ART & CULTURE

Lược thuật về nền Đồ họa Việt Nam Hiện đại

Jan 10, 2021 | By Trang Ps

Điêu khắc và Đồ họa là hai ngành nghệ thuật có truyền thống lâu đời nhất ở Việt Nam, gắn với sự phát triển của Phật giáo. Những gì trông thấy được, còn đến ngày nay trong khoảng 1000 năm từ thời phong kiến tự chủ.

Ngoài việc in ấn kinh sách Phật giáo, thì in ấn các loại kinh sách Nho giáo, Đạo giáo cùng các sách phương thuật khác cũng rất cần thiết cho một xã hội có khoa cử và tầng lớp Nho sỹ, thầy cúng, thầy địa lý. Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, các dòng tranh dân gian cũng sử dụng khoa ấn loát in mầu hoặc tô mầu bán trong các dịp lễ tết. Khi xã hội hiện đại Việt Nam hình thành cuối thế kỷ 19, thì các kỹ thuật đồ họa truyền thống được sử dụng tiếp tục, bên cạnh những kỹ thuật mới từ phương Tây cho ngành báo chí, quảng cáo và ấn loát sách hiện đại.

Phạm Khắc Quang – Bà Nội 1

Khái niệm Đồ họa – Graphic mang một ý nghĩa mới, xưa không được dùng, hoặc nếu nói đồ họa thì được hiểu đó là vẽ nét thôi. Ấn loát đồ họa được dùng khái niệm rất cụ thể: bản họa – in bằng các ván khắc gỗ, hoặc có nhiều cách nói in kinh sách, ấn chế sách, san khắc kinh sách…tất cả đều là in khắc gỗ. Một số được khắc trên đồng và đá. Khắc sách đồng (hay vàng) được gọi là kim sách, hay thiết khoán, dùng trong trường hợp rất đặc biệt. Còn khắc trên bia đá thì rất phổ biến, nếu cần lấy mẫu hoa văn, chữ nghĩa trên bia, thì đem một bản giấy áp vào tấm đá và vỗ mầu phía sau, gọi là in bản vỗ.

Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, lối in con chữ khắc gỗ của Trung Quốc cũng du nhập vào Việt Nam, nhưng không được dùng phổ biến, lối in bản kẽm cũng mới được biết đến, có lẽ du nhập từ Hồng Kông, có dấu tích từ vài bản in kẽm chùa Bà Đá, Hà Nội. Từ những năm 1880, thuộc địa Nam kỳ do Pháp chiếm đóng xuất hiện báo chí và quảng cáo thương mại, thì các kỹ thuật mới in typo, in lưới, in đá cũng phát triển, nhưng với các minh họa hình ảnh người ta vẫn sử dụng các bản khắc gỗ lồng vào các khuôn in chữ sắp con chì.

Mai Khanh – Bắt cá

Đồ họa nghệ thuật (tranh in độc lập) chỉ là phần nhỏ trong nghề đồ họa ấn loát truyền thống nói chung, nhưng các kinh sách Việt Nam vốn dùng chủ yếu chữ Hán, nội dung triết lý cao siêu, nên cần rất nhiều minh họa vẽ cho người đọc dễ cảm nhận, một vài kinh sách được soạn lại với lượng từ hạn chế, dễ đọc, còn minh họa thì rất nhiều. Loại sách này còn được gọi là nhất thư nhất họa (cứ một trang tranh, một trang chữ). Nghề vẽ tranh in đồ họa từ đó cũng song hành với in ấn sách. Tính đến thế kỷ 19, ở Việt Nam có khoảng 380 cơ sở in ấn đồ họa khắc gỗ, trong đó các tên có chữ hiệu và đường (ví dụ Cảm Hiếu đường), thì in ấn chuyên nghiệp, thường xuyên phục vụ thị trường xã hội, còn các chùa, đền thì không thường xuyên, các đàn (thi đàn, văn đàn) cũng không thường xuyên, văn sỹ tụ nhau vào bỏ tiền in một hai tác phẩm, rồi chia nhau ấn bản. Triều đình phong kiến in sử sách cũng đặt các hiệu chuyên nghiệp ấn bản. Ván in gỗ thường rất nhiều, vì một tấm ván thường chỉ khắc được 4 trang sách, sách dầy 200 trang thì cần 50 ván gỗ, do đó in xong để vào một nơi trang trọng nào đó, gọi là cơ sở tàng bản. Ở sau các cuốn Kinh sách đều chú thích rõ: trùng san, trùng khắc (san định lại, in khắc lại từ bản cổ), người hưng công tín thí (góp công của in ấn), thợ khắc, người viết chữ, số lượng ấn bản, hiệu in và nơi tàng bản. Những thông tin này cho thấy nghề đồ họa truyền thống rất chuyên nghiệp.

Trần Nguyên Đán – Chợ Bắc Hà

Vào thời Pháp thuộc, dường như không có đạo tạo họa sỹ đồ họa chuyên nghiệp, mà chủ yếu chỉ có hai ngành đào tạo thợ thủ công nói chung và họa sỹ từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Trong trường này có cả bộ môn kiến trúc, trang trí và phần nào đó là thiết kế thủ công. Tuy nhiên với sự phát triển của báo chí, in ấn tiểu thuyết hiện đại, quảng cáo, nhãn mác hàng hóa…thì rất nhiều đồ họa ấn loát được vẽ, thiết kế cho đủ mọi ấn phẩm. Các họa sỹ như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Gia Trí…đều tham gia vẽ bìa báo, bìa sách, minh họa sách. Các minh họa đó chủ yếu vẫn được in khắc gỗ, rất nhiều bản mầu, hoặc đen trắng thuần túy, tuy nhiên họa sỹ chỉ chủ yếu vẽ bản mẫu, còn đưa thợ in khắc thuộc các phường Hàng Trống, Hàng Nón, Hàng Quạt, Hàng Hành in khắc, hoặc do chính thợ nhà in khắc bản gỗ. Những bức minh họa này cũng được coi là tranh đồ họa, như tập sách Nguyễn Du văn họa tập, có 13 họa sỹ tham gia làm tranh in đồ họa, kèm theo bản in, năm 1942. Trong thời của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, có hai họa sỹ đồ họa dường như được coi là chuyên nghiệp là Đỗ Đức Thuận và Vũ Đăng Bốn, tuy nhiên hai ông chỉ để lại có hai bức tranh, đó là bức Bên thuyền sông Hồng của Đỗ Đức Thuân, và Hậu Giám của Vũ Đăng Bốn. Có thể họ có sáng tác nhiều hơn, nhưng thất lạc cả.

Trần Nguyên Đán

Thời Kháng chiến chống Pháp, 1946 – 1954, do nghệ thuật được coi là mặt trận văn hóa, nên đồ họa tuyên truyền cổ động cực kỳ phát triển. Các kỹ thuật in khắc gỗ, in đá, in lưới rất phổ biến. Mọi đường lối chủ trương Kháng chiến Kiến quốc đều được chuyển thành tranh và lời đơn giản súc tích, có tranh cổ động, tranh truyện, tranh truyền đơn, báo của nhiều đơn vị bộ đội…đều được thiết kế và do các ty văn hóa địa phương phát hành miễn phí. Khi trường Mỹ thuật Việt Nam được phục hồi lại tai Yết Kiêu và trường Mỹ thuật Công nghiệp được khai mở, thì hai khoa đồ họa của hai trường cũng bắt đầu đào tạo.

Tuy nhiên từ năm 1955 cho đến tận những năm 1980, khoa đồ họa của hai trường này cơ sở vật chất rất yếu, chủ yếu vẫn là in khắc thủ công, và có vài cái máy in nghiệp dư cỡ nhỏ, dù có nhiều họa sỹ đồ họa học chuyên nghiệp từ nước ngoài về. Các nền đồ họa Xô Viết cũ, Ba Lan, Đông Đức, Cu Ba cũng có giao lưu và ảnh hưởng nhiều mặt đến đồ họa hiện đại Việt Nam. Nhiều họa sỹ có tên tuổi vừa vẽ tranh hội họa vừa làm đồ họa theo kiểu tay ngang, như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tiến Chung, Bùi Xuân Phái… đặc biệt ông Phái gần như vẽ minh họa báo chuyên nghiệp, do hoàn cảnh sống khó khăn, việc đó trở thảnh thu nhập thường xuyên của ông. Các vi nhét báo Văn nghệ chủ yếu do Phái thiết kế. Từ sau thời Mở cửa, 1988, nhiều họa sỹ Mỹ giao lưu với họa sỹ Việt Nam. Họa sỹ David Thomas đã đem cả máy in, giúp đỡ hội Mỹ thuật lập trung tâm Nghệ thuật Đương đại, trong đó cơ sở đồ họa hoạt động tốt với sự cộng tác của họa sỹ Lê Huy Tiếp, một người học đồ họa chuyên nghiệp ở Liên Xô cũ.

Phạm Khắc Quang – Chợ lao động 1

Những năm gần đây, sự giao lưu triển lãm đồ họa Đông Nam Á diễn ra thường niên đã đẩy nhanh sự phát triển của tranh đồ họa Việt Nam và ngành đồ họa design nói chung. Các nước xung quanh đều có nền tảng kỹ thuật đồ họa rất hiện đại, mà còn lâu chúng ta mới đạt được, nhất là Thái Lan, dù hiệu quả nghệ thuật cũng không hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ thuật. Nhiều kỹ thuật cũ được hiện đại hóa, như in khắc gỗ, in kim loại, in đá và in lưới, bên cạnh là những kỹ thuật tổng hợp với máy in và nguyên liệu mới, cho phép các nhà đồ họa phóng to kích thước bức tranh tùy ý, thậm chí có cả sắp đặt đồ họa, lắp ghép và dán vào không gian nhiều chiều.

Cuộc triển lãm “Khắc họa” trưng bày hai tác giả lớn là Trần Nguyên Đán người chuyên in khắc gỗ cả về kỹ thuật và đề tài rất truyền thống, Mai Khanh (đã mất) một họa sỹ đồ họa đa năng trong in khắc gỗ và tấm kim loại, cũng phát triển từ truyền thống với các bố cục hiện đại, bên cạnh là Phạm Khắc Quang, người được coi là đầu tiên có xưởng đồ họa chuyên nghiệp, với lối vẽ chỉnh chu, quán xuyến chặt chẽ từ bản phác thảo cho đến khắc và in ấn. Quang đã làm một bức chân dung tích hợp từ hàng ngàn chấm nhỏ, mỗi chấm lại là một chân dung cực tiểu, đó là một kỹ thuật không dễ, chi tiết và hấp dẫn thị giác. Chưa bao giờ công nghệ, thiết kế và tài hoa trong kỹ năng vẽ khắc in lại song hành như dòng chảy đồ họa hiện nay.

Bài: Phan Cẩm Thượng

Triển lãm Mỹ thuật: “KHẮC HỌA” giới thiệu bộ tuyển tập tác phẩm nghệ thuật của 3 nghệ sĩ – họa sĩ đồ họa: Họa sĩ Trần Nguyên Đán, họa sĩ Lê Mai Khanh và họa sĩ Phạm Khắc Quang, để minh chứng cho các bước hành trình của đồ họa Việt Nam trong giai đoạn cận hiện đại và hiện đại.

Thông qua tuyển tập chắt lọc này, cộng đồng yêu nghệ thuật và xã hội cũng sẽ nhìn thấy một giai đoạn lịch sử với những đóng góp của các nghệ sĩ đồ họa tạo hình Việt Nam trong bức tranh chung của Mỹ thuật Việt.

Triển lãm kéo dài từ ngày 23/12/2020 đến hết ngày 27/02/2021 tại Lunet Art Galerie, Khách sạn Pan Pacific Hanoi, số 1 Thanh Niên, Ba Đình, Hà Nội.


 
Back to top