Nghệ sĩ Đỗ Đình Hương: “Nghệ thuật là quá trình mở lòng với bên ngoài”
Nếu chỉ đơn thuần lướt gặp cô Hương ở ngoài không ai nghĩ rằng đây người phụ nữ Việt vóc dáng nhỏ nhắn như cô lại là một người nghệ sĩ giàu sức lao động đến vậy. Ở độ tuổi gần bát thập, khi đa số nghĩ đến sự yên bề tận hưởng niềm vui cùng gia đình con cháu, cô Hương cùng người con trai Đỗ Đình Khoa, giám đốc sáng tạo của Moet & Chandon tất bật trò chuyện với những người tham dự Asia Now 2021 đến xem tranh của cô.
Giám tuyển Hervé Mikaeloff, một người có kinh nghiệm lâu năm trong việc tư vấn giới thiệu nghệ thuật cho các cơ sở nghệ thuật, chịu trách nhiệm cho lần ra đầu tiên sau 50 năm “ẩn dật” của cô Hương với thị trường tại một hội chợ nghệ thuật thương mại bên cạnh một show riêng. Có thể coi triển lãm riêng mang tiêu đề “À la conquête de la lumière” (Cuộc chinh phục ánh sáng) như một màn bước ra của người nghệ sĩ đến công chúng, giới thiệu hơn một chục tác phẩm trừu tượng về cảnh sắc Việt Nam, về ánh sáng và màu sắc len lỏi giữa bảo tàng Guimet và Hôtel d’Heidelbach.
- Triển lãm “À la conquête de la lumière” exhibition, Hôtel d’Heidelbach, Paris, 2021 © Hình ảnh bởi Luca Nicolao
Nghệ sĩ Đỗ Đình Hương (tên khai sinh Nguyễn Thị Hương), quê Sóc Trăng, đến Pháp từ những năm 1953, chạy khỏi cuộc chiến tranh Đông Dương vẫn giữ thói quen dạy sớm làm việc từ 4 giờ sáng tại xưởng của mình ở Paris. Không lòe loẹt, không những nét cọ bùng nổ mà bằng những tông màu điềm đạm, những mô típ hình học tưởng chừng như ngẫu nhiên nhưng đầy lý tính trên những khoảng tĩnh trên toan, cô Hương đến với hội họa bằng sự chánh niệm và thiền định mà không cần bất kỳ biểu tượng hay tôn giáo cụ thể nào vào hội họa. Ấn tượng lướt nhanh ban đầu, các tác phẩm của cô có sự pha trộn của trừu tượng đơn sắc ở Robert Rymann với tối giản ở Sol Lewitt hay Agnès Martin nhưng khi tiếp cận thực tế cận ở ngoài thì người xem sẽ dễ dàng nhận thấy hoàn toàn là một phong cách nghệ thuật riêng biệt của nghệ sĩ gốc Việt.
Thực hành nghệ thuật của cô còn được miêu tả là “độc nhất” như cách mà giám tuyển Hervé giới thiệu. Độc nhất cũng bởi vì khi cô thực hiện các tác phẩm của mình không cần đến trợ lí, nghiên cứu sâu về chất liệu màu hoàn toàn làm bằng bột khoán tự nhiên từ vùng Provence. Và hơn thế nữa, giữa một thế giới nghệ thuật toàn cầu mà nam giới chiếm ưu thế còn ở Việt Nam người ta vẫn mải mê chạy theo các “cụ” Đông Dương thì sự xuất hiện của một nữ nghệ sĩ gốc Việt mang đến nguồn năng lượng hoàn toàn cần thiết và mới bằng tư duy nghệ thuật vượt thời gian, đột phá về kỹ thuật.
Sau Asia Now 2021, tháng 3/2022, Pace gallery, phòng trưng bày nghệ thuật đương đại và hiện đại hàng đầu thành lập bởi nhà môi giới Arne Glimcher với 9 địa điểm trên toàn thế giới, có bề dày lịch sử 60 năm, thông báo làm đại diện cho cô Hương. Một sự thừa nhận xứng đáng và niềm tự hào khi một nghệ sĩ gốc Việt đứng cạnh với các tên tuổi Alexander Calder, Jean Dubuffet, Barbara Hepworth, Agnes Martin, Louise Nevelson và Mark Rothko do Pace làm đại diện đưa đến công chúng.
- Triển lãm “Ascension”, Museo Correr, Venice, 2022 © Hình ảnh bởi Luca Nicolao
Sau Asia Now 2021, tháng 3/2022, Pace gallery, phòng trưng bày nghệ thuật đương đại và hiện đại hàng đầu thành lập bởi nhà môi giới Arne Glimcher với 9 địa điểm trên toàn thế giới, có bề dày lịch sử 60 năm, thông báo làm đại diện cho cô Hương. Một sự thừa nhận xứng đáng và niềm tự hào khi một nghệ sĩ gốc Việt đứng cạnh với các tên tuổi Alexander Calder, Jean Dubuffet, Barbara Hepworth, Agnes Martin, Louise Nevelson và Mark Rothko do Pace làm đại diện đưa đến công chúng.
Kể từ đó, song song với Venice Biennale 2022, cô Hương đã có một show tiếp theo tại bảo tàng Correr với tên gọi Ascension (Tạm dịch: Thăng hoa). Một dự án nghệ thuật sắp đặt bao gồm mười bốn bức tranh của cô Hương, mỗi bức cao 3 mét, được đặt để tái tạo một hình tam giác bao quanh tác phẩm điêu khắc bằng gỗ Madonna della Misericordia (Đức mẹ Từ Bi), một tác phẩm điêu khắc bằng gỗ từ thế kỷ XV. Ở triển lãm này cô Hương truyền đạt mối liên hệ giữa biểu tượng tâm linh và cuộc hành trình đi tìm ánh sáng của mình khiến người xem cảm giác như đi giữa hai thế giới khi đặt chân vào gian phòng này. Đặc biệt hơn, trong tám năm qua, “Sala delle Quattro Porte” chỉ tổ chức triển lãm của các nữ nghệ sĩ quan trọng, như Jenny Holzer, với tác phẩm War paintings (Những bức tranh chiến tranh), và Shirin Neshat, với tác phẩm “The Home of My Eyes” (Ngôi nhà của đôi mắt tôi).
- Tác phẩm trong triển lãm VIE | VIDE, Seoul, 2023 Sans Titre, 1989. Giấy tráng gắn trên bảng gỗ, 39,5cm × 58,5cm © Huong Dodinh, Pace Gallery
- Triển lãm Gwangju Biennale 2023, chùa Phật giáo Mugaksa với các tác phẩm của cô Hương. Hình ảnh Gwangju Biennale Foundation. Ảnh: glimworkers
Năm 2023, trong khuôn khổ Gwangju Biennale, Pace Gallery lần đầu tiên giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật mang tính chiêm nghiệm của Huong Dodinh ở châu Á. Những tác phẩm này được trưng bày trong khuôn viên thanh bình của ngôi chùa Phật giáo Mugaksa, đánh dấu sự tái kết nối của cô với châu Á sau vài thập kỷ vắng bóng. Cho mùa lễ hội nghệ thuật Hàn Quốc này, Pace không chỉ giới thiệu cô Hương mà còn có các nghệ sĩ nổi bật khác như Latifa Echakhch, Lee Kun-Yong và Liu Jianhua.
Tiếp nối sự kiện biennale, Pace đã tổ chức triển lãm cá nhân thứ ba của cô tại Seoul, Hàn Quốc, tại không gian của họ ở Itaewon. Nhân dịp này, L’Officiel Vietnam vinh dự được đối thoại với cô Hương. Cuộc trò chuyện bao gồm các chủ đề từ trừu tượng đến các khía cạnh đa diện trong phương pháp sáng tạo, cung cấp những hiểu biết sâu sắc về tầm nhìn và quan điểm nghệ thuật của cô.
L’OFFICIEL Việt Nam xin cảm ơn nghệ sĩ Đỗ Đình Hương, ông Đỗ Đình Khoa và phòng trưng bày Pace đã đồng ý và hỗ trợ cho cuộc trò chuyện này.
Cô Hương, với hơn 50 năm sáng tạo nghệ thuật, tầm nhìn hội họa của cô là một công việc cả đời. Đối với cô, trừu tượng là gì và cô có thể miêu tả mối quan hệ của mình với trừu tượng như thế nào?
Trừu tượng không có định nghĩa nếu định nghĩa được thì đã không phải là trừu tượng. Với cô, thì đó là mối quan hệ trao đổi hằng ngày từ rất lâu rồi.
Thiên nhiên đóng một vai trò quan trọng trong tác phẩm của cô, vì các vật liệu mà cô sử dụng đều bắt nguồn từ tự nhiên. Cô có nhớ khoảnh khắc gặp gỡ đầu tiên với thiên nhiên, khoảnh khắc lung linh nào đã dẫn dắt cô đến hội họa? Khi cô bắt đầu vẽ tranh lúc trẻ, cô đã làm thế nào để chuyển hóa những gặp gỡ này thành hội họa?
Từ lúc 8 tuổi, những năm 50, khi cô sang Pháp, lần đầu tiên nhìn thấy tuyết cô cảm thấy bị mê hoặc. Hiện tượng thiên nhiên này có sức hút kì lạ, chỉ đơn giản làm cô thấy tò mò, thích thú. Rồi lúc nhỏ, khi nhận được hộp màu nước đầu tiên, cô chỉ tập trung giành hết thời gian để vẽ. Ở gia đình cô không ai theo nghệ thuật nhưng việc vẽ, tương tác với những cây cọ đã trở thành một thứ không thể tách rời với cô. Những hình ảnh hiện tượng thiên nhiên đối lập với Việt Nam thời bấy giờ luôn làm cô tò mò bên cạnh đam mê hội họa.
Đối với cô, điểm chung giữa trừu tượng, thiên nhiên và cuộc sống? Liệu trừu tượng có mang tính cấp tiến?
Bản thân chúng ta bị giới hạn bởi các giác quan. Hội họa của cô là sự tiếp diễn liên tục, những đường nét giữa những khoảng trắng chỉ cho chúng ta các định hướng. Trừu tượng, thiên nhiên hay cuộc sống đều nằm ngoài tất cả các giác quan. Mọi thứ đều có liên kết với nhau và phụ thuộc vào nhau. Chính vì vậy, trừu tượng mang tính cấp tiến.
- Triển lãm “À la conquête de la lumière”, Hôtel d’Heidelbach, Paris, 2021 © Hình ảnh bởi Luca Nicolao
Triển lãm đầu tiên tại Musée Guimet giới thiệu tầm nhìn toàn cầu của cô về thiên nhiên, ánh sáng, màu sắc và cảnh quan Việt Nam cho công chúng. Tuy nhiên, triển lãm thứ hai tại Museo Correr, “Sala delle Quattro Porte” (Phòng Tứ Cửa), trưng bày 14 bức tranh trước tượng nữ thần Maria della Misericordia, và đó là một sắp đặt tâm linh với sự xuất hiện của hình ảnh tín ngưỡng con người. Cô cảm thấy thế nào về sự tương phản này? Đó có phải là cuộc hành trình mà cô muốn mời khán giả tham gia cùng?
Công việc thực hành của cô mang nhiều tính thiền định luôn tiếp diễn và vào cái hư không. Thiền định ở đây không phải là tín ngưỡng nhưng đứng trước sự linh thiêng của Đức Mẹ từ bi, đó là một sự sắp đặt để đối thoại giữa hội họa và tín ngưỡng. Cô cũng muốn mời khán giả bước vào sự tĩnh lặng, cảm nhận sự vô tận và để lắng đọng trước thế giới đầy giông bão này.
- Chi tiết triển lãm “Ascension”, Museo Correr, Venice, 2022 © Hình ảnh bởi Luca Nicolao
Với triển lãm thứ ba tại Seoul tại Pace gallery, khái niệm về sự trống của cô mở một chương mới. Liệu cô có coi serie tranh KA như một lời độc thoại riêng tư?
Triển lãm VIE | VIDE là một tiếp cận hình ảnh mang tính phổ quát. Với cô, những khoảng trắng, khoảng trống luôn làm nguồn cảm hứng chính của cô. Cô luôn nghĩ về cuộc sống. Mặc dù những tấm toan có rất nhiều khoảng trống nhưng thực ra khi tiếp cận chúng có rất nhiều lớp lang và khi ta nhìn chúng ta nên nhìn rộng ra, vượt qua khỏi tấm toan.
- Tác phẩm trong triển lãm VIE | VIDE, Seoul, 2023 K.A. 275 (diptyque), 2022, Chất kết dính hữu cơ và bột màu tự nhiên trên canvas căng trên, gỗ 84 cm × 135 cm × 4 cm, mỗi tấm, 84 cm × 270 cm × 4 cm, tổng thể © Huong Dodinh, Pace Gallery
Là một người tị nạn trong quá khứ, tại sao cô đã chọn phong cách làm việc này – cô đơn và tập trung vào con đường riêng của bản thân – một cách hoàn toàn khác biệt với những nghệ sĩ cùng nguồn gốc?
Mỗi người đều có số phận và định mệnh của họ. Có người bị đồng hóa còn có người thì tự do. Bản thân cô cũng chịu ảnh hưởng của kỹ thuật vẽ phương tây từ lúc đi học ở trường Mỹ Thuật Paris.
Nhiều sự kiện đã diễn ra trong giai đoạn ở atelier của cô. Khi triển lãm đầu tiên của cô ở tuổi 76, cô đã làm thế nào để đối diện với xã hội hay thế giới nghệ thuật thương mại?
Không phải đối diện mà cô sống hằng ngày. Cô vẫn làm mọi thứ đều đặn, thức dậy từ sớm làm việc ở atelier một mình như một nhà sư sống trong hang. Phần còn lại đã được đội ngũ tài năng và giàu kinh nghiệm của Pace giúp đỡ cô.
Mẹ thiên nhiên của chúng ta đang thay đổi theo nhiều cách khác nhau. Liệu cô có muốn nghệ thuật của mình nhắc nhở công chúng phản ứng khác biệt với thiên nhiên hoặc suy nghĩ khác biệt?
Một sự tôn trọng lớn dành cho cuộc sống và cho tất cả.
- Tác phẩm trong triển lãm VIE | VIDE, Seoul, 2023 K.A. 269, 2022 Chất kết dính hữu cơ và bột màu tự nhiên trên canvas căng trên gỗ 84 cm × 135 cm × 4 cm © Hương Dodinh, Pace Gallery
Liệu nghệ thuật có lớn hơn cuộc sống không?
Cuộc sống mà không có nghệ thuật thì chúng ta không sự trao đổi với thế giới bên ngoài. Nghệ thuật là một quá trình cởi mở mình với tất cả mọi thứ. Ta phải mang đến những bó hoa thay vì những vũ khí.
Trong tương lai gần, cô có ý tưởng nào về việc sáng tạo nghệ thuật về Việt Nam không?
Cô chỉ sáng tác những gì diễn ra trong hiện tại.
- Triển lãm Vie | Vide, Pace Gallery, Seoul, 2023 © Huong Dodinh, cung cấp bởi Pace Gallery
- K.A. 94, 2007 Chất kết dính hữu cơ và bột màu tự nhiên trên canvas căng trên gỗ 122 cm × 98 cm © Huong Dodinh, courtesy Pace Gallery Ảnh bởi Jacques Habbah
Thực hiện: Tâm Huỳnh
Trợ lý: Dung Phạm