Nghệ thuật

Dịch giả Thảo Lâm: “Dịch sách là một công việc âm thầm và khó nhọc, đôi khi vắt kiệt não”

Apr 25, 2023 | By Van Anh Nguyen

Lâm Đặng Cam Thảo là một Biên tập viên với nhiều kinh nghiệm làm việc trong ngành truyền thông và xuất bản và là một dịch giả quen thuộc với độc giả Việt Nam.

Bén duyên với công việc dịch thuật từ đầu những năm 2000, qua hơn 2 thập niên, chị đã đưa các độc giả đến với các tác phẩm thú vị từ văn học nghệ thuật đến các đầu sách triết học, kinh tế. Chuyển ngữ mỗi một tác phẩm sẽ có những trải nghiệm riêng, như với tác phẩm Một ngày (One Day by David Nicholls), Thảo Lâm chia sẻ mình từng “buồn đến phát khóc”. Mặc dù vậy, với những đầu sách như Thiên Nga Đen (Black Swan by Nassim Nicolas Taleb); Đừng bán sản phẩm, hãy bán giải pháp (Solutions Selling by Michael T.  Bosworth), Marketing 3.0 (Philip Kotler), Khám phá ngôn ngữ tư duy (The Really Good Fun of Cartoon book of NLP); Thuật dụng ngôn (Aspire by Kevin Hall)… là những trải nghiệm rất khác.

Chị có thể chia sẻ về cơ duyên đã đưa chị đến với vai trò dịch giả?

Trước khi chuyển vào Sài Gòn vào năm 2006, tôi đã có một thời gian làm việc trong lĩnh vực dịch thuật ở Hà Nội. Đến khoảng đầu năm 2007, một chị biên tập bên nhà xuất bản có gọi cho tôi, nói muốn nhờ tôi dịch một cuốn sách… Lúc đó, tôi vẫn chưa có kinh nghiệm dịch sách đâu, nhưng đến gần cuối buổi nói chuyện hôm ấy, thấy tôi có vẻ còn do dự lật lật cuốn sách trên tay thì chị biên tập mới nói: “Chị tin là em làm được”. Và thế là nhận thôi!

Đó là cuốn Mother Teresa – Come be my light (Mẹ Teresa – Hãy đến làm ánh sáng của ta) của tác giả Brian Kolodiejchuk. Lần đầu tiên tôi dịch trọn vẹn một cuốn sách, về một nhân vật bên đạo. May mắn là không có sai sót gì nghiêm trọng. Người hiệu đính khi đó là một linh mục cũng nhận xét bản dịch tốt đối với một người ngoại đạo.

Và đó là bước khởi đầu trên con đường dịch sách của một “kẻ ngoại đạo”?

Đúng vậy, tôi đã dịch xuyên suốt kể từ đó, vào thời gian rảnh và cuối tuần.

Chị nghĩ thế nào về công việc dịch sách, về vai trò của một dịch giả trong việc chuyển ngữ một tác phẩm?

Đó là một công việc âm thầm và khó nhọc, đôi khi vắt kiệt não. Nếu không kiên trì, không thật sự say mê chữ nghĩa sẽ khó lòng theo đuổi đến cùng. Nhưng bù lại dịch sách rất vui. Niềm vui đó cũng giống với niềm vui của người vừa mua một cuốn sách mới và bắt đầu mở ra đọc. Cũng cảm giác phấn khích và hồi hộp (nếu là tiểu thuyết) y hệt như người đọc. Chỉ khác là người dịch được đọc miễn phí và được trả tiền nữa, ngoài ra còn có cả niềm vui phù phiếm là thấy tên mình trên bìa sách.

So với trước thì việc dịch sách ngày nay cũng thuận tiện hơn vì điều kiện tham khảo tài liệu cũng nhanh chóng, dễ dàng hơn rất nhiều, nhưng tôi nghĩ vai trò của dịch giả trong việc chuyển ngữ một tác phẩm thì vẫn không có gì thay đổi. Dịch giả vẫn là cầu nối giữa nguyên tác và độc giả ở ngôn ngữ đích (ở đây là tiếng Việt), vai trò này sẽ càng quan trọng hơn khi ngôn ngữ của nguyên tác càng hiếm và ít người biết đến.

Để làm tốt vai trò này, tôi nghĩ tiêu chí đầu tiên và trước nhất là phải tôn trọng nguyên tác. Trừ khi tự viết hoặc phóng tác, còn nếu đã dịch thì phải dịch đúng những gì tác giả muốn nói, không được diễn giải hoặc sửa đổi theo suy nghĩ chủ quan. Chẳng hạn với một tác giả đầy ẩn ý hoặc có rất nhiều “ý ở ngoài lời” như Osho, nếu người dịch cứ diễn giải theo hiểu biết cá nhân và cứ thế đưa vào bản dịch là đã vô tình tước mất niềm vui và cái quyền được suy nghiệm của bạn đọc. Khi đó, những nỗ lực còn lại sẽ không còn nhiều ý nghĩa.

“Để làm tốt vai trò này, tôi nghĩ tiêu chí đầu tiên và trước nhất là phải tôn trọng nguyên tác. Trừ khi tự viết hoặc phóng tác…”

Có điều gì cần chú trọng khi mà mình chuyển ngữ một tác phẩm của một thời đại khác hay một nền văn hoá khác sang tiếng Việt?

Không có cách nào khác ngoài việc phải đọc thật nhiều, tham khảo thật nhiều tài liệu liên quan trước khi bắt tay vào dịch để có thể chọn đúng từ cũng như chuyển tải được cái tinh thần, hơi thở của thời đại đó, của nền văn hóa đó đến độc giả.

Có nhiều tranh luận trên các diễn đàn về sách trên các trang mạng xã hội về việc chuyển ngữ sách hiện nay, như việc một số bản dịch cũ của mấy thập kỷ trước giờ được xuất bản trở lại sử dụng nhiều từ địa phương miền Nam, khiến cho một bộ phận nhỏ bạn trẻ cảm thấy không quen thuộc với cách chuyển ngữ này. Chị có ý kiến thế nào về vấn đề này?

Một tác phẩm hay là tác phẩm chạm đến trái tim của người đọc bất kể được viết bằng ngôn ngữ nào, kể cả phương ngữ. Nếu những bản dịch đó vẫn được cân nhắc xuất bản trở lại, chứng tỏ nó vẫn ổn và có giá trị nhất định. Cá nhân tôi vẫn thích đọc những bản dịch của thế hệ dịch giả xưa, nhất là các học giả miền Nam. Có gì đó rất hoài niệm, rất thân thương trong cách dùng từ và chuyển ngữ của họ.

Nếu một bộ phận nhỏ các bạn trẻ cảm thấy không quen thuộc, tôi cho rằng đó cũng là chuyện bình thường và hoàn toàn có thể hiểu được, có lẽ do khoảng cách thế hệ quá lớn hoặc do bị ngắt kết nối đâu đó trong các giai đoạn chuyển tiếp… Tuy nhiên, để dung hòa mà không làm mất đi vẻ đẹp của những bản dịch này, các đơn vị phát hành nên tổ chức biên tập lại, và làm thật cẩn thận vào, trước khi xuất bản cho thế hệ độc giả mới.

Chị đã chuyển ngữ rất nhiều đầu sách. Có điều gì thú vị hay câu chuyện nào khiến chị nhớ nhất trong quá trình chuyển ngữ?

Đó là lần dịch cuốn tiểu thuyết One Day (Một Ngày) của David Nicholls… Lần duy nhất dịch sách mà buồn đến phát khóc, quyết “đình công” một tuần vì quá bất mãn tác giả.

“Một tác phẩm hay là tác phẩm chạm đến trái tim của người đọc bất kể được viết bằng ngôn ngữ nào, kể cả phương ngữ. Nếu những bản dịch đó vẫn được cân nhắc xuất bản trở lại, chứng tỏ nó vẫn ổn và có giá trị nhất định.”

Được biết, chị đã chuyển ngữ loạt sách của Thiền sư Osho đến với bạn đọc Việt Nam. Chắc hẳn quá trình chuyển ngữ loạt sách này đã mang lại những trải nghiệm khác biệt đối với chị?

Vào thời điểm nhận dịch cuốn sách Osho đầu tiên, tôi gần như chưa biết gì về Osho. Có lẽ đó cũng là một điều may mắn, bởi vì không biết thì sẽ không mang bất kỳ định kiến nào khi tiếp nhận các tư tưởng của ông.

Osho là một nhân vật rất đặc biệt. Ông có cách nói chuyện khác hẳn những nhà tư tưởng khác, gần như chẳng kiêng nể ai cả nhưng lại vô cùng duyên dáng và hài hước, tôi bị ấn tượng mạnh mẽ ngay từ những dòng đầu tiên khi đọc sách của ông. Triết lý của Osho là thứ triết lý gần như “xô đổ” mọi thành trì cũ nên có thể khiến nhiều người cảm thấy bị “sốc” hoặc khó tiếp nhận ngay trong lần đầu. Nhưng ông không kêu gọi hay dạy bảo mà chỉ chia sẻ các góc nhìn tỉnh thức về con người, về tình yêu, về mọi điều trong cuộc sống, từ đó mở ra những hướng đi mới, những con đường mới để mọi người tự khám phá và trưởng thành.

Một Osho dữ dội là vậy nhưng trong “Trò chuyện với vĩ nhân”, cuốn sách mà tôi cho là có giá trị khai mở nhất và cũng hé lộ nhiều điều nhất về con người của Osho qua cách ông nói về các nhà hiền triết khác, chúng ta sẽ thấy một Osho cực kỳ thi vị và xuất chúng. Ông phân tích về cuộc đời và tư tưởng của Jesus, của Đức Phật, của Lão Tử, của Kahlil Gibran, Socrates và nhiều nhà tư tưởng vĩ đại khác bằng sự uyên bác và một tầm nhìn đáng kinh ngạc. Ông gọi những nhân vật này là “niềm hy vọng thật sự” cho tâm thức nhân loại nhưng hoàn toàn không mơ hồ hay huyễn hoặc, những điều ông chia sẻ đó rất cụ thể, rất chân thật và đơn giản đến mức tôi tin là ai cũng có thể tiếp cận được. Cho nên, đọc sách của Osho cũng không khó lắm đâu, chỉ cần cảm nhận bằng cả trái tim là đủ!

Ngày nay, nhiều bạn trẻ quan tâm đến quá trình dịch một quyển sách và mong muốn được cộng tác với nhà xuất bản. Chị có thể chia sẻ kinh nghiệm làm việc với nhà xuất bản mà chị có không? 

Không biết kinh nghiệm của tôi có giúp ích gì không nhưng tôi nghĩ các bạn cứ mạnh dạn liên hệ với nhà xuất bản. Mỗi nhà xuất bản sẽ có cách làm việc riêng nhưng nhìn chung họ đều cần những cộng tác viên có năng lực để hợp tác lâu dài. Tuy nhiên, các bạn nên có sự chuẩn bị trước, tự rèn khả năng ngôn ngữ của mình, nhất là tiếng Việt, tốt nhất là có vài năm cọ xát trong lĩnh vực dịch thuật, chuyển ngữ. Nhà xuất bản thường không có nhiều thời gian và nguồn lực để đào tạo từ đầu hoặc để cảm thông mà trao nhiều cơ hội cho một cộng tác viên, nên đó cũng là cách hiệu quả để tiết kiệm thời gian cho cả hai bên.

Bên cạnh vai trò biên tập, dịch giả, chị còn là tác giả sách thiếu nhi với quyển sách song ngữ Nhật ký của Lucky – Lucky’s Diary. Với chị, quá trình viết sách này diễn ra như thế nào? 

Nhật ký của Lucky là món quà tôi dành tặng các cháu trong gia đình và chú chó Lucky. Tôi viết tiếng Việt, cháu tôi dịch sang tiếng Anh, Ankids giúp giới thiệu sách đến độc giả nhí… Cuốn sách nhỏ của tôi nhưng là công sức của nhiều người.

Sách được viết dựa trên những câu chuyện có thật giữa Muội và Lucky nên quá trình viết sách cũng khá tự nhiên và suôn sẻ. Cứ hôm nào có cảm hứng thì tôi lại viết, mượn giọng của Lucky để kể, mỗi lần một câu chuyện rồi gom lại thành Nhật ký của Lucky. Toàn bộ hình minh họa trong sách cũng được vẽ từ ảnh thật. Sách còn được tích hợp bản audio tiếng Anh qua giọng đọc của chú MC “quốc dân” đẹp trai nữa. Nói tóm lại, đây là một cuốn sách “organic” đúng nghĩa.

Chị có thể chia sẻ về cuộc sống hiện nay của mình cũng như kế hoạch tương lai?

Mỗi ngày của tôi cũng chỉ xoay quanh chuyện viết lách, biên tập, dịch sách… Thỉnh thoảng ra ngoài gặp vài người mình thích, rồi đi du lịch với gia đình, còn lại là ở nhà đọc sách, xem phim hoặc chơi với cún. Tương lai thì chắc là cứ để tương lai tính thôi. Trước mắt cứ làm việc chăm chỉ và vui với hiện tại đã.

Cám ơn những chia sẻ từ chị!
Bài: Quân Trần


 
Back to top