ART & LIFE

Họa sỹ Nguyễn Linh: “Tôi thích sự cục mịch của người đàn bà nông thôn”

Apr 14, 2021 | By Xu

“Người họa sỹ phải làm việc thường xuyên, không thể nói, tôi rảnh rỗi, tôi có tiền, tôi mới vẽ. Không phải lúc nào cầm bút thì gọi là vẽ, người nghệ sỹ cần phải tích lũy nhiều thứ thì mới hay được. Khi vẽ mà còn nghĩ này kia thì không thể sáng tác được. Chỉ khi nào ta vẽ những thứ đang diễn ra xung quanh mình dưới góc nhìn cá nhân thì mới hay, mới tồn tại, còn vẽ theo mốt, theo phong trào, sẽ chỉ là cái bề mặt, diễn cho oai, cho kêu. Nghệ thuật, với tôi là không được đóng kịch, không chiều theo người xem, người mua.” – Nguyễn Linh chia sẻ

Hoạ sĩ Nguyễn Linh

Tác phẩm “Hoạ sĩ và người mẫu”, hoạ sĩ Nguyễn Linh

Dường như đại dịch Covid đã cho phép nghệ sỹ có thời gian để tập trung vẽ hơn. Rất nhiều người đã quay trở lại giá vẽ sau nhiều thời gian tưởng chừng đóng mạch sáng tác. Họa sỹ Nguyễn Linh có quán cơm nổi tiếng ở phố Lê Văn Hưu, ngoài ra, ông cũng là người nổi tiếng trong lĩnh vực sưu tầm đồ cổ, thạp cổ, đồ gốm, xe đạp Peugeot cổ, và các loại xe phân phối lớn có trị giá tiền tỷ. Một người có thể nói là “đại gia”, có nhiều bộ sưu tập quý hiếm, nhiều thú vui, nhưng ông vẫn tự áp lực mình để ngồi vào giá vẽ, theo tôi, điều đó không phải dễ dàng.

“Người họa sỹ phải làm việc thường xuyên, không thể nói, tôi rảnh rỗi, tôi có tiền, tôi mới vẽ.”

Triển lãm “Nguyễn Linh 4” như một lời khẳng định: Ông Linh vẫn còn đây và không vẽ thì thôi, vẽ thì cực… mạnh. Mà sao nghĩ tới ông, nhìn tranh ông vẽ, người ta cứ phải dùng chữ… “MẠNH”?

Có thể do tôi có một hình thể to lớn, râu ria thế này người ta nghĩ tôi… mạnh? Thực tế thì tôi cũng yếu đuối lắm, chỉ có mỗi cái tội khi làm việc gì cũng phải làm tới cùng, làm đến nơi đến chốn, thế thôi đã tốn sức lắm rồi. Tôi vốn tuổi Trâu mà cô!

hoạ sĩ Nguyễn Linh

Tác phẩm “Tự sự”, hoạ sĩ Nguyễn Linh

Khi vẽ, ý tưởng, bố cục thường được hình thành trước và kỹ lưỡng, hay ông để mọi thứ được tự do, cảm hứng đưa tới đâu thì đưa?

Khi vẽ, tôi thường theo một mạch nhất quán, tất cả ý tưởng, cũng như hình thức, cách vẽ sẽ là một thể thống nhất. Do vậy, khi tôi thực hành một tác phẩm, thường nó sẽ diễn ra rất nhanh, hầu như ít khi phải sửa, được là được luôn, hai là xóa đi.

Người họa sỹ phải làm việc thường xuyên, không thể nói, tôi rảnh rỗi, tôi có tiền, tôi mới vẽ. Không phải lúc nào cầm bút thì gọi là vẽ, người nghệ sỹ cần phải tích lũy nhiều thứ thì mới hay được. Khi vẽ mà còn nghĩ này kia thì không thể sáng tác được. Chỉ khi nào ta vẽ những thứ đang diễn ra xung quanh mình dưới góc nhìn cá nhân thì mới hay, mới tồn tại, còn vẽ theo mốt, theo phong trào, sẽ chỉ là cái bề mặt, diễn cho oai, cho kêu. Nghệ thuật, với tôi là không được đóng kịch, không chiều theo người xem, người mua.

Vì sao những người đàn bà trong tranh của ông không phải đẹp nuột nà, ngược lại thô ráp, khi ông thường phơi bày họ ở các hình dạng trần trụi nhất?

Với đề tài phụ nữ, tôi muốn phơi bày những con người không theo chuẩn mực cái đẹp, chuẩn mực của cuộc thi hoa hậu, hay yểu điệu thục nữ, mà tôi thích hình ảnh những người đàn bà ở nông thôn, hơi cục mịch nhưng họ có sự gợi cảm riêng.

hoạ sĩ Nguyễn Linh

Một trong bộ ba tác phầm “Phương Đông huyền bí”, năm 2020, chất liệu tổng hợp, hoạ sĩ Nguyễn Linh

Thời đổi mới, có nhóm họa sỹ đã giàu lên vì hội họa, còn ông thì ngược chiều gió, bỏ nghề để làm kinh doanh. Rồi giàu lên, ông quay lại vẽ?

Tôi vẫn vẽ và cũng tham dự chút ít vào cơn lốc thị trường đó. Sau một thời gian, tôi mới hiểu ra, và quyết định sẽ kiếm tiền ở công việc khác một cách tự do hơn bởi nếu tiếp tục sống bằng nghề và phục vụ thị trường, tôi sẽ mất hết lý tưởng về hội họa mà bao năm theo đuổi. Chúng làm cho tôi trở thành một tay thợ khéo léo. Trải qua từng ấy thời gian, tôi cảm nghiệm được rằng, quyết định của mình không sai.

Nhắc tới ông, người ta nể vì ông giàu, người ta xem ông như một người giàu vẽ tranh, ông thấy thế nào?

Thực ra, nếu có điều kiện mà sáng tác thì tốt hơn cả. Tôi gần như tuyệt đối vẽ theo cái tôi của mình. Không bị ngóng trông cũng như chiều theo ý thích của khách hàng. Giàu, mà vẫn vẽ, thì nhất chứ sao!

Chủ đề lễ hội cũng được ông quan tâm và cách thể hiện khá độc đáo, ông tìm lối biểu hiện những nhân vật đó như thế nào để bộc lộ những suy ngẫm của mình?

Lễ hội Việt là đề tài luôn làm tôi phấn kích, chúng như thử thách tôi, khi tôi đối mặt với tấm toan lớn, xử lý nhiều nhân vật, nhiều tầng lớp tụ hội lại trong tranh. Chủ đề lễ hội luôn được tôi chọn theo hệ thống với chất liệu dân gian, từng lớp nhân vật với những hoạt động như múa sư tử, rước kiệu, phường chèo, tạo thành một không khí lễ hội thường thấy ở những vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ.

hoạ sĩ Nguyễn Linh hoạ sĩ Nguyễn Linh

Trong những nhân vật lễ hội đó, tôi mời thêm những nhân vật rất đẹp, rất đặc trưng của họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm, Nam Sơn…cùng nhân vật của tôi, tạo nên một bức tranh hoàn hảo về văn hóa dân gian Việt Nam.

“…tôi đã chọn chèo và đưa chèo trở về cuộc sống đời thường ở lễ hội làng, ở những chiếu chèo, trên những sân đình sau vụ thu hoạch… Chèo không còn ở không gian sân khấu mang tính ước lệ nữa”

Điều gì khiến ông quan tâm tới nghệ thuật chèo, và đưa những nhân vật quen thuộc vào tranh vẽ của mình?

Nghệ thuật chèo truyền thống là một đề tài gây cảm hứng cho nhiều thế hệ họa sỹ sáng tác với nhiều góc nhìn và đa dạng về chất liệu, tôi cũng bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của sự đơn giản quyến rũ của vũ đạo, sự biểu lộ phong phú, trào lộng của nhân vật. Tiếng ca trong chèo rất mê hoặc và thật sự lôi cuốn tôi.

hoạ sĩ Nguyễn Linh

Tác phẩm “Hề chèo”, hoạ sĩ Nguyễn Linh

Hoạ sĩ Nguyễn Linh

Tác phẩm “Cô đồng múa lửa”, hoạ sĩ Nguyễn Linh

Ai vẽ đề tài này đều biết, bạn sẽ vấp phải sự khó khăn để truyền tải nó thành tranh theo góc nhìn của mình, nhưng tôi đã chọn chèo và đưa chèo trở về cuộc sống đời thường ở lễ hội làng, ở những chiếu chèo, trên những sân đình sau vụ thu hoạch… Chèo không còn ở không gian sân khấu mang tính ước lệ nữa. Những gam màu trong tranh của tôi là màu nâu, đen xám, màu sen… của cuộc sống những người nông dân đồng bằng Bắc bộ trong một không gian ước lệ, hư hư, thực thực, những khuôn mặt của nhân vật là những con người thường ngày với những thân phận đời thường trong cái cuộc sống đang diễn ra hàng ngày. Họ đang hát, đang kể về câu chuyện của họ.

hoạ sĩ Nguyễn Linh

Bức tranh Sự Lộn Xộn Của Khu Phố Cổ, phải chăng đó là những trải nghiệm của ông khi sống trong thành phố này và chứng kiến sự đổi thay của nó?

Trong tác phẩm “Sự Lộn Xộn Của Khu Phố Cổ”, tôi muốn đưa ra một sự cảnh tỉnh cho mọi người, nếu chúng ta không biết quy hoạch, bảo tồn, mà phá vỡ không gian, đập phá những di tích, mạnh ai người đấy làm, thì chẳng mấy chốc đô thị sẽ như một đống gạch lộn xộn. Mỗi bức với kích thước 140×200 cm khi tách rời là một tác phẩm độc lập. Ghép 6 tấm vào, chúng trở thành một câu chuyện kể về phố thị đương đại. Ý định của tôi, nó sẽ dài 36m, cao 1m4 và hoàn toàn vẽ nét đen trên nền toan.

Trong triển lãm vừa rồi, có bức tranh nào được bán không, hay ông vẫn là người nổi tiếng trong giới vì không cần bán tranh?

Tôi không bán tranh ở triển lãm. Nếu có, tôi cũng tìm cách riêng. Tôi cũng có bán tranh chứ, nhưng khi nào tôi thấy thoải mái. Bản thân tôi cũng là một người sưu tầm tranh mấy chục năm rồi, nên tôi có cách riêng.

hoạ sĩ Nguyễn Linh

Xin cảm ơn hoạ sĩ Nguyễn Linh vì cuộc trò chuyện này!

*Trích bài viết có tựa “Tuyệt đối vẽ theo cái tôi của mình”, trang 108, đăng trong trên ấn phẩm song ngữ về nghệ thuật và văn hoá Art Republik #2: Sự Vô Nhiễm Của Sáng Tạo

Xin mời đặt mua ấn phẩm Art Republik tại: bit.ly/35bgI6N

Thực hiện: Codet Hanoi I Ảnh chân dung: Giang Lê 

 


 
Back to top