CEO, Co-Founder của April Advertising – Từ “Đậu bạc, Sơn mài” đến nâng tầm văn hóa Việt tại The MUSE DESIGN Award
Việc April Advertising là đại diện duy nhất từ Việt Nam chiếng thắng giải Platinum với tác phẩm “Trân phẩm Hoàng gia Đông – Tây” tại một sân chơi quốc tế The MUSE DESIGN Award là một câu chuyện vui. Cùng chúng tôi gặp gỡ anh Hồ Anh Tuấn, CEO & Co-Founder của April Advertising, để anh chia sẻ về một bức tranh lớn, không chỉ về quá trình sáng tạo của họ, mà còn về khát khao tôn vinh và lan tỏa văn hóa Việt.
Là đại diện duy nhất từ Việt Nam đạt giải Platinum tại một sân chơi quốc tế The MUSE DESIGN Award, trước hết cảm nhận của anh và đội ngũ của mình như thế nào? Bên cạnh đó, trước khi đến với cuộc thi, kỳ vọng mà anh đặt ra cho đơn vị của mình trong hành trình này là gì?
Đầu tiên, chắc chắn là cảm giác tự hào. Nếu năm vừa rồi, chiến lược phát triển mà April cùng Diageo Việt Nam xây dựng đã góp một phần giúp đối tác đạt được thành công về mặt kinh doanh, nay có thêm trái ngọt khi tác phẩm độc bản của chúng tôi được thế giới công nhận về mặt sáng tạo bởi một giải thưởng uy tín về thiết kế. Hai thành quả nêu trên càng thêm khẳng định hướng đi đúng đắn của chúng tôi trong sự hợp tác này.
Khi tham dự giải, chúng tôi biết rằng sẽ có nhiều thử thách khi hạng mục thiết kế có rất nhiều bài dự thi xuất sắc từ khắp các quốc gia. Dù không đặt quá nhiều kỳ vọng, April vẫn có niềm tin sản phẩm của mình sẽ được ban giám khảo đánh giá cao, đặc biệt là về khả năng giao thoa khéo léo giữa văn hoá Đông – Tây, khi bản địa hóa một thương hiệu quốc tế, một nhãn hàng “dark market” (hay còn được gọi nôm na là “ngành khó”). Chúng tôi mong nhận được nhiều sự đón nhận không chỉ trong nước mà đi ra thế giới, khi cả đội ngũ đã mang được những tinh hoa cũ của Việt Nam trở lại.
Tự đánh giá, anh cảm thấy đâu là những lợi thế cạnh tranh của April Advertising?
Giải thưởng này không phải một phút tỏa sáng trong cuộc thi, mà là thành quả từ công việc chúng tôi làm mỗi ngày, luôn sáng tạo có chiều sâu, thấu hiểu để đặt giá trị bền vững của khách hàng lên ưu tiên cao nhất. Có thể nói, liên tục thực hành, không ngừng nâng cấp, phát triển từng ngày, từng giờ là phương châm sáng tạo của chúng tôi.
Bản thân sáng tạo về văn hóa cũng là thế mạnh đặc trưng của chúng tôi. Văn hóa cần đủ thời gian, đủ thấu hiểu, đủ đam mê, đủ trân quý thì mới vận dụng có thể khéo léo. Mang văn hóa vào quảng cáo có thể trở thành một con dao hai lưỡi, thế nên càng phải làm một cách bền vững, lâu dài.
Cuối cùng, không thể thiếu khả năng thấu hiểu sau nhiều năm đồng hành cùng khách hàng Diageo. Hiểu yêu cầu khách hàng, cũng như nắm được đặc điểm thị trường đã giúp chúng tôi tìm ra những cơ hội biến sản phẩm của mình trở thành điểm nhấn lớn trên truyền thông.
Có thể gọi đó là thiên thời, địa lợi, nhân hòa cho sáng tạo.
Vì sao “Đậu bạc và Sơn mài” được lựa chọn? Quá trình gạn lọc các chất liệu để đi đến lựa chọn mang tính then chốt này đã diễn ra như thế nào?
Thật ra chẳng cần nhìn đâu xa, Việt Nam có bề dày lịch sử cùng nền văn hóa nghệ thuật vô cùng giàu, mạnh. Đáng tiếc là sáng tạo chưa thể khai thác hết. Khi đào sâu đề bài từ Diageo, chúng tôi xác định thử thách là chọn những khía cạnh chất liệu đại diện được cho chiều sâu của tinh hoa nghệ thuật Việt Nam.
Trước khi chọn Đậu Bạc, Sơn Mài hay bất cứ chất liệu nào, chúng tôi luôn khởi đầu bằng mục tiêu của dự án, đối với nhãn hàng và xã hội tại thời điểm đó. Hai phiên bản hộp đạt giải cũng có hai bối cảnh khác nhau. Với hộp “Đậu Bạc Ổ Phụng” được ra đời trong mùa dịch, chúng tôi chọn biểu tượng vừa đại diện cho phồn vinh tái sinh, vừa kết hợp với tính chất hoàng gia của chính thương hiệu John Walker & Sons XR 21. Còn hộp “Sơn Mài Long Mã” ra đời khi kinh tế dần phục hồi, và John Walker & Sons King George V kể câu chuyện về sự vươn lên mạnh mẽ qua hình tượng Long Mã cùng chất liệu Sơn Mài mỹ thuật, phát triển từ kỹ nghệ sơn mài truyền thống trang trí cung đình thời xưa.
Quá trình này là một cuộc đối thoại giữa nhiều bên – April với các nghệ nhân và April cùng khách hàng. Có thể xem đây như sáng tạo chung, một giá trị chung, là nền tảng cho sự hợp tác của tất cả các phía xuyên suốt dự án.
Chiến lược của April với dự án “Trân phẩm Hoàng gia Đông – Tây” khá táo bạo khi chất liệu có trước ý tưởng thiết kế. Đánh giá theo hướng phổ quát, tôi cảm thấy rất rủi ro vì chất liệu sẽ phần nào thu hẹp khả năng vô tận của những ý tưởng. Thứ nhất, các bạn có nghĩ đến mặt hạn chế này không? Thứ hai, các bạn đã phát triển đường dây ý tưởng như thế nào để biến “bất lợi thành lợi thế”?
Vốn dĩ, ý tưởng của chúng tôi là sự giao thoa giữa Đông – Tây, để qua đó tôn vinh được kỹ nghệ chế tác tinh hoa của Việt Nam qua thương hiệu biểu tượng quốc tế. Nên thử thách lớn nhất là truyền tải thông điệp gì qua những kỹ nghệ được chọn.
Đậu Bạc, Sơn Mài mỹ thuật là các chất liệu quý hiếm, tinh xảo, nhưng quan trọng hơn hết là ít được khai thác. Vì thế sự lựa chọn này mở ra vùng đất rộng lớn cho sáng tạo. Những chất liệu đó chẳng những không hề thu hẹp khả năng tạo ra thứ mới, mà còn thúc đẩy sáng tạo vượt ra khỏi giới hạn. Vì thế, ngay từ đầu, đây không phải bất lợi, mà là lợi thế cho ý tưởng của chúng tôi.
Đâu là những giai đoạn gặp nhiều trở ngại nhất? Đội ngũ của anh đã xử lý như thế nào?
Đầu tiên, về tác phẩm, đây không phải một sản phẩm đặt hàng, mà là sáng tạo kết hợp giữa kỹ thuật tinh hoa của các làng nghề, đại diện bởi nghệ nhân, nghệ sĩ, và April với sự thấu hiểu về thương hiệu, thị trường cũng như văn hóa và di sản.
Với khởi đầu khác biệt như vậy, cách làm cũng sẽ khác. Đây là những dự án đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian không chỉ ở khâu sản xuất, mà ở cả quá trình trước đó. Vì đối tác của April không chỉ là các công ty quen thuộc với ngành dịch vụ, mà là các nghệ nhân, nghệ sĩ với mỹ cảm nghệ thuật cùng những quan điểm nghệ thuật rõ ràng. Để thuyết phục họ, thương hiệu cần theo đuổi chung giá trị, để tạo ra tác phẩm đáp ứng kỳ vọng của tất cả.
Giờ nói đến chất liệu. Sơn Mài là một chất liệu cần thời gian để thực hiện được trọn vẹn như mong muốn của họa sĩ, với đủ các lớp theo tiêu chuẩn sơn mài mỹ thuật. Đặc biệt, Sơn Mài vốn cần diện tích lớn để có thể chạm khảm các chi tiết với độ tinh xảo cao, còn hộp quà của Diageo lại có kích thước nhỏ hơn hầu hết tác phẩm mà anh Đinh Văn Sơn từng thực hiện. Nhưng dự án cũng cần đáp ứng thời hạn theo kế hoạch lớn của khách hàng. Nên April luôn sát sao đồng hành, liên tục kết nối các bên để có giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn của dự án.
Cái bắt tay của April và nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh cùng hoạ sĩ sơn mài nổi tiếng Việt Nam Đinh Văn Sơn đã diễn ra như thế nào?
Chắc chắn là không dễ dàng. Đội ngũ sáng tạo của chúng tôi đã sử dụng những hiểu biết văn hóa tích lũy trong thời gian dài, kết hợp cùng các mối quan hệ từng người có trong giới nghệ thuật để tìm được hai nghệ sĩ. Nhưng càng làm, đường đi càng rõ. Sau hàng loạt dự án kết hợp cùng các nghệ sĩ, nghệ nhân của các làng nghề truyền thống đã trở thành một trong những thế mạnh của April.
Nhưng hiểu biết là một chuyện, quan trọng nhất khi hợp tác là hai bên phải chia sẻ chung kỳ vọng, mục tiêu; mà không chỉ thương hiệu, giá trị của những nghệ sĩ, nghệ thuật cũng được nâng tầm theo nhiều cách. Với nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh của làng nghề Đậu Bạc ở Định Công, Hà Nội, dự án như một minh chứng cho thấy kỹ nghệ này có thể trở thành sản phẩm xa xỉ được trân trọng. Đó là một góc nhìn mới vượt xa khỏi những định hình của làng nghề dành cho Đậu Bạc – thường chỉ được ứng dụng cho trang sức, đồ trang trí nhỏ với giá trị không quá cao.
Chính chuyên môn, kinh nghiệm của các nghệ sĩ, nghệ nhân cũng liên tục tăng tính độc đáo của dự án. Trong quá trình thực hiện, với vai trò là một công ty sáng tạo, chúng tôi luôn đặt câu hỏi “Nếu thế này thì sao?”, “Nếu thế kia thì sao?”. Bằng sự cởi mở và kỹ thuật giỏi ở mức bậc thầy, hai anh đã không ngừng phát triển tác phẩm theo các khía cạnh khác nhau từ những bài toán như thế.
Đại diện của April có chia sẻ rằng April là đơn vị theo đuổi sự bền vững. Vậy yếu tố bền vững ở đâu trong sáng tạo lần này, thưa anh?
Mọi người thường nhắc đến bền vững với khía cạnh môi trường, hay tâm lý, xã hội. Chúng tôi chọn phần còn lại mà có lẽ chưa được quan tâm quá nhiều: tôn vinh di sản, tạo điều kiện bền vững cho văn hóa được duy trì và phát triển.
Những dự án của chúng tôi đã và sẽ không ngừng nâng tầm nghệ thuật vốn xưa cũ bằng cách kết hợp cùng thương hiệu quốc tế, với hình tượng mới, cách thực thi mới, và có giá trị truyền thông cao. Đó là cầu nối để thế hệ trẻ có nhãn quan phong phú hơn về nghệ thuật, quan tâm hơn và sẵn sàng góp tài năng để kế thừa các làng nghề truyền thống. Để làng nghề của Việt Nam có cơ hội được vươn tầm trên thế giới.
Cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh!