ART & CULTURE

Đá núi lửa: Vật liệu kiến trúc mới giúp chống biến đổi khí hậu?

Aug 14, 2021 | By Trang Ps

Điều kiện khí hậu trên khắp thế giới thay đổi khắc nghiệt và nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm, vì thế, các vật liệu và kỹ thuật kiến trúc đang phải đổi mới để chuẩn bị cho một tương lai bền vững hơn.

Carbon to Rock Biennale 2021

Carbon to Rock, một tác phẩm sắp đặt bằng đá núi lửa của IGNEOUS TECTONICS, bao gồm hai thành viên là Cristina Parreño và Sergio Araya, đang được trưng bày tại Venice Biennale 2021. Đá núi lửa cũng là một vật liệu đầy hứa hẹn trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu, theo nguồn tin từ Archdaily.

Carbon to Rock Biennale 2021

Carbon to Rock bắt đầu với tiền đề rằng tất cả nguồn carbon trên trái đất đều bắt nguồn từ đá và kết thúc trong đá. Nguyên tắc này đã trở thành nền tảng của các công nghệ mới, nhằm mục đích rút ngắn quá trình chuyển đổi CO2 thành đá bazan.

Paul Jozef Crutzen, nhà hóa học đạt giải Nobel vào năm 1995, từng khẳng định rằng loài người đang biến đổi thành một lực lượng địa chất và ông đề cập đến sự sụp đổ rào cản giữa con người và thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, có lẽ, điểm quan trọng nhất mà ông đưa ra là vai trò của con người giữa thiên nhiên.

Theo nghĩa này, dự án của IGNEOUS TECTONICS khám phá các phương pháp nhân tạo mới định hình các quá trình carbon địa chất, hình dung đá phun trào/đá mácma như một nguồn tài nguyên kiến trúc mới có khả năng giữ CO2.

Như chủ đề của biennale năm nay “Chúng ta sẽ sống cùng nhau như thế nào?”, dự án là một trong nhiều cách để đánh giá vị trí của con người giữa các loài sinh vật sống khác, và tác động của con người đối với chu trình carbon trên hành tinh.

Dự án của IGNEOUS TECTONICS đề xuất rằng CO2 được giữ lại trong đá có khả năng tạo ra các hệ thống xây dựng bền vững, kết hợp kiến thức truyền thống về vật liệu đá với công nghệ sản xuất mới và khả năng hấp thụ CO2.

IGNEOUS TECTONICS là tổ chức nghiên cứu được thành lập vào năm 2017 bởi Cristina Parreño và Sergio Araya. Đơn vị hướng đến việc giải quyết các vấn đề môi trường, xã hội và văn hóa hiện đại mà toàn cầu đang phải đối mặt, thông qua việc sử dụng các vật liệu địa phương thu hoạch từ núi lửa.

Sử dụng đá núi lửa làm nguồn tài nguyên không chỉ có lợi cho môi trường mà còn là cơ hội để hợp nhất lịch sử, địa chất và công nghệ tiên tiến, cũng như kiến thức của xã hội bản địa với kiến thức của khoa học hiện đại.


 
Back to top