Nghệ thuật

Hội chợ Asia Now 2022 tại Paris: nâng tầm nghệ thuật đương đại châu Á

Nov 28, 2022 | By Tam Tam

Với phiên bản lần thứ 8 vừa diễn ra hồi tháng 10 năm nay, Asia Now – Paris Asian Art Fair 2022 là một hội chợ nghệ thuật tập trung hoàn toàn vào nghệ thuật đến từ khu vực châu Á.

Khuôn viên Monnaie de Paris trong sự kiện Asia Now – Paris Asian Art Fair 2022. Nguồn: photographyofchina.com

Để đo lường sự thành công của bất kì dự án hoặc sự kiện nào đó, người ta thường dựa vào quy mô, sự phát triển từ trong ra ngoài và thậm chí là các nhân tố tham dự trực tiếp vào dự án.

Tổ chức một cuộc triển lãm đã là một đề bài khó 1, tổ chức hội chợ cho hàng chục gallery và hàng trăm nghệ sĩ càng khó đến 10. Việc kinh doanh nghệ thuật ở châu Âu đã diễn ra lâu đời nên hội chợ ở đây như các loại lẩu và dĩ nhiên không phải lẩu nào cũng ngon. Tôi cũng biết có những người Việt mong ước làm hội chợ nghệ thuật, nhưng hiện tại chỉ dừng ở việc đem tất cả các tranh treo lên tường cho vui thôi chứ sự chuyên nghiệp vẫn chưa có.

Giữa một rừng hội chợ nghệ thuật ở môi trường cạnh tranh như châu Âu, hội chợ Asia Now 2022 lần thứ 8 nổi lên như minh chứng cho một sự kiện nghệ thuật thành công.

Nữ chủ tịch Alexandra Fain chắc hẳn là người chơi hệ tâm linh khi tranh thủ lần hội chợ thứ 8 này – con số may mắn đối với người châu Á, dời địa điểm tổ chức đến một trung tâm đầy tính lịch sử của Paris như Monnaie de Paris [*], mang lại rất nhiều năng lượng tích cực. Ngoài ra, địa danh sản xuất tiền tệ của Paris ngày trước này, còn hướng ra sông Seine tạo cảm giác thoáng đãng kèm một chút lãng mạn cho sự kiện.

Mặt tiền Monnaie de Paris bên bờ sông Seine, tại 11 Quai de Conti © Bernard Touillon. Nguồn: asianowparis.com

Quang cảnh triển lãm “Adda/Rendez-vous” năm 2018, triển lãm hồi tưởng đầu tiên tại Pháp của nghệ sĩ đương đại người Ấn nổi tiếng quốc tế, Subodh Gupta, tại Bảo tàng 11 Conti, Monnaie de Paris. Credit ©Monnaie de Paris

Như đã nói trên, chỉ trong một tuần lễ nghệ thuật ở Paris, số lượng các hội chợ nghệ thuật được tổ chức ít nhất đã đếm đủ trên 2 bàn tay, bao gồm Paris+ của Art Basel. Thượng vàng hạ cám, và việc xuất hiện ở hội chợ nào cũng sẽ ảnh hưởng đến thành công của người nghệ sĩ. Tôi còn gặp một vài nhà tổ chức hội chợ nói rằng hội chợ của họ là nhất châu Âu, nhưng trên thực tế, sự tự do và tính tự phát về nghệ thuật ở châu Âu lớn đến nỗi ai cũng nghĩ rằng việc kiếm tiền bằng nghệ thuật chỉ đơn giản là kêu nghệ sĩ tới treo tranh ăn tiền, cắt bỏ các giai đoạn, nhân tố khác.

Nhân tố giúp Asia Now vẫn giữ sự ổn định và thu hút người tham gia chính là giám tuyển, nhà sưu tập và dĩ nhiên các nhà môi giới. Nhân tố tham dự như một tiêu chí ngầm khẳng định chất lượng của hội chợ nghệ thuật. Không nói quá khi khẳng định Asia Now là hội chợ hấp dẫn thứ hai chỉ sau Paris+ Art Basel, thu hút sự quan tâm của giới truyền thông và hơn 9500 lượt khách tham dự.

Cụ thể năm nay, ngay ngày mở đầu, ngôi sao giám tuyển Hans Ulrich Olbrist đã có buổi nói chuyện cùng nhà báo Cao Dan, và ra mắt cuốn catalogue mới – “do it china 2021”, trình bày dưới dạng một tác phẩm, dày 108 trang, về nghệ thuật đương đại Trung Quốc.

Khu vực trưng bày Catalogue mới của Hans Ulbrich Obrist

Giám tuyển Hans Ulbrich Obrist trong buổi ra mắt catalogue mới, “do it China 2021”

Các chương trình trò chuyện, chia sẻ có tính đa dạng và bao quát hơn khi có các giám tuyển, nhà sử học như Diana Betancourt của Dhaka Art Summit, và Catherine David – bàn về các biennale ở Đông Á, Trung Á. Đông Nam Á thì có nhà sưu tập Monique Leong từ Macao và Timothy Tan từ Indonesia, chia sẻ câu chuyện cũng như quan điểm sưu tập nghệ thuật.

Dù các nhà sưu tập Trung Quốc vẫn chưa được tham gia vì chính sách phòng chống Covid-19, nhưng đi kèm với các gallery mới là số lượng các nhà sưu tập mới từ các quốc gia khác, đến tận hưởng và tham quan không gian sau một thời gian cách ly khá dài. Một tín hiệu khởi sắc dành cho phòng trưng bày ở châu Âu.

Toà nhà phong cách Tân Cổ Điển Monnaie de Paris, rộng rãi hơn, mang tham vọng giới thiệu nhiều nhất có thể về châu lục đông dân nhất. Sức chứa của địa điểm mới này lên đến 88 phòng trưng bày (yếu tố tâm linh) và giới thiệu nghệ sĩ từ hơn 40 quốc gia, cho thấy một châu Á rộng lớn chứ không chỉ có 3 nước Trung Quốc, Nhật, Hàn. Bên cạnh dàn gallery có tiếng như Perrotin, Almine Rech, Continua, Asia Now 2022 còn chào đón các phòng trưng bày từ Iran, Đài Loan và Singapore, như AB-Anbar, Yeo Workshop… và các tên nổi bật khác như Frank Elbaz, Loeve & Co, Ora-Ora.

Asia Now cũng diễn ra trong thời điểm nhạy cảm. Bên cạnh các sự kiện chiến tranh, lạm phát, sự kiện qua đời của cô gái trẻ người Iran, Mahsa Amini, cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm và chia sẻ từ các phòng trưng bày cũng như ban tổ chức của Asia Now. Xuyên suốt sự kiện năm nay, nhiều tác phẩm tưởng nhớ, thể hiện khao khát tự do và bình đẳng giới. Sự đồng cảm và cởi mở, tự do biểu đạt từ các quốc gia có chính sách kiểm duyệt gắt gao, đã giúp Asia Now ghi điểm cộng trong mắt những người tham gia.

Trong dịp này, tôi có dịp gặp gỡ, giao lưu với nghệ sĩ Quỳnh Đông, đại diện bởi Yeo Workshop (Singapore) và được chị giới thiệu về màn trình diễn “0.” (zero point), nói về những định kiến đối với bản sắc, cơ thể người phụ nữ châu Á nói chung và người Việt nói riêng.

Tác phầm video art “Late Autumn” (2015) của nghệ sĩ Quỳnh Đông tại Asia Now 2022

Bất ngờ khác đến từ Hatch Art Project (Singapore) khi họ trình bày tác phẩm queer art trong series “Người chuyển giới” từng làm mưa làm gió của anh Nguyễn Quốc Dũng. Các tác phẩm có kích thước lớn, cùng cách làm màu tốt, xem trực tiếp tại Asia Now 2022 thực sự rất mãn nhãn.

Một phần tác phẩm của nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dũng tại Asia Now 2022

Trò chuyện Art Republik: “Sự sống” trong “Gia đình nhập cư” của Nguyễn Quốc Dũng

Các tác phẩm của các nước đến từ Tây Nam Á cũng rất đáng xem, như thực hành trừu tượng của nghệ sĩ gốc Iran Sonia Balassanian, màn trình diễn vẽ tranh trong vòng 6 tiếng của nghệ sĩ người Ấn Nikhil Chopra, và nghệ sĩ Iran Neda Razavipour thì đặt câu hỏi về tính hỗn loạn khi đập vỡ các đồ vật.

Tác phẩm của Sonia Balassanian

Nghệ sĩ Nikhil Chopra. Nguồn ảnh: photographyofchina.com

Với không gian mới, Asia Now được chia thành các khu khác nhau, dễ đi và ít phải leo cầu thang hơn so với chỗ cũ. Các gallery có tiếng sẽ được xếp lên trên lầu, rộng và trang trọng hơn. Do cấu trúc khuôn viên của Monnaie de Paris khá rối, việc phân chia này làm đồng đều trình tự tham quan hơn khi chưa chắc gallery trên lầu là dễ dàng tìm kiếm hơn. Tận dụng không gian của Monnaie de Paris, giám tuyển Kathy Alliou cũng đã bố trí rải rác các sắp đặt cỡ lớn mang yếu tố lịch sử, nghiên cứu về chất liệu, hệ sinh thái trên hành trình tham quan của người xem.

Thế mạnh của hội chợ này còn nằm ở việc ban tổ chức luôn cố gắng đưa ra các chủ đề hàng năm nhằm định hướng cho các phòng trưng bày, đẩy mạnh các yếu tố chuyên môn. Tập trung vào gốm, giám tuyển Kathy Alliou gửi đến thông điệp: ngọn lửa niềm vui được dung hòa giữa đất trời, truyền vào chất liệu dung dị, gần gũi và đã ăn sâu vào đời sống người châu Á. Khách tham quan được giới thiệu các từ các bộ gốm phong cách Mingei cổ truyền Nhật Bản, giám tuyển bởi Nicolas Trembley; cho đến các bình gốm và điêu khắc gốm của Takashi Murakami, Wang Keping, Natsuko Uchino, Mai-Thu Perret, Lee Ufan, Isamu Noguchi, và thậm chí là Ai Wei Wei.

Nguồn: culture360.asef.org

Khu vực gốm Mingei, giám tuyển bởi Nicholas Trembley

Nhắc đến châu Á cũng không thể không nhắc đến các tác phẩm digital. Xuất hiện ở Venice biennale năm nay rồi quay trở lại Paris cho Asia Now, series trò chơi nhập vai đầy ma quái của Lu Yang thoát ẩn thoát hiện ở các hành lang của Monnaie de Paris. Lu Yang tưởng tượng bản thân thành các nhân vật trong thế giới game, giữa khung cảnh viễn tưởng hậu tận thế đầy rẫy những nghi lễ tâm linh của thế giới văn hóa đại chúng.

Khu vực trưng bày tác phẩm của Lu Yang

Lu Yang, “Hungry Ghost Mandela” (2022). Courtesy Lu Yang & Gether Contemporary. Nguồn: asianowparis.com

Tiếp nối tinh thần viễn tưởng vị lai, sắp đặt cánh tay màu sắc của Genesis Kai hay tranh của Lin Jingjing mang đến nét đẹp đầy tâm tư ưu sầu. Excalibur của Sato gallery thì đem đến sự pha trộn giữa truyền thống và đương đại với các tác phẩm quang cảnh số trên Kakejiku.

Tác phẩm của Lin Jingjing

Tác phẩm của Excalibur, một nhóm nghệ sĩ Nhật Bản thành lập năm 2007, bởi Yoshinori Tanaka

Tác phẩm của Key Hiraga

Tác phẩm của Tang Shuo

Tác phẩm của Alya Hatta

Tác phẩm của Chen Yingjie

Tác phẩm của Hur Kyung-Ae

Tuy gặp phải một vài điểm trừ về ánh sáng, chất liệu dành cho các gian trưng bày khiến các tác phẩm trong rất hỗn loạn, nhưng trải nghiệm “đại cuộc” có thể nói là trọn vẹn. Rộng rãi và thoáng đãng, cùng bề dày của các chương trình đi kèm, tham vọng cân bằng giữa chuyên môn và kinh doanh của Asia Now được đền đáp và chắc chắn sẽ còn tiến mạnh thay vì chỉ là một “hội chợ khu vực” đơn thuần. Không chắc là doanh thu mang lại cho các gallery trong năm nay sẽ tốt hơn, các tác phẩm vẫn ở mức từ vài trăm cho đến hơn 100 ngàn euro, nhưng việc mở rộng và tạo lập các mối quan hệ với các nhà sưu tập mới chắc chắn mang lại nhiều cơ hội mới cho thị trường chắc chắn sẽ bùng nổ này.

Thôi thì trước mắt, tận hưởng địa điểm mới, và chụp hình giao lưu cùng các idol Yang Pei Ming và Uli Sigg trước vậy.

Tam Tam cùng nghệ sĩ Yang Pei-Ming

Tam Tam với nghệ sĩ Takeru Amano

Tam Tam

Chú thích

[*] Monnaie de Paris là một tổ chức chính phủ chịu trách nhiệm sản xuất tiền xu của Pháp, được thành lập vào năm 864 theo Sắc lệnh Pistres. Đây là cơ sở đúc tiền lâu đời nhất thế giới vẫn còn hoạt động. Sau một dự án cải tạo kéo dài 5 năm được gọi là Metalmetamorphose, bảo tàng tại Monnaie de Paris – được gọi là Musée du Conti (hay Bảo tàng 11 Conti) – đã được mở cửa trở lại vào ngày 30 tháng 9 năm 2017.

 


 
Back to top