Art Basel 2023: Những tác phẩm sắp đặt công cộng bạn không nên bỏ lỡ ở Hồng Kông
Từ triển lãm lấy cảm hứng từ Ai Cập cổ đại của Pacific Place cho đến những hình ảnh ma quái lung linh khắp bến cảng của M+ Façade.
Nghệ thuật không phải lúc nào cũng cần được trải nghiệm trong giới hạn không gian phòng trưng bày hoặc bảo tàng. Và, nhiều tác phẩm điêu khắc, sắp đặt và trưng bày sáng tạo trong không gian công cộng mang đến cho người xem những trải nghiệm, thưởng thức và tiếp thu sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ từ một góc nhìn rất khác.
Cũng vì điều này, tầm ảnh hưởng của một tác phẩm sắp đặt dài 10 mét mô phỏng hình ảnh Vua Tutankhamun được đặt ở trung tâm thương mại Pacific Place (Hồng Kông) có tên là Gravity là điều hoàn toàn dễ hiểu. Gravity đánh dấu lần đầu tiên hạng mục Encounters của Art Basel thực hiện một dự án ở địa điểm công cộng và hướng trực tiếp tới công chúng. Tác phẩm của nghệ sĩ đương đại người Mỹ gốc Ethiopia Awol Erizku mang đến cho người xem cơ hội quay ngược thời gian và khám phá những điều bất ngờ khi mang hình ảnh thế giới cổ đại đến với thế giới hiện đại.
Đây cũng là mục đích của các tác phẩm sắp đặt Encounters, vốn đã tiếp tục được mang đến với công chúng kể từ đại dịch. Hạng mục này bao gồm việc trưng bày các tác phẩm quy mô lớn tại cơ sở của Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Hồng Kông cũng như tại các không gian công cộng khác trên toàn thành phố.
Gravity nhấn mạnh sự sôi động của nghệ thuật công cộng ở Hồng Kông, khi các nghệ sĩ, nhà sưu tập, phòng trưng bày, đại lý và những người hâm mộ nghệ thuật đổ xô đến thành phố để tham dự Art Basel cũng như những sự kiện xung quanh nó.
Với Alexie Glass-Kantor, giám đốc điều hành của Artspace, Sydney, đồng thời là người phụ trách sắp đặt Encounters, việc nhận được cuộc gọi vào cuối năm 2022 để tập hợp các tác phẩm trưng bày có thể mất nhiều năm để sắp xếp đồng nghĩa với việc “chạy đua với thời gian”. Nhưng Glass-Kantor (đã phụ trách 6 mùa) đã vượt qua thử thách này đầy thành công.
“Mang quá khứ về hiện tại nói về việc kết nối mọi thứ lại với nhau,” cô nói. “Việc có mặt ở một địa điểm và biết rằng đó sẽ là khoảnh khắc duy nhất của thời gian chính là thông điệp của Encounter. Hiện tại là một món quà và nắm giữ hiện tại là khi chúng ta kết nối với quá khứ, hiện tại và tương lai.”
Với người dân Hồng Kông, đây có thể là một “cách mạnh mẽ để kết nối lại, xuất hiện và hiện diện” và rũ bỏ những bóng ma còn sót lại của đại dịch, Glass-Kantor cho biết thêm.
“Hồng Kông luôn vừa kiến tạo, vừa vẫn là chính nó với những tiếng ồn, âm thanh và sự sống động. Nhưng nếu bạn hỏi tôi điều gì đã thay đổi, hoặc tâm trạng của Hồng Kông ra sao, tôi sẽ nói nó giống như vị Vua Tut trẻ tuổi. Chúng ta không sống ở giai đoạn đó, nhưng chúng ta cảm thấy như mình biết câu chuyện này. Khi bước vào trong triển lãm, bạn sẽ thấy những cuốn sách, mặt hàng dệt may và hơn hết là câu hỏi– “Đây là gì?’”
Tác phẩm sắp đặt (vẫn được trưng bày tại Pacific Place cho đến ngày 2/4) dựa trên hình ảnh mà Erizku tạo ra để kết nối các nền văn hóa và ý tưởng trực quan về di cư và cảm giác thuộc về, đồng thời phá vỡ tầm nhìn về nghệ thuật và cái đẹp của người châu Âu. Các tác phẩm của ông đã được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Ireland ở Dublin và Bảo tàng Cộng đồng người Châu Phi ở San Francisco.
Nhưng Gravity chỉ là một trong những tác phẩm sắp đặt công cộng tại thành phố này trong Tháng Nghệ Thuật.
Trung tâm Nghệ thuật Hồng Kông (HKAC) mang đến những ý tưởng về sự gắn bó và tham gia ở cấp địa phương. Giám đốc điều hành Rebecca Ip và giám đốc chương trình Teresa Kwong lý giải điều này xuất phát từ những ý tưởng thu thập trực tiếp từ các cộng đồng ở Hồng Kông.
Với những người lớn tuổi ở North Point, một bộ ghế được sắp xếp một cách nghệ thuật gợi cảm giác tự hào và quyền sở hữu của cộng đồng. Những chiếc ghế này không phải là nơi để ngồi bình thường, chúng còn tượng trưng cho một dự án nghệ thuật công cộng được người dân quyên góp, trang trí và dựng lại để mọi người có thể ngồi bên ngoài.
“Chúng tôi hỏi cộng đồng rằng họ muốn khu vực lân cận có màu sắc và sức sống như thế nào, và không quá bất ngờ, câu trả lời là họ muốn có những nơi để ngồi và tụ tập,” Ip nói. “Có nhiều thứ cần phải nghiên cứu, hội thảo và tìm kiếm, nhưng một chỗ để ngồi luôn là yếu tố thu hút người khác.”
Kwong nói: “Những chiếc ghế được thiết kế lại vừa có chức năng vừa là một tác phẩm nghệ thuật. Chúng tôi dựa trên nhu cầu của cộng đồng để tạo nên những thiết kế hoàn chỉnh.”
HKAC cũng đã làm việc với Cơ quan quản lý sân bay Hồng Kông để vẽ những bức tranh tường trên tưởng các bến tàu MTR, dựa trên sự kết hợp của các khoản quyên góp và tài trợ.
Tương tự như vậy, Borealis, một màn trình diễn ánh sáng đa phương tiện lấy cảm hứng từ Ánh sáng phương Bắc mang lại trải nghiệm du lịch ảo đến bến cảng Hồng Kông mỗi đêm trong ba tuần liên tiếp. Tác phẩm được thực hiện ở Công viên Nghệ thuật Tây Kowloon liền kề với Freespace. Ở đó, người xem có thể thấy đường chân trời của Great Lawn được thắp sáng bằng những ánh đèn nhấp nhô tinh tế, tô điểm cho những đám mây khói ảo thay đổi cường độ và màu sắc để phản ánh thời tiết và thời gian trong ngày. “Bắc cực quang đã đến Kowloon và điều này thực sự khơi dậy cảm giác ngạc nhiên và tò mò,” Ip nói.
Một địa điểm khác cũng thu hút nhiều sự chú ý là Bảo tàng M +, nơi diễn giải nghệ thuật như một chỉ dấu. Nghệ sĩ người Thụy Sĩ Pipilotti Rist làm việc với M+ Facade, một màn hình khổng lồ hiển thị hình ảnh rộng 110 mét trải dài trên bến cảng trong khuôn khổ Art Basel Hong Kong với một tác phẩm video cho thấy bàn tay con người trôi nổi trong không gian. Tác phẩm có tên “Hand Me Your Trust” sẽ được trình chiếu hàng ngày từ 7h-9h tối đến ngày 21/5 và vào cuối tuần từ ngày 22/5-17/6.
Cheung nói rằng việc tiếp cận M+ luôn nhằm mục đích phát triển và là một phản chiếu hình ảnh người dân trong thành phố cũng như những vị khách ghé thăm Hồng Kông, đây cũng là điều các nghệ sĩ muốn thể hiện.
“Rist đã tạo ra một tác phẩm phản ánh người lao động trong thành phố và vai trò của bàn tay họ trong việc định hình quá khứ, hiện tại và tương lai của vùng đất Hương Cảng,” anh nói. “Nó vừa là cách để nghệ sĩ tôn vinh sự sáng tạo và đạo đức làm việc của nhiều cá nhân khác nhau tạo nên thành phố, đồng thời các động tác cử chỉ cởi mở theo nhiều cách cũng gợi ý sự chào đón nồng nhiệt đối với du khách đến thăm bảo tàng.”
Những điều này đều nhấn mạnh sức sống của nghệ thuật công cộng ở Hồng Kông khi thành phố vượt qua đại dịch.