ART & CULTURE

Suy tư sáng tác P5: Trò chuyện cùng nghệ sĩ Tăng Huy

Nov 29, 2021 | By Trang Ps

Lặng lẽ sáng tác suốt hơn hai thập niên qua, những dấu ấn làm nghề của nghệ sĩ Tăng Huy có thể được nhận thấy một cách rõ ràng. Với quan điểm hành trình sáng tạo là một hành trình sống, nơi nội hàm tác phẩm được rút tỉa khéo léo và tinh tế từ bao thăng trầm cá nhân trong cuộc sống muôn màu. Cuộc trò chuyện sâu sắc lần này giữa Art Republik/LUXUO với nghệ sĩ là dịp tốt đẹp để độc giả khám phá thêm về triết lý tinh giản tối đa, tự do sáng tạo, số phận cũng như nền triết học… đã ảnh hưởng đến anh.

Lặng lẽ với công việc nghệ thuật hơn 20 năm qua, hẳn là cuộc đời phải mang đến thật nhiều bước ngoặt thay đổi để anh tự chuyển hóa nhận thức trong hành trình sáng tạo!

Tất nhiên là, trong suốt hành trình sáng tác, mỗi tác phẩm cũng không khác gì một người bạn đồng hành cùng chia sẻ những ngây ngô, những buồn vui, những nỗi niềm và trăn trở, những nhân sinh quan rõ ràng và sâu sắc hơn cùng năm tháng. Đó là một điều hoàn toàn tự nhiên!

Mỗi lần tôi khổ sở vật vã tưởng chừng như không còn lối thoát trong thất bại hay hớn hở vẫy vùng ngập ngụa trong yêu đương thì cũng có thể xem như đó là những cột mốc thay đổi nhãn quan về cuộc sống. Nhưng đôi khi, những bước ngoặt đó là sau một chuyến đi xa, hay sau một cuộc trở về, và cũng có thể là sau khi nghiền ngẫm một cuốn sách bâng quơ tình cờ có được trên tay, mọi thứ bỗng ập đến bất chợt chẳng thể nào biết trước, vô cùng thú vị!

Tôi tin tôi là một kẻ có bản năng ý thức về sự tồn tại của chính bản thân mình, dù biết – mọi chuyện đều luôn có một sự sắp xếp đã được định sẵn, nhưng tôi vẫn luôn có niềm tin.

Yêu đi – chuyện gì đến rồi cũng phải đến!

Tôi chợt nghĩ mọi trải nghiệm trong cuộc đời này đều bình đẳng, dù ta phân chia bé nhỏ hay lớn lao thì nhỏ bé lớn lao ấy cũng chỉ là quan niệm. Khi nhìn lại hành trình sáng tác suốt hơn hai thập niên qua, ứng với quan điểm ấy, anh có suy tư như thế nào, rằng mọi thành bại đơn thuần là trải nghiệm để mình học ra bài học trong sáng tác hay nhận thức cá nhân mà thôi?

Tôi nhớ khi xưa, tôi đã từng ước gì tôi được yêu ai đó một lần trong đời, được ai đó nâng niu ve vuốt trái tim mình, rồi khi lớn thêm chút nữa tôi lại ước gì tôi được thất tình một lần trong đời, được ai đó cướp đoạt mất trái tim mình. Ngồi nhìn thằng bạn cứ âu sầu ủ rũ mấy tháng trời, tôi thèm có được cái cảm xúc kỳ lạ của hắn, tất cả những phán xét hay thành kiến bấy lâu nay về sự bi luỵ, sự bất lực hay yếu đuối đã tiêu tan đâu mất, chỉ còn đó là một vẻ đẹp buồn bã tuyệt vời!

Liệu có sự trải nghiệm nào là uổng phí? Nghệ thuật chính là tấm gương soi chiếu nội tâm của người nghệ sĩ, chẳng thể nào có thể khiên cưỡng gượng ép, chẳng thể nào có thể mụ mị dối trá, và lọc lừa. Chẳng thể nào có thể giả vờ đau khổ hay yêu đương, nếu chưa một lần được dấn thân, được nếm trải mùi vị riêng của nó.

Tôi cho rằng, nghệ thuật vì nghệ thuật thì đã bao hàm đầy đủ ngữ nghĩa của nghệ thuật vì nhân sinh! Nghệ thuật thì phải đẹp, cái đẹp ở đây được hiểu nôm na là cái bạo liệt của tỷ lệ, cái bồng bềnh của hình khối, cái va đập của xa gần, đậm nhạt, nhám mịn, mờ rõ, cái đẹp ở đây chính là sự nỗ lực tột cùng vươn tới sự hoàn hảo và rồi thì khoan khoái đắm chìm trong những khiếm khuyết bất ngờ lộ diện nằm ngoài phạm vi kiểm soát của hiểu biết, tôi thường gọi đó là những khiếm-khuyết-hoàn-hảo!

Ừ thì, hành trình sáng tác là một hành trình… sống! Những trải nghiệm hẳn nhiên sẽ lột tả và phơi bày rõ nét hơn những góc nhìn lẩn khuất nằm đâu đó phía sau cuộc sống. Chỉ là vậy, bởi cho dù có là gì – tôi vẫn luôn tin vào vô vàn những vẻ đẹp của… con người! Những trải nghiệm cũng sẽ giúp củng cố mạnh mẽ thêm những khát vọng, những niềm tin đã, đang và sẽ chín muồi hơn. Nó khiến chúng ta lì lợm và can trường.

Có lẽ vì thế mà khi nhìn những bức tranh và tác phẩm điêu khắc của anh, tôi nghĩ ngay đến hai từ số phận!

Mỗi con người đều có một thân, một phần, và một phận nào đó trong đời! Người không biết thân biết phận rõ ràng là không có hiểu biết! Tất cả chúng ta đều phải biết, nhưng nhiều lúc, cũng đừng nên hỏi lý do tại sao, bởi vì nó là như vậy, bởi vì nó phải vậy, chúng ta chỉ việc cố gắng từng bước hoàn thành trọn vẹn bổn phận và trách nhiệm của mình. Tôi nói vậy cũng bởi khi trẻ, tôi cũng đã từng nhiều lần tự vấn, tự hỏi những câu hỏi đại loại như vậy. Đôi lúc tôi nghi ngờ rằng tôi đang trốn tránh, trốn tránh cái thực tại cuộc sống đang ở ngoài kia, nhưng rõ ràng là không phải, ừ mà nếu trốn tránh thì các giác quan làm sao có thể chạm đến được sự sinh động của chất liệu ở cái chợ đời ngoài kia.

Tôi không mưu sinh bằng những tác phẩm nghệ thuật, mà bằng những công việc khác, tất nhiên là cũng liên quan hoặc xoay quanh đến việc làm đẹp. Có một thời gian dài, sau công việc ban ngày ở bên ngoài, tối về là lại tranh thủ hít hà mùi sơn dầu béo ngậy, lắng nghe tiếng cọ sột soạt, nhào nặn những cục đất tinh khôi trong trẻo mềm mịn, hay hì hục mài giũa những khối đồng đến khuya. Dù gì thì cũng phải công nhận rằng mỗi khi “bị” cuốn vào những thứ này luôn là những khoảnh thời gian… sung sướng nhất, là quên hết tất cả! Và tất cả mọi thứ cứ đều đặn không ngừng nghỉ, như để thoả mãn những thôi thúc tận sâu đâu đó từ bên trong cơ thể mình. Khó mà lý giải được, mọi thứ cứ như thể đang tiếp nối một công việc phải là, một hành trình đã được định sẵn đâu đó từ bao kiếp trước!

Hầu hết các tác phẩm của tôi đều ẩn ý hàm chứa những câu chuyện về hành trình cuộc sống, về thân phận của con người.

Màu sắc trên tranh của Tăng Huy nhìn qua thì có vẻ tối giản nhưng nhìn kỹ lại như thể một khối của các màu tổng hợp lại, như muốn mọi giác quan của người xem xoáy sâu vào tác phẩm. Anh quan niệm như thế nào về cách tạo hình, tạo màu? Sự sâu sắc trong tranh chắc chắn không thể được thể hiện một cách đơn giản qua màu sắc, mà dường như còn là một điều gì đó sâu sắc hơn, như tâm hồn nghệ sĩ!

Với màu sắc, việc sử dụng nhiều màu chưa hẳn là… có màu, hoặc ngược lại, việc sử dụng một màu duy nhất chưa hẳn là ít màu, bởi nó còn liên quan nhiều đến sự va đập, sự gào thét của sắc độ, của sáng tối. Mỗi một màu sắc hay một tổng hợp màu đều luôn phát ra một tín hiệu, một tiếng nói, một ngôn ngữ riêng về một điều gì đó, có khi thì báo hiệu một hiểm nguy đang rình rập, có khi thì mềm mại du dương, có khi thì lạnh lẽo cô độc, có khi thì rất đàn bà, có khi thì mạnh mẽ đàn ông, có khi thì ngây thơ hời hợt… Nhiều lắm, không kể hết, bởi vậy việc sử dụng màu tưởng dễ mà lại khó, nhưng khó mà lại dễ nếu thực sự thấu hiểu.

Chẳng có màu nào… xấu, chẳng qua chỉ là việc đặt để sử dụng không đúng lúc và đúng chỗ. Nếu thực sự thấu hiểu thì mọi chuyện sẽ dễ dàng, đơn giản hơn nhiều! Màu sắc cũng có nhiều loại cung bậc, tầng bậc lớp lang cao thấp nặng nhẹ trầm bổng giống như những nốt nhạc, tuỳ theo câu chuyện mà kể, tuỳ theo tâm trạng mà dễ hoặc khó nói.

Trong đời sống, có khi chỉ cần nhìn màu áo là biết được phần nào tính cách con người, cũng như chỉ cần lướt qua sắc màu của một con phố là có thể biết được mức độ văn minh hay khả năng kỹ trị của một thể chế, mà chẳng cần phải thấy hay biết gì thêm!

Với một tác phẩm nghệ thuật, lực thị giác luôn đóng một vai trò quan trọng trong tư duy thẩm mỹ, trong những trải nghiệm tạo hình, trong những cảm thụ quyết định về sự chuyển động của đường nét, về sự to nhỏ dài ngắn và phương hướng tỉ lệ, về cường độ của sự nhấp nháy lặp đi lặp lại của mật độ, trong từng nhát cọ, bút pháp, và cả trong việc sử dụng sắc độ, màu sắc… Bởi vậy, tuỳ theo chủ đích, người nghệ sĩ có thể dẫn dắt người xem lòng vòng bên trong bức tranh, hay tập trung nghẹt thở vào một điểm cụ thể nào đó mà không thể rớt mắt ra ngoài. Lực thị giác cũng như khí công trong võ thuật, ngoài những ý niệm, những kiến thức cơ bản, thì để có nó, phải thật sự trui rèn, nhọc công khổ luyện mà thành.

Và cuối cùng thì như tôi đã nói, hành trình sáng tác là một hành trình… sống! Và mỗi tác phẩm là một tấm gương soi chiếu nội tâm, phản chiếu tâm hồn, phơi bày những trăn trở suy tư, những khát vọng của người nghệ sĩ.

Còn về chất liệu thì sao, đâu là chất liệu mà anh cảm thấy gần gũi nhất với tư tưởng và phong cách cá tính của mình? 

Tôi là người yêu đủ thứ, thứ gì đẹp thì yêu. Một số ít những tác phẩm điêu khắc của tôi được sử dụng vật liệu gỗ, sắt và gốm, còn lại đa phần đều bằng đồng. Có lẽ, cái gì được liền và có ngay dễ làm tôi mau chán, phải có lửa có khói, phải có cái nóng trên ngàn độ, phải có ít rủi ro và nguy hiểm… có lẽ vậy nên tôi hay chọn chất liệu đồng trong các tác phẩm điêu khắc của mình, hoặc cũng có thể tôi mê vẻ đẹp của những chiếc trống đồng, nên gắn bó với vật liệu này.

Có một lần tôi đã từng lặng người rất lâu trước báu vật này ở Musée du quai Branly, Paris. Chắc sớm muộn gì nó cũng được quay trở về nhà!

Nói đến đồng, những yếu tố bất ngờ luôn khiến tôi nôn nao và hồi hộp. Tác phẩm sẽ luôn co ngót từ 5 – 12% tuỳ theo kích thước, khối lượng và hình khối, đó là điều khó có thể kiểm soát và tôi cũng không thích phải làm vậy vì không muốn mất đi yếu tố… bất ngờ. Một điều thú vị khác nữa là bề mặt của đồng, qua một thời gian thì nó hình thành nên một độ sâu bởi một lớp màng mỏng oxid đồng bao bọc xung quanh, như da thịt của con người.

Chơi với gốm cũng đôi lúc giật mình, cũng đôi lúc có một số những bất ngờ tương tự nhưng êm ả hơn, không mạnh mẽ bằng.

Và hiển nhiên là, tất cả mọi vật liệu đều là phương tiện hữu ích, có điều phải chọn lựa những phương tiện nào phù hợp với câu chuyện, với mục đích, với những tố chất và tâm tính của riêng mình. Chẳng ai vượt đại dương bằng… chiếc xe đạp, còn muốn trèo lên đỉnh núi cao thì chỉ có leo trèo bò trườn và đu trên dây.

Còn về nguồn cảm hứng từ thiên nhiên trong sáng tác nghệ thuật!?

Đó là điều hiển nhiên không cần bàn cãi, thiên nhiên luôn dạy cho chúng ta những bài học tuyệt vời. Đó cũng là lý do lớn nhất tôi rời Sài Gòn, nơi mà tôi vô cùng gắn bó, về Hội An sinh sống. Xung quanh đây, ngoài khu phố cổ kính và nền văn hoá bản địa lâu đời, còn có ruộng đồng, có sông suối, có núi rừng, có biển có đảo, có chim chóc bay lượn, có những đàn gà tíu ta tíu tít, có những đàn vịt lặn ngụp dưới ao, có những con cò rụt rè ngơ ngác lẽo đẽo theo sau những con bò, con trâu… Việc có những ký ức và trải nghiệm từ thiên nhiên luôn giúp chúng ta trở nên vững chải, mạnh mẽ và luôn tìm được cách để cân bằng khi cần thiết.

Con người là một phần của thiên nhiên, là một thực thể thuộc về! Không có con người, thiên nhiên có lẽ sẽ vô cùng rực rỡ, nhưng thiếu thiên nhiên thì con người không thể tồn tại. Tôi cho rằng, tất cả mọi sản phẩm do con người tạo ra mà không có sự kết nối tương tác, không có sự cân bằng hài hoà với tự nhiên thì không hữu ích và nhất là – không thuộc về con người!

Và cái đẹp do con người tạo ra, chẳng qua chỉ là sự vay mượn tài tình của người nghệ sĩ từ vẻ đẹp của thiên nhiên, từ những chi tiết tinh tế của tự nhiên, đâu đó khắp mọi nơi trên mặt đất này.

Anh từng quan niệm sự đơn giản là đỉnh cao của sự phức tạp, anh có thể chia sẻ rõ hơn? Nương theo triết lý này, anh liên hệ đến cách tạo hình cũng như ý niệm đằng sau mỗi tác phẩm của mình như thế nào?

Đúng vậy, tôi luôn giải quyết mọi công việc hướng theo quan điểm này. Ở nơi tận cùng của sự phức tạp, chính là giản đơn! Bởi không thì, sự đơn giản đó thật là non nớt và dễ dãi, thật là vụng về và thô kệch. Nếu không ở nơi tận cùng của sự rối rắm, nếu chưa từng nhọc công tháo gỡ hàng trăm ngàn nút thắt chằng chịt chồng chéo, thì làm sao có thể tinh tường và tinh thông, làm sao có thể tinh tế gọt giũa, chắt lọc ở từng mảng hình to nhỏ, từng hình khối đan xen, từng tỷ lệ, góc cạnh, đường nét…

Làm sao để biết đủ thì dừng, là vậy!

Ít mà không thiếu, là vậy!

Trước khi bắt đầu một công việc nào đó hoàn toàn mới, tôi thường đào bới lục lọi kiếm tìm, xâu chuỗi những ý niệm, kết nối những thông tin, và nghiền ngẫm cẩn trọng, thấu đáo trước khi bắt đầu. Bởi vậy, có nhiều việc vừa mới bắt đầu thì lại ngưng, rất ngạc nhiên và bất ngờ, tại thấy đủ thì dừng, tiếp nữa thì… hỏng!

Trong công việc sáng tác, sự hiểu biết, kiến thức và cảm xúc phải thật sự tan lẫn hoà quyện vào nhau ở một mức độ nào đó, thật khó, bởi vụng về bối rối quá thì tất nhiên không ổn, mà thuần thục quá chưa hẳn là hay! Thật khó và thú vị, lúc nào cũng luôn có những bất ngờ đâu đó chực chờ, rình rập nhảy bổ ra…

Trong lĩnh vực design, sự tối giản góp phần vào việc tiết kiệm nguyên vật liệu, tránh lãng phí vô bổ không cần thiết, góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường, sử dụng một cách hữu ích nguồn tài nguyên có hạn trên hành tinh này. Trong không gian sống, sự tinh giản, thẳng thớm, trật tự ngăn nắp và sạch sẽ khiến chúng ta luôn cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu và thoải mái.

Ừ, đó là quan điểm mà tôi chọn vì nó phù hợp với hiểu biết, tính cách và bản chất của tôi. Nhưng nếu ngược lại thì sao? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một sản phẩm hay một tác phẩm có quá nhiều thứ mà không hề thừa thì sao? Tôi đã từng suy ngẫm về điều này, đôi khi cũng không hẳn là sai, nó đơn giản không phải là tôi, chỉ vậy thôi!

Tôi cảm thấy triết học Đông phương dường như làm anh ấn tượng hơn cả!? Nếu không thì đâu là thể loại triết nào mà anh cho là đồng điệu với mình nhất?

Lúc trẻ, tôi là một con mọt. Khi bạn bè cùng tuổi í ới rong chơi đầu xóm thì tôi lại cuộn người trên chiếc ghế sofa ở phòng khách và đọc, đọc hết tất cả những gì có trong tay, kể cả những cuốn đọc đi đọc lại vài lần không hiểu, vậy mà vẫn đọc. Thời của tôi không có quá nhiều sách như bây giờ, thời của tôi nhìn thấy cuốn sách quý lắm, không thờ ơ hời hợt như bây giờ. Thời của tôi nghiền ngẫm ngấu nghiến một cuốn sách sung sướng lắm, không có lõm bõm chắp vá, nhanh nhảu xoèn xoẹt lướt internet như bây giờ. Những cuốn sách dắt tôi đi du lịch khắp mọi nơi, có khi tôi ở trong cuộc tình này, có khi tôi tham gia vào một cuộc ẩu đả kia, có khi tôi bay lơ lững đâu đó ngoài không trung, có khi thì lặn sâu xuống biến bơi cùng một đàn cá khổng lồ vây kín. Đọc sách cũng dễ nghiện, những cuốn sách làm tấm gương soi để tôi nỗ lực noi theo, những cuốn sách khiến cho tôi được thúc giục, được ấp ủ, được tha hồ mơ mòng và tưởng tượng. Tôi tin rằng thói quen đọc sách là một thói quen vô cùng hữu ích. (Thời bây giờ ai cũng có thể viết sách nên cần phải đọc đúng sách!)

Lịch sử văn minh nhân loại chảy từ Đông sang Tây, sau đó ngược từ Tây sang Đông, rồi lại xuôi dòng từ Đông sang Tây. Từ Nam lên Bắc, rồi lại từ Bắc xuống Naọa

Lúc trẻ, cũng như nhiều người khác, tôi tìm đến những giá trị phương Tây làm kim chỉ nam cho mình. Nói đến triết học phương Tây, tôi cực kỳ ấn tượng với triết gia người Đức vào thế kỷ XVIII – Immanuel Kant, những học thuyết của ông luôn khơi gợi, khiến tôi xuất hiện rất nhiều câu hỏi, chỉ có thể hiểu theo cách cảm nhận trực tính chứ thật khó mà phân tích lý giải, khó mà tìm đủ dữ liệu để chứng minh và giải đáp. Một số học thuyết của Kant như là Chủ nghĩa duy tâm siêu việt, Khái niệm siêu hình…

Rõ ràng là, chúng ta chẳng thể biết tại sao chúng ta có thể tiên nghiệm, nhưng một khi hội đủ những hiểu biết, kiến thức và kinh nghiệm, chúng ta có thể tiên nghiệm!

Một chính trị gia, mà theo tôi cũng có thể gọi là triết gia, hiện vẫn còn sống mà tôi rất thích đọc là Samuel Hungtinton: “Chúng ta thật sự chỉ biết chúng ta là ai, chỉ khi – chúng ta biết rõ chúng ta không là ai, chúng ta muốn là ai, và nhất là – chúng ta chống lại ai?” Điều thú vị là trong cuốn sách Sự va chạm giữa các nền văn minh, những nhận định và lý thuyết của ông lại khiến tôi liên tưởng đến những quy luật của tự nhiên, những bản năng hoang dã, những khát vọng và bản chất của loài người.

Tôi đi một vòng, rồi quay trở lại nơi xuất phát, nơi đã từng có rất nhiều giá trị vô giá đã bị mai một hoặc diệt vong mà chưa biết đến khi nào được hưng phục. Và suy cho cùng, Đông phương hay Tây phương, tuy có một số khác biệt, một số cách đặt tên hay diễn dịch, diễn giải có phần khác đi, nhưng chân lý thì chỉ có một!

Thật quan trọng để nghệ sĩ nói riêng và con người nói chung đặt câu hỏi và tự chiêm nghiệm về tự do sáng tạo, và làm sao để tự do mà không phóng túng! Và theo Tăng Huy, sáng tạo phải chăng là bản năng của con người và sự sáng tạo của anh được biểu hiện thăng hoa nhất khi nào?

Có lẽ, việc đầu tiên cần phải làm, tuy rằng có phần nào đó tương đối trừu tượng và mập mờ, đó là định nghĩa cho rõ hơn hai từ tự do và phóng túng. Khi hiểu rõ nghĩa hai từ này, chúng ta biết chúng ta phải làm gì, để làm gì, và có thể – phải dừng lại ở đâu.

Tự do – cho dù là thiêng liêng, là khát vọng, là bản chất tự nhiên của muôn loài, không riêng gì của loài người, nhưng ý thức được sự tự do trong đời sống hằng ngày thì không hề đơn giản, có được nó lại càng vô cùng khó! Tự do, tức là không chịu bất cứ một sự kìm kẹp, sự ép buộc vào bất kỳ khuôn khổ nào, mà được quyền lựa chọn mọi thứ theo đúng với mong muốn của mình. Đó là tự do, tự do suy nghĩ và tự do hành động! Còn phóng túng, đây là một từ hàm chứa tính tiêu cực, có thể xem như là một sự tự do sa đà quá trớn, bất chấp những giá trị đạo đức chuẩn mực, gây nguy hại, nguy hiểm đến cộng đồng.

Tôi vẫn thường tự hỏi, nếu không có nhu cầu sáng tạo, không có khát vọng thay đổi, không cần phải… tiến lên, phải tốt lên, tốt hơn thì liệu có cần và ý thức về sự tự do? Bởi vậy, sáng tạo là bản năng của con người, nếu đó thật sự là… con người! Loài người, nếu không còn những động cơ thôi thúc phải sáng tạo, thì cũng chẳng khác gì việc trái đất dừng xoay chính nó và quay quanh mặt trời.

Cũng không nên hiểu sáng tạo là một việc gì đó khó khăn quá mức, sáng tạo hoàn toàn khác nghĩa với phát minh, sáng tạo là một tố chất, một điều kiện cần có để có thể phát minh. Sáng tạo có ở khắp mọi nơi, ở bất cứ khi nào, ở mọi công việc, mọi lĩnh vực.

Tôi có thói quen mơ mòng tưởng tượng đủ mọi thứ vào lúc sáng sớm, và luôn dày vò kiếm tìm, suy nghĩ về những giải pháp mới lạ, hiệu quả, hay ho hơn vào ban đêm, trước khi leo lên giường và ngủ một giấc ngon lành đến sáng.

Anh quan niệm như thế nào về căn tính dân tộc trong sáng tạo?

Chắc phải có một lý do nào đó, chắc cũng không phải ngẫu nhiên, không phải bỗng dưng mà tôi lại bước xuống một sân ga, trên vùng đất này. Tôi mơ hồ nghĩ vậy!

Còn về căn tính dân tộc trong sáng tạo thì tôi cũng không rõ lắm, tôi không rõ việc nước mắm có trong tất cả mọi món ăn hằng ngày liệu có ảnh hưởng gì đến những đặc tính và tinh thần sáng tạo hay không!

Giấc mơ có kết nối mật thiết với sự sáng tác của Tăng Huy?

Ừ, những giấc mơ. Tôi luôn cất giữ chúng ngăn nắp và cẩn thận. Thỉnh thoảng tôi mở tủ lấy ra một cái, rồi mổ xẻ, chậm rãi cắt từng nhát một ra thành từng lát mỏng, rồi lại sắp xếp xâu chuỗi chúng thành những thứ có thể sờ mó được. 

Tôi vẫn luôn tranh thủ tối đa thời gian, ấp ủ những kế hoạch cho chúng có những hình hài cụ thể.

Và chắc chắn rồi, chúng cũng sẽ được đặt tên.

Trong đại dịch vừa qua, hẳn mỗi người đều có những suy tư và tự phản tỉnh riêng, còn với anh thì sao?

Đại dịch Covid đang tung hoành khắp mọi nơi trên địa cầu, ngoài nỗi buồn đau về những mất mát sinh mạng, những khó khăn chồng chất trong cuộc mưu sinh kiếm sống hằng ngày của rất nhiều người, ngoài những cách hành xử ngu dốt man rợ không đủ lời để nói, trong cuộc trò chuyện này tôi cho rằng chỉ nên chia xẻ về những gì tích cực, để thay đổi và mang đến nhiều hy vọng tốt đẹp hơn ở tương lai.

Trong suốt thời gian dài đại dịch hiện nay, bầu trời có lẽ chưa bao giờ trong và xanh đến vậy, những hàng cây ven đường chưa bao giờ được sạch sẽ đến vậy, cả trái đất có lẽ chưa từng được yên bình đến vậy. Cuộc sống hối hả đã khiến cho những bữa cơm gia đình có lẽ chưa bao giờ trở nên quan trọng và gắn kết đến vậy. Con cái, cha mẹ và cả ông bà trò chuyện với nhau nhiều hơn, vợ và chồng bỗng dưng hiểu nhau rõ hơn… Có rất nhiều những giá trị tưởng chừng đã mất đi, bỗng đột nhiên quay trở lại, chúng ta chợt nhận ra là chúng ta đã quá tất bật và vội vã, chúng ta đã quá nhanh để vơ về những thứ chưa hẳn chúng ta đã cần và thờ ơ vuột mất những điều quý giá xung quanh mình. Có lẽ nhiều người sẽ nhận ra điều đó.

Tôi là người dường như ít chịu ảnh hưởng gì từ đại dịch, tôi là người thích yên tĩnh, và đã từ rất lâu, tôi luôn ý thức rõ trong việc tìm cho mình một chỗ đứng ở bên rìa cơn cuồng phong đang xoay tít ở ngoài kia. Và tôi nghĩ, cơn đại dịch này không hẳn tự nhiên đến, và đến một lúc nào đó tự nhiên muốn, nó sẽ tự đi.

Được biết, nếu không vì đại dịch, triển lãm của anh tại Nhật Bản đã diễn ra! Anh có thể chia sẻ thêm về dự án nghệ thuật thú vị này?

Cho dù có đôi điều chúng ta có thể tiên nghiệm, nhưng vẫn khó tránh khỏi những bất ngờ. Những điều đẹp đẽ bất ngờ thì luôn có phần thi vị!

Vào một ngày đẹp trời tôi tình cờ quen một chị bạn đang sinh sống và làm việc trong lĩnh vực thời trang tại Tokyo qua một người bạn cũng tình cờ quen khác, rồi vào một ngày đẹp trời khác thì chị bạn tôi mới nảy ra một ý định mang tác phẩm của tôi sang đó, và thế là chỉ sắp xếp, lên kế hoạch, tìm kiếm gallery, curator, producer… Mọi thứ đã đâu vào đó thì những  đại dịch ập đến, kế hoạch được dời đi dời lại vài lần cho đến bây giờ.

Được chia sẻ, được tương tác trao đổi và học hỏi người Nhật là một điều gì đó luôn đặc biệt! Hy vọng chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến.


 
Back to top