ART & CULTURE

Julien Sato Leprete và nghệ thuật đương đại du mục từ Nhật Bản

Feb 11, 2022 | By Xu

Nhận thấy sự quan trọng của đời sống online, nhà môi giới trẻ Julien Sato đã tận dụng lối sống này trong việc kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật. Art Republik xin giới thiệu với quý độc giả về xu hướng nghệ thuật mới này, qua cuộc trò chuyện của Tam Tam và Julien.

Julien Sato Leprete

Thời đại 4.0, phong cách sống mang tên “digital nomad” (du mục kỹ thuật số) bỗng được ưa chuộng từ thế hệ mới. Digital marketing, phân tích data hay content creator mạng xã hội, chỉ cần kết nối online bằng máy tính, hay smartphone, mọi công việc đều có thể được thực hiện. Đại dịch càng khiến lối sống này vững vàng.

Nhận ra được sự quan trọng của đời sống online, nhà môi giới trẻ Julien Sato cũng tận dụng lối sống này vào kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật mà không có phòng trưng bày cố định. Anh vẫn hoạt động khá sôi nổi, tổ chức show ở nhiều địa điểm khác nhau, tham gia nhiều hội chợ nghệ thuật trong vòng 3 năm nay tại một trong những thị trường nghệ thuật cởi mở nhưng cũng cạnh nhất thế giới: Paris, Pháp.

Xin chào Julien, xin hãy giới thiệu về anh và gallery của mình và tại sao lại là “nomad”.

Xin chào các độc giả Art Republik. Tôi là Julien Sato Leprete hiện đang sinh sống tại Rotterdam, Hà Lan và hoạt động trong lĩnh vực môi giới nghệ thuật tại châu Âu, chủ yếu tại Paris với phòng trưng bày “nomad” Tokyoite.

Từ khi trở lại Paris vào năm 2016, lúc đấy tôi 34 tuổi và cũng đã mở một phòng trưng bày nhỏ ở phố Marais khá đắt đỏ. Nhưng sau đó, tôi nhận thấy mô hình phòng trưng bày white cube (bốn bức tường trắng) truyền thống bó buộc nghệ sỹ. Tôi quyết định triển khai nomad gallery, thay đổi vị trí và tìm những chỗ phù hợp với từng show riêng hoặc tận dụng các hội chợ.

“Nay đây mai đó tuy nghe có vẻ tự do nhưng bạn phải làm rất nhiều thứ để giữ liên lạc với những người đến xem” – Julien Sato Leprete

Tại Asia Now 2020, tôi ra mắt phòng trưng bày mang tên mình, tập trung hoàn toàn vào mảng nghệ thuật đương đại và vẫn phát triển Tokyoite song song.

Bên cạnh đó, tôi cũng vận hành Sato Creative, một mạng lưới “nomad” quản lý các tài năng trong lĩnh vực sáng tạo kỹ thuật số, thiết kế và làm việc trực tiếp với các nhãn hàng.

Julien Sato Gallery tại Asia Now 2020

Gallery của anh liên quan trực tiếp đến Nhật Bản?

Ba tôi là người Pháp còn tôi là người Nhật. Tôi sinh ra và lớn lên tại Tokyo nên thật sự gắn bó rất nhiều với nơi này và quyết định lấy tên Tokyoite tức là Người Tokyo bằng tiếng Pháp.

Phòng trưng bày của tôi cộng tác với các nghệ sỹ đương đại Nhật Bản và Nhật kiều trẻ cũng như đang lên từ khắp nơi trên thế giới. Họ chủ yếu thực hành nghệ thuật đường phố, trừu tượng, pop mới mà tôi gọi đó là néo-pop.

Các nghệ sỹ anh đang cộng tác cùng là ai?

Takeru Amano, Yoshinori Tanaka là những nghệ sỹ vô cùng thú vị, biết cách tận dụng các yếu tố từ văn hóa hiện đại của Nhật Bản hay thế giới để tạo sự gần gũi.  Fantasista Utamaro, Ichi, Tiffany Bouelle hay Daijiro Hama lại chọn những cách thể hiện trừu tượng từ cắt dán, in ấn kết hợp với hội họa. Mỗi nghệ sỹ đều có những tầm nhìn riêng trong việc thể hiện bản sắc của mình chứ không bị đóng đinh vào văn hóa hay truyền thống Nhật Bản.

Loạt chân dung tự hoạ của Fantasista Utama

Rất nhiều phòng trưng bày không trụ được trong năm 2021 và quyết định thực hiện gallery “du mục” ngay từ đầu của anh rất lại phù hợp, cho dù điều đó nằm ngoài dự tính. Nhưng còn khó khăn gì khác khi thực hiện mô hình này?

Đúng vậy, tôi thấy rất may mắn khi thoát được khoản chi tiêu lớn cho mặt bằng phòng trưng bày. Nhưng tôi vẫn rất cố gắng thực hiện hầu hết các hội chợ tầm trung như Asia Now, Urban Art Fair để giữ liên lạc trực tiếp vì trong một năm như thế này, khao khát chiêm ngưỡng trực tiếp các tác phẩm, đặc biệt tại một quốc gia chuộng nghệ thuật như Pháp, là rất lớn.

Mô hình này tập trung rất nhiều vào yếu tố con người. Mỗi lần làm show, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, tôi đều phải rất cố gắng để lại ấn tượng tốt và mạnh đến người xem. Nay đây mai đó tuy nghe có vẻ tự do nhưng bạn phải làm rất nhiều thứ để giữ liên lạc với những người đến xem bạn.

Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đều không sẵn sàng cho một biến cố lớn vậy. Tích cực mà nói, năm nay có thể xem như một khoảng thời gian để nghệ sỹ tự vấn và xem lại quá trình phát triển cho tương lai.

Loạt tác phẩm Venus của Takeru Utamaro

Tại sao anh lại chọn làm nhà môi giới mà không phải là nghệ sỹ?

Tôi bắt đầu làm quen với nghệ sỹ từ năm 17, 18 tuổi. Lúc đó, tôi cũng không tập trung học hành mà chỉ muốn làm việc. Tình cờ, quán bar nơi tôi làm việc ở khu trung tâm nằm gần một phòng trưng bày. Tôi thường chạy qua chơi phụ việc. Dần dần, tôi bắt đầu cảm thấy thích nghệ thuật khi tham gia các buổi tiệc mở màn hay các buổi trình diễn nghệ thuật đương đại. Từ đấy, tôi dần mở rộng mối quan hệ của mình trong giới nghệ thuật ở Nhật Bản và nhận thức rằng mình hợp với việc làm điều gì đó hỗ trợ cho nghệ sỹ.

“Kinh doanh nghệ thuật không có nghĩa chỉ có tiền, trắng đen cùng con số lợi nhuận, mà bạn đang bán phong cách, tầm nhìn, thẩm mỹ, ý niệm và tinh thần cho những người đam mê nghệ thuật” – Julien Sato Leprete

Có rất nhiều nghệ sỹ tài năng nhưng không được khai sáng. Ở Nhật cũng như ở Việt Nam, văn hóa gallery chưa thực sự mạnh để làm nơi nuôi dưỡng những tài năng. Bản thân nghệ sỹ cũng không có khả năng làm tất cả.

Tôi cũng thấm nhuần hai nền văn hóa nên muốn tạo cầu nối giữa Nhật và Pháp và mang đến màu sắc tích cực với dòng nghệ thuật néo-pop gần gũi với văn hóa đại chúng.

Đâu là nguồn cảm hứng nghệ thuật của anh?

Thú thật, tôi cũng là một kẻ tay ngang. Với tôi, nguồn cảm hứng đến từ văn hóa thế giới. Bất cứ thứ gì làm tôi tò mò là tôi đều có hứng thú tìm hiểu.

Đến khi trưởng thành hơn, tôi mới bắt đầu quan tâm đến nghệ thuật tạo hình. Tadanori Yokoo là nghệ sỹ mà tôi ấn tượng nhất. Ông kết hợp linh hoạt giữa nghệ thuật tạo hình và đồ họa ứng dụng. Như bạn biết đấy, người Nhật rất giàu truyền thống in ấn cho nên những tác phẩm của Tadanori đều mang nhiều sự giao thoa của các thời đại.

Ngoài ra có thể kể đến Pablo Picasso, một gã nghệ sỹ điên khùng và lập dị. Cuối cùng là David Hockney, tôi rất thích cách ông thể hiện những khoảnh khắc cảnh tĩnh rất đơn giản nhưng đầy nội tâm.

Tadanori Yokoo

Anh nghĩ như thế nào về mối quan hệ giữa nghệ sỹ và nhà môi giới?

Chắc chắn họ phải là những người bạn của tôi. Kinh doanh nghệ thuật không có nghĩa chỉ có tiền, trắng đen cùng con số lợi nhuận, mà bạn đang bán phong cách, tầm nhìn, thẩm mỹ, ý niệm và tinh thần cho những người đam mê nghệ thuật.

Tôi rất thích hoạt động kiểu cộng đồng giống như The Factory của Andy Warhol, nhưng có điều các nghệ sỹ bạn bè tôi đều chưa phải là siêu sao. Tôi thường hay nhậu nhẹt và giới thiệu các nghệ sỹ với nhau. Tôi cố gắng tập hợp và mời họ đến show nhiều nhất có thể vì sự bền vững của các mối quan hệ.

Nhiều người cho rằng điều này gây hại cho kinh doanh nhưng nghệ thuật với tôi phải sống động, tươi vui và thật con người.

Ichi, Basketball, 2017

Theo anh đâu là sự khác biệt giữa thị trường châu Âu & châu Á, cụ thể là Nhật Bản?

Khác biệt lớn nhất chính là giáo dục. Ở Pháp, người ta cho trẻ đi bảo tàng từ tiểu học. Dần dần hình thành một thói quen và cứ vài bước chân lại thấy phòng trưng bày hay bảo tàng ở các thành phố lớn. Còn ở Nhật, trẻ con gắn liền với truyện tranh manga và người Nhật không thích tạo ra những cái lỗ để treo tranh trên tường.

Nhưng từ 10 năm nay mọi thứ đang dần thay đổi và các bộ sưu tập từ truyền thống cho đến đương đại đang lớn dần và tôi nghĩ Việt Nam cũng vậy.

“Tôi nghĩ nghệ sỹ và nghệ thuật có nhiệm vụ rất quan trọng để giúp thế giới trở lại với tinh thần tích cực cũng như chữa lành những vết thương tinh thần” – Julien Sato Leprete

Mọi thứ sẽ như thế nào khi đại dịch chấm dứt?

Sau khi thế giới thoát khỏi biến cố này, tôi muốn cùng các nghệ sỹ thực hiện những group show lớn với những tác phẩm đầy màu sắc của tương lai tích cực, một cái gì đó thật mơ mộng, lãng mạn cùng thi ca bằng các công nghệ, kỹ thuật mới.

Có lẽ trong một khoảng thời gian dài sắp tới, tôi nghĩ nghệ sỹ và nghệ thuật có nhiệm vụ rất quan trọng để giúp thế giới trở lại với tinh thần tích cực cũng như chữa lành những vết thương tinh thần mà tất cả đã phải gánh chịu.

Xin cảm ơn anh về những chia sẻ này và chúc anh thành công trong các dự án của mình. Hy vọng một ngày nào đó anh có thể thực hiện show tại Việt Nam.

Xin cảm ơn Art Republik Vietnam và xin gửi lời chúc tới các độc giả Việt Nam.

 

Bài: Tam Tam


 
Back to top