Nghệ thuật

Founder & Chairman V-MAS, Phan Anh: “Tài năng của nghệ sĩ là thứ tôi đánh giá cuối cùng”

Mar 03, 2024 | By Luxuo Vietnam

Nếu hỏi đâu là một trong những nghệ sĩ hoạt động năng nổ nhất showbiz năm vừa qua, không thể không kể đến những tên tuổi như Phương Mỹ Chi và DTAP. Nhưng trước đó, hãy nói đến khả năng biến tầm nhìn thành hiện thực của người đàn ông đứng phía sau họ, đó là cựu nhà báo Phan Anh – Founder & Chairman của V-MAS. 

Gặp anh Phan Anh là trải nghiệm đặc biệt, và tôi có hai lần được trải nghiệm điều ấy.

Lần đầu tiên, đó là buổi ra mắt MV “Vũ Trụ Có Anh” vào tháng 4/2023, đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng của Phương Mỹ Chi sau nhiều năm vắng bóng. Đồng thời, buổi ra mắt cũng công bố sự hợp tác quan trọng giữa Phương Mỹ Chi và nhóm producer DTAP dưới sự quản lý của V-MAS.

Lần thứ hai, chính là những ngày cuối năm 2023 sau những thành công liên tục mà Phương Mỹ Chi, DTAP và đội ngũ V-MAS đã đạt được trên đường đua âm nhạc. Đó là những ngày tất bật nhất của lĩnh vực truyền thông và giải trí. Tôi ngồi đợi gặp anh Phan Anh tại căn phòng quan trọng nhất của V-MAS và cũng là phòng làm việc của anh, nơi có thể sẽ đưa ra những quyết định đủ sức gây nổ trong ngành giải trí, đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc. Chưa đến 1 năm, không dài cũng chẳng ngắn, nhưng với tất cả những gì trải qua sau buổi trò chuyện, câu nói “Một nhà lãnh đạo giỏi sẽ đưa mọi người đến nơi họ muốn đến” chính là những gì tôi có thể cô đọng nhất về buổi hôm ấy sau những ấn tượng anh Phan Anh để lại trong tâm trí tôi.

Hình tượng nghệ sĩ là “món ăn chính” (main course)

Có lẽ thời gian này cũng vừa qua kỷ niệm một năm thành lập V-MAS, cảm xúc của anh ngay lúc này như thế nào?

Tôi tự hào và xúc động lắm! Tự hào không phải vì bản thân mình đã làm được điều gì lớn lao, mà cảm thấy được là một phần trong sự thành công của đại gia đình V-MAS, và điều đó chắc chắn chính là động lực lớn nhất để thúc đẩy tôi đi tiếp con đường mình đã chọn…

Nói đến con đường này, anh có thể chia sẻ về khoảnh khắc anh quyết định rẽ hướng và thành lập V-MAS khi đang là một nhà báo kỳ cựu giữ chức vụ cao tại những trang truyền thông báo chí lớn không, thưa anh?

Vốn tôi không phải xuất thân từ nghệ thuật mà lại học về kỹ thuật Y khoa, cụ thể là ngành Sinh hóa – Huyết học. Tuy nhiên, một cơ hội đặc biệt đã mở ra trước mắt tôi, khiến tôi nhận ra rằng viết lách không chỉ là đam mê từ thuở thơ ấu, mà còn là một lĩnh vực mà tôi thực sự thích thú. Năm 2007, khi VCCorp triển khai Kenh14, tôi có cơ hội trở thành một trong những người đầu tiên đồng hành cùng dự án khởi nghiệp này. Cứ thế, con đường làm báo của tôi tiếp tục phát triển và giúp tôi có cơ hội kinh qua nhiều đầu báo uy tín nhất cả nước. Trong thời gian cộng tác với nghề, tôi có nhiều cơ hội gặp gỡ và kết nối với rất nhiều nghệ sĩ, từ đó cơ duyên cứ thế dẫn dắt tôi đến vai trò quản lý nghệ sĩ. Tôi là người luôn thích khám phá điều mới mẻ và sợ phải bó buộc tư duy bên trong chiếc hộp chỉ biết hài lòng với những gì đang có. Mỗi cơ hội mới đều là một cơ duyên tự nhiên, và tôi luôn chào đón chúng với tất cả sự hứng thú.

Để tóm gọn mọi thứ đến ngày hôm nay, tôi cho rằng, đó là nghề đã chọn mình. Và V-MAS cũng cứ thế tự nhiên mà đến.

Anh từng chia sẻ, giá trị cốt lõi mà V-MAS hướng tới chính là quản lý, đào tạo nghệ sĩ và sản xuất âm nhạc. Anh có thể nói cụ thể hơn về định hướng và chiến lược của những nghệ sĩ và sản phẩm được định hình bởi thương hiệu V-MAS?

Ở thời điểm hiện tại, có thể nói ngành giải trí Việt Nam vẫn chưa thể gọi là nền công nghiệp, mọi thứ đang vận hành một cách rất tự phát so với các nền giải trí khác trên thế giới. Để công nghiệp giải trí Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp hóa và bắt kịp các nước phát triển, đó sẽ là một hành trình dài hơi cần rất nhiều sự nỗ lực của rất nhiều con người có cùng chí hướng. Tôi từng có nhiều cơ hội làm việc với các công ty giải trí Hàn Quốc và tôi nhận thấy cách hoạt động của họ rất khác so với mình – chủ thể là công ty và mọi thứ sẽ xoay quanh chủ thể đó. Nhưng Việt Nam thì ngược lại, mọi thứ chỉ đang tập trung xoay quanh người nghệ sĩ. Nghệ sĩ chính là đầu tàu quyết định mọi thứ. Tất nhiên, mọi việc không có đúng hay sai ở đây, bởi mô hình nào cũng có mặt tích cực nhất định. Nếu nghệ sĩ là một người xuất chúng, bạn có thể đi rất nhanh với quy mô nhỏ. Ở Hàn Quốc và các nước khác, người ta không bắt đầu từ một sản phẩm âm nhạc cụ thể hay một dòng nhạc, mà bắt đầu từ một hình tượng tổng thể, rồi từ đó mới đưa ra “quy chuẩn” về hình ảnh, âm nhạc, truyền thông… làm sao bổ trợ và đồng nhất để làm nên một hình tượng nghệ sĩ. Và đó là những gì tôi đã học hỏi được và đang áp dụng cho V-MAS, đặc biệt là trường hợp của Phương Mỹ Chi.

Vậy hình tượng âm nhạc là gì? Dù là nhóm nhạc, hay ca sĩ solo thì bản thân mỗi nghệ sĩ đều có một vai trò riêng để thể hiện bản sắc của chính mình. Họ có thể trở thành “diva”, “nam thần” hay “crush của mọi nhà” hoặc bất kỳ ai phù hợp, nhưng để trở thành hình tượng mình mong muốn, người nghệ sĩ phải có chiến lược cụ thể để phát triển hình tượng đó. Với tôi, hình tượng là “món ăn chính” (main course) mà người nghệ sĩ sẽ quyết định phục vụ cho khán giả.

Vốn không xuất thân nghệ thuật nên tư duy về sản xuất của tôi cũng khá đơn giản – tôi luôn xem nghệ sĩ là một “mặt hàng” đặc biệt, và cái họ kinh doanh ở đây không chỉ là giọng hát của họ, mà còn là cảm xúc, sự yêu mến và sức ảnh hưởng họ tạo ra cho người mua, đó là khán giả. Ở V-MAS có một điều đặc biệt là hình tượng của mỗi nghệ sĩ đều không giống nhau, đó cũng là lý do công ty khá khan hiếm nghệ sĩ. Ở hệ sinh thái này, người nghệ sĩ có thể cảm thấy an tâm khi mọi thứ đã có chúng tôi lo và chỉ phải quan tâm một thứ duy nhất đó là bước lên sân khấu trình diễn.

Tất nhiên, một cách tiếp cận mới sẽ mang lại cơ hội và thách thức. Tuy nhiên, không có cách tiếp cận nào hoàn toàn đúng hay sai. Đó chính là triết lý tôi đã áp dụng khi xây dựng V-MAS từ những ngày đầu tiên tiếp xúc với lĩnh vực này cách đây hơn một thập kỷ. Tôi hiểu rằng tôi không thể làm điều đó một mình. Mỗi bộ phận của V-MAS đều quan trọng và cần phải hoạt động cùng nhau như một hệ thống, với điểm mạnh của mỗi mắt xích sẽ được khai thác một cách tối ưu nhất để đi theo những chiến lược đã đề ra.

Ở V-MAS, người nghệ sĩ chỉ phải quan tâm một thứ duy nhất – đó là bước lên sân khấu trình diễn.

Vậy đâu là tiêu chí quan trọng nhất để anh Phan Anh xác định và lựa chọn nghệ sĩ mà anh muốn đại diện cho V-MAS?

Có lẽ tôi khá khác biệt so với số đông, tiêu chí đầu tiên tôi đánh giá ở một nghệ sĩ khi muốn nghệ sĩ đầu quân vào công ty đó là họ có thích hợp với văn hóa của công ty hay không. Thứ hai, tôi sẽ xem xét liệu họ có thể phản ánh hình ảnh mà tôi muốn xây dựng hay không. Tiếp theo, đó chính là thái độ. Tôi sẽ quan sát xem họ có thực sự đam mê và sẵn lòng đồng hành cùng chúng tôi trên con đường khó nhằn này hay không, trước khi xem xét đến yếu tố cuối cùng – tài năng. Điều chúng tôi cần làm là đặt để các tác phẩm đúng người, đúng thời điểm để họ thể hiện sức sống và sức bật khác biệt. Như tôi đã nói, hình tượng không chỉ là thứ gói gọn trong việc bạn theo đuổi dòng nhạc nào, mà còn là bạn sẽ trở thành ai. Do đó, khi tôi bắt tay hợp tác với một nghệ sĩ, tôi sẽ tập trung kiến tạo cho họ một hình tượng, và động thái đầu tiên tôi thực hiện đó là tra cứu (research) kỹ lưỡng rằng dòng nhạc này, hình tượng này sẽ hợp với những thương hiệu, nhãn hàng và đối tượng khán giả nào mà chúng tôi muốn hướng đến. Chúng tôi tập trung vào điều đó và nỗ lực để đưa nghệ sĩ đạt được đỉnh cao nhất có thể. Dần dà, theo thời gian, chúng tôi có thể điều chỉnh, nhưng vẫn giữ vững được mục tiêu đồng nhất từ đầu của chiến lược mà chúng tôi đã xác định và kiên định.

Là một mô hình khá tiên phong, anh đã phải đối mặt với những thách thức gì và làm thế nào anh đã vượt qua chúng khi câu chuyện kinh doanh và điều hành có thể chứa đựng rất nhiều bài học đắt giá?

Khó khăn nhiều lắm! Nhiều người trước đây thường hay nhận xét rằng tôi khá… “chảnh” và khó hợp tác, nhưng xin đính chính là không phải vậy, chúng tôi luôn mong mỏi hợp tác với mọi người. Tuy nhiên, chúng tôi mong đợi những hợp tác lâu dài, có thể là những chiến dịch từ 6 tháng đến 1 năm, bởi vì nếu hợp tác theo sản phẩm, một sản phẩm âm nhạc sẽ không tạo ra một dấu ấn nào quá lớn. Khi V-MAS đồng hành cùng một nghệ sĩ nào, chúng tôi muốn hợp tác từ những giá trị cốt lõi, đó là cơ hội để cả hai được cộng hưởng, trở nên đồng nhất và từ đó khả năng thành công cũng tăng theo. Mặc dù trong giới, đôi khi việc từ chối có thể mang đến rất nhiều cảm xúc áy náy nhưng công ty có những quy chuẩn và chiến lược phát triển đặc biệt mà tôi nghĩ theo thời gian, mọi người sẽ hiểu.

Bên cạnh đó, ngoài Lan Khuê, DTAP và Phương Mỹ Chi thì thế hệ thực tập sinh hiện tại của V-MAS cũng không ít và các bạn cũng đang chờ đợi được “debut” (ra mắt) sớm nhất có thể. Điều này khiến khối lượng công việc của chúng tôi trở nên khổng lồ, và để quản lý mọi thứ một cách hiệu quả, chúng tôi phải đầu tư một lượng lớn tài nguyên, mà cụ thể là chi phí vận hành. Nhưng tôi cũng hiểu rằng nghệ sĩ thường thiên về cảm xúc, và chúng ta không thể trách họ về điều này, bởi cảm xúc chính là điều làm cho họ trở nên đặc biệt và thăng hoa. Có thể nói, điều khiến tôi trăn trở nhất là làm sao để cân bằng giữa nghệ thuật và kinh doanh, để mọi thứ không rơi vào trạng thái “chòng chành”, để công ty không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Nhưng với tất cả những thách thức đó, chúng tôi vẫn đang không ngừng cố gắng và hy vọng rằng mỗi dự án mới sẽ là một bước tiến mới trong hành trình của chúng tôi.

Tôn chỉ của V-MAS là “cuộc sống”

Từng là một nhà báo chuyển sang kinh doanh và vận hành doanh nghiệp trong môi trường âm nhạc đầy cạnh tranh, anh nhận thấy kinh nghiệm báo chí đã giúp ích cho bản thân như thế nào trong việc quản lý và xử lý các trường hợp khủng hoảng truyền thông, thưa anh?  

Thật ra công ty đã phải đối mặt với nhiều khủng hoảng truyền thông, nhưng may mắn là chưa có một “case” nào thực sự khủng hoảng (cười). Điều đầu tiên tôi cảm thấy may mắn đó là có những cộng sự lâu năm, những người đủ hiểu mình trong mọi tình huống dù nghiêm trọng nhất. Và cũng nhờ vào kinh nghiệm làm báo trong thời gian dài, tôi đã học được cách giữ bình tĩnh trong mọi tình huống. Khi một khủng hoảng xảy ra, bạn phải bình tĩnh đánh giá xem gốc rễ của sự khủng hoảng ấy nằm ở đâu, rồi cùng nhau lên kế hoạch để giải quyết. Nghệ sĩ trong công ty cũng rất tin tưởng vào chúng tôi, do đó họ không bao giờ rơi vào hoảng hốt, niềm tin cũng chính là yếu tố cốt lõi rất quan trọng trong những trường hợp khẩn cấp như vậy.

Hãy nói một chút về thị trường số hóa trong “Music Marketing”. Anh Phan Anh đánh giá và nhìn nhận xu hướng âm nhạc sắp tới sẽ như thế nào và đâu là cách anh cập nhật xu hướng để áp dụng và đi trước thời đại?

Ở Việt Nam, những ai làm nghệ thuật đều hiểu rằng mọi thứ thay đổi rất nhanh và đi theo xu hướng. Từ thời 2012-2013, chúng ta có thể bắt gặp người người nhà nhà tìm nghe EDM, đến R&B rồi sau đó là đến thời hoàng kim của bolero, rồi lại indies, mỗi dòng nhạc thường có chu kỳ thịnh vài năm rồi lại suy. Nhưng không biết mọi người có nhận ra không, có một dòng nhạc “bất tử với thời gian” đó là ballad. Nhưng những năm gần đây, thể loại ballad cũng đang dần thoái trào, sự thay đổi này có ảnh hưởng rất lớn đến xu hướng nghe nhạc của khán giả (dù tôi tin ballad vẫn trường tồn, quay lại và mạnh mẽ theo những cách riêng biệt trong tương lai).

Ngày xưa mọi người đếm views Youtube, và Trending là điều đáng tự hào. Nhưng hiện tại,  với sự lên ngôi của tiktok, của các nền tảng mạng xã hội và sự thay đổi của nhịp điệu cuộc sống, xu hướng nghe nhạc cũng đã thay đổi rõ rệt, người ta không còn đủ thời gian và kiên nhẫn để nghe đi nghe lại một bài hát vài lần để “thấm”, mọi thứ phải “catchy” từ 10 giây đầu tiên. Cơ hội để bạn xuất hiện trước công chúng rất ngắn ngủi, vì vậy bạn phải gây ấn tượng ngay lập tức. Nhưng đối với tôi, có một tôn chỉ bất di bất dịch của V-MAS, đó chính âm nhạc là cuộc sống và đừng nghĩ sẽ thần thánh hóa nó. Mọi thứ đều ở xung quanh chúng ta, đơn giản thế thôi.

Hơn thế nữa, việc ra mắt một bài hát hiện tại không chỉ đơn thuần là bài hát nữa, nó là tổng hòa của các chiến lược, hình ảnh, kế hoạch quảng bá và thông điệp đi kèm để có tác phẩm cuối cùng. Guồng quay đã thay đổi rồi, nhưng để cập nhật và luôn làm mới, bạn buộc phải quan sát. Mặc dù tôi chưa bao giờ cho phép bản thân “out” khỏi guồng quay ấy, nhưng tôi đang cố gắng trao quyền hơn cho các bộ phận và chỉ là người cuối cùng nghiệm thu sản phẩm. Các bạn trẻ là những người hiểu rõ về xu hướng nhất và chính họ sẽ là những người làm điều ấy giỏi nhất, tôi sẽ để họ làm điều đó thay mình.

Bạn không thể áp dụng “thiết quân luật” trong lĩnh vực giải trí

Chúng ta không thể phủ nhận, một văn hóa doanh nghiệp thành công sẽ đến từ người dẫn đầu. Vậy anh Phan Anh đang theo đuổi triết lý quản trị như thế nào?

Điều lớn nhất tôi nhận được khi ngồi vị trí lãnh đạo ở những cơ quan truyền thông báo chí ấy, không phải là lương bổng, mà là những kinh nghiệm quản trị để tôi có thể áp dụng vào công ty ngày hôm nay. Và đó chính là một may mắn của tôi. Thật ra chúng tôi đã vận hành từ rất lâu rồi, nhưng để chuyên nghiệp, bạn phải chuyên nghiệp ngay từ cái tên và những thứ nhỏ nhất. Thời điểm tháng 11/2022 chính là một cột mốc, trải qua hơn 1 năm, các bạn đã bắt đầu hiểu và thích thú với khái niệm văn hóa doanh nghiệp. Nhiều người nghĩ rằng nghệ sĩ thường không quảng giao và chỉ ở trong thế giới hào nhoáng riêng, nhưng ở V-MAS, chúng tôi cố gắng tiếp cận thế giới riêng đó của họ rồi gắn nó với thế giới chung của chúng tôi.

Bản thân tôi muốn trở thành một người lãnh đạo gần gũi và thân thiết với mọi người. Tôi luôn cố gắng tạo ra một không gian thoải mái cho mọi người làm việc, bởi vì khác với những lĩnh vực khác, bạn không thể áp dụng “thiết quân luật” trong lĩnh vực giải trí. Ở công ty này, 1+1 không phải là 2 mà có thể là 100. Chúng tôi đề cao tinh thần “teamwork” và yêu cầu phản hồi liên tục từ mọi vị trí, đó là lý do V-MAS rất tự hào rằng chưa có một dự án nào bị trễ deadline. “Tôi đưa ra đề tài và bạn giải quyết nó, còn làm như thế nào đó là việc của bạn và tôi sẽ không can thiệp và đi sâu vào chi tiết. Chỉ cần các bạn cảm thấy yêu thích, được gắn bó và sáng tạo tôi sẽ tạo cơ hội bằng mọi cách” – đó là điều mà tôi đã học được ở những nơi đi trước.

Nhìn về 5 10 năm nữa, đâu là điều anh Phan Anh mong muốn nhìn thấy khi V-MAS đang ngày càng tạo được chỗ đứng lan tỏa hơn?  

Tôi có hai ước mơ lớn. Một là được nhìn thấy quy trình vận hành của nền giải trí Việt Nam sẽ trở nên chuyên nghiệp và quy củ hơn. Và ước mơ lớn hơn hết thảy là có được công ty bạn và những nghệ sĩ tin tưởng, đồng hành cùng V-MAS trong việc hiện thực hóa quy trình này. Tôi tin rằng 5 hay 10 năm nữa, thị trường sẽ có sự thay đổi, sẽ hình thành “big 3” hay “big 5” nắm phần lớn thị phần, quy tụ nhiều nghệ sĩ lớn về một công ty và các nghệ sĩ độc lập sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Tôi hy vọng được nhìn thấy V-MAS sẽ là một trong những công ty nằm trong “big 5” đó.

Nhìn lại quãng đường đã đi qua, liệu anh Phan Anh có thể đúc kết và chia sẻ một bài học quan trọng mà anh tin nó sẽ có thể áp dụng trong bất cứ ngành nghề nào không chỉ riêng sáng tạo và nghệ thuật?

Thế giới showbiz rất đặc biệt, điều đặc biệt đầu tiên mà tôi muốn nói cho những ai muốn bước chân vào lĩnh vực này đó là sự linh hoạt cực kỳ cao. Đây cũng là môi trường rủi ro lớn (nhất), việc giữ vững niềm tin và kiên định là vô cùng quan trọng. Cuối cùng, chỉ những ai có tầm nhìn khác biệt mới có thể tạo ra sự đột phá và sẽ luôn có chỗ đứng thuộc về mình.

Cảm ơn anh Phan Anh vì những phút giây trò chuyện quý giá và chúc anh ngày một thành công hơn!

Ảnh: Tuấn Nguyễn


 
Back to top