Nghệ thuật

Góc nhìn của chuyên gia về tái sinh một số khu vực đô thị

Jul 19, 2021 | By Trang Ps

Ngày 8 và 9.7.2021, chuỗi sự kiện “Italian Design Day – Ngày thiết kế Ý” lần thứ 5 đã chính thức khai mạc tại Việt Nam. Chủ đề của sự kiện năm nay là “Tái sinh một số khu vực đô thị” và “Ứng dụng công nghệ trong việc bảo tồn di sản văn hóa”.

Khái niệm tái sinh đô thị (urban regeneration) được hình thành dựa trên việc cải thiện các tòa nhà và đất đai, ngăn chặn sự suy giảm và xuống cấp của các công trình kiến trúc cổ. Điều này chiếm một vị trí quan trọng các cuộc thảo luận và các dự án quy hoạch đô thị. Để có được các quá trình tái sinh đô thị, chính phủ Ý cũng đã đồng thuận một số chính sách để khuyến khích và hướng dẫn đúng đắn, giúp các công ty tư nhân và cá nhân kết hợp giữa phát triển và bảo tồn di sản văn hóa.

Dưới đây, chúng tôi tóm tắt góc nhìn của tiến sĩ Lê Quỳnh Chi và KTS Massimo Roj – Đại sứ ngày thiết kế Ý lần thứ 5 tại Việt Nam về vấn đề tái sinh đô thị và ứng dụng công nghệ trong việc bảo tồn di sản văn hóa

Tiến sĩ Lê Quỳnh Chi

Bài thuyết trình của TS Lê Quỳnh Chi Chủ đề Tái sử dụng di sản công nghiệp từ góc nhìn đo thị bền vững

Tiến sĩ Lê Quỳnh Chi – Phó trưởng môn Quy hoạch, Khoa Kiến Trúc và Quy hoạch, trường ĐH Xây dựng Hà Nội chia sẻ về việc ứng dụng chủ đề “tái sinh một số khu vực đô thị” tại Hà Nội:

“Bàn luận về sự chuyển đổi các nhà máy trở thành quận nghệ thuật, có thể nói khởi xướng của trào lưu này là quận nghệ thuật Zone 9. Quận Zone 9 được gây dựng vào tháng 5/2013 tiên phong bởi các nghệ sỹ, hồi sinh nhà máy Dược liệu trung ương bỏ hoang tại khu vực Đông Nam trung tâm Hà Nội.

Mặc dù chỉ tồn tại trong giai đoạn ngắn, ý tưởng về quận nghệ thuật vẫn tồn tại, hướng cộng đồng đến việc tạo dựng và phát triển các quận nghệ thuật mới, như X98, Hanoi Creative City (HCC), (chuyển đổi nhà máy sản xuất mũ cối tại phường Long Biên) 282 Design, (chuyển đổi từ nhà máy in cũ) Complex 01. Hanoi Creative City (HCC) được mở cửa vào tháng 9/2015, thông qua cải tạo tòa nhà Kim Khí Thăng Long cao 20 tầng thành một tổ hợp sáng tạo với tổng diện tích sàn 10.000m2, bao gồm khối đế thương mại và không gian ngoài trời. Điểm khác biệt nổi bật giữa HCC và Zone 9 là những nhà sáng lập đã đưa những quan điểm về thương mại. Sự trộn lẫn, kết hợp giữa tính thương mại và nghệ thuật đã biến HCC trở thành tổ hợp tiềm năng , đặc biệt khi tính đến không gian cho các sự kiện, như các hội chợ thủ công, thời trang, trình diễn, các hoạt động thể thao, buổi nhạc hội.

So sánh với các điểm chính do Hiệp hội phát triển đô thị đưa ra để trở thành các “thành phố đáng sống”, có thể thấy các quận nghệ thuật chuyển đổi từ nhà máy cũ đã đóng góp vào sự phát triển đô thị như sau:

Thứ nhất là đem lại giá trị về kinh tế. Sự đa dạng trong các hoạt động của quận nghệ thuật tạo cơ hội cho lượng lớn cư dân và doanh nghiệp tiếp cận và sinh lời, từ đó tạo dựng một lượng lớn công ăn việc làm.

Thứ hai, quận nghệ thuật tăng cường sự kết nối giữa các mạng lưới, giải quyết vấn đề xã hội. Quận nghệ thuật gắn kết nghệ sỹ với xã hội thông qua việc tạo dựng cơ hội để khuyến khích tài năng. Các không gian chuyển đổi từ nhà máy cũ (gắn với dấu ấn địa phương) chứa đựng không gian thân thiện, nơi mọi người có thể gặp gỡ, trao đổi, do đó gắn kết con người thông qua việc trao đổi ý tưởng, niềm đam mê.

Thứ ba, các không gian này hỗ trợ các sáng tạo xã hội, đa dạng hóa các loại hình phát triển.”

Kiến trúc sư Massimo Roj

Phần thuyết trình của Kiến trúc sư Massimo Roj Đại sứ Thiết kế Ý 2021

Kiến trúc sư Massimo Roj – Đại sứ của “Ngày thiết kế Ý 2021” tại Việt Nam, là người sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty kiến trúc Progetto CMR có rụ sở tại Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Mục tiêu của ông là mang các quy trình kiến trúc của Ý theo hướng công nghệ ra thế giới, nhằm thúc đẩy tính linh hoạt, tính bền vững, ý thức sinh thái và triết lý thiết kế vị nhân sinh.

Massimo Roj đã nhận được nhiều giải thưởng cho công việc và sự cống hiến của mình trong lĩnh vực kiến trúc.  Năm 2019, ông đã được trao danh hiệu “100 người xuất sắc hàng đầu của Ý”.

Ông tin rằng tương lai chỉ có thể được xây dựng bằng cách học hỏi từ quá khứ và diễn giải nó bằng chiến lược hiện đại, sự sáng tạo và ý thức về các giá trị văn hóa. Tái sinh đô thị theo quan điểm của Roj không chỉ là bảo tồn các di sản kiến trúc hiện có. Mà ngay khi bắt tay vào xây dựng một công trình mới hay quy hoạch một đô thị, cần cân nhắc đến các giá trị bên trong của vùng đất đó, tìm hiểu và tôn vinh tính địa phương cũng như các bản sắc xã hội và văn hóa.


 
Back to top