ART & LIFE

Suy tư sáng tác (P6): Trò chuyện cùng họa sĩ Thụy Dương

Dec 16, 2021 | By Trang Ps

Nếu có một cụm từ để miêu tả họa sĩ Thụy Dương thì có lẽ là “đắm mình trong dòng chảy sáng tạo”. Một buổi chiều, tôi ghé studio ba lầu treo kín hàng trăm bức họa mà anh sáng tác khoảng vài ba năm qua, tôi thấy người họa sĩ đang lạc vào những tưởng tượng của chính mình trên những tờ giấy phác thảo. Tôi tin rằng, Thụy Dương đang trải nghiệm sự tự chữa lành khi anh được ở trong những “khúc ca hình ảnh” mà lâu nay anh vẫn miệt mài tự do thêu dệt.

Là một kiến trúc sư trước khi chuyển sang con đường sáng tác hội họa, với Thụy Dương, ấy là tiếng gọi từ sâu thẳm tâm hồn mà một khi đã lắng nghe thì không thể nào khước từ. Thiên hướng sáng tạo trong anh bùng nổ mạnh mẽ trong vài năm nay, đặc biệt khi đại dịch xảy đến, người ta còn lựa chọn nào khác ngoài việc được ngồi xuống vẽ, và chìm đắm trong những tưởng tượng của mình.

Như anh chia sẻ: “Tôi không quan niệm vẽ để trở thành một ai, và trong khi vẽ, cũng không để bất cứ quan niệm hay tư tưởng nào đóng khuôn mình. Vẽ đơn thuần là vẽ. Đầu tiên, tôi cảm thấy thoải mái với những bản vẽ nhỏ, chỉ bằng kích thước A4. Tôi cũng không nghĩ nó sẽ cần được treo lên để trở thành và sống như tác phẩm. Khi vẽ xong một bức, tôi buông. Và trong khi vẽ thì tự do. Tôi nghĩ điều đó thật quan trọng. Để việc vẽ giống như một liệu pháp chữa lành, thay vì một nghề nghiệp đơn thuần.”

Chuyển mình giữa ảo và thực

Băng qua 3 lầu, lạc vào thế giới sáng tạo của Thụy Dương, tôi bắt gặp và trải qua những cung bậc sống khác nhau của anh. Nếu tầng trệt thể hiện cho những giai điệu trữ tình thì lầu 1 là những hoan ca cuộc sống ngập tràn, và lầu 2 lại hư ảo, bồng bềnh như một giấc mộng.

Tôi nửa đùa nửa thật với anh: “Phải chăng anh vẽ chúng từ những hoang tưởng của chính mình, từ những ác mộng của bản thân?!” Bởi dù Thụy vẽ tranh phong cảnh hay hình tượng nhân vật, chúng đều mang đến hai sắc màu: báo hiệu một điều gì đó (có vẻ không vui) sắp sửa xảy đến, và thứ hai là những ẩn ức, dồn nén, u buồn, cô lập, đau khổ,… tượng trưng cho điểm chung thân phận của con người. Bất cứ ai nhìn vào tranh anh, cũng sẽ thấy những “ác mộng” diễn ra giữa đời thường của chính họ, chứ không riêng gì trong những giấc mơ.

Thế nhưng, ẩn hiện ít ỏi trong đó là một vài bức tươi sáng. Một bức phong cảnh vẽ cảnh mặt trời vàng chói, chiếu xuống một dòng nước trong lành. Tôi lại mỉm cười, đùa với anh: “Phải chăng hôm đó anh Thụy có điều gì vui hay chăng?” Và anh cũng đáp lại tôi bằng một nụ cười thật tươi rói như bức tranh ấy.

Dù hội họa của anh phản ánh những cung bậc cảm xúc không mấy vui vẻ trong tiềm thức của một con người, nhưng tất cả chúng lại rất thật, rất chạm vào giá trị nhân sinh. Như anh chia sẻ: “Thời tiết có lúc mưa lúc nắng rất rõ ràng, nhưng chuyện mưa nắng trong tâm hồn một con người lại chẳng biết thế nào mà lần!” Câu nói khiến tôi “tỉnh ngộ”. Quả thật như vậy, có lẽ, chính “mưa nắng” ngẫu hứng trong tâm hồn ấy đã khiến anh tạo nên những bức họa tự do, không một chút gượng ép nào. Và cũng chính cái thấy này của anh, tôi chợt nhận ra: “À, triển lãm Thụy Khúc treo hàng trăm bức tranh sơn dầu và màu nước đánh dấu hành trình sáng tạo suốt 4 năm qua của anh lại không hề là sự mộng tưởng đơn thuần, mà lại chính là sự thật trong tiềm thức mỗi con người.

Dù lên tranh, chúng có vẻ là một giấc mơ như thế nào đi nữa, thì chẳng phải giấc mơ cũng phản ánh sự thật cuộc sống hàng ngày của chúng ta hay sao?” Cái ảo lại hóa thành cái thực, thật kỳ lạ!

Quan sát đầy lặng lẽ

Thụy kể có những buổi tối anh đi bộ một mình để tìm kiếm ánh sáng trong bóng tối. Có lần, anh lặng lẽ bước vào một rừng cao su tịch mịch. Ánh sáng từ những tòa nhà xung quanh để lại một khoảng sáng mơ hồ ra khoảng không. Ánh trăng treo giữa bầu trời đêm thật êm dịu và ôm ấp. Những bóng cây đổ xuống đất, tạo ra một bức tranh thơ mộng và bình yên. Anh bảo tôi: “Anh thích ánh sáng như vậy. Dù tranh anh, theo mọi người, có vẻ là u tối, nhưng luôn có ánh sáng. Dù ít ỏi, dù hiếm hoi, thì luôn luôn có.” Thật thế, ánh sáng ấy chính là niềm hy vọng. Và có lẽ hơn cả hy vọng, ấy chính là sự thật của thực tại. Không bao giờ là một vùng tối hoàn toàn. Và màu nước lẫn sơn dầu lại giúp anh thể hiện được những mảng sáng lý tưởng này.

Thấy Thụy Dương vui vẻ và bình yên trong sáng tạo của mình, tôi nghĩ đến câu nói của Trang Tử: “Dễ mới đúng, càng dễ càng đúng”, ám chỉ rằng mọi thứ thuận tự nhiên thì bao giờ cũng êm xuôi. Việc Thụy đến với vẽ cũng thể hiện trọn vẹn điều đó. Anh bảo tôi: “Sao phải làm cho việc vẽ trở nên khó khăn bằng cách tạo ra áp lực cho mình là vẽ phải thế này, phải thế kia. Cái dễ ở đây không phải là việc vẽ dễ, mà là hãy vẽ theo tiếng gọi bên trong mình, theo trực giác bên trong mình, đừng để lý trí áp đảo, thì mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp cả thôi!”

Lùi lại một bước

Và gần kết thúc cho một cuộc trò chuyện thật gần gũi dù cả hai mới gặp lần đầu: “Có lúc anh cũng cần lùi lại một bước, để chiêm nghiệm, vì sự mới lạ thì không bao giờ có thể tìm thấy trong những thói quen được lặp đi lặp lại. Thế giới ngày nay quá nhanh, quá chóng vội, nếu vô thức, mình dễ bị cuốn theo. Có quá nhiều thông tin đổ xô tới, nếu không xử lý kịp thì tất cả sẽ lùi sâu trong tiềm thức mình. Và đương nhiên, tất cả chúng dội ngược trở lại khi ta vẽ. Các bức tranh của anh đến từ điều này, và có lẽ, những người chìm đắm trong dòng chảy sáng tạo đều như vậy. Tất cả hình ảnh đều từ tiềm thức dội ngược lên.”

Thụy, và tôi, nói nhiều về sự sáng tạo, là một điều đòi hỏi sự tự nhiên và tự do, mà sự lặp lại mình lại đến từ thói quen được hình thành vô thức. Đã là sáng tạo thì không thể bị lạc vào thói quen, mà cần lắm một thái độ tỉnh thức trước tất cả mọi vấn đề đa chiều trong cuộc sống.


 
Back to top