Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Trò chuyện Art Republik: Bùi Lêna – nghệ sỹ lưu trú tại NTU CCA Khóa 7

Mar 06, 2023 | By Ace Le

Khóa lưu trú (2020 – 2021) của Bùi Lêna đã phải thực hiện từ xa do dịch bệnh Covid-19. Dù vậy, chương trình lưu trú đã đem đến cho cô một trải nghiệm “bất chấp khoảng cách địa lý”.

“Thân thích” (2021), 7:38 phút, chụp màn hình

Ace Lê:

Khóa lưu trú NTU CCA của bạn là khóa duy nhất phải thực hiện từ xa do dịch bệnh Covid-19. Với sự hỗ trợ của nghiên cứu sinh Elizabeth Ang tại Singapore, bạn đã thực hiện “Thân thích”, một dự án kỳ thú, giao thoa giữa thực vật học, thần thoại học và thuyết vật linh. Phải nói rằng, cá nhân tôi đã nổi da gà khi xem video và nghe lời đọc thơ từ tác phẩm. Bạn có thể chia sẻ về quá trình nghiên cứu, cùng những khó khăn và kết quả cuối cùng?

Bùi Lêna:

Bản đề xuất dự án lưu trú của tôi tập trung vào loài cây Khaya Senegalensis (cây xà cừ), nguồn gốc và sự du nhập của nó tới Đông Nam Á, lịch sử thuộc địa là tiền đề cho sự du nhập ấy, cùng những truyền thuyết địa phương và những tín ngưỡng xem cây như nơi trú ngụ của linh hồn và các thể thức cõi khác. Bởi phạm vi khá rộng, nên tôi coi đây là một dự án lâu dài, sẽ tiếp tục mày mò trong những năm tới. Chương trình lưu trú đã cho tôi thời gian thử nghiệm các cách tiếp cận khác nhau tới đề tài này.

Ban đầu, chúng tôi thử làm theo hướng nhờ Liz đi xem và thu thập thông tin từ những nơi tôi sẽ đến nếu tôi lưu trú tại Singapore. Sau một tháng rưỡi, mặc dù bạn ấy cũng thu thập được một số thông tin thú vị và hữu ích, nhưng tôi vẫn cảm thấy quá trình này như một phiên bản nghèo nàn của trải nghiệm tự thân, đồng thời chưa tận dụng được hết kỹ năng của một nghiên cứu sinh giỏi như Liz. Tôi bèn gợi ý phát triển nó thành một tác phẩm nhỏ với bạn ấy là đồng tác giả, và Liz đồng ý ngay. Phải có sự thích thú trong công việc. Khi quá trình thiếu niềm vui và sự kích thích, kết quả có thể sẽ khô khan, cứng nhắc.

“Thân thích” (2021), 7:38 phút, chụp màn hình

Năng lượng giữa chúng tôi thật sự thay đổi sau quyết định đó. Lúc ấy chúng tôi không biết kết quả sẽ trông thế nào, nhưng cả hai đều thấy tập trung và năng nổ hơn. Mỗi người tự viết riêng phần chữ của mình dựa trên chủ đề thảo luận trước và tài liệu thu thập được, rồi đối chiếu giọng văn, sửa đi sửa lại trước khi nhập vào thành một bài thơ. Chúng tôi cũng bàn chút ít về mặt hình ảnh nhưng đa phần cấu trúc hình ảnh được định khi tôi dựng video; bài thơ tạo nên một sườn nội dung hữu ích. Nhìn chung, chương trình lưu trú này là một trải nghiệm hay, bất chấp khoảng cách địa lý.

“Quan trọng hơn việc đi đây đi đó là việc tìm được một cộng đồng tích cực ủng hộ nhau, một nơi ta có thể trao đổi suy nghĩ và tìm cảm hứng” – Bùi Lêna

Ace Lê:

Và đây không phải là dự án đầu tiên bạn tìm hiểu về mối quan hệ giữa con người, tập quán và không gian sinh hoạt. Trong “Nhà (good infinity, bad infinity)” (2018), bạn cũng đã suy ngẫm về khái niệm “nhà” và khả năng (hoặc bất khả) kiến tạo nên dáng hình của nó trong chúng ta. Đó là từ trước Covid-19. Tới hôm nay, bạn có thêm góc nhìn mới nào về chủ đề này không?

Bùi Lêna:

Tốc độ thay đổi ngày nay diễn ra chóng mặt, kéo theo nhiều điểm căng thẳng. Covid-19 làm nhiều thứ chậm lại, nhưng cũng khiến nhiều thứ khác chạy nhanh hơn. Ví dụ như mô hình làm/học từ xa khiến cho khái niệm công sở/trường học và “nhà” sáp nhập nhau trên một quy mô chưa từng thấy. Những điểm căng thẳng thật thú vị bởi chúng đưa ra nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời rõ ràng. Tôi cố gắng tìm hiểu xem con người có những nhu cầu cơ bản chung nào vượt qua khác biệt văn hóa và biên giới, đồng thời cách thức để thỏa mãn những nhu cầu ấy tùy vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi người: như việc họ sống ở đâu, có những ràng buộc như thế nào, v.v..

“Nhà (good infinity, bad infinity)” (2018), sắp đặt video 3 kênh, 13:46 phút, chụp từ triển lãm

Khái niệm “nhà” có thể tồn tại ở nhiều cấp độ khác nhau: cá nhân, quốc gia, toàn cầu. Covid-19 khiến trái đất dường như thu nhỏ lại, và các ranh giới mỏng và nhập nhòe hơn nhiều (ranh giới giữa những quốc gia, các giống loài, các vùng địa lý, v.v.). Chúng ta mới bước vào một kỷ nguyên trong đó trái đất trở nên hết sức chật chội với những siêu kết nối, nên khái niệm “nhà” bé nhỏ và riêng tư của từng cá nhân giờ không còn tách rời được khỏi khái niệm “nhà” toàn cầu.

Ace Lê:

Bạn có mối quan tâm đặc biệt tới nghiên cứu thực vật học. Tôi còn nhớ bộ tác phẩm vừa mang tính hệ thống khoa học, vừa rất mẫn cảm của bạn trong triển lãm “Nắng Bằng Phẳng” (2016) tại The Factory Contemporary Arts Centre. Mối quan tâm này từ đâu mà có?

Bùi Lêna:

Việc có muôn vàn dạng thức sống đang tồn tại thật tuyệt vời. Để duy trì sự sống, ta bắt buộc phải tiêu thụ những sinh vật kỳ diệu khác. Nên tối thiểu, tôi muốn gắng tìm hiểu hình thái và nguồn gốc của chúng. Tôi cố xây dựng kiến thức cơ bản cho mình, bắt đầu từ những động thực vật quen thuộc, rồi mở rộng ra những dạng thức sống khác cấu thành nên môi trường, lịch sử, và thần thoại của loài người. Cho tới thời điểm này, tôi thấy kiến thức của mình thật ít, thật nông.

“Nhà (good infinity, bad infinity)” (2018), sắp đặt video 3 kênh, chụp từ triển lãm

Ace Lê:

Bạn đã du trú rất nhiều để thực hiện những dự án tập trung vào các bản địa cụ thể, cả trong và ngoài Việt Nam. Những thay đổi trong trạng thái “bình thường mới” hiện nay sẽ ảnh hưởng thế nào tới cách tiếp cận nghiên cứu và sáng tác của bạn?

Bùi Lêna:

Tôi may mắn khi đã có cơ hội sống ở nhiều nơi, trải nghiệm rất nhiều thứ. Một cách rất tự nhiên, tôi đưa những trải nghiệm đó vào trong tác phẩm của mình, nhưng tôi không nghĩ cần phải đi xa mới có thể sáng tác. Tất nhiên, mỗi chuyến đi đều mang lại những kiến thức và sự tiêu khiển nhất định, và khoảng cách sẽ sinh ra những góc nhìn mới, nhưng chỉ riêng việc dạo quanh ngay nơi ta ở, tìm tòi lướt mạng hoặc đọc sách cũng mang tới cho ta được nhiều tư liệu và mạch khai vấn. Gần như mọi thứ chúng ta tiêu thụ đều đến từ nơi khác, bởi vậy những người với những cuộc sống thật khác biệt vẫn nằm trong một mạng lưới kết nối. Thật thú vị. Đến giờ tôi cũng chưa bao giờ cảm thấy cạn kiệt chủ đề thu hút mình. Chỉ là tôi cần dành đủ thời gian, năng lượng và kỷ luật để triển khai chúng theo cách này hay cách khác.

“Thế cân bằng, số 2” (2020), 90 x 130 cm, màu nước và mực trên lụa

Quan trọng hơn việc đi đây đi đó là việc tìm được một cộng đồng tích cực ủng hộ nhau, một nơi ta có thể trao đổi suy nghĩ và tìm cảm hứng. Điều này vô giá, đặc biệt ở Việt Nam, nơi còn chưa có nhiều ủng hộ cho nghệ thuật đương đại. Theo góc nhìn ấy, những trao đổi trong nước và quốc tế thật cần thiết trong việc giúp nghệ sỹ tiếp tục công việc, và những nơi như NTU CCA đóng vai trò thật quan trọng.

“… khái niệm “nhà” bé nhỏ và riêng tư của từng cá nhân giờ không còn tách rời được khỏi khái niệm “nhà” toàn cầu” – Bùi Lêna

Ace Lê:

Bạn có thể tiết lộ về kế hoạch của mình trong nửa cuối 2021?

Bùi Lêna:

Tôi đang cố hoàn thành nốt một dự án đã bắt đầu khá lâu rồi, bao gồm một video quay tại Nepal và Việt Nam, cùng loạt tranh vẽ có những motif thiên nhiên và motif dạng thức tròn, như biểu tượng của bản ngã và cái bóng của nó. Lấy cảm hứng khái quát từ nghi thức đi vòng tròn trong lễ giáo Phật pháp và Hindu để tìm tòi cái mà chúng ta coi là thiêng liêng, cũng như nhu cầu của chúng ta cần tạo ra những kết nối và chỗ dựa trong cuộc sống.

Ace Lê:

Cảm ơn bạn, và rất mong đến ngày được tận mắt chiêm ngưỡng loạt tác phẩm này!

Thực hiện: Ace Lê

Hình ảnh do nghệ sỹ cung cấp

— * —

Cuộc trò chuyện với Bùi Lêna – nghệ sỹ lưu trú tại NTU CCA Khóa 7 (2020 – 2021), là một phần trong chuyên mục đặc biệt về Trung tâm Nghệ thuật Đương đại NTU Singapore của Art Republik Vietnam #3.


 
Back to top