.

Theo tôi được biết, ở Việt nam có nhiều gallery, giám tuyển, các chương trình giao lưu quốc tế,… đưa tác phẩm của họa sĩ Việt ra nước ngoài triển lãm và được đón nhận. Tranh Việt Nam bây giờ cũng được thế giới chú ý, qua những cuộc triển lãm, đấu giá… chính vì vậy, ngoài những họa sĩ thành danh thì họa sĩ trẻ cũng có nhiều cơ hội hơn.

Song song với những cơ hội từ trong nước thì rất nhiều những cuộc gọi mở hàng năm trên thế giới cho những chương trình cư trú, triển lãm, giải thưởng và cả thương mại của các trung tâm nghệ thuật, bảo tàng, gallery… tất nhiên còn cần đến sự may mắn.

Trong triển lãm NordArt 2020, anh cũng là một trong 200 họa sĩ may mắn có tranh triển lãm. Được biết vào năm 2017, anh đã tham gia sự kiện này. Anh nhìn nhận ra sao về sân chơi NordArt, đặc biệt là cho họa sĩ Việt? 

NordArt là triển lãm nghệ thuật đương đại quốc tế diễn ra hằng năm và được xem là một trong những triển lãm lớn nhất Châu Âu (Giám tuyển chính là Wolfgang Gramm). Mỗi năm NordArt thường giới thiệu một quốc gia trọng tâm triển lãm và những dự án đặc biệt, như năm 2017 là Đan Mạch và dự án đặc biệt đến từ Trung Quốc. Năm nay quốc gia trọng tâm là Ukraine với tiêu đề triển lãm là Ranh giới của hiện thực “The Borders of Reality”, tập trung vào những bức tranh từ Trung Á và dự án đặc biệt đến từ Hàn Quốc. NordArt thường quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới cũng như những nghệ sĩ mới,… với các loại hình nghệ thuật như: Tranh, Ảnh, Điêu Khắc, Sắp đặt..

NordArt rõ ràng là một sân chơi chất lượng và những năm gần đây họ cũng quan tâm đến nghệ thuật Việt Nam. Theo tôi biết thì cô Sonja Annelies Fischer giám đốc Kaysertrade gallery là cầu nối hiệu quả cho những họa sĩ Việt Nam đến NordArt.

Những triển lãm như NordArt hẳn là dịp tốt để quảng bá tranh và thương hiệu của mình, nhưng anh có gặp khó khăn gì khi tham gia không? Thông điệp về NordArt mà anh đã rút ra?

Đúng vậy, như bạn biết NordArt luôn quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, vì thế mà các tác phẩm trong triển lãm có chất lượng cao, với những ý tưởng nghệ thuật độc đáo. Để tạo được dấu ấn trong triển lãm như thế này theo tôi là rất khó…

Năm 2017 tôi được lựa chọn 8 tác phẩm, nhưng cũng có cảm giác bị nuốt chửng ở trong đó. Đó là lý do tôi không dám nộp tác phẩm trong năm 2018 và 2019. Năm 2020, cảm ơn cô Sonja Annelies Fischer và họa sĩ Hà Nguyên Trí đã động viên tôi nộp tác phẩm trở lại.

Được giới thiệu ở NordArt bên cạnh nhiều tên tuổi, tác phẩm “lớn” hay những dự án quy mô… là dịp tốt để mọi người biết, dịp tốt để nhìn lại bản thân, và cũng giúp tôi tự tin hơn. Ở Nord Art tôi cũng nhìn thấy được những xu hướng mới của nghệ thuật đương đại. Tôi ấn tượng với những tác phẩm điêu khắc chuyển động, hay những tác phẩm sắp đặt lớn, có quy mô dàn trải…

Qua đây tôi nghĩ rằng mình phải nỗ lực nhiều hơn nữa cho tác phẩm và mong rằng trong tương lai Vietnam có cơ hội là trọng tâm của triển lãm hay những dự án đặc biệt từ Việt Nam sẽ được chú ý.

Anh có thể kể về triển lãm tranh mà anh ấn tượng nhất từ trước đến nay?

Đó là triển lãm Tôi thấy những điều kỳ diệu ( I see Magic) tại Mai’s gallery Sài Gòn. Lúc đó tôi mới vào Sài Gòn, và may mắn được Mai Gallery tài trợ triển lãm. Vì là triển lãm cá nhân lần đầu tiên ở đây nên luôn nhớ.

Trong quá trình sáng tác tranh, anh có trải nghiệm trạng thái xúc cảm nào đặc biệt?

Tôi im lặng tập trung, thỉnh thoảng hát, nhìn tranh cười hay lắc đầu ngao ngán… Và nữa, tôi thường làm việc vào ban đêm.

Họa sĩ Lê Võ Tuân.

Thời gian này, anh đang thử nghiệm cái gì mới?

Tôi vẫn đang thực hiện series tranh “Tìm về nơi bình yên” mà tôi bắt đầu từ năm 2017 đến nay.


 
Back to top