Nghệ thuật

Gặp gỡ người chơi tranh: NTK Nguyễn Hoàng Ngân, nhạc sĩ Huy Tuấn & diễn viên Hồng Ánh

Jul 23, 2020 | By Trang Ps

Xuất hiện tại triển lãm “République D’Art – “Vùng nhiệt đới gió mùa” lần này, NTK Nguyễn Hoàng Ngân, nhạc sĩ Huy Tuấn và diễn viên Hồng Ánh mang đến 7 bức tranh nổi bật từ các danh họa và họa sĩ Việt Nam thời danh. LUXUO vừa có cuộc trò chuyện thân mật với họ để hiểu hơn về hành trình chơi tranh cũng như gu thẩm mỹ cá nhân. 

Nguyễn Hoàng Ngân: “Điều tôi chú ý trước nhất trong tác phẩm hội họa là màu sắc”

Hơn 20 năm làm thời trang sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, NTK Nguyễn Hoàng Ngân vẫn kiên trì vẽ và ký họa cạnh bên các phác thảo thiết kế. Cô cũng từng có triển lãm tranh đầu tiên tại Đức Minh Gallery vào năm 2017.

Chào chị Hoàng Ngân! Chị có thể chia sẻ về cơ duyên khiến chị đến với sưu tầm nghệ thuật? 

Có lẽ, việc sở hữu tác phẩm của tôi xuất phát từ tình yêu nghệ thuật. Nhưng cũng cần đính chính lại chút, tôi chắc chưa đạt tới vị trí “nhà sưu tập”. Tôi có sở hữu một số tranh và tác phẩm nghệ thuật chủ yếu vì thích thú. Tuy nhiên, là một nhà thiết kế kiêm họa sĩ, tôi đặc biệt quan tâm và nghiên cứu về hoạt động sưu tầm nghệ thuật

Những tác phẩm đầu tiên thể hiện gu thẩm mỹ của Hoàng Ngân ra sao? 

Sống động và đa diện: một vài bức mang đậm dấu ấn thời trang, có bức đen trắng hoặc đơn sắc, có bức lại tươi tắn và rực rỡ… Có lẽ, điều khiến tôi chú ý trước nhất trong một tác phẩm hội họa là màu sắc.

Bâng khuâng, Sơn dầu,59cm x 48cm, Bùi Thanh Phương, thuộc sở hữu của Nguyễn Hoàng Ngân.

Chị quan niệm ra sao về sưu tầm nghệ thuật? 

Đây là một trong những con đường tuyệt vời nhất để bạn đầu tư vào thứ mà mình đam mê. Sưu tầm cũng làm phong phú thế giới tâm hồn của bạn. Trái đất sẽ trở nên tốt đẹp hơn và con người cũng trở nên nhân văn hơn khi yêu nghệ thuật.

Đâu là nghệ sĩ mà chị yêu thích? 

Tôi yêu thích khá nhiều: các tác phẩm của Andy Warhol, nét ngây thơ sống động của Marc Chagal và Henri Matisse, sự tài hoa của Salvador Dali hay Picasso, vẻ rực rỡ huy hoàng trong tranh của Gustav Klimt, và cả tranh của một số họa sĩ Trung Quốc đương đại.

Chị hình dung một bộ sưu tập của mình trong 5 năm nữa sẽ như thế nào? 

Thật sự, tôi đang mua sắm nghệ thuật theo cảm tính vì tôi chưa có ý định trở thành nhà sưu tầm chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tôi cũng cân nhắc nếu có thời gian tôi sẽ tham gia một số khóa học ngắn hạn về việc sưu tầm nghệ thuật như “The art of collecting” của Sotheby’s Institute of Art hay “Collecting Contemporary Art” của Central Saint Martin để có thêm kiến thức về thế giới nghệ thuật bao la này.

Bức Đi chợ, Sơn dầu trên toan, 54cmx44 cm, 1982, Phạm Lực, thuộc sở hữu của NTK Nguyễn Hoàng Ngân.

Chị nhận xét như thế nào về thị trường sưu tầm nghệ thuật ở Việt Nam, đặc biệt ở thế hệ millennials như chị?

Thị trường sưu tầm nghệ thuật ở Việt Nam tuy chưa sôi động, nhưng cũng hình thành nên vài thế hệ sưu tầm. Các nhà sưu tập thế hệ của tôi bắt đầu sưu tập một cách có hệ thống, có sự tính toán, khác với việc sưu tầm theo cảm tính như các nhà sưu tập thế hệ trước. Bên cạnh việc quan tâm tới các các tác phẩm của các họa sĩ đã có tên tuổi hoặc các họa sĩ Đông Dương, họ cũng nghiên cứu sưu tầm tranh của các họa sĩ đương đại, và phần lớn vẫn ở thị trường trong nước.

Huynh đệ, Sơn mài, 81cm x 61cm, 2001, Lê Ngọc Thanh, thuộc sở hữu của NTK Nguyễn Hoàng Ngân.

Chị có thể chia sẻ đôi điều về những tác phẩm tranh trưng bày trong République DArt?

Đây là một cuộc trưng báy khá thú vị, phong phú với nhiều tác phẩm của các tên tuổi lớn như Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Xương, Lưu Công Nhân cùng với các tên tuổi đương thời như Phạm Lực, Nguyễn Nghĩa Cương, Đào Thành Duy,… thuộc sở hữu của các nhà sưu tập chuyên nghiệp có, tài tử có. Tôi tham gia với 03 tác phẩm của các họa sĩ Phạm Lực, Bùi Thanh Phương và Lê Ngọc Thanh, cùng mong muốn với Luxuo Art trong việc tôn vinh hoạt động sưu tầm – sở hữu nghệ thuật tại Việt Nam.

Nhạc sĩ Huy Tuấn: “Hội họa đương đại vẫn là gout của tôi”

Chơi tranh khoảng chừng hơn 5 năm nay, nhạc sĩ Huy Tuấn từng chia sẻ “từ tranh ra nhạc, hai thứ lôi cuốn nhau trong tôi với sức hút lạ kỳ.” Anh may mắn khi có cơ hội sở hữu những tác phẩm từ các danh họa, và chơi tranh cũng là cách thăng hoa hơn trong thế giới nghệ thuật mà anh dấn thân.

Chào nhạc sĩ Huy Tuấn! Là người có tranh triển lãm lần này tại Luxuo Art, anh có thể chia sẻ hoàn cảnh bén duyên với sưu tầm nghệ thuật?

Thú thật, tôi cảm thấy ái ngại khi được gọi là nhà sưu tầm, bởi những bức tranh tôi mua xuất phát từ nhu cầu trang trí nhà cửa là chính, sau đó, tôi mới bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu kỹ hơn về nó. Tình cờ, đến một lúc nhất định, niềm đam mê tranh ngấm vào người vô thức. Lúc này, tôi bắt đầu mua tranh của những họa sĩ mà mình cảm thấy vừa vặn với gu thẩm mỹ cá nhân, hoặc ít nhiều trong sự hiểu biết, tôi thấy đẹp và muốn sở hữu.

Mỗi thời kỳ, tôi lại có sở thích khác nhau nhưng hội họa đương đại là gout của tôi. Trên bình diện cá nhân, tôi thấy nó gần gũi và cũng dễ thẩm thấu hơn.

Bức họa “Khỏa thân với đèn dầu” trong chất liệu bột màu của Lê Công Thành thuộc sở hữu của nhạc sĩ Huy Tuấn.

“Chơi tranh” có ý nghĩa với anh như thế nào?

Đó là một cách ghi lại tâm tư, ký ức, sự thay đổi về tư duy và nhãn quan sống trong một thời điểm nhất định. Ngoài ra, đó cũng là một loại tài sản quý mà bạn có thể lưu giữ và đầu tư, thay vì chỉ dừng lại ở mua vàng hay bất động sản. Ngoài cơ hội có thêm kênh đầu tư, bạn còn được thưởng thức “tài sản” này hàng ngày, chiêm nghiệm nó với nhiều cảm xúc đa chiều phức tạp của bản thân.

Tôi nghĩ có hai kiểu sưu tầm: (1) sưu tầm những bức tranh quý để kinh doanh hoặc sở hữu độc quyền; (2) sưu tầm vì đam mê và ngưỡng mộ, cùng lòng trân trọng đối với công việc và sức lao động của các họa sĩ. Tôi thuộc kiểu thứ hai.

Đâu là những họa sĩ mà anh yêu thích? 

Thành Chương, Vũ Đình Tuấn, Đặng Xuân Hoà, Bùi Quang Ngọc,… đều là những người mà tôi mến mộ.

Anh hình dung một bộ sưu tập của mình trong 5 năm nữa sẽ như thế nào? 

Trong trường hợp có tiền xây nhà mới thì tôi có thể sở hữu gấp đôi số tranh bây giờ (cười). Hiện giờ, nhà tôi đã hết chỗ treo tranh, muốn có bức mới phải bán bớt những bức mà mình đã mua.

Thiếu nữ với khăn choàng vàng của Lưu Công Nhân thuộc bộ sưu tập của Huy Tuấn.

Là người chơi tranh có tác phẩm xuất hiện trong triển lãm Luxuo Art lần này, anh có thể chia sẻ đôi điều về bức tranh mà anh mang tới?

Cách đây gần hai năm, tôi bất ngờ với những bức tranh của nhà điêu khắc Lê Công Thành. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết tới tranh của bác, trước đó chỉ biết tới một vài bức tượng điêu khắc của ông. Tôi quyết định mua vài bức, và một trong số đó được tôi chọn để trưng bày tại triển lãm lần này. Còn bức tranh của Lưu Công Nhân lại là cái duyên của tôi trong những ngay đầu bị hội hoạ “nhập”. Có thể nói, niềm yêu thích hội họa của tôi cũng bắt nguồn từ những bức tranh của Lưu Công Nhân.

Diễn viên Hồng Ánh: “Tôi thích những bức tranh tính nữ và lãng mạn”

Cơ duyên và ý nghĩa của sưu tầm nghệ thuật đối với diễn viên Hồng Ánh được thể hiện như thế nào?

Như họa sĩ Nguyễn Thanh Bình đã nói và tôi đồng ý, nhà sưu tầm phải là người luôn tìm tòi, lưu giữ các tác phẩm theo một thang giá trị nhất định. Công việc đó đòi hỏi sự chuyên nghiệp và kiến thức rất lớn. Tôi là một người yêu hội họa, thích tranh thôi chứ không phải nhà sưu tầm nghệ thuật ( cười)

Cũng một dịp khá lâu, tôi được một nhà sưu tầm tặng lại một bức tranh “Ngựa” của họa sĩ Lê Bá Đảng. Bức tranh vừa là kỷ niệm đẹp, vừa khiến tôi bắt đầu tò mò về hội họa. Về sau, tôi có một người bạn với sở thích sưu tầm tranh của họa sĩ Lê Phổ. Cũng thế, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân (một người anh của tôi) có rất nhiều bạn bè là các họa sĩ nổi tiếng, nhờ vậy mà tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với họ. Tôi sinh sở thích lưu giữ một số tác phẩm của họ trong nhà.

Những bức tranh mà Hồng Ánh thể hiện gu thẩm mỹ của chị ra sao?

Tôi cũng không rõ “gu thẩm mỹ” của mình ra sao nữa! (cười)

Những tác phẩm đầu tiên mà tôi sưu tầm là của họa sĩ Nguyễn Trung, Bùi Tiến Tuấn, Hoàng Phượng Vỹ, Lê Thiết Cương. Điểm chung trong những bức tranh này là đậm “tính nữ”, lãng mạn, mềm mại, tinh tế chứ không bạo liệt, rực rỡ hay gai góc.

Thuở hồng hoang, Acrylic, 90cm x 70cm, 2016, Nguyễn Nghĩa Cương thuộc sở hữu của diễn viên Hồng Ánh.

Với thái độ cởi mở như vậy, hẳn là chị thích khá nhiều nghệ sĩ? 

Đúng thế! Tôi thích nhiều lắm, nên chắc kể không hết. (cười)

Các hoạ sĩ trong nước có thể kể đến anh Đặng Xuân Hòa, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Trung, Lê Thiết Cương, Hoàng Phượng Vỹ, Bùi Tiến Tuấn, Nguyễn Nghĩa Cương…

Về sau, tôi mong muốn sở hữu nhiều tranh của các họa sĩ đương đại hơn. Sau một số năm không thấy có nhiều cái mới, nhiều cái “gồng mình” quá mức, thì khoảng ba năm lại đây, tôi bắt đầu thích tranh của nhiều họa sĩ trẻ đương đại. Vì “gu thẩm mỹ” của tôi thiên về lãng mạn, nhẹ nhàng nhưng phải tinh tế, nên hơi e dè với những người tuyên ngôn hay đao to búa lớn trong tác phẩm của họ.

Chị có thể chia sẻ đôi điều về những tác phẩm anh trưng bày trong République D’Art?

Tôi mang tới hai bức tranh của Nguyễn Nghĩa Cương, một họa sĩ trẻ nhưng đang được đánh giá cao. Tôi thích tranh của anh Cương vì đó là cái nhìn mới, trẻ trung và hiện đại vào di sản của quá khứ. Hay nói như nghị quyết của Đảng thì nó vừa hiện đại vừa dân tộc vậy! Cái đó khó làm được lắm! (cười)

Cám ơn anh chị vì những chia sẻ thú vị!


Triển lãm “République D’Art” mở cửa công chúng từ ngày 24 đến ngày 26/7 tại La Vela Saigon Hotel, 280 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 8, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh


 
Back to top