ART & CULTURE

Tĩnh vật “chuyển động” trong tranh Lê Hào

Jul 07, 2021 | By Trang Ps

Là nghệ sĩ đa phương tiện, tuy nhiên, hoạt động vẽ tranh dường như chiếm vai trò chủ đạo trong thực hành nghệ thuật của Lê Hào. Chủ đề tĩnh vật không phải là sáng tác chính nhưng vẫn bộc lộ rõ phong cách độc đáo của riêng anh. Đó là tính chuyển động của tĩnh vật.

Loạt tranh tĩnh vật của Lê Hào (Lê Quý Anh Hào) khiến người ta không khỏi nghĩ đến những điệu vũ ba lê mềm mại và uyển chuyển trong bản nhạc piano cổ điển đầy da diết. Khóm hoa vươn mình lên, hay bung nở nhẹ nhàng như làm bừng tỉnh trái tim người xem tranh. Để trong khoảng lặng ấy có một chút gì đó xốn xang nhè nhẹ của một tình yêu lãng mạn.

Cái khó của vẽ tĩnh vật là làm sao thả vào đó hồn điệu của người sáng tác, hay sự sống để biến bức tranh không vô hồn hay chỉ mang tính chất trang trí đơn thuần. Về khía cạnh này, Lê Hào không chỉ làm tốt mà thậm chí còn biến tĩnh vật trở thành một “sự vật có tính chuyển động”. Nói thế có vẻ mâu thuẫn. Nhưng hiểu đơn giản, tĩnh vật của Lê Hào tạo ra sự chuyển động trong tâm thức người xem, khiến người ta liên tưởng đến những vũ điệu ngập tràn sức sống.

Vũ điệu của sắc màu

Những năm gần đây, Lê Hào hướng đến tinh thần hội họa Đông phương với việc tối thiểu sắc màu.  Việc tối giản có thể giúp người họa sĩ đi sâu hơn vào gam sắc ấy, đồng thời, bằng cách đi một vài màu cũng giúp anh dễ dàng phiêu hơn.

Với chủ đề tĩnh vật, Lê Hào vẽ theo trực giác là chính. Tức đó là cách vẽ phiêu theo bản năng, phiêu theo kinh nghiệm. Mỗi bức có thể chỉ mất vài chục phút. Nhưng nếu thực sự phiêu, bức ấy dễ thành công hơn bức vẽ lâu do bị đứt đoạn cảm hứng. Chính cách sáng tác “tiêu dao du” này đã tạo nên một bản nhạc của sắc màu, và hình ảnh những bông hoa giống như một vũ điệu sống động.

Tĩnh – động hòa quyện

Thông thường, các bức tranh tĩnh vật sẽ tạo ra một khoảng không gian tĩnh – lặng trong tâm hồn người thưởng thức. Nhưng tranh Lê Hào tạo ra hai trường năng lượng đối lập trong tranh, tĩnh của nền và động của hoa.

Nét cọ khi vẽ bông của Lê Hào như múa nhảy lên tấm canvas, có lẽ, anh đang vừa sáng tác vừa nghe vô thức một bản nhạc nào đó. Sự chuyển động này không những được truyền cảm hứng bởi bản nhạc mà còn bởi những điệu múa bale uyển chuyển và lãng mạn, khiến tác giả như lạc vào cõi phiêu bồng.

Năng lượng tĩnh của nền tạo ra sự cân bằng cho tranh. Cũng giống như một điệu múa, bản thân sân khấu phải tĩnh để người xem tập trung vào tác phẩm múa ấy. Thì nền tranh phải tĩnh để làm nổi bật sự chuyển động nhịp nhàng và mềm mại của hoa.

Điều ta dễ thấy rõ là chuyển động này giống như sự bung nở, vươn mình, thể hiện cho tâm hồn lạc quan và mở rộng của người nghệ sĩ. Giống như người phụ nữ đang ở tuổi trẻ yêu đương lãng mạn, sức sống ấy dường như chẳng thể nào giấu diếm. Nó khiến người ta phải ghen tỵ và ngước nhìn.

Nếu bạn mở bản nhạc piano Dance for me Wallis của nhà soạn nhạc người Ba Lan Abel Korzeniowski, ngắm nhìn nữ vũ công bale phiêu du trong những động tác mềm mại, bạn cũng sẽ nhìn thấy điều đó trong tranh của Lê Hào. Chính đặc điểm ấy tạo nên những xúc cảm đa dạng khi ngắm tranh, có lúc hạnh phúc, có lúc chợt buồn, có lúc hân hoan và có lúc như tất cả các trạng huống hòa lẫn vào nhau khó tả thành lời.

Cuộc chơi màu sắc ma mị

Lê Hào dường như luôn ám ảnh với gam sắc trắng. Tuy nhiên, màu trắng ấy không tinh khôi, trong sáng như người ta vẫn thường nghĩ đến, mà đó là sắc trắng ma mị, đôi lúc đọng lại chút buồn vương vấn của người trưởng thành.

Nếu sắc trắng là chủ đạo trong tranh, ta thấy quanh quẩn đâu đó vài nét màu sẫm hơn. Chính cách chơi màu này đã tạo nên một bản nhạc nghệ thuật đầy da diết.

Khi ai đó cảm thán với Lê Hào: “Tranh anh có nét gì đó khiến người ta lưu luyến!” thì anh trả lời: “Tình yêu!” Ngắn gọn mà súc tích. Nhưng sự súc tích ấy khiến người ta nhìn thấy những tầng khác nhau trong sáng tác của anh. Trong vũ điệu uyển chuyển mạnh mẽ của tình yêu lãng mạn và sâu sắc, dường như là một dự cảm về sự thay đổi và mong manh. Về một nỗi buồn đã chực chờ sẵn niềm vui. Về một nỗi đau đã sống chung với hạnh phúc tự lúc nào không hay biết.

Nhưng sau cùng thì, những bông hoa trong tranh Lê Hào vẫn vươn lên, vẫn hướng về một phía, như thái độ giễu cợt trước trò chơi số phận hay không bao giờ đầu hàng số phận.

(Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả)


 
Back to top