Trò chuyện Art Republik: Art Labor – nhóm nghệ sỹ lưu trú tại NTU CCA Khoá 2
Art Labor (Phan Thảo Nguyên, Trương Công Tùng, Arlette Quỳnh-Anh Trần) là tập thể nghệ sỹ lưu trú tại NTU CCA Khóa 2 (2015 – 2016). Tại đây, tác phẩm đặc trưng của nhóm đã được thực hiện.
Ace Lê:
Art Labor tham gia khóa lưu trú thứ hai tại NTU CCA, ở đó các bạn thực hiện tác phẩm “Café Võng Jarai Dew” (2015). Đó là giai đoạn sớm của trung tâm, và của nhóm các bạn nữa.
Art Labor:
Vâng. Từ 2014, Art Labor đã triển lãm dự án đầu tay “Niềm Tin Không Điều Kiện” tại Sàn Art trong khuôn khổ chương trình “Nhận Thức Thực Tại” (2013 – 2016), trong đó Ute Meta Bauer là một trong những diễn giả quốc tế được mời tới. Ít lâu sau, Ute quay lại Việt Nam để tìm kiếm ứng viên cho chương trình lưu trú của NTU CCA, và chúng tôi may mắn được mời.
Lúc ấy, nhóm vừa nhận được giải quỹ Prince Claus cho dự án thứ hai “Giọt Sương Jarai”, nhưng còn chưa bắt tay vào thực hiện. Nên khi Ute và Vera Mey ngỏ lời, chúng tôi đã có ý tưởng làm dự án thí nghiệm tại NTU CCA như một tiền đề cho “Giọt Sương Jarai”. Và thế là “Café Võng Jarai Dew” ra đời. Trên đường đi từ Sài Gòn tới Gia Lai, chúng tôi thấy rất nhiều café võng ở dọc đường – chúng là những chứng nhân thầm lặng, quan sát bao con người lao động gặp gỡ, nghỉ ngơi và trò chuyện, cũng là chứng nhân cho quá trình phát triển công nghiệp tại Việt Nam nói chung. Những café võng ấy vừa là tiền trạm cho đích tới Gia Lai, và vừa là tiền trạm cho “Giọt Sương Jarai”.
Ace Lê:
Vậy là nhóm đã dựng mô hình ấy trên bãi cỏ xanh ngoài Block 37, Gilman Barracks – mọi thứ đã diễn ra thế nào? Và nhóm học được gì từ dự án tiền trạm này?
Art Labor:
Mặc dù đợt lưu trú ấy rất ngắn – chỉ 2 tuần – chúng tôi cũng gặp những thách thức nhất định. Rất buồn là Arlette đã không qua Singapore được vì lý do sức khỏe, nên chỉ có Thảo Nguyên và Tùng đại diện cho nhóm. Nhưng trước và trong suốt chuyến đi, cả ba đã phối hợp trong việc chọn địa điểm, mua nguyên liệu, và sắp xếp cơ chế hậu cần. Mà anh cũng biết thời tiết nhiệt đới của Singapore thất thường thế nào rồi đấy – mãi đến 2 giờ chiều hôm ấy trời còn giông bão, tới tận sát giờ sắp đặt!
“Khi sức ép phải tạo ra thành phẩm được gỡ bỏ, người nghệ sỹ thực sự có khoảng lặng để suy tư và hướng nội, mà nhiều khi quá trình ấy lại nảy ra được nhiều điều ngạc nhiên hay ho” – Art Labor
Bài học lớn nhất với nhóm là khả năng tạo điền kiện cho bản thân làm việc với những yếu tố ngoại cảnh không nằm trong tầm kiểm soát của mình. Bên cạnh thời tiết và khung thời gian rất ngắn, chúng tôi cũng không dám chắc sẽ có khách tới dự, và nếu có thì bao nhiêu – bởi sự tương tác đóng vai trò tiên quyết trong tác phẩm này. Nhóm hiểu rằng việc nhận thức được những yếu tố thực tiễn ấy có thể khiến một dự án cộng đồng thành công hoặc thất bại. Và quả đúng vậy, khi chúng tôi thực hiện “Giọt Sương Jarai” ở Gia Lai năm 2016, suốt bốn tháng đầu nhóm không tìm được một nghệ sỹ bản địa nào đồng ý cộng tác với mình. Để không mất đà dự án, ta vừa phải tự thuyết phục mình, vừa phải thuyết phục cả cộng đồng xung quanh.
Bên cạnh đó, trải nghiệm ra mắt dự án này đóng vai trò quan trọng khi chúng tôi mày mò phát triển theo hướng “mỹ học vị quan hệ”. Kinh nghiệm ấy giúp nhóm tự tin tiếp tục trong những triển lãm tiếp theo – từ Trung Quốc và Pháp tới Hàn Quốc và Ba Lan. “Café Võng Jarai Dew” theo đó đã trở thành một tác phẩm đặc trưng của Art Labor, thậm chí có thể tách riêng khỏi bộ “Giọt Sương Jarai”.
Ace Lê:
Cả ba bạn đều đã đạt được những thành công đáng nể trong sự nghiệp. Và Art Labor vẫn tiếp tục hoạt động chặt chẽ. Làm thế nào để dung hòa sự sáng tạo nhóm và sáng tạo của một thành viên?
Art Labor:
Chúng tôi hoạt động tốt dưới dạng nhóm vì không ép mình phải đi nhanh. Art Labor ưu tiên trải nghiệm hơn năng suất – chúng tôi phải thích thì mới làm. Và nhóm đánh giá cao cách tiếp cận chương trình lưu trú của NTU CCA, một chương trình hiếm hoi không tập trung quá mức vào kết quả cuối cùng. NTU CCA từ chối nhìn nhận lưu trú nghệ thuật như một thứ hàng hóa. Khi sức ép phải tạo ra thành phẩm được gỡ bỏ, người nghệ sỹ thực sự có khoảng lặng để suy tư và hướng nội, mà nhiều khi quá trình ấy lại nảy ra được nhiều điều ngạc nhiên hay ho.
“Khi nghệ sỹ Việt tham gia vào một tổ chức hoặc sự kiện quốc tế, họ đóng vai trò “điệp viên” rất quan trọng” – Art Labor
Mặt khác, chúng tôi vẫn phải tôn trọng những hoạch định nhất định, nhất là khi làm việc cùng các quỹ tài trợ bên ngoài. Cả ba thành viên chơi với nhau đã rất lâu, và tất nhiên cũng từng nảy sinh mâu thuẫn. Nhưng giải quyết những mâu thuẫn ấy với chúng tôi không khó, bởi cả ba đều có tính hay nhường nhịn cho được việc – nên việc đạt được tiếng nói chung cũng diễn ra tương đối tự nhiên.
Ace Lê:
Trong những năm qua, câc bạn đã thiết lập được nhiều mối quan hệ với bạn bè hoạt động nghệ thuật cùng nhiều tổ chức quốc tế. Nhóm đánh giá thế nào về sự quan trọng của việc vươn ra thế giới đối với nghệ sỹ Việt Nam?
Art Labor:
Tại nước mình, có một khoảng cách về sự thông tạo Anh ngữ giữa nghệ sỹ đương đại thuộc thế hệ millennial và thế hệ trước đó. Với thế hệ trước, rào cản ngoại ngữ khiến họ bị phụ thuộc vào những cơ hội lập danh quốc tế được mang đến bởi người ngoài. Trong khi đó, những nghệ sỹ Việt kiều đứng ở một vị thế tốt hơn để biết những tổ chức nghệ thuật quốc tế muốn gì, và thương thuyết với họ.
Thế hệ chúng tôi hiện nay rất may mắn đã được tiếp xúc với rất nhiều cơ hội cả trong nước và quốc tế. Nghệ thuật nội địa đã phát triển thành một diễn ngôn của riêng nó, trong khi những tổ chức Tây phương lại có xu hướng đa dạng hóa bản thân với nhiều đại diện quốc tế hơn. Khi nghệ sỹ Việt tham gia vào một tổ chức hoặc sự kiện quốc tế, họ đóng vai trò “điệp viên” rất quan trọng: dù khoảng thời gian tiếp xúc có ngắn ngủi, sự hiện diện của họ có cơ hội tạo ra thay đổi trong tổ chức ấy, và khi về nước, họ lại có cơ hội tạo ra thay đổi ở môi trường nội địa. Tại châu Á, NTU CCA là một trong những tổ chức hiếm hoi vừa có bộ mặt khu vực và vị thế trung tâm, một sự cân bằng giữa bản địa và quốc tế. Và là một sân chơi rất hay để nghệ sỹ Việt Nam kết nối.
Ace Lê:
Nhận định thật hay – bản thân tôi cũng tự thấy mình đang đóng vai trò một “điệp viên” như vậy đấy! Rất hy vọng được thấy thêm nhiều đại diện Việt Nam tại đây!
Thực hiện: Ace Lê
Hình ảnh do nghệ sỹ cung cấp
— * —
Cuộc trò chuyện với Art Labor – tập thể nghệ sỹ lưu trú tại NTU CCA Khóa 2 (2015 – 2016), là một phần trong chuyên mục đặc biệt về Trung tâm Nghệ thuật Đương đại NTU Singapore của Art Republik Vietnam #3.