Họa sĩ Trần Thảo Hiền: Không có ánh nắng, “không có hội họa”
Họa sĩ Trần Thảo Hiền giới thiệu đến người yêu mến hội họa triển lãm kỷ niệm 15 năm hành nghề của mình. Một cuộc trưng bày đa sắc màu, nơi sáng tạo phảng phất sự giao thoa Tây phương và Đông phương.
Một buổi chiều ghé thưởng lãm tranh của Trần Thảo Hiền tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp.HCM, trong tôi tràn ngập những cung bậc cảm xúc từ yêu đời đến tĩnh lặng, qua những gam màu đậm dấu ấn phương Tây nhưng được rút ra từ một tinh thần rất mực Đông phương. Những khoảng lặng trong tranh của Hiền được thể hiện tài tình qua phần bóng của nhân vật chính, có khi là một cô gái, có khi là một bông hoa, hay những loại quả,… Để qua đó ta thấy được chiều sâu vừa lặng lẽ vừa sinh động.
Từng học tập và sinh sống ở nước Nga một thời gian dài trước khi trở về Việt Nam, nên những bóng – hình, nét cọ – màu sắc đến năng lượng trong tranh của Hiền đậm dấu ấn Tây phương, hòa lẫn hồn Á Đông tiềm ẩn bên trong chị, để từ đó ta thấy được sự dịu dàng, và cũng có khi gợi về những thân phận muôn sắc muôn màu trong cuộc sống.
Tôi yêu thích ánh nắng Hiền miêu tả, đó là ánh nắng của mùa đông tại Nga, để khi bắt gặp ánh nắng đó, người ta phải thốt lên rằng, hôm nay là một mùa xuân. Chị mỉm cười bảo tôi: “Mỗi khi thấy nắng, chị cảm giác như được chiêm ngưỡng điều gì rất quý giá lần đầu tiên. Nên tâm hồn mình hân hoan và phấn khởi khôn cùng.” Như thể mình sống để đợi chờ nắng lên!
Đó là lý do vì sao nắng trong tranh Hiền rất hồn, rất duyên, rất đáng để người ta học cách trân quý, dù họ được nhìn thấy nắng mỗi ngày. Và có một điều rõ ràng rằng, không ánh nắng, thì không bao giờ có hội họa. Bởi khi bất cứ ai hiểu được sự tương thuộc của mọi sự trong tự nhiên, họ một lần nữa nhận ra rằng, không ánh nắng, con người không thể nào tồn tại. Con người không tồn tại, hội họa làm sao tồn tại?
Một vòng chiêm ngưỡng các sáng tác của Hiền, tôi thấy chị đã thổi các câu chuyện cá nhân của mình vào đấy, để vạn vật, dù là cái bóng ở trên tranh, cũng nhuốm màu thân phận. Người xem không biết thân phận ấy buồn hay vui, khổ hay hạnh phúc, mà họ chỉ có thể phán đoán chúng bằng chính nội tâm hiện tại của mình. Tôi thấy luôn có một sự quan sát đầy lặng lẽ trong tranh của Hiền. Cuộc sống thăng – trầm lướt qua, riêng sự quan sát mới có thể giúp con người ta phát hiện những cung bậc trái dấu muôn hình vạn trạng.