BUSINESS OF LUXURY

BOL News: Vietnam Airlines là thương hiệu có trải nghiệm khách hàng tốt nhất

Nov 09, 2020 | By Stephanie Nguyen

Trong tuần qua, các tập đoàn xa xỉ từ thời trang đến xe hơi đều ghi nhận nhiều kết quả khả quan từ thị trường châu Á. Thị trường Việt Nam sôi động không kém với sự tăng trưởng đáng ghi nhận từ một thương hiệu smartphone Việt, trong khi Vietnam Airlines trở thành thương hiệu có trải nghiệm khách hàng tốt nhất.

1/ Tập đoàn Capri, Tapestry và Ralph Lauren cải thiện doanh số nhờ giữ nguyên giá bán

Michael Kors không săn đuổi khách hàng bằng cách đưa ra chiết khấu cao. Đó là điều khiến các nhà đầu tư yêu thích.

Capri Holdings Ltd., công ty mẹ của Michael Kors, Jimmy Choo và Versace, cho biết hôm thứ Năm tuần trước (05/11) rằng doanh thu của họ đã sụt giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoài. Tuy nhiên, đây đã là con số cải thiện hơn rất nhiều so với mức sụt giảm doanh số 66,5% trong quý trước. Công ty đạt được tỷ suất lợi nhuận gộp điều chỉnh cao nhờ việc giữ nguyên mức giá và thậm chí, khiến giá bán trung bình của các item cao hơn. Các nhà đầu tư đã chấp thuận tăng giá cổ phiếu công ty hơn 8% vào cùng ngày.

Ngoài Capri còn có Tapestry Inc., công ty mẹ của Coach và Kate Spade, cũng chứng kiến giá bán trung bình cho mỗi mặt hàng tăng, góp phần cải thiện đáng kể tỷ suất lợi nhuận gộp so với cùng kỳ năm 2019. Ralph Lauren Corp. cũng có báo cáo tương tự trong quý gần đây nhất, với giá trung bình mỗi mặt hàng bán ra tăng 26%, góp phần làm tăng tỷ suất lợi nhuận gộp.

2/ Các hãng xe sang đang có bệ phóng mạnh mẽ tại Singapore

Ferrari, Bentley Find Buyers in Singapore Despite Pandemic - Bloomberg

 

Theo Business Times đưa tin vào hôm thứ Sáu (06/11), với dữ liệu từ Cơ quan Giao thông đường bộ và các nhà sản xuất ô tô, doanh số bán ô tô hạng sang ở Singapore vẫn phục hồi tốt bất chấp suy thoái kinh tế từ đại dịch Covid-19.

Cụ thể, 6 thương hiệu bao gồm: Aston Martin Holdings, Bentley Motors Ltd., Ferrari NV, Automobili Lamborghini SPA, McLaren Automotive Ltd. và Rolls-Royce Motor Cars Ltd. đã bán được tổng cộng 178 chiếc xe trong chín tháng đầu năm 2020 so với con số 256 của cho cả năm ngoái.

Các công ty đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để phù hợp với tình hình phong tỏa một phần của Singapore. Sau đó, họ đạt được doanh số bán khoảng 30 chiếc/tháng, cao hơn mức 21/tháng của năm 2019, Business Times cho biết. 

Bernd Pichler, Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Bentley, chia sẻ với Business Times: “Doanh số bán hàng đã tăng đáng kể kể từ lúc các cửa hàng mở cửa trở lại; chúng tôi cho rằng niềm tin của khách hàng đang dần hồi phục.” Trong khi đó, Chong Kah Wei, Tổng giám đốc McLaren Singapore, cho biết đơn hàng của họ vẫn tiếp tục tăng.

3/ Tập đoàn Richemont góp cổ phần vào công ty thương mại điện tử Farfetch Ltd.

Sự kết hợp giữa YNAP và Farfetch sẽ khiến việc săn hàng xa xỉ của khách hàng dễ dàng hơn. Ảnh: Edward Berthelot/Getty Images Europe

Richemont, công ty sở hữu nhà bán lẻ trực tuyến Yoox Net-a-Porter, vừa có cuộc hợp tác với đối thủ cạnh tranh duy nhất của mình trên thị trường thương mại điện tử phát triển lớn mạnh này – Farfetch Ltd.

Đây rõ ràng là một tin tốt đối với Farfetch, công ty vốn đang được Tencent Holdings Ltd. đầu tư lâu năm. Theo thỏa thuận mới, Richemont và Alibaba Group Holding Ltd. (Trung Quốc), mỗi bên sẽ mua 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi của Farfetch và đầu tư 250 triệu USD (tổng cộng 500 triệu USD) vào công ty con của Farfetch ở Trung Quốc. Richemont sẽ sở hữu 12,5% cổ phần của công ty con và thông qua việc chuyển đổi sẽ có cổ phần trong Farfetch.

YNAP và Farfetch đều là những nhà bán lẻ trực tuyến, nhưng có cách thức hoạt động khác nhau. YNAP giống như một cửa hàng bách hóa truyền thống – họ mua và lưu kho hàng hóa cho đến khi có khách hàng mua. Trong khi đó, Farfetch lại là nhà đại diện bán hàng cho các cửa hàng boutique và lấy lời trên doanh thu. Sự kết hợp cả hai mô hình bán hàng trực tuyến này sẽ góp phần tạo nên một nền tảng mạnh mẽ thống trị thế giới kinh doanh xa xỉ trực tuyến và hơn nữa, giúp ngăn chặn sự cạnh tranh mới đến từ Amazon Inc.

4/ Tesla cháy hàng với sản phẩm rượu tequila giá 250 USD/chai

Chai Tesla Tequila có hình dạng tia chớp độc đáo.

Ngày 5/11, công ty xe hơi nổi tiếng Tesla vừa tung ra một sản phẩm không hề nằm trong danh mục thông thường – rượu “Tesla Tequila”. “Tesla Tequila” có giá bán lẻ 250 USD/chai trên trang web của Tesla. Chai rượu có hình tia chớp độc đáo khiến nhiều người thích thú và do Nosotros Tequila, một thương hiệu rượu mạnh ở Nam California chịu trách nhiệm sản xuất.

Sau khi ra mắt, toàn bộ số lượng có sẵn đã cháy hàng, ngay cả khi đơn đặt hàng chỉ giới hạn 2 chai mỗi đơn và chỉ được cung cấp cho khách hàng ở một số bang nhất định của Mỹ.

5/ Vietnam Airlines là thương hiệu có trải nghiệm khách hàng tốt nhất

Thương hiệu Việt nào đang có trải nghiệm khách hàng tốt nhất? - ảnh 1

Kết quả của báo cáo trải nghiệm khách hàng với các thương hiệu Việt Nam thực hiện bởi KPMG, Vietnam Airlines, thương hiệu 64 năm tuổi của hãng hàng không quốc gia, đang là người dẫn đầu.

Theo đó, Vietnam Airlines đang có những tiến bộ đáng kể trong việc nâng cao trải nghiệm người dùng với cách tiếp cận trọng tâm là lắng nghe khách hàng, những phản hồi giúp họ cải tiến dịch vụ, một trong số biểu hiện qua việc phục vụ đồ ăn, thức uống và cách giao tiếp giữa nhân viên và khách hàng.

6/ Thị phần smartphone Việt Nam quý III có sự bổ sung của các thương hiệu Việt

Thị phần smartphone Việt Nam quý 3/2020: Vsmart đi ngang với 9%, Xiaomi tăng mạnh lên 12% và mở cửa hàng Mi Store chính thức tại Hà Nội - Ảnh 1.

Công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Canalys vừa đưa ra số liệu quý III của thị trường smartphone Việt Nam. Top 5 thương hiệu chiếm lĩnh thị trường Việt trong quý III bao gồm Samsung, Oppo, Xiaomi, Vsmart và VIVO, trong đó Vsmart là thương hiệu điện thoại Việt Nam, do Tập đoàn Vingroup hợp tác với Pininfarina thiết kế. 

Cụ thể, Samsung dẫn đầu với thị phần 33%, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Oppo cũng giảm 21% và đứng thứ 2 thị phần với 15%. Vsmart đi ngang ở mức 9% và Xiaomi tăng mạnh với mức 12%, tăng cường nhận diện thương hiệu tại Việt Nam với một cửa hàng Mi Store mới tại Hà Nội.

Điện thoại thông minh Vsmart thuộc quản lý của VinSmart – CTCP Nghiên cứu và sản xuất VinSmart. Các sản phẩm này chiếm lĩnh chủ yếu ở phân khúc smartphone phổ thông có giá từ 2 triệu VND trở lại, nhưng thị phần theo tuần có lúc lên tới 75-77%. 

Cũng theo Canalys, tại khu vực Đông Nam Á, Samsung đứng đầu với thị phần 20%, VIVO đứng thứ hai với 19%, Oppo đạt 18%, Xiaomi tăng lên mức 14% lên mức 18% trong quý III/2020.


 
Back to top