ART & LIFE

Gặp gỡ Nikita Chu và tầm nhìn di sản cùng Luxuo Legacy

Nov 25, 2023 | By Stephanie Nguyen

Kín tiếng trong giới truyền thông nhưng Nikita Chu là một người rất có ảnh hưởng trong giới nghệ thuật và thời trang cao cấp. Cô xuất thân từ một gia đình có ông nội là người đứng đầu Sở Liêm phóng Bắc Bộ từ tháng 8 năm 1945, kiêm nhiệm vụ bảo vệ cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lúc đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 02/09/1945, và bà nội là một cô gái Pháp diễm lệ, yêu kiều, bạn thân của điêu khắc gia nổi tiếng Điềm Phùng Thị.

Chân dung Nikita Chu, Tổng biên tập dự án The Legacy của LUXUO 

Lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa, Nikita Chu được kế thừa tình yêu nghệ thuật từ nhỏ qua nhiều thế hệ. Cụ ông của cô là thầy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại trường Quốc học Huế. Cụ bà là nữ giáo viên đầu tiên của trường. Hai người gặp gỡ bằng tình yêu nghề, rồi nhanh chóng phát triển thành một mối tình lãng mạn với quả ngọt là cô con gái Simone Le Bris xinh đẹp mang hai dòng máu Á – Âu. Trong thời gian công tác tại Sở Liêm phóng Nam Trung bộ với vị trí thư ký, cô gái trẻ rơi vào tình yêu với ông Chu Đình Xương, người lúc bấy giờ giữ vị trí rất cao trong nhà nước Việt Nam, là Giám đốc Sở Liêm Phóng Bắc Bộ, tiền thân của Bộ Công An Việt Nam, và là người từng che ô bảo vệ cho Bác Hồ trong Ngày Tuyên ngôn Độc lập.

Họ chính là ông bà nội của Nikita Chu.

Tuổi thơ của Nikita gắn liền với những buổi tiệc rượu và đọc thơ của ông nội, nơi cô được tiếp cận những góc nhìn về nghệ thuật, văn hoá và con người thông qua những câu chuyện rất hay mà ông kể, cũng như những cuộc trò chuyện của ông với bạn bè tri thức. Cô cũng vô số lần đi theo bố là dịch giả Chu Trung Can đến sinh hoạt tại trung tâm nghệ thuật lúc bấy giờ là Salon Natasha, bên cạnh người bác là Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ của Việt Nam. 

Nikita Chu chia sẻ cùng Luxuo về di sản của gia đình, cũng như về tầm nhìn kế thừa những di sản nghệ thuật của thời đại, dưới vai trò mới – Editor in Chief của Luxuo Legacy.

Được biết Nikita Chu là một Chuyên viên cố vấn hình ảnh và Doanh nhân, điều gì đã dẫn chị đến với vai trò Editor in Chief của Luxuo Legacy?

Nikita không nghĩ là mình chọn nghệ thuật, mà là nghệ thuật đã chọn Nikita. Nikita thừa hưởng niềm đam mê sâu sắc với nghệ thuật từ gia đình. Người ảnh hưởng lớn nhất đến tôi là ông nội. Ông ngày xưa rất phong cách, luôn mặc một bộ suit trắng và khiến người ta phải ngoái nhìn mỗi khi lái xe vì ông luôn đặt một tay trên vô lăng, một tay cầm điếu thuốc gác lên cửa kính. Bà nội, trái lại, lại là người vô cùng nghiêm khắc. Thuở đương thời, bà là bạn thân của bà Điềm Phùng Thị, nên trong nhà Nikita lúc nào cũng có các tác phẩm điêu khắc, đặc biệt là một bộ sưu tập trang sức làm từ hồi bà Điềm Phùng Thị còn ở bên Pháp.

Ngày nhỏ, Nikita cũng hay theo bố đến Salon Natasha, nơi chú Hà Trí Hiếu, nhóm Gang of Five và các bạn bè trong giới văn nghệ sỹ thường xuyên lui tới. Tôi luôn cảm thấy đó như một thế giới rất khác mà mình không thể hiểu, nhưng bố luôn khuyến khích tôi học cách cảm nhận. Dần dà, nghệ thuật cứ thế ngấm vào tâm hồn tôi.

Từ trái qua: Ông Chu Đình Xương và bà Simone Le Bris cùng con gái Chu Thuận Đức, con trai Chu Trung Can và anh họ Pierre Le Bris

Một điều khởi nguồn cho gia tộc họ Chu và cũng là di sản rất lớn để lại cho gia đình, ấy là tình yêu – tình yêu đôi lứa, tình yêu con người và tình yêu dành cho nghệ thuật. Chị có cảm nghĩ sao về hai chữ “tình yêu” này?

Đúng là tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình tràn ngập tình yêu. May mắn hơn nữa là tôi được thừa hưởng từ mỗi người một ít yếu tố về nghệ thuật. Các anh chị em trong nhà không ai để ý đến cái đẹp nhiều như tôi. Từ lúc đi học, tôi đã được các bạn hỏi thăm chỗ mua giày và áo. Về sau mới biết đó là một phần khiến mọi người nói tôi may mắn giống ông nội nhất nhà. 

Thừa hưởng nhiều tình yêu và di sản nghệ thuật từ gia đình, tôi luôn thấy mình có trách nhiệm để bảo tồn và phát triển nó. Đó vừa là cách để tôi giữ mối liên hệ với bố và ông bà nội, vừa là cách để tôi đóng góp trách nhiệm của một người con, người cháu.

Trong số những bảo vật chị được thừa hưởng là bộ sưu tập trang sức của bà Điềm Phùng Thị. Chị có thể chia sẻ về bộ sưu tập này và món trang sức mình thích nhất không? 

Tôi kết nối với những tác phẩm của bà Điềm Phùng Thị nhờ tình yêu dành cho nghệ thuật và kiến trúc. Từ bé, tôi đã hay nói với bà nội: “Bà ơi con thích bộ sưu tập của bà Điềm Phùng Thị lắm!” Tôi không ngờ rằng khi mất đi, bà nội đã để lại bộ sưu tập ấy cho tôi. Có rất nhiều món trang sức độc đáo, nhưng có một sợi dây chuyền tôi rất thích và đã đeo nó trong buổi triển lãm Sotheby’s – Mộng Viễn Đông, cũng là một dịp đặc biệt cho tôi sống lại ký ức với bà nội. 

Bà Simone Le Bris, người đã cho Nikita Chu thừa hưởng từ vẻ ngoài xinh đẹp đến tư duy khoáng đạt và phong thái duyên dáng của một cô gái Pháp

Có phải do cách lớn lên tự nhiên cùng nghệ thuật mà bây giờ Nikita Chu mới có mong muốn đưa thật nhiều trải nghiệm nghệ thuật đến gần hơn với công chúng?

Đúng vậy. Đối với tôi, không cần phải hiểu sâu quá để bắt đầu với nghệ thuật mà chỉ cần cho phép mình được nhìn thấy, được tiếp cận với cái đẹp và cảm nhận nó, giống như ngày xưa bố hay dắt tôi đến những triển lãm của chú Hiếu và khuyến khích tôi cảm nhận vậy. 

Trong những năm qua, chị quan sát thấy có sự chuyển biến gì trong giới nghệ thuật Việt Nam?

Lần đầu tiên tôi về nước là vào năm 2016. Lúc đó chẳng mấy ai nói về nghệ thuật của Phổ – Thứ – Lựu – Đàm. Thế nhưng chỉ sau 8 năm, mọi thứ đã khác. Tôi thấy sự quan tâm dành cho nghệ thuật ngày càng lớn. Tin vui nhất là gần đây, cả ba nhà đấu giá Sotheby’s, Christie’s và Philips đều đã có mặt ở Việt Nam. 

Đâu là những địa hạt tiềm năng của nghệ thuật cao cấp tại Việt Nam, theo chị?

Thời trang là điều đầu tiên tôi nghĩ đến. Trong tất cả mọi nơi, ở mọi thời điểm, thời trang luôn gây cho người ta hứng thú. Thứ hai là các hoạt động nghệ thuật, bao gồm vẽ tranh, chụp ảnh, sắp đặt, nội thất,… Với tôi, tất cả mọi thứ trên đời này đều nên đẹp. Âm nhạc cũng là một địa hạt thú vị. Tôi nói điều này không chỉ vì con gái tôi thích chơi đàn đâu (cười) mà là vì âm nhạc luôn có khả năng lay động đặc biệt đến tâm hồn mà không ngôn từ nào diễn giải được. Cuối cùng là ẩm thực và du lịch. Nghệ thuật ẩm thực nằm trong bàn tay tài hoa của các đầu bếp và cả cách ăn, cách uống thể hiện phong thái của một người, còn du lịch giúp chúng ta mở rộng tầm mắt trước những điều tuyệt đẹp của cuộc sống.

Ông nội tôi luôn mặc một bộ suit trắng và khiến người ta phải ngoái nhìn khi lái xe, vì ông luôn đặt một tay trên vô lăng, một tay cầm điếu thuốc gác lên cửa kính.

Dưới vai trò Editor in Chief của dự án Luxuo Legacy, chị sẽ mang nghệ thuật đến gần hơn với cộng đồng như thế nào? 

Thị trường nghệ thuật cao cấp ở Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh. Người Việt Nam đang bắt đầu hướng đến những đẳng cấp cao hơn trong lối sống, đặc biệt là giới trẻ. Tôi muốn truyền cảm hứng nhiều nhất cho thế hệ này, bởi tôi tin họ chính là tương lai của đất nước. Theo tôi, trải nghiệm và học hỏi chính là hai yếu tố đánh thức cảm quan nghệ thuật bên trong mỗi người, vậy nên tôi muốn có nhiều chương trình, nhiều hoạt động vừa mang tính giáo dục, vừa truyền cảm hứng để mỗi người tự trải nghiệm và có những cảm nhận cho riêng mình.

Còn nhớ một lần, tôi tình cờ thấy một quyển coffee table book. Ở những trang đầu tiên, tôi bắt gặp bài giới thiệu về một tác phẩm văn học. Bài viết ấy cô đọng mà hay đến nỗi khiến tôi xúc động mạnh. Sau đó, tôi phải tức tốc đi tìm bằng được quyển sách được giới thiệu kia. Đó là trải nghiệm khó quên mà tôi không thể tìm lại ở đâu khác. Tôi muốn mang những trải nghiệm tuyệt đẹp như thế đến cho cộng đồng.

Trải nghiệm và học hỏi chính là hai yếu tố sẽ đánh thức cảm quan nghệ thuật bên trong mỗi người.

Luxuo Legacy sẽ chính thức ra mắt từ đầu năm 2024, giới mộ điệu có thể mong chờ những hoạt động nào từ dự án?

Tôi đã lên kế hoạch cho nhiều hoạt động để mang di sản nghệ thuật đến với cộng đồng, không phân biệt giới mộ điệu hay phổ thông. 

Đối với tôi, di sản phải có giá trị về mặt văn hóa – lịch sử hoặc được những tên tuổi có uy tín công nhận. Tuy nhiên, chúng không nhất thiết phải trở nên xa vời. Di sản có thể là viên kim cương hồng quý hiếm, là một bộ sưu tập của nhà điêu khắc nổi tiếng, là một bản nhạc bất hủ của thiên tài, nhưng cũng có thể là một công thức nấu ăn ngon, là một trải nghiệm khó quên đi theo người ta mãi mãi, như cách tôi được chạm bởi cuốn coffee table book ở trên, hoặc cách tác phẩm văn học kinh điển “Cuốn theo chiều gió” đã truyền cảm hứng để tôi trở thành con người như bây giờ vậy.

Việc của tôi và đội ngũ Luxuo Legacy sẽ là tạo ra những bối cảnh để đưa người xem bước vào thế giới của nghệ thuật. Vì không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm tất cả cái hay và đẹp trên đời, nên hãy để chúng tôi mang những di sản tinh hoa của thế giới và Việt Nam đến cho bạn. Và biết đâu một ngày nào đó, chính Luxuo Legacy cũng sẽ trở thành một di sản thì sao!

Cảm ơn chị Nikita Chu về những chia sẻ thú vị này!


 
Back to top