ART & CULTURE

“Đây không phải là một cuộc chiến” – Đây là nghệ thuật Việt đương đại

May 20, 2025 | By LUXUO

17 nghệ sĩ Việt Nam – bao gồm các nghệ sĩ Việt sinh sống tại Mỹ, Pháp và Đức, cùng tham gia trong một triển lãm nhóm mang tên “Ceci N’est Pas Une Guerre – This is Not A War” tại New York, do phòng trưng bày Eli Klein tổ chức, Đỗ Tường Linh giám tuyển.

Nghệ thuật đương đại Việt Nam từ lâu có khuynh hướng bị giới hạn trong những câu chuyện về chiến tranh, chấn thương và sự sống còn. Vượt ra ngoài khuynh hướng ấy, triển lãm “Ceci N’est Pas Une Guerre – This is Not A War” (Đây không phải là một cuộc chiến) hướng đến “sự phức tạp và sức sống của nghệ thuật Việt đương đại: không bị ràng buộc, không thể đoán trước và tràn đầy năng lượng”.

Được giám tuyển bởi Đỗ Tường Linh, cuộc triển lãm này tạo ra một cuộc đối thoại nhiều lớp, vừa mang tính thơ ca vừa mang tính chính trị, hướng nội và có sự tham gia toàn cầu. “Đây không phải là một cuộc chiến” thúc đẩy việc xem xét lại cách văn hóa thị giác Việt Nam được trình bày trong bối cảnh toàn cầu.

Có một thế hệ nghệ sĩ đã tham gia sâu vào lịch sử 50 năm hậu chiến, các tác phẩm của họ thường được diễn giải thông qua lăng kính của hậu quả. Trong bối cảnh cải cách kinh tế lớn của Việt Nam, nhiều nghệ sĩ đã khám phá các chủ đề về bản sắc, kiểm duyệt và “sự khác thường” (queerness) theo cách phê phán.

Bức tranh trữ tình của Ca Lê Thắng đóng vai trò như một chú thích nhẹ nhàng cho quang cảnh thiên nhiên và tâm linh của miền Nam Việt Nam, thể hiện tình cảm sâu sắc với thiên nhiên và lịch sử quê hương.

Ca Lê Thắng, “Beneath Deep Rivers, Field Submerged No. 3” (2024) – tạm dịch: “Bên dưới những dòng sông sâu, cánh đồng ngập nước số 3”, sơn dầu, acrylic và kỹ thuật hỗn hợp trên vải, 100 x 170 cm. Nguồn ảnh: Eli Klein Gallery

Thông qua sự hài hước và tính biểu tượng, nghệ sĩ Trần Lương kể lại một truyền thuyết của Việt Nam, một cách nhẹ nhàng nhưng “dễ vỡ”, phản ánh những căng thẳng và chuyển đổi chính trị, xã hội của Việt Nam vào đầu thế kỷ 21.

Trần Lương, “Fairy Tale Soup – Chu Dong Tu and Tien Dung” (2003) – tạm dịch: “Canh cổ tích – Chử Đồng Tử và Tiên Dung”, video độ nét tiêu chuẩn (màu sắc, âm thanh), 14:40 phút. Nguồn ảnh: Eli Klein Gallery

Trương Tân, người được coi là nghệ sĩ đồng tính công khai đầu tiên của Việt Nam, đã tạo ra những tác phẩm mang tính biểu tượng và đột phá trong việc khám phá các chuẩn mực xã hội và bản sắc thiểu số bị gạt ra bên lề.

Kết hợp nghiên cứu lịch sử với nghệ thuật khái niệm không được dạy trong hệ thống giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam, Bùi Công Khánh đã thách thức một cách vui tươi nhưng cũng đầy phê phán các hệ thống khen thưởng chính thức, bằng cách kết hợp các huy hiệu quân sự bằng sứ từ nhiều quốc gia để đặt câu hỏi về thẩm quyền đằng sau những tấm huy chương.

Bùi Công Khánh, “Porcelain Medals” (2018) – tạm dịch: “Huy chương sứ”, phiên bản 5, gồm 140 huy chương sứ vẽ tay. Nguồn ảnh: Eli Klein Gallery

Đối với Oanh Phi Phi, sơn mài Việt Nam đóng vai trò là chất liệu cốt lõi trong thực hành của cô, qua đó khám phá sự truyền tải ký ức, suy ngẫm về lý thuyết hình ảnh và khả năng thử nghiệm về quy mô và kỹ thuật.

Oanh Phi Phi, “Scry – Conceits” (2025) – tạm dịch: “Suy đoán – Tự phụ”, sơn mãi trên gỗ với khung do nghệ sĩ thiết kế, kính lúp, 50 x 55 x 10 cm. Nguồn ảnh: Eli Klein Gallery

Bùi Thanh Tâm kết hợp tinh thần ý nhị của truyền thống dân gian Việt Nam với sức hấp dẫn táo bạo của văn hóa đại chúng và tiêu dùng, tạo nên những tác phẩm vừa mang tính thách thức, vừa quyến rũ và khiêu khích.

Bùi Thanh Tâm, “Nothing behind I” (2019) – tạm dịch: “Không có gì ở phía sau I”, ghép dán tranh dân gian Kim Hoàng, Hàng Trống, Đông Hồ, vàng lá, acrylic trên canvas, 180 x 125 cm. Nguồn ảnh: Eli Klein Gallery

“Đây không phải là một cuộc chiến” tập trung nhiều hơn vào thế hệ nghệ sĩ trẻ, những người phản ánh về tính vật chất, ký ức, và thần thoại, tái hiện bản thân và văn hóa vượt ra ngoài những gánh nặng của chấn thương lịch sử. Lực lượng trẻ này đã chuyển hướng sang thử nghiệm vật liệu, ngôn ngữ châm biếm và các phương pháp liên ngành để truy vấn các vấn đề xã hội đương đại, đồng thời tham gia sâu sắc vào chủ đề giới tính, chính trị và ký ức văn hóa trong bối cảnh đất nước đang chuyển đổi nhanh mạnh.

Phạm Tuấn Tú kết hợp các yếu tố nguyên thủy và hài hước trong tác phẩm của mình, sử dụng kỹ thuật thủ công tinh xảo và nhiều loại vật liệu khác nhau để đào sâu vào sự phức tạp của xã hội đương đại.

Phạm Tuấn Tú, “Untitled” (2019) – tạm dịch: “Vô đề”, chất liệu gỗ, kích thước từ trái sang phải: 66 x 19,8 x 5,4 cm, 68,5 x 23,1 x 5 cm, 63,5 x 19,8 x 5,4 cm. Nguồn ảnh: Eli Klein Gallery

Nguyễn Phương Linh đan xen những ký ức cá nhân vào bối cảnh văn hóa rộng lớn, khéo léo biến đổi các đồ vật và vật liệu mà cô tìm thấy, nhằm bộc lộ sự yếu đuối của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam.

Nguyễn Phương Linh, “Allergy” (2004) – tạm dịch: Dị ứng, 6 kg đinh trên đồ lót, phiên bản 1 + 1AP. Nguồn ảnh: Eli Klein Gallery

Kết hợp các chủ đề chính trị với tính thẩm mỹ khoa học viễn tưởng, Arlette Quỳnh-Anh Trần xây dựng những câu chuyện phi tuyến tính và phi lý về lịch sử hiện đại, thách thức các khuôn khổ thống trị hậu Chiến tranh Lạnh xung quanh Nam Bán cầu.

Arlette Quỳnh-Anh Trần, “Moon Dance and Her Besiege” (2024) – tạm dịch: Vũ điệu Trăng và sự bao vây của cô ấy”, ảnh ghép thấu kính kỹ thuật số trong khung do nghệ sĩ thiết kế, 36 x 120 cm, phiên bản 2/5. Nguồn ảnh: Eli Klein Gallery

Đoàn Văn Tới và Lê Hoàng Bích Phương đều khám phá nhịp điệu đương đại của phương tiện truyền thống. Trong khi Đoàn Văn Tới dệt các điểm ảnh kỹ thuật số vào lụa và vải dệt để phản ánh mối quan hệ phức tạp giữa con người và thiên nhiên, Bích Phương sử dụng làn lụa mỏng manh để kết hợp chủ nghĩa siêu thực với sự lật đổ lặng lẽ, đặt câu hỏi về giới tính, sự lập dị và chuẩn mực xã hội.

Đoàn Văn Tới, “Mediation” (2024) – tạm dịch: “Hòa giải”, lụa, chỉ thêu, vải, màu nước, 60 x 80 cm. Nguồn ảnh: Eli Klein Gallery

Lê Hoàng Bích Phương, “You’re what you eat” (2025) – tạm dịch: “Ăn gì bổ nấy”, màu nước trên lụa, 33,5 x 33,5 cm. Nguồn ảnh: Eli Klein Gallery

“Đây không phải là một cuộc chiến” cũng làm nổi bật các nghệ sĩ Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ, Pháp và Đức, những người có tác phẩm đề cập đến các chủ đề về sự dịch chuyển, sự lai tạp văn hóa và đổi mới nghệ thuật.

Tại sang giao lộ của phương tiện truyền thông mới, thực hành của các nghệ sĩ này xoay quanh tường thuật giả tưởng và quy trình kỹ thuật số, tái hình dung và tái thiết truyền thống, bản sắc. Nghệ thuật Việt đương đại đang tích cực hướng đến tương lai, tạo ra những cuộc đối thoại và kết nối mới giữa trải nghiệm cá nhân và bối cảnh toàn cầu.

My-Lan Hoang-Thuy định nghĩa lại mối quan hệ giữa nghệ sĩ và phương tiện sáng tác, sử dụng các giọt acrylic như một “bức tranh” để kết hợp hội họa với nhiếp ảnh cá nhân, tạo ra một ngôn ngữ hình ảnh nơi sự gần gũi, tự phát và trí tưởng tượng giao thoa.

My-Lan Hoang-Thuy, “Velours” (2022) – tạm dịch: “Nhung”, in phun ấn tượng (Impression jet d’encre), bột màu, chất kết dính acrylic, 30 x 20 cm. Nguồn ảnh: Eli Klein Gallery

Phạm Hà Ninh khám phá việc xây dựng lãnh thổ và nhận thức thông qua hội họa và điêu khắc, tạo ra những thế giới tưởng tượng được định hình bởi logic độc đáo và cảm giác hoài nghi tiềm ẩn của anh.

Phạm Hà Ninh, “Rain” (2020) – tạm dịch: “Mưa”, than chì, bút chì màu, bút dạ cồn và acrylic trên giấy, 108 x 62 cm. Nguồn ảnh: Eli Klein Gallery

Bằng cách khâu lụa nhuộm lên vải, Vũ Minh Dũng khởi xướng cuộc đối thoại giữa bề mặt vật liệu và kết cấu thị giác, tìm hiểu tính vật chất, ánh sáng, bóng tối và nhận thức.

Vũ Minh Dũng, “Untitled” (2024) – tạm dịch: “Vô đề”, acrylic, khâu lụa và vải linen thành hai phần, 61 x 82 cm (61 x 41 cm mỗi phần). Nguồn ảnh: Eli Klein Gallery

Nguyễn Xuân-Lam đưa nghệ thuật dân gian Việt Nam bị lãng quên vào bối cảnh đương đại, tập trung vào nhiếp ảnh Đông phương Đông Dương (Indochinese Orientalist photography) và các hiện vật văn hóa bị di dời, kết hợp các yếu tố tự sự với bản sắc queer để xây dựng nên những câu chuyện thay thế, đầy trục trặc, đưa ra lời bình luận sống động về mối giao thoa giữa bản sắc và lịch sử.

Nguyễn Xuân-Lam, “Welcome to the Met” (2024) – tạm dịch: “Chào mừng đến Kinh đô”, acrylic, bút chì màu, chuyển ảnh trên bảng, 121,9 x 91,4 cm. Nguồn ảnh: Eli Klein Gallery

Trong khi các tác phẩm điêu khắc của Nguyễn Anh-Thuy khám phá mối quan hệ giữa trạng thái cảm xúc và cơ thể con người. Van Khanh thông qua việc số hóa và biến đổi các loại đồ gia dụng hàng ngày của Việt Nam, tạo ra các bản sao sợi nhân tạo (faux-fibre) – tồn tại giữa thực tại vật lý và mộng cảnh kỹ thuật số, tái hiện những yếu tố truyền thống và thần thoại trong các câu chuyện chuyển thể.

Nguyễn Anh-Thuy, “Dependable Distance” (2019) – tạm dịch: “Khoảng cách đáng tin cậy”, thép, phần cứng, đá thạch cao và silicone, 152 x 51 x 30 cm. Nguồn ảnh: Eli Klein Gallery

Van Khanh, “Roi May/ Pixel-weaving Sample 1.2” (2024) – tạm dịch: “Roi mây/ Mẫu dệt điểm ảnh 1.2”, bản in Risograph, chốt gỗ, ren cotton, kích thước tùy biến. Nguồn ảnh: Eli Klein Gallery

Triển lãm “Ceci N’est Pas Une Guerre – This is Not A War” sẽ diễn ra tại phòng trưng bày Eli Klein, New York (Hoa Kỳ), từ ngày 23 tháng 5 đến ngày 23 tháng 8 năm 2025.

 

Nguồn: Eli Klein Gallery


 
Back to top