Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Trò chuyện Art Republik: Richard Streitmatter-Trần – nghệ sỹ lưu trú tại NTU CCA Khóa 4

Mar 04, 2023 | By Ace Le

Đối với Richard Streitmatter-Trần – nghệ sỹ lưu trú tại NTU CCA Khóa 4 (2017 – 2018), NTU CCA Singapore đem lại cho anh “một cảm giác lạ lùng”, như được “trở về nhà”.

Ảnh tĩnh từ “Thuộc về” (2019), phim tài liệu ngắn của Dillon M. Banda, ghi lại quá trình thực hành nghệ thuật của Richard Streitmatter-Trần tại NTU CCA Singapore   

Ace Lê:

Mùa thu 2017 là một trong những mùa cư trú đông nhất của NTU CCA – anh đã tới cùng Kartik Sood (Ấn độ), Oliver Hussain (Canada) và Sonya Lacey (New Zealand).

Richard Streitmatter-Trần:

Một khoảng thời gian thật thú vị với tôi. Chương trình lưu trú của NTU CCA đã đón một vài nghệ sỹ từ Việt Nam trước đó, nên tôi cũng đã quen thuộc với nó phần nào. Năm 2015, tôi nghỉ việc giảng dạy để tập trung vào dự án hợp tác để Địa Projects phát triển từ một xưởng thực hành lên thành một không gian triển lãm. Vừa có thời gian trống từ công việc giảng dạy là tôi cân nhắc ngay các chương trình lưu trú.

“Tôi tin rằng về bản chất, các chương trình lưu trú đều phải cố hết sức để giúp nghệ sỹ thực hiện mục tiêu của mình” – Richard Streitmatter-Trần

Ace Lê:

Và ở NTU CCA, anh đã tận dụng cơ hội để đào sâu vào thực hành sản xuất, sử dụng những chất liệu có nguồn gốc từ Đông Nam Á.

Richard Streitmatter-Trần:

Với tôi, việc sử dụng xưởng chủ yếu cho khâu sản xuất tác phẩm là quan trọng, vì tôi không mấy khi có cơ hội được tập trung thực hành biệt lập tại xưởng. Nên tôi quyết định chuyển không gian ở Block 37 của mình thành một xưởng điêu khắc và vẽ tranh truyền thống. Thậm chí tôi còn xin được một gốc cây lớn từ nhóm nhân viên National Parks. Điêu khắc gia, giảng viên Lim Soo Ngee từ Học viện Mỹ thuật Nanyang cũng hào phóng tặng tôi chiếc cưa của ông. Một dự án không định trước được hình thành đã diễn ra trong thời gian đó ngay tại Gilman Barracks: phim tài liệu ngắn nói về thực hành nghệ thuật của tôi, tựa đề “Thuộc về” (2019) của Dillon M. Banda, sau đó đã thắng một số giải thưởng quốc tế về phim ảnh.

Richard Streitmatter-Trần chuyển không gian ở Block 37 của mình thành một xưởng điêu khắc và vẽ tranh truyền thống.

Ace Lê:

Tầm giai đoạn ấy, trung tâm cũng mở cửa đón Bùi Công Khánh (Việt Nam), Jacqueline Hoàng Nguyễn (Canada/Thụy Điển), Michael Lee (Singapore) và Jamie North (Australia).

Richard Streitmatter-Trần:

Thật thú vị là Jacqueline Hoàng Nguyễn cũng từng tham gia lưu trú tại Địa Projects. Trước lúc ấy, tôi đã hợp tác với Michael Lee ở vài dự án. Và mối thân tình của tôi với Bùi Công Khánh chắc có thể viết được thành sách. Rồi như bạn đã quá rõ, bây giờ Jamie North đã trở thành một tên tuổi quen thuộc với cộng đồng nghệ thuật Việt Nam sau khi tác phẩm anh ấy bị đạo nhái. Có lẽ đó là một minh chứng cho sự thân thiết của cộng đồng nghệ thuật – mà NTU CCA vừa dựa vào và vừa hỗ trợ.

Nhìn lại danh sách thành viên lưu trú từ NTU CCA, ta thấy rất rõ rằng chương trình đã tạo một dấu ấn sâu đậm trong công cuộc phát triển nghệ thuật đương đại tại khu vực, và rộng hơn là trên thế giới, bằng cách giới thiệu nghệ thuật và nghệ sỹ từ Đông Nam Á ra toàn cầu. Riêng tôi luôn có một cảm giác lạ lùng rằng NTU CCA đã đưa tôi trở về nhà. Nhiều năm trước, tôi tham gia học lớp nghệ thuật tại Học viện Công nghệ Massachusetts, trước khi Ute Meta Bauer tới đó. Vài năm sau, tôi dõi theo các dự án của bà tại Cambride, và ngạc nhiên khi biết rằng bà sẽ tới Singapore. Trong một chuyến về Việt Nam, tôi gặp bà lần đầu tiên và chúng tôi mới có cơ hội chuyện trò với nhau.

Ảnh tĩnh từ “Thuộc về” (2019), phim tài liệu ngắn của Dillon M. Banda, ghi lại quá trình thực hành nghệ thuật của Richard Streitmatter-Trần tại NTU CCA Singapore

Ace Lê:

Nhưng đợt lưu trú không phải là lần đầu anh tới NTU CCA. Lần đầu là trong khuôn khổ Singapore Art Book Fair 2014, nơi anh có bài thuyết trình cùng Nguyễn Hùng Giang về dự án Máy In Ép Nước Mía.

Richard Streitmatter-Trần:

Đúng rồi, một trong những dự án đầu tiên tôi làm với NTU CCA, do cả hai đều quan tâm về thiết kế và font chữ. Chúng tôi thử biến quầy nước mía vỉa hè thành chiếc máy in di động, thay vì ép mía thì ép khuôn chữ cái kim loại bằng mực. Không thực tế lắm, nhưng rất thú vị về mặt ý tưởng. Sau đó Giang đã tiếp tục đẩy xa những thử nghiệm kết hợp nghệ thuật/thiết kế từ ý tưởng này tại studio Behalf của anh ấy ở Sài Gòn.

“Bộ não năm-mươi-tuổi của tôi linh hoạt hơn tôi nghĩ! Và tôi cho rằng đó là nhờ vào việc người nghệ sỹ luôn luôn ngắm nhìn thế giới dưới những khía cạnh phi truyền thống” – Richard Streitmatter-Trần

Ace Lê:

Chuyển về Việt Nam năm 2003, trong những thập kỷ qua anh đã trở thành một tên tuổi lớn trong cộng đồng nghệ thuật bản địa, hỗ trợ một thế hệ thực hành trẻ. Bản thân Địa Projects cũng có chương trình lưu trú cho cộng sự quốc tế. Với anh, thế nào là một chương trình lưu trú thành công?

Richard Streitmatter-Trần:

Một câu hỏi khó. Tôi tin rằng về bản chất, các chương trình lưu trú đều phải cố hết sức để giúp nghệ sỹ thực hiện mục tiêu của mình. Rõ ràng, mỗi chương trình đều có giới hạn – tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất – nhưng đối thoại hiệu quả từ ban đầu sẽ giúp xác định sự đồng điệu của hai bên.

Ảnh tĩnh từ “Thuộc về” (2019), phim tài liệu ngắn của Dillon M. Banda, ghi lại quá trình thực hành nghệ thuật của Richard Streitmatter-Trần tại NTU CCA Singapore

Các bạn lưu trú tại Địa Projects đều biết rằng tôi không có tiền, nên sẽ bù khuyết bằng mạng lưới giao lưu bản địa và kiến thức liên quan. Đây là sự trao đổi kiến thức, không phải trao đổi vật chất. Lúc đầu, tôi chỉ nhận các giám tuyển và nghiên cứu sinh vì không đủ tiền và cơ sở để hỗ trợ khâu sản xuất của nghệ sỹ. Tôi cũng không kêu gọi đăng ký rộng rãi mà lựa chọn qua những cuộc trò chuyện riêng – để đánh giá mức độ quan tâm của mình tới dự án của họ, và mối quan tâm của họ tới việc sang Việt Nam. Sau này, khi đã kiếm được xưởng lớn, tôi mới bắt đầu mời nghệ sỹ. Với tôi, đó là sự thỏa mãn khi được giúp những người tôi tôn trọng hoàn thành công việc của họ, nhất là khi bản thân mình cũng đã từng nhận rất nhiều hỗ trợ trong nhiều năm.

Khúc củi từ bìa rừng ngay sau không gian lưu trú

Ace Lê:

Đa phần các chương trình lưu trú quốc tế đều yêu cầu người tham gia phải trao đổi chủ yếu bằng tiếng Anh – một điều còn xa xỉ với nhiều người Việt. Hiện anh đang vừa dạy và vừa học, đều bằng tiếng Việt. Anh nghĩ việc học một ngôn ngữ khác quan trọng thế nào vời người thực hành nghệ thuật?

Richard Streitmatter-Trần:

Việc biết một ngôn ngữ khác mang lại nhiều lợi ích cho tất cả chúng ta, điều này không cần bàn cãi. Lợi ích lớn nhất có lẽ là ta nuôi dưỡng thêm được lòng cảm thông. Việc học tiếng Việt là một vấn đề phức tạp với tôi. Tôi sống ở Việt Nam đã hai thập kỷ mà mãi đến gần đây mới thực sự quyết tâm học tiếng Việt. Không phải vì không quan tâm, mà vì tôi chưa có thời gian – thời gian học là một chuyện, thêm vào đó là ở độ tuổi này, não tôi tiếp thu chậm hơn.

Năm 2020, tôi đứng giữa một ngã rẽ. Tôi vừa đón chào bé trai vào tháng Hai thì sau đó tất cả các dự án đều phải hủy hoặc hoãn do đại dịch. Một tình trạng khá tuyệt vọng. Thế là tôi phải kiếm việc để làm trong giai đoạn im ắng, trong khi tìm một tương lai vững chãi cho gia đình của mình. Tôi đăng ký vào khóa Thạc sỹ Thiết kế Công nghiệp tại trường Đại học Tôn Đức Thắng gần nhà, và ngạc nhiên khi được chấp nhận với học bổng toàn phần. Nhưng điều kiện đặt ra là tôi phải hoàn thành nó bằng tiếng Việt. Tôi có hai năm để tự trau dồi đến mức độ thành thạo ở bậc đại học, và hiện tại tôi đang hiểu được 25 – 50% những gì được giảng trên lớp. Ít lâu sau, tôi được Đại học Hoa Sen mời làm giảng viên, và hầu hết sinh viên đã quen với các bài giảng bằng tiếng Việt. Thế là động lực học tiếng Việt của tôi đến từ cả hai phía trên giảng đường. Và nói thật là, bộ não năm-mươi-tuổi của tôi linh hoạt hơn tôi nghĩ! Và tôi cho rằng đó là nhờ vào việc người nghệ sỹ luôn luôn ngắm nhìn thế giới dưới những khía cạnh phi truyền thống.

Ace Lê:

Tuổi tác chỉ là con số! Bé trai thật kháu khỉnh, và chúc anh mọi việc thuận lợi nhé!

Thực hiện: Ace Lê

Hình ảnh: Dillon M. Banda, NTU CCA

— * —

Cuộc trò chuyện với Richard Streitmatter-Trần – nghệ sỹ lưu trú tại NTU CCA Khóa 4 (2017 – 2018), là một phần trong chuyên mục đặc biệt về Trung tâm Nghệ thuật Đương đại NTU Singapore của Art Republik Vietnam #3.


 
Back to top