Ẩm thực – Ngôn ngữ không lời của tình yêu
Nếu tình yêu là một món ăn, bạn nghĩ đó sẽ là món gì? Tại sao?
Người Ý cho rằng đó là món mì sợi xốt cà chua, bởi đó là kết tinh của loại bột mì thơm ngon hảo hạng nhất với những trái cà chua căng mọng được nấu chậm và nêm với gia vị của đam mê. Trong khi người Pháp nói rằng đó là món bò hầm bourguignon mềm tan trong hương vị của rượu vang đỏ và các loại rau củ nhừ… Còn ở Ấn Độ, người ta sẽ tự hào giới thiệu món Vada Pav, một món ăn làm từ bánh khoai tây chiên giòn (vada) kẹp với bánh mì (pav) vốn gắn liền với cuộc sống đường phố và người dân lao động.
Chuyên gia ẩm thực, người dẫn chương trình kiêm “nhà thám hiểm” ẩm thực, Phil Rosenthal từng nói: “Cổng Ấn Độ không phải là chiếc cổng vòm đá biểu tượng được xây dựng theo phong cách Ấn-Ceramic cách đây hơn 100 năm, mà là những món ăn từ cao cấp đến bình dân đã gắn liền với cuộc sống và văn hóa của con người nơi đây suốt hàng thập kỷ”.
Ẩm thực không chỉ là dấu ấn của quê hương, mà còn là một cách để ta thể hiện tình yêu với những vùng đất xa lạ. Người châu Âu say mê hương vị tươi mới của ẩm thực Á Đông, trong khi những thực khách phương Đông lại bị cuốn hút bởi vị thơm đầu lưỡi của những ly vang sóng sánh và thế giới muôn vị của phô mai tươi.
Ngôn ngữ của tình yêu đôi lứa
Nằm trong tháng Hai, tháng của tình yêu, ẩm thực có dịp được “mặc sức” thể hiện những cung bậc vị giác nhằm đưa đẩy sự thăng hoa của lứa đôi.
Người ta thường nói, cách nhanh nhất để chinh phục trái tim một người đàn ông là thông qua dạ dày của anh ta. Trường hợp này áp dụng với phụ nữ cũng không sai, khi một nữ biên tập viên từng kể về cách người yêu luôn “vỗ đầy” chiếc bụng của cô bằng những món ăn ngon lành khiến cô suốt ngày không thể cưỡng lại. Cô không hiểu vì sao người kia có thể chăm sóc mình chu đáo đến vậy cho đến khi phát hiện ra anh là đầu bếp, và chăm chút từng miếng ăn phù hợp sở thích và mong muốn của người yêu chính là ngôn ngữ yêu thương của anh.
Không chỉ dừng lại ở bữa ăn, nhiều thực phẩm còn được xem là biểu tượng của tình yêu. Socola ban đầu không chỉ là một loại kẹo biểu trưng cho tình yêu, mà còn là một loại thực phẩm có tác dụng tăng cường sức khỏe và tâm trạng khi yêu. Dâu tây, từ thời La Mã cổ đại, đã gắn liền với nữ thần Vệ Nữ – biểu tượng của tình yêu và sắc đẹp. Hoa hồng, tưởng chừng chỉ là quà tặng, thực chất còn xuất hiện trong nhiều món bánh ngọt tại Trung Đông và Ba Tư, làm tăng thêm hương vị quyến rũ cho những món tráng miệng trứ danh như baklava, gulab jamun hay nougat.
Dù là chuẩn bị bữa ăn cho người yêu hay đi ăn cùng nhau ở một nhà hàng lãng mạn, ấm cúng, ẩm thực cũng góp phần trong việc gắn kết hạnh phúc. Bởi trên bàn ăn, người ta thể hiện sự ân cần và chăm sóc cho nhau, cũng như tạo không gian cho những chia sẻ riêng tư và kín kẽ. Hơn cả những món ăn thông thường, ẩm thực tạo cầu nối gắn kết những tâm hồn đang yêu.
“Ẩm thực là ngôn ngữ của tình yêu, khi mọi ngôn từ trở nên đuối sức”, Alan D. Wolfelt.
Ngôn ngữ của gia đình bè bạn
Từ thuở sơ khai, ẩm thực đã luôn gắn liền với bản năng sinh tồn của con người. Khi một ai đó chia sẻ thức ăn của họ, đó không chỉ là hành động đơn thuần, mà còn là cách thể hiện sự bảo vệ, gắn kết và sẻ chia. Tổ tiên chúng ta từng săn bắn, hái lượm và cùng nhau chia sẻ chiến lợi phẩm để đảm bảo sự sống còn. Trong khi những loài động vật có sự tiến hóa gần với con người như khỉ marmoset và tamarin cũng thể hiện hành vi tương tự: khi tìm được thức ăn đặc biệt, chúng kêu gọi và dành phần ngon nhất cho con non trong đàn. Sự sẻ chia này đã khắc sâu vào bản năng và qua thời gian, biến thành một ngôn ngữ yêu thương đầy ý nghĩa.
Ngày nay, bữa cơm gia đình không chỉ là nơi chăm sóc dinh dưỡng, mà còn là không gian để mọi người thể hiện sự quan tâm, gắn kết và tri ân lẫn nhau. Một bữa ăn được chuẩn bị kỹ lưỡng là minh chứng cho tình cảm chân thành. Nấu ăn cùng nhau là dịp để các thành viên gắn kết và tìm hiểu sở thích ẩm thực hay “ngón nghề” nấu nướng của nhau. Trong khi đó, những bàn ăn cộng đồng (communal dining table) luôn là dịp sum vầy ý nghĩa cho những người lưu lạc nơi đất khách quê người, vì lý do học tập hay công việc mà phải xa xứ.
Nhiều nghiên cứu về dinh dưỡng cho thấy tác động sức khỏe của những bữa ăn được chia sẻ cùng người khác, bên cạnh mối liên hệ mật thiết giữa ẩm thực, ký ức và tình yêu. Không ít đầu bếp đã lấy cảm hứng từ những ký ức sâu sắc này để sáng tạo nên những món ăn tuyệt kỹ và giàu cảm xúc. Một món ăn luôn không chỉ bao hàm kỹ thuật nấu nướng điêu luyện, mà còn nhờ vào câu chuyện gắn kết đằng sau đó.
Ngôn ngữ của tình yêu tận tụy
Chỉ khi thực sự yêu thương và trân trọng một ai đó, ta mới sẵn lòng nấu cho họ một bữa ăn đúng nghĩa. Bởi lẽ, hơn cả nguyên liệu thượng hạng và những kỹ thuật thượng thừa, điều làm nên vị ngon sâu sắc cho từng món ăn không đâu khác ngoài tâm sức mà người ta dành cho nó.
Như nhà văn Nigella Lawson từng viết trong quyển sách “Cook, Eat, Repeat” rằng: “Nấu ăn có thể là một công việc vất vả, nhưng đó cũng là một trong những hành động ý nghĩa nhất. Bởi khi ấy, con người không chỉ tập trung vào một món ăn làm đầy chiếc bụng đói, mà còn hướng đến một nhu cầu khác cao hơn là được kết nối.”
Thật vậy, nếu không có sự kết nối ấy, thì cho dù đứng trước một bữa tiệc thịnh soạn đầy ắp món ngon, cảm giác mang lại cho ta cũng vẫn nhạt nhẽo chẳng khác nào ăn những lát khoai tây chiên rẻ tiền. Nhìn về ẩm thực như thứ ngôn ngữ tuyệt vời và đẹp đẽ nhất của tình yêu, một tình luôn đủ đầy và chân thật, khiến cho vị giác thăng hoa lên muôn phần.
Như tác giả Alan D. Wolfelt từng viết: “Ẩm thực là ngôn ngữ của tình yêu, khi mọi ngôn từ trở nên đuối sức”.