Phong cách

The Karl Lagerfeld Issue (Kỳ 5): Met Gala có nên tôn vinh Karl Lagerfeld?

Apr 25, 2023 | By Van Anh Nguyen

“Để vinh danh Karl.” Bốn từ ngữ ngắn gọn về quy tắc trang phục cho Met Gala 2023 dấy lên nhiều tranh cãi ngay khi mới được Vogue công bố vào ngày 18/1.

Sự kiện Met được tổ chức hàng năm tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan của Thành phố New York, với chủ tịch là những cái tên như Michaela Coel, Penélope Cruz, Roger Federer và Dua Lipa. Những kỳ vọng về trang phục cho sự kiện ngày 1/5 là một phần mở rộng của chủ đề triển lãm từ Viện trang phục: “Karl Lagerfeld: A Line of Beauty,” nhằm tri ân sự nghiệp có tầm ảnh hưởng của nhà thiết kế quá cố này trong 150 thiết kế. Với tầm nhìn sáng tạo của mình, Lagerfeld được cho là đã giúp định hình tính thẩm mỹ của vẻ đẹp đương đại. Tuy nhiên, đây cũng là một di sản để lại nhiều câu hỏi về tính đúng đắn về mặt chính trị và xã hội của mình.

Là một trong những huyền thoại thời trang nổi tiếng nhất thế giới, Lagerfeld đã để lại dấu ấn sâu sắc đến làng thời trang. Trong vòng 5 thập kỷ, ông là giám đốc sáng tạo của Fendi và Chanel, bên cạnh những thiết kế cho Balmain, Patou và Chloé, cũng như thương hiệu mang chính tên ông. Ngay cả sau khi qua đời vào năm 2019, hình ảnh cá nhân mang tính biểu tượng của Lagerfeld – bộ vest cổ cao, kính râm, tóc đuôi ngựa màu trắng – vẫn khuấy đảo văn hóa đại chúng. Nhưng tài năng của ông đi cùng với phần “khiêu khích” của Karl với những quan điểm có thể được coi là mang tính xúc phạm tới nhiều người.

Lagerfeld được biết đến là một người chẳng ngại chia sẻ ý kiến, đặc biệt là khi nói đến cơ thể phụ nữ. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông công khai về việc mình sợ những người béo phì và thường xuyên công kích cơ thể của phụ nữ trước công chúng. Ông cũng biện minh cho tiêu chuẩn lâu đời về kích thước cơ thể phụ nữ: “Không ai muốn nhìn thấy những phụ nữ có những đường cong” vào năm 2009. Năm 2018, ông nói rằng mình “chán ngấy” phong trào #MeToo và đặt câu hỏi tại sao một số phụ nữ phải mất nhiều năm đến vậy để có thể công khai chia sẻ những câu chuyện về tấn công tình dục, như thể với ông, đó là một việc dễ dàng.

Bất chấp những bình luận nhạy cảm như vậy, Karl vẫn là một biểu tượng lớn trong ngành công nghiệp thời trang. Và càng được ghi nhận, ông dường như càng không bận tâm đến những tranh cãi do mình mang đến. Một trường hợp điển hình: Mặc dù bản thân Lagerfeld là người đồng tính, nhưng ông đã nói với Vice rằng ông “phản đối” ý tưởng về hôn nhân đồng tính vào năm 2010. Bên cạnh đó, ông cũng chống lại người nhập cư và chỉ trích quyết định của Đức khi mở cửa biên giới cho người tị nạn vào năm 2017. Trong trong một cuộc phỏng vấn, ông tiếp tục ám chỉ rằng những người di cư là những người bài Do Thái và tin vào quan điểm phổ biến (và phân biệt chủng tộc) rằng những người xin tị nạn là nguy hiểm.

Những quan điểm vừa lỗi thời vừa không đúng đắn về chính trị này dường như không làm lay chuyển danh tiếng của Lagerfeld như một huyền thoại. Những bình luận của ông thậm chí được cho là hóm hỉnh và thái quá một cách đáng yêu. Dù chúng thường gây ra phản ứng dữ dội, đây được coi là một phần tính cách “thiên tài”. Câu hỏi đặt ra là tại sao ngành công nghiệp thời trang có thể làm ngơ với những điều hiển nhiên như vậy? Một lý giải đến từ việc có lẽ Karl Lagerfeld chỉ đơn giản diễn đạt một số sự phân biệt đối xử tương tự những sự phân biệt một cách có hệ thống của ngành công nghiệp này. Và việc tôn vinh Karl tại Met Gala 2023 cũng chẳng khác nào nhân đôi những giáo điều lỗi thời đó.

Đúng là về lý thuyết, một buổi tối sự kiện không đến mức khiến chúng ta phải bận tâm thái quá. Nhưng trên thực tế, Met Gala còn hơn thế nữa. Trong những năm gần đây, sự kiện này phát triển từ một buổi dạ hội thời trang độc quyền thành một hiện tượng văn hóa toàn diện. Với số tiền khổng lồ được chi cho sự kiện, những ngôi sao nổi tiếng hạng A đều háo hức muốn tham dự sự kiện, bên cạnh vô số bình luận lan truyền xung quanh tất cả. Met trở thành một điểm nóng của văn hóa đại chúng, một đại diện cho hệ thống vị trí xã hội đương thời.

NEW YORK, NEW YORK – MAY 02: Gigi Hadid attends The 2022 Met Gala Celebrating “In America: An Anthology of Fashion” at The Metropolitan Museum of Art on May 02, 2022 in New York City. (Photo by John Shearer/Getty Images)

Dù ngành công nghiệp thời trang đang ngày càng thể hiện nhiều hơn tính đa dạng, nhưng ẩn sau đó vẫn là một sự thật đáng buồn: các nhà thiết kế hiếm khi may quần áo có kích cỡ lớn hơn, sàn diễn thường xuyên vắng bóng người mẫu khuyết tật và tiêu chuẩn vẻ đẹp thịnh hành vẫn tiếp tục hướng đến chuẩn mực cái đẹp cũ kĩ. Với chủ đề Met Gala năm nay, ngành công nghiệp thời trang vô tình nhấn mạnh ưu tiên lớn nhất của mình nằm ở tính hiệu suất và bề nổi.

Tất nhiên, di sản thời trang ấn của Karl Lagerfeld vẫn đáng được ghi nhớ. Nhưng việc tôn vinh Karl Lagerfeld với tư cách là một con người (gồm hành động và lời nói của ông) không thể phủ nhận đi kèm với một loạt hệ lụy có hại. Khi thông báo về chủ đề trang phục cho Met Gala, Vogue tuyên bố rằng trên hết, khách mời nên cố gắng “khiến Karl tự hào!” Điều này đến cùng một câu hỏi: Ý tưởng về cái đẹp của Karl Lagerfeld có phải là thứ mà chúng ta vẫn nên hướng tới hay không?

(Theo Fashion Magazine)


 
Back to top