ART & CULTURE

Điểm tên những bức tranh của các danh họa Việt xuất hiện trong triển lãm République D’Art

Jul 22, 2020 | By Trang Ps

Nhiều bức tranh của các danh họa Việt Nam như Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Xương, Văn Đen, Lưu Công Nhân, Lê Công Thành sẽ xuất hiện tại triển lãm “Luxuo Art | République D’Art – “Vùng nhiệt đới gió mùa” diễn ra từ 23 đến 26/7 này. Đây là cơ hội hiếm hoi cho giới sưu tầm nội địa thưởng lãm và sở hữu tác phẩm của các họa sĩ tài ba.

“Thảnh thơi” của Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993)

Nhắc đến hội họa Việt Nam, không thể không nhắc đến cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí – “cha đẻ của lối vẽ sơn mài tân thời của nước ta”. Suốt cuộc đời, ông hoạt động nghệ thuật cần mẫn, kiên trì, và có công lớn trong việc đưa mỹ thuật sơn mài Việt Nam lên ngang hàng với nền nghệ thuật chung của toàn cầu.

Bức tranh “Thảnh thơi” của Nguyễn Gia Trí có kích thước 120 cm x 60 cm bằng chất liệu sơn mài trên giấy và là một phần trong bộ sưu tập của Bùi Quốc Chí. Đây là một dịp hiếm hoi khi lần đầu tiên ngoài khuôn viên bảo tàng, công chúng có cơ hội chiêm ngưỡng và sở hữu tác phẩm của họa sĩ tài ba này.

“Khỏa thân với đèn dầu” của Lê Công Thành (1932 – 2019)

Trong sự nghiệp của mình, họa sĩ – nhà điêu khắc Lê Công Thành đã để lại không ít tác phẩm giá trị cho mỹ thuật Việt Nam. Thực hành sáng tạo của Lê Công Thành được chia làm hai giai đoạn với cột mốc là năm 1985. Trước 1985, ông tập trung những đề tài của nền nghệ thuật hiện thực XHCN. Sau đó, ông chú tâm mô tả vẻ đẹp phồn thực của người phụ nữ. Ông từng chia sẻ: “Nhờ đàn bà, tôi trở thành một con người nghệ sĩ theo nghĩa làm người.”

Tên tuổi Lê Công Thành xuất hiện tại triển lãm Luxuo Art với bức họa “Khỏa thân với đèn dầu” trong chất liệu bột màu. Tác phẩm thuộc sở hữu của nhạc sĩ Huy Tuấn. Chia sẻ với Luxuo.vn, Huy Tuấn bộc bạch: “Cách đây gần hai năm, tôi bất ngờ với những bức tranh của nhà điêu khắc Lê Công Thành. Đấy cũng là lần đầu tiên tôi biết tới tranh của bác (trước đó chỉ biết tới một vài bức tượng điêu khắc của ông). Tôi có mua vài bức, và một trong số đó được tôi chọn để trưng bày tại triển lãm lần này.”

“Phụ nữ với hoa sen” của Lê Văn Xương (1917 – 1988)

Lê Văn Xương yêu thích và theo học hội họa từ rất sớm. Tên tuổi của ông bắt đầu được biết đến lần đầu tiên tại Sài Gòn vào năm 1941 qua triển lãm cá nhân trưng bày phong cảnh về phố xưa Hà Nội. Tác phẩm của cố họa sĩ đa dạng về đề tài, và phần lớn, ông thành công ở lĩnh vực tranh phong cảnh, đậm dấu ấn hồn xưa phố cũ qua những gam màu trong trẻo, sáng sủa và an nhiên.

Bức tranh “Phụ nữ với hoa sen” của Lê Văn Xương trong triển lãm lần này thuộc sở hữu của nhà sưu tầm Lê Y Lan. Trong chất liệu sơn dầu, tác phẩm lột tả nét nữ tính với hình ảnh bông sen đậm đà dấu ấn Việt Nam.

“Gặt lúa” của Văn Đen (1919 – 1988)

Tranh “Gặt lúa” của Văn Đen

Văn Đen tự học vẽ từ năm 1921, và sang Pháp học hội họa tại Cao đẳng Mỹ thuật Paris từ năm 1950 – 1953. Cũng như họa sĩ Bùi Xuân Phái, Văn Đen để lại cho hậu thế hình ảnh toàn vẹn về hội họa lẫn nhân cách. Thực hành của ông chuyên chở đời sống phía dưới của xã hội và phía ngoài những cao vọng. Đề tài của ông dung dị và đẹp đẽ: bà mẹ, con trâu, đồng lúa, người lao động,… Suốt thời gian ấy đến giờ, nhiều nhà sưu tầm tìm đến Văn Đen với thái độ trân trọng và biết ơn.

Bức tranh “Gặt lúa” trong chất liệu sơn dầu phản ánh đậm đà cá tính của Văn Đen, nay thuộc một phần trong bộ sưu tập của Bùi Quốc Chí.

“Nhớ Đỗ Quang Tiến” và “Tĩnh vật hoa” của Lưu Công Nhân (1929 – 2007)

Xuất hiện tại cuộc triển lãm République D’Art còn có hai bức tranh của danh họa Lưu Công Nhân, nay thuộc sở hữu của nhà sưu tập Bùi Quốc Chí.

Được mệnh danh là “Hoàng tử của giới mỹ thuật”, Lưu Công Nhân hào hoa, lịch lãm, đúng cốt cách của một trí thức thành thị. Tuy nhiên, ông vẽ nhiều về cảnh vật, thôn nữ, con người nông dân… Cố họa sĩ vô cùng cần mẫn trên con đường hội họa. Ông di chuyển đến nhiều nơi để tìm cảm hứng cho mình, từ Phú Thọ đến Đà Lạt rồi vào Sài Gòn. Chính nét dung dị và chân tình đó mà cộng đồng nghệ thuật vô cùng quý mến và tìm đến tranh của ông.


Triển lãm “République D’Art” mở cửa công chúng từ ngày 24 đến ngày 26/7 tại La Vela Saigon Hotel, 280 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 8, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh


 
Back to top