Nghệ thuật

Cặp đôi Samson: Sưu tập tầm nhìn khu vực

Oct 12, 2022 | By Ace Le

Cặp vợ chồng Michelangelo và Lourdes Samson hiện đang nằm trong danh sách những  tích cực nhất. Lourdes Samson cũng là nhà đồng sáng lập của không gian độc lập SEED The Art Space tại Singapore.

Đinh Q. Lê, “Vô Đề” (2015). Ảnh chụp bởi: Cher Him. Nguồn: Michelangelo & Lourdes Samson.

Xin chúc mừng triển lãm “As We Were” ở HeluTrans đã diễn ra thành công tốt đẹp, và cảm ơn Lou vì đã dẫn dắt tour tham quan cùng giám tuyển! Chị có thể chia sẻ với độc giả về quá trình hình thành thai nghén cũng như kết quả của triển lãm được không?

Để kỷ niệm cột mốc sinh nhật năm 2020 của mình, tôi và chồng đã dự định mở kho tác phẩm để tổ chức một buổi tụ họp thân mật cùng bạn bè và gia đình. Khi đại dịch xảy đến, chúng tôi đành tạm hoãn dự định đó và ở nhà âm thầm tự kỉ niệm. Đến tháng 7 năm 2021, những người bạn từ HeluTrans ngỏ lời muốn tổ chức chương trình triển lãm mà chúng tôi đã định làm năm ngoái, và sẽ thực hiện trước tháng 9 nhân lúc không gian đang trống. Chúng tôi cảm thấy đây là cơ hội tốt để được xem lại nhiều tác phẩm và mở cửa rộng rãi cho công chúng. Trong bối cảnh đại dịch, triển lãm cũng trở thành dịp chiêm nghiệm những ưu tư quá khứ và hiện tại.

Triển lãm “As We Were”

Giai đoạn đó, tôi đang nghe một cuốn sách nói của tác giả Joan Didion có tên “The Year of Magical Thinking” (tạm dịch: Một Năm Của Tâm Thế Diệu Kỳ). Những chủ đề về mất mát và sinh tử trong cuốn sách gợi nhớ đến những trải nghiệm chung của cả thế giới sau hơn một năm rưỡi vật lộn cùng đại dịch. Tiêu đề triển lãm “As We Were” (tạm dịch: Ta Mãi Vậy Thôi) được lấy từ một dòng trong cuốn sách, bộc bạch nhận thức rằng cho dù thế giới đã thay đổi rất nhiều nhưng những sợi rễ đan kết con người với nhau về bản chất vẫn y nguyên. Triển lãm bao gồm ba chủ đề chung được diễn đạt qua “các mối quan hệ” – mối quan hệ của chúng ta với các cộng đồng, quốc gia, hay vắn gọn là chính trị; mối quan hệ của con người với không gian đô thị và thiên nhiên, hay môi trường; và mối quan hệ của con người với những điều to lớn hơn chính mình, hay tinh thần và tâm linh. Quy tụ tác phẩm của 39 nghệ sỹ từ 8 quốc gia Đông Nam Á, chương trình triển lãm cũng bao quát được những thực hành nghệ thuật đa dạng trong khu vực, cũng như những nét tương đồng trong mối quan tâm của các nghệ sỹ Đông Nam Á cả về ý niệm lẫn chất liệu.

Chúng tôi rất hài lòng với những phản hồi về chương trình. Đội ngũ giám tuyển tại SEED The Art Space chỉ có một khoảng thời gian ngắn ngủi để chuẩn bị cho triển lãm nên chúng tôi chỉ có thể trông cậy mạng xã hội và việc truyền miệng để quảng bá cho chương trình. Chúng tôi rất vui mừng vì đã có nhiều người đến tham dự và tất cả những tour tham quan do giám tuyển dẫn dắt đều tấp nập người đăng ký. Thậm chí nhiều người còn hỏi liệu chúng tôi có định tổ chức lại mỗi năm hay không. Đối với Mike và tôi, triển lãm lần này là cái cớ để chúng tôi đem những tác phẩm lâu rồi chưa nhìn ngắm ra khỏi kho, và quả thật là một niềm vinh hạnh khi chúng tôi được chia sẻ chúng với nhiều người khác.

Triển lãm “As We Were”

Trong bộ sưu tập của anh chị có một tác phẩm của Đinh Q. Lê và một tác phẩm khác của Bùi Công Khánh. Chị có thể chia sẻ thêm về các tác phẩm này không? Anh chị đã bén duyên với chúng như thế nào?

Chúng tôi đã quan tâm đến thực hành của cả hai nghệ sỹ này một vài năm trước khi sưu tầm tác phẩm của họ. Lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy tác phẩm của hai nghệ sỹ này là ở triển lãm của Bảo tàng Nghệ thuật Singapore và sau đó là của 10 Chancery Lane ở Hong Kong.

Tác phẩm “Vô Đề” (Untitled, 2015) là một ví dụ tuyệt vời cho thực hành đan ảnh (photo-weaving) của của Đinh Q. Lê. Ông kết hợp hình ảnh của Chiến tranh Việt Nam với các hình tượng trong tranh phục hưng để khám phá những mối tương quan giữa bản thân sự kiện lịch sử và cách con người kiến tạo nên lịch sử. Đinh Q. Lê di cư đến Mỹ trong giai đoạn cuối của Chiến tranh Việt Nam – hay nói đúng hơn là cuộc kháng chiến chống Mỹ, đứng từ góc nhìn người Việt. Ông thừa nhận hồi ức mơ hồ của mình về những năm tháng ấy đã dần đan quyện nhập nhằng với những câu chuyện ông từng đọc hay những bộ phim ông từng xem. Thế là ký ức của chính ông đã trở thành một tập hợp pha trộn những dòng tự sự này.

Đối với trường hợp Bùi Công Khánh, tôi may mắn được gặp nghệ sỹ vào năm 2020 khi anh đến Singapore để tham dự buổi khai mạc triển lãm “Stealing Public Space” (tạm dịch: Chôm Chỉa Không Gian Công Cộng) do Iola Lenzi giám tuyển tại Substation. Sau triển lãm ấy chúng tôi đã mua một trong những tác phẩm của anh – “Những Chiếc Huy Chương Sứ” (Porcelain Medals, 2018). Tác phẩm sắp đặt này bao gồm hơn một trăm chiếc huy chương sứ được đúc từ khuôn và do nghệ sỹ vẽ tay. Tác phẩm chất vấn giá trị những phần thưởng của nhà nước ban tặng để bù đắp cho sự hy sinh tận tụy của những chiến sỹ quân đội. Số lượng các miếng sứ cũng như vẻ trang trí của chúng đả phá giá trị biểu trưng của chiếc huy chương quân đội, nhất là khi gia đình của các chiến sỹ ở Việt Nam còn phải trầy trật từng bữa ăn.

Bùi Công Khánh, “Những Chiếc Huy Chương Sứ” (2018). Ảnh: Nghệ sỹ.

Bộ sưu tập của anh chị là một trong những bộ sưu tập đương đại Đông Nam Á đáng tin cậy nhất của thế hệ hiện thời. Nó đã bắt đầu ra sao, và qua nhiều năm đã thay đổi như thế nào?

Khi bắt đầu sưu tầm nghệ thuật đương đại, chúng tôi chỉ đơn giản muốn lấp đầy mấy bức tường trong căn hộ của mình. Chúng tôi bắt đầu sưu tầm tranh vẽ của những nghệ sỹ trẻ ở Philippines, và một khi đã quen thuộc hơn với tác phẩm của các nghệ sỹ Đông Nam Á khác, chúng tôi nới rộng mục tiêu sưu tầm để bao hàm cả khu vực. Khởi đầu từ tranh vẽ và những tác phẩm hai chiều, hiện tại chúng tôi còn sưu tầm tác phẩm điêu khắc, sắp đặt, và hình ảnh động. Chúng tôi cũng bị hấp dẫn bởi các tác phẩm sử dụng đa chất liệu, dựa trên ý nghĩa sẵn có của các chất liệu và đồ vật địa phương mà kiến tạo, khơi gợi những diễn giải mới. Những chủ đề của triển lãm “As We Were” thể hiện tiêu biểu những mối quan tâm chung trong bộ sưu tập nghệ thuật của chúng tôi – những vấn đề lịch sử, chính trị, tinh thần, xã hội của Đông Nam Á đương đại.

Triển lãm “As We Were”.

Năm 2020 và 2021 là những năm vô cùng khó khăn của bối cảnh nghệ thuật Singapore với nhiều kinh viện và không gian nghệ thuật phải đóng cửa. Đồng thời cũng xuất hiện làn gió mới cho làng nghệ thuật với nhiều khởi xướng như không gian SEED The Art Space do Lou đồng sáng lập. Đội ngũ của dự án này muốn đạt được điều gì, và hiện tại đang chuẩn bị cho những dự án nào?

Khi mới thành lập SEED The Art Space vào năm 2019, chúng tôi hình dung đó là một sân chơi cho nghệ sỹ khám phá hướng đi mới trong thực hành của họ thông qua triển lãm hoặc các dự án hợp tác nghiên cứu. Chúng tôi mong muốn nới rộng, thúc đẩy việc thưởng thức nghệ thuật đương đại trong các triển lãm có nhiều loại phương tiện đa dạng như video art, gốm sứ, và tranh thu nhỏ. Chúng tôi cũng hy vọng có thể làm việc với nghệ sỹ trẻ và tạo cơ hội để họ trưng bày tác phẩm. May mắn thay, dù trong đại dịch, nhưng năm nay chúng tôi vẫn thực hiện được một vài triển lãm. Dự án cuối cùng của năm nay là một trưng bày nghệ thuật mà chúng tôi đồng thực hiện với Plural Art trong dịp lễ hội, bao gồm các tác phẩm nhỏ, gốm sứ, trang sức, đồ vật thiết kế, phù hợp để làm quà tặng cho gia đình và bạn bè. Tháng 1 năm sau, chúng tôi sẽ tổ chức một triển lãm cá nhân của nghệ sỹ gốm Nelson Lim tại không gian này, và đang trao đổi cùng một số nghệ sỹ khác về những triển lãm khả dĩ cho khoảng giữa năm 2022. Chúng tôi cũng muốn phát triển một chương trình lưu trú nhưng cần lên kế hoạch chi tiết hơn.

Đội ngũ SEED The Art Space. Ảnh: Michelangelo & Lourdes Samson.

Chị cân bằng hai vai trò là nhà sưu tầm và giám tuyển như thế nào? Hai vai trò ấy bổ trợ cho nhau như thế nào?

Mối quan tâm của tôi với việc giám tuyển khởi nguồn từ cuộc hành trình cá nhân với tư cách nhà sưu tầm. Tôi đã bội thu kiến thức sau nhiều năm phát triển bộ sưu tập, chủ động kết nối với nghệ sỹ, tìm ra những sợi liên kết trong những tác phẩm của mình để đi sâu vào các chủ đề, các phương thức về chất liệu hay các quá trình thực hành có nét tương đồng. Đây cũng là cách tiếp cận của tôi khi làm giám tuyển độc lập. Trên cương vị giám tuyển, mục tiêu của tôi là tạo ra một khung tự sự mạch lạc cho mỗi triển lãm, và với mỗi tác phẩm được chọn đưa vào, khung tự sự ấy lại được đắp bồi và soi tỏ hơn. SEED hoạt động như một tập thể giám tuyển chứ không phải là các giám tuyển cá nhân, bởi vậy các dự án của chúng tôi nhận được nhiều lợi ích từ những chiều ý kiến khác nhau, cũng như từ việc kết hợp các kỹ năng trong giám tuyển, viết lách, nghiên cứu, thiết kế triển lãm, hay quản lý sự kiện.

Triển lãm “As We Were”.

Chị có lời khuyên gì cho những nhà sưu tầm trẻ mới chập chững bắt đầu hành trình của họ?

Tôi cho rằng việc sưu tầm nghệ thuật về bản chất là một hành trình tự vấn. Thay vì dựa dẫm vào ý kiến hay gu thẩm mỹ của người khác, tôi cảm thấy các nhà sưu tầm trẻ nên tự phát triển chất riêng của họ qua thời gian. Tức là xem tác phẩm ở triển lãm bảo tàng, phòng tranh, hội chợ nghệ thuật. Tức là trò chuyện với phụ trách phòng tranh, gặp gỡ nghệ sỹ, đọc xã luận catalogue cũng như các chú thích trên tường ở triển lãm. Trong quá trình đó, nhà sưu tầm trẻ sẽ không chỉ khám phá thể loại nghệ thuật họ thích mà còn nhận ra những giá trị mà họ muốn ủng hộ.

Chân dung nhà sưu tầm kiêm giám tuyển Lourdes Samson. Nguồn ảnh: Michelangelo & Lourdes Samson.


 
Back to top