Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Mèo trong hội họa Trung Hoa

Mar 14, 2022 | By Trang Ps

Từ Đông sang Tây, mèo là con vật gần gũi và thậm chí rất được yêu chiều nhiều tại nhiều nền văn hóa. Hãy cùng LUXUO khám phá “muôn hình vạn trạng” của mèo trong hội họa Trung Hoa.

Zhou Wenjiu, Người phụ nữ với mèo , Bảo tàng Cung điện Quốc gia, Đài Bắc, Đài Loan.

Thời Trung Quốc cổ đại, cả người giàu và người nghèo đều nuôi mèo dù lý do có thể hoàn toàn khác nhau. Chúng là bạn đồng hành tuyệt vời được giới quý tộc yêu mến, và là phương tiện “diệt chuột” thiết thực cho dân thường. Trên thực tế, nông dân Trung Hoa còn thờ một vị thần mèo mang tên Li Shou. Bà được mệnh danh là Nữ thần Mẹ hay Nữ thần Sinh sản, người bảo vệ mùa màng khỏi lũ chuột tinh quái và xua đuổi tà ma.

Trong suốt chiều dài lịch sử, Trung Quốc là một quốc gia dựa vào nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi. Mặc dù theo truyền thống, mèo không phải là một trong những con vật được chăn nuôi theo ý này, nhưng Kinh Lễ (Book of Rites), thuộc bộ Ngũ Kinh của Khổng Tử cách đây gần 3.000 năm, có đề cập đến lễ vật hiến tế cho mèo do hoàng đế thực hiện vào cuối năm để tỏ lòng biết ơn mèo đã bảo vệ mùa màng khỏi đám chuột tinh ranh.

Lý do mèo là con vật được hưởng vị trí đặc biệt trong xã hội bắt nguồn từ khả năng bắt chuột thực tiễn của chúng. Chuyện kể rằng vào thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, một hoàng đế của triều đại Đông Hán (25-220) là một Phật tử. Để bảo vệ cuốn kinh Phật đầu tiên được dịch sang tiếng Trung Quốc khỏi bị chuột gặm nhấm, ông đã đưa những con mèo đặc biệt được nhập khẩu từ Ấn Độ đến chùa Bạch Mã, nơi lưu giữ các bản kinh.

Children Cooking Pao-tzu, triều đại nhà Nguyên.

Sau đó, trong triều đại nhà Tống (960-1279), các học giả – quan chức như Huang T’ing-chien (1045-1105), Lu Yu (1125-1210) và Lo Ta-ching đã nổi lên và sáng tác nhiều thơ ca ngợi mèo. Bên cạnh khả năng bắt chuột, những chú mèo nhanh nhẹn và sạch sẽ cũng đủ làm tan chảy trái tim mọi người. Và cũng vì cá tính đáng yêu lanh lợi này, mèo đã trở thành một trong những vật nuôi phổ biến nhất của phụ nữ, đặc biệt là các hoàng hậu – công chúa.

Nhiều tài liệu ghi chép rằng Công chúa Ch’iung-hua của hậu thời Đường (923-935) đã nuôi hai con mèo: một con màu trắng với hoa văn bông hoa và một màu đen với đuôi trắng. Trong một chương của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng The Plum in the Golden Vase in the Ming (1368-1644), tại nơi ở của một trong những nhân vật nữ chính Pan Chin-lian, đã nuôi một con mèo tên là Snow Lion (Sư tử trắng).

Thần thoại về Li Shou

Xu Beihong, Mèo, tranh thủy mặc.

Bên cạnh ý nghĩa Nữ thần Mẹ, Li Shou cũng tượng trưng cho sự sáng tạo. Theo thần thoại Trung Hoa, ban đầu, các vị thần ban cho mèo khả năng nói chuyện để nó có thể cai trị những sinh vật khác. Tuy nhiên, chúng chỉ mải ưỡn mình nằm dài phơi nắng và đuổi chuột. Các vị thần khiển trách Li Shou và đồng loại của bà phải có ý thức trách nhiệm hơn. Cuối cùng, Li Shou đành thưa với các vị thần rằng có vẻ con người ưa thích sự thống lĩnh hơn, còn loài mèo chỉ thích tận hưởng thế giới riêng của nó. Các vị thần đồng ý và đó là cách con người như là kẻ  có bản năng “thống trị muôn loài”.

Xu Beihong, Mèo, tranh thủy mặc.

Thế nhưng, hãy hỏi bất cứ người nuôi mèo nào, họ vẫn cho rằng những chú mèo đôi khi còn sung sướng hơn cả họ. Như bức tranh vẽ mèo của nghệ sĩ hiện đại Trung Hoa Xu Beihong là một ví dụ, mèo được khắc họa như một ông chủ vậy.

Lược dịch từ Dailyart/Digital Taiwan…


 
Back to top