Nghệ thuật

Art Basel 2021: Không khí nghệ thuật trong lành hậu covid, NFT có gian hàng đầu tiên

Oct 11, 2021 | By Tam Tam

Lễ hội của những cái ngắm nhìn, của những bình luận đa ngôn ngữ tại chỗ, của những cuộc trao đổi nghệ thuật Art Basel tại Basel (Thuỵ Sĩ), chính thức quay trở lại sau 18 tháng đại dịch.

Tác giả bài viết tại Art Basel

Đến Basel vào thời điểm tuần lễ nghệ thuật dù cho tháng 6 oi bức hay tháng 9 mát mẻ, người ta vẫn có thể cảm nhận được không khí trẩy hội của thành phố giáp biên giới Pháp và Đức này. Không phải cảm giác kiểu trẩy hội như Oktoberfest giản dị của Đức hay Fashion Week đỏng đảnh của Pháp, những dòng người tấp nập đến từ khắp nơi trên thế giới với những ánh nhìn thầm lặng liên tục đảo chiều mọi hướng, tìm kiếm những vật kỳ quặc, vô tri mà khó hiểu mang tên “nghệ thuật”. Lễ hội của những cái ngắm nhìn, của những bình luận đa ngôn ngữ tại chỗ, của những cuộc trao đổi nghệ thuật Art Basel tại Basel chính thức quay trở lại sau 18 tháng đại dịch.

Kinh doanh hồi phục với những cái tên lớn nhưng vẫn còn nhiều e dè?

Không thể phủ nhận 18 tháng đại dịch đã làm thay đổi khá nhiều về cách xem của người đam mê nghệ thuật, cũng như chiến lược kinh doanh của các phòng trưng bày. Với sự hiện diện 272 phòng trưng bày từ 33 quốc gia, Art Basel tại Basel mang bầu không khí lễ hội nhiều e dè, mặc dù đa số quốc gia châu Âu đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch.

Vào cuối tháng 8, các ca bệnh tăng cao tại Mỹ khiến cho một số phòng trưng bày tuy có triển lãm nhưng phải nhờ giúp đỡ nhân sự từ các chi nhánh châu Âu. Art Basel năm nay kéo dài 3 ngày xem trước (21 – 23/09) dành cho VIP và rút ngắn còn 3 ngày dành cho công chúng (24 – 26/09). Ngoài ra, giám đốc Marc Spiegler cũng hỗ trợ 10% giảm giá cho các gian hàng triển lãm.

Tuy sự thay đổi không có lợi lắm cho người xem đại chúng và chính sách vòng tay xanh dành cho người đã tiêm vaccin khá phiền phức, nhưng những động thái hết sức đáng khích lệ cũng đem lại kết quả kinh doanh tốt với những cái tên quen thuộc và những tác phẩm quen thuộc. Tất cả để đảm bảo mọi thứ được bù đắp lại cho 20% thất thu từ năm ngoái chứng tỏ sự quan trọng của hội chợ vật lí.

Đáng chú ý vẫn nhất ở tầng 1 chuyên dành cho nghệ thuật hiện đại với phòng trưng bày từ New York, Christophe van de Weghe với cú hit 40 triệu đô từ tác phẩm “Hardware Store” của Jean-Michel Basquiat. Việc kéo dài ngày xem trước cũng giúp các phòng trưng bày như: Thaddaeus Ropac thu về 4,5 triệu từ tác phẩm “Robert Rauschenberg”, Lévy Gorvy thu về 4 triệu với “Ellworth Kelly”, Massimo de Carlo cùng Maurizio Cattelan thu về gần 3 triệu với 2 tác phẩm…

Art Basel 2021: Không khí nghệ thuật trong lành hậu covid

Jean-Michel Basquiat, “Hardware store” (1982), Christophe van de Weghe gallery

“Hardware store”, bức tranh kích thước 2 x 3 mét được vẽ bởi nghệ sĩ Jean-Michel Basquiat vào năm 1982, năm mà nó được mua bởi một nhà sưu tập tư nhân, không rõ danh tính và vẫn nằm ngoài thị trường cho đến khi được bán tại Art Basel 2021.

Tác phẩm được vào trong danh mục raisonné do Enrico Navarra Gallery xuất bản vào năm 2010. Tuyệt tác này cũng được triển lãm lần đầu tiên tại Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Whitney vào năm 1992-1993 và tại Paris, tại Fondation Louis Vuitton vào năm 2018-19.

Art Basel 2021: Không khí nghệ thuật trong lành hậu covid

Maurizio Cattelan, “Đêm” (2021). Thép không gỉ, sơn đen, lỗ đạn. 140 × 244 × 4 cm. Maurizo Cattelan quay trở lại với các tác phẩm hoàn toàn mới lấy ý tưởng từ những trăn trở của nghệ sĩ với thảm họa 11/9

Trên tầng 2, các gallery đương đại rất mạnh như Perrotin bán hai phần ba số lượng các tác phẩm của mình. Blum & Poe hân hoan thu về 4 triệu với tác phẩm của họa sĩ Mark Grotjahn, rất được nhà sưu tập/ca sĩ Hàn Quốc T.O.P ưa chuộng. Gallery White Cube của Anh cũng bội thu 4,5 triệu với tác phẩm đầy màu sắc của họa sĩ chủ lực Mark Bradford.

Doanh thu khả quan nhưng đa phần đều từ các tác phẩm của năm ngoái, khiến các nhà môi giới nhận định rằng họ sẽ xem xét chọn lựa việc tham gia hội chợ nào cho đầu mùa năm sau, khi tình hình dịch bệnh được dự đoán là vẫn chưa hoàn toàn ổn.

Art Basel 2021: Không khí nghệ thuật trong lành hậu covid

Mark Grotjahn, “Untitled” (Backcountry Capri 54.38), 2021

Nhiều nhà môi giới khẳng định việc an toàn sức khỏe cho nhân sự cũng được đặt lên hàng đầu nên họ cũng sẽ chọn lọc lại các hội chợ để tham gia. Các phòng trưng bày cũng tập trung giao dịch ưu tiên chủ yếu với các nhà sưu tập và cơ sở nghệ thuật tại châu Âu. Trong một tình hình thế giới còn “mập mờ”, những nhà sưu tập từ châu lục khác phải vào danh sách chờ hoặc đến tận nơi để giao dịch.

Nghệ thuật phản ứng hậu đại dịch, NFT có gian hàng đầu tiên tại Art Basel

Đặt chân tới Messeplatz, không khí trẩy hội chào đón những fan nghệ thuật bằng tác phẩm trình diễn sắp đặt của nghệ sĩ người Anh, Monster Chetwynd. Nghệ sĩ từng đạt giải Turner Prize luôn làm người xem thích thú với những sinh vật kỳ lạ của mình. Lần này với tác phẩm tên “Tears”, những sinh vật tưởng tượng của Monster nhảy múa đan xen với vật lộn trong những chiếc bóng tinh thể “Zobs” như cảnh con người đang dần thoát khỏi đại dịch.

Art Basel 2021: Không khí nghệ thuật trong lành hậu covid

Monster Chetwynd, “Tears” (2021)

Khác với cách bày tỏ sự biết ơn với những tác phẩm mang tính truyền thông, hình tượng gây nước mắt, viral như ở Việt Nam, các phòng trưng bày ngoài mang đến những tác phẩm tốt để giao dịch, họ cũng giới thiệu một số tác phẩm hài hước thú vị mang nhiều ý nghĩa tích cực. Ngoài ra, những dự án đã được chuẩn bị từ trước về các chủ đề sắc tộc, giới tính và chính trị vẫn được trưng bày. Chương trình Parcours với các tác phẩm nằm rải rác khắp Basel quay trở lại sau 4 năm như một phần bù đắp lại cho việc hội chợ bị rút ngắn, đồng thời làm mới tinh thần người dân thành phố bình yên này hậu đại dịch.

Art Basel 2021: Không khí nghệ thuật trong lành hậu covid

Khung cảnh sắp đặt của Diane Severin Nguyễn, Bureau gallery

Art Basel kỳ này, phòng trưng bày Bureau, New York giới thiệu nhà làm phim, nghệ sĩ gốc Việt Diane Severin Nguyễn. Ấn tượng với gian triển lãm được trang trí bằng những chiếc ghế đẩu quen thuộc với người Việt Nam, sau đó là những thước phim với những khung cảnh có phần trừu tượng của xứ sở quê hương chồng chéo nhau, trích từ bộ phim Tyrant Star (2019).

Một điều đáng chú ý, Art Basel cũng không tránh khỏi NFT. Không gian trưng bày đầu tiên về cơn sốt này tại hội chợ lừng danh đến từ nhà môi giới Đức Nagel Draxler, với cách trang trí như sợ người xem nhầm lẫn khi phủ đầy quầy bằng chữ NFT. Nhà môi giới không ngần ngại giới thiệu các tác phẩm vật lý bán bằng hợp đồng thông minh. Một số tác phẩm người mua phải thanh toán bằng đồng ETH (etherium) và một số khác thì có thanh toán bằng tiền pháp định (đô la, euro…) bình thường. Như đã nói trong một bài viết về crypto art, nhiều phòng trưng bày truyền thống đã nhảy vào cuộc chơi này nhưng họ sẽ có chiến lược ràng buộc riêng để tránh tình trạng tràn lan và bị flip (mua bán ngay sau vài ngày) như trên các sàn giao dịch tự do.

Art Basel 2021: Không khí nghệ thuật trong lành hậu covid

Anna Sidler, “Mosaic Virus” (2018/2019)

Nhà môi giới Nagel Draxel đến từ Đức như muốn làm một cuộc biểu dương sức mạnh cho việc áp dụng NFT vào nghệ thuật với đầy những chữ NFTism (chủ nghĩa NFT) trên tường “nhà mình” tại Basel. Nhà môi giới kết hợp với nhà báo và nghệ sĩ có tiếng Kenny Schachter để giám tuyển cho không gian này. Ở đây có tác phẩm “Mosaic Virus” (2018/2019) của Anna Sidler với những cành hoa tulip được bán bằng bitcoin với giá của Bitcoin ở mức 20,000 bảng Anh (27,000 đô Mỹ), và một tác phẩm của Olive Allen được bán với giá tiền ảo ở mức 25,000 bảng Anh (29,000 đô Mỹ).

Unlimited: sàn trình diễn an toàn của những tấm toan

Khu vực “Không giới hạn” luôn mang lại sự háo hức tột đỉnh cho những người đam mê nghệ thuật như cảm giác những đứa trẻ đến với Disneyland. Quy mô như một sân bay nhỏ, Unlimited đưa người xem đến những trải nghiệm nghệ thuật thú vị với những tác phẩm sắp đặt, điêu khắc vĩ mô hạng nặng và có thể gọi là tham vọng nhất của các phòng trưng bày.

Có điều “Cô Vy” đã giới hạn ít nhiều Unlimited. Những nhà trưng bày tuy vẫn muốn phô diễn những ý tưởng hay ho nhưng có nhiều cản trở về vận chuyển do dịch bệnh, đã khiến họ tính toán lại và chọn hướng an toàn hơn cũng như đảm bảo doanh thu.

Art Basel 2021: Không khí nghệ thuật trong lành hậu covid

“Urs Fischer’s Untitled” (Bread House), 2004-06, do phòng trưng bày Jeffrey Deitch, New York. Tác phẩm làm hoàn toàn bằng bánh mì thật được dán keo lại tạo nên căn nhà, gợi nhắc nền tảng của nền văn minh châu Âu. Ở châu Âu, lúa mì được xem là loại lương thực quan trọng bậc nhất như lúa gạo với người châu Á.

Art Basel 2021: Không khí nghệ thuật trong lành hậu covid

Một tác phẩm viral của nghệ sĩ Philipp Timischl, “The embedded mentality of self-sufficiency” (Tinh thần tự cung tự cấp), 2021. Video sắp đặt hơn 3m kéo dài chễm chệ ngay cổng ra vào của Unlimited. Tác phẩm thoắt ẩn thoắt hiện những suy tư tồn tại của con người với những hình ảnh hỗn loạn, dằn xé và máu lửa.

Ngoài ra, thị trường đang hướng phần lớn về tranh nên những ai mong chờ những trải nghiệm bao trùm mà không phải là những Ateliers de Lumières thì có thể phải thất vọng. Nhưng đây cũng là tín hiệu tốt để có thể tái khởi động một thị trường tranh ngủ yên đặc biệt là tranh hình tượng sau đại dịch. Những trải nghiệm tranh khổ vĩ mô là rất cần thiết để nhắc người xem nền tảng cơ bản của nghệ thuật, giữa thời đại bao trùm các trải nghiệm kỹ thuật số dễ quên và làn sóng NFT phù phiếm.

Art Basel 2021: Không khí nghệ thuật trong lành hậu covid

David Hockney, “Pictures at an Exhibition” (2021)

Tác phẩm vĩ mô mới nhất của danh họa vĩ đại David Hockney, “Pictures at an Exhibition”, (2018/2021), nhiếp ảnh hội hoạ (Photographic drawing) lên tới 4,7m chiều cao và 15,2m chiều dài. Bức tranh đan xen giữa trừu tượng và hình tượng phong cách Hockney, ghi lại cảnh thưởng lãm hội họa của hàng chục người trong đó cả nghệ sĩ đứng giữa như một chuyến picnic. Gần đây họa sĩ hình tượng hàng đầu thế giới cũng vừa bình luận rằng “trừu tượng trong nghệ thuật đang dần đi hết quỹ đạo của nó” nhầm đưa ra dự đoán về cái kết cho tính trừu tượng trong nghệ thuật.


 
Back to top