ART & CULTURE

Hạ màn World Cup, ngẫm documenta 2022 – Phép vua thua lệ làng

Dec 21, 2022 | By Tam Tam

Thực tế, documenta chưa bao giờ hấp dẫn như World Cup… Với cá nhân tôi, documenta sẽ tái khởi động trước!

Instituto de Artivismo Hannah Arendt (INSTAR), “Operational Factography” (2022), chi tiết sắp đặt. Ảnh chụp bởi C&AL. Nguồn ảnh: spikeartmagazine.com

Nếu với Nietzsche, nghệ thuật đem lại ý nghĩa tối cao cho những thứ người ta đặt vào và văn hóa đại chúng chỉ tạo ra sự tầm thường, thì không có sự kiện nghệ thuật nào tiệm cận được triết lý của ông như documenta.

Documenta đặt con người, cụ thể là người nghệ sĩ làm trung tâm và quá trình sáng tạo bao trọn thế giới, tạo ra một thứ thẩm mỹ vượt qua ngoại hình, thúc đẩy giới hạn của con người như trong tinh thần của triết gia người Đức.

Hình ảnh tại documenta 15, Kassel, Đức, năm 2022

Từ những buổi triển lãm đầu với các nghệ sỹ Picasso và Kandinsky, sự kiện 5 năm một lần sáng lập bởi sử gia nghệ thuật Arnold Bolde mang theo niềm mong mỏi của người Đức: đưa văn hóa quay trở lại guồng sau thời kì cô lập hậu thế chiến. Hơn 60 năm, mỗi kỳ documenta luôn có những tác phẩm cực kì “dị”, gây cảm giác lú lẫn cho người đến xem mà có khi phải mất một thời gian dài mới thấy được sức nặng của nó, những yếu tố vô cùng quan trọng trong nghệ thuật đương đại.

Documenta 7, năm 1982, với sự giúp đỡ của các tình nguyện viên, nghệ sĩ ý niệm Joseph Beuys đã trồng 7.000 cây sồi trong vòng 5 năm tạo sự sống mới ở Kassel, mỗi cây đều có một viên đá bazan đi kèm. Những viên đá đen ban đầu được chất đống bên ngoài Bảo tàng Fridericianu, chỉ được dỡ bỏ khi từng cây được trồng, tạo nên một tác phẩm môi trường trường tồn mãi về sau.

Đến 2007, Ai Weiwei (Ngải Vị Vị) dùng nghệ thuật như một phương thức nghiên cứu xã hội thực tiễn. Nghệ sĩ mời 1001 người dân Trung Hoa đại lục từ mọi ngành nghề, mọi giới tính và chưa từng ra nước ngoài, cũng không nói được ngôn ngữ khác, đến trải nghiệm Kassel vào dịp documenta 12. Trình diễn vĩ mô này được ngài Vị Vị đặt tên là “Câu chuyện thần tiên”, lấy cảm hứng từ chính tác phẩm của anh em nhà Grimm. Trải nghiệm miễn phí này được tài trợ hoàn toàn bởi Ngải Vị Vị – một nghệ sĩ hàng đầu thế giới – được ví von như điều kì diệu dành cho những người được mời, và cũng để xem cách phản ứng của 250 ngàn cư dân Kassel đối với họ.

Qua hai ví dụ trên, có thể nói tham vọng và quy mô ý niệm của documenta lớn như thế nào. Joseph Beyus sau đó tiếp quản vị trí quản lý, với tầm nhìn của mình đã biến sự kiện này thành sự kiện văn hóa toàn cầu, phá vỡ mô hình Eurocentric – Chủ nghĩa Tập trung châu Âu. Okwui Enwezor trở thành giám tuyển châu Phi đầu tiên ở documenta 11, đem đến các tác phẩm nằm ngoài thị trường.

Tròn 20 năm sau, documenta 15 (2022) tiếp nối tinh thần đó khi ruangrupa (không viết hoa, viết tắt là ruru), đến từ Indonesia, trở thành nhóm giám tuyển và đại diện châu Á. Nhưng tham vọng về một thế giới bình đẳng và cởi mở liên tục gặp trắc trở với các vụ việc nhạy cảm liên quan đến dân tộc khác. Điều này có khiến hình ảnh documenta trở nên xấu đi và vì đâu nên nỗi?

Hình ảnh tại documenta 15, Kassel, Đức, năm 2022

Những điểm tích cực của documenta 2022

Tôi đến documenta lần đầu ngay sau khi vừa rời xa không khí xô bồ của Art Basel, và chỉ cách 3 tiếng đi tàu. Việc đến xem từ những ngày đầu tiên vào tháng 6 khiến trải nghiệm hầu như rất trọn vẹn khi xem được hết tất cả các tác phẩm bị kiểm duyệt.

Có 32 khu vực triển lãm và phim, ruangrupa phân bố đều đặn khắp thành phố. Dường như đã quen việc đi các triển lãm quy mô nên tôi có thể cảm nhận được ngay ý niệm của sự kiện. Như đã nói ở bài viết trước, documenta làm tốt tinh thần cộng đồng chung và mang lại cảm giác gì đó thân thuộc nhờ vào concept “lumbung” của ruangrupa. Trong ngôn ngữ Indonesia, “lumbung” có nghĩa là “kho trữ gạo cho tất cả mọi người”. Chỉ với 2 ngày tham quan, chắc chắn không thể xem hết được nhưng vừa đủ để trải nghiệm những điểm lớn.

Hình ảnh tại documenta 15, Kassel, Đức, năm 2022

Hình ảnh tại documenta 15, Kassel, Đức, năm 2022

Hình ảnh tại documenta 15, Kassel, Đức, năm 2022

Mỗi nhóm nghệ sĩ sẽ được chia phần tài trợ từ quỹ chung để sáng tác hoặc đem tác phẩm đến documenta. Trong số các nghệ sĩ xa lạ và ít hoặc chưa có danh tiếng ở mặt bằng thế giới, có Nhà Sàn Collective và Nguyễn Trinh Thi của Việt Nam. Ngay từ khi bước chân vào Bảo tàng Fridericianum, cảm giác bao trùm chiếm lấy người xem, từ những cây cột đến bức tượng được trang trí nguệchh ngoạc bằng nghệ thuật brut mà “ai cũng có thể làm được”. Các khu vực tiếp theo cũng được lấp đầy bằng các tác phẩm sắp đặt cỡ lớn. Hầu như các tác phẩm đều dễ hiểu, dễ tiếp cận và rất con người.

Nhà Sàn Collective, “A Mangrove Apple Tree” (documenta 15)

*foundationClass* collective với các biểu ngữ đặt câu hỏi về quyền được học nghệ thuật. Tamas Peli nói về những đứa trẻ người gốc Roma. Richard Bell đánh thẳng trực tiếp vào quyền con người bằng các tác phẩm hội họa hình tượng.

*foundationClass* collective, “Becoming” (2022)

Khu vực bên trong rộng hơn với các sắp đặt ấn tượng của nhóm Britto Arts Trust, một cửa hàng tạp hoá với những nhu yếu phẩm của con người nhưng chứa đựng các ẩn ý đằng sau. Wajuku Art Project tái hiện quan cảnh khu ổ chuột ở châu Phi.

Britto Art Trust

Đi xa hơn, ấn tượng nhất với tôi là tác phẩm của Erik Beltrain với sắp đặt trải dài rất trọn vẹn về mặt hình thức, quá trình nghiên cứu đặt câu hỏi về quyền lực.

Erik Beltrain

Erik Beltrain

Erik Beltrain

Nhìn chung, sự thân mật của documenta mang lại rất nhiều điểm tích cực. Documenta mời gọi của sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là hậu Covid. Đây cũng là lý do để mọi người xích lại gần nhau, mở rộng cộng đồng, khi biến nghệ thuật thành sân khấu dành cho tất cả mọi người.

Vấn đề và cách xử lý của documenta khi xảy ra sự cố? Và chúng ta?

Hơn 60 năm qua, nhiều biến đổi và nhiều cột mốc diễn ra, nhưng thứ mà documenta phải đối mặt vẫn không thay đổi mà chỉ chuyển sang nhiều trạng thái khác nhau, chính là công chúng.

Documenta chưa bao giờ phải cần sự rầm rộ, nhưng documenta kỳ này lại rầm rộ theo một hướng ngược lại ý muốn, như tác phẩm tri ân dành cho Hannah Arendt được biết đến là chủ đề tranh cãi thuộc loại nặng nhất ở Đức: Chủ nghĩa bài Do Thái.

Instituto de Artivismo Hannah Arendt (INSTAR) trình bày tác phẩm này ở Cuba và sau đó bị rút khỏi documenta 2022

Taring Padi (tập thể nghệ sĩ đến từ Indonesia), “People’s Justice” (2002), tác phẩm gây tranh cãi nặng nề nhất vì yếu tố bài Do Thái

Taring Padi có phải là những người có lỗi? Ruangrupa có lỗi? Tự do biểu đạt có lỗi? Lỗi nằm ở documenta.

Tham vọng về một mặt bằng nghệ thuật bình đẳng và không rào cản luôn là chủ trương của documenta, nhưng công chúng lại tát vào mặt documenta 2022 không thể nào nặng hơn.

Có lẽ documenta đã quên đặt mình vào công chúng, thay vào đó, họ áp đặt lý tưởng cao đẹp một cách mù quáng vào đôi vai của ruangrupa. Họ biến “tính cộng đồng” thành lời quảng cáo cho một tựa phim bom tấn năm 2022.

Và lỗi tham vọng dẫn đến hiệu ứng domino, khiến mọi thứ hỗn loạn. Ruangrupa phơi bày các điểm yếu cố hữu của các nghệ sĩ và nhóm nghệ sĩ ở châu Á, đặc biệt ở Đông Nam Á, có cả Việt Nam ta, khi đối thoại trực tiếp với công chúng ở rất nhiều cấp độ khác nhau. Những người này thường rất ngây ngô và vô hại, nhưng rất yếu trong kỹ năng ứng xử khi phải chất vấn trực tiếp với công chúng ở các quốc gia tự do hơn Indonesia.

Một chi tiết của tác phẩm tượng hình quy mô lớn gây tranh cãi, “People’s Justice” (2002) của Taring Padi – một tập thể nghệ sĩ đến từ Indonesia, mô tả một người lính có khuôn mặt lợn, đeo khăn quàng có ngôi sao David và đội mũ bảo hiểm có dòng chữ “Mossad”. Ảnh chụp trong triển lãm nghệ thuật đương đại documenta 15 ở Kassel, Đức, ngày 20 tháng 6 năm 2022 (AFP). Nguồn: dailysabah.com

Tiếp nữa, các tác phẩm và concept “lumbung” của ruangrupa khi đưa ra với quy mô tầm cỡ như documenta, hoàn toàn rất yếu ớt vì tính cộng đồng chỉ như lời mời gọi đơn thuần, không che lấp được những tác phẩm hầu như rất sơ sài và thiếu hụt về tính kỹ-mỹ thuật. Còn nếu so với tác phẩm cộng đồng cỡ như của Beuys hay Ngải Vị Vị, thì rất thiếu cơ sở vì tính ý niệm lại càng  yếu kém hơn.

Documenta cùng ruangrupa cũng quên rằng những thứ idea và ghi chép archive mang tính cộng đồng được bày ra hay phản kháng rất hay ho trên bàn giấy, nhưng đối với công chúng, đặc biệt là những người đến Kassel hoặc cư dân ở Kassel, họ đã quen những thứ nghệ thuật đã được trau chuốt – nếu không là trau chuốt ở hình thức thì phải ở mặt ý niệm.

Tác phẩm nổi trên mặt nước của Black Quantum Futurism (đằng xa là tác phẩm của Taring Padi) cũng bị dỡ bỏ sau đó.

Các tác phẩm tranh và sắp đặt đa phần mang nhiều tinh thần cổ động hình tượng theo một cách trào phúng. Tuy ruangrupa nói rằng họ chỉ định hướng sáng tạo và kêu gọi nghệ sĩ, nhưng sự tác động lên hình ảnh chung là rất rõ. Các biểu tượng, và cách vẽ với màu sắc tông xỉn xỉn, dễ bắt gặp ở các quốc gia Đông Nam Á, có cả Việt Nam. Nhìn chung, có thể nói định hướng này có phần nạn nhân hóa tất cả các “quyền con người” và lãng mạn hóa tính cộng đồng, do vậy có phần sơ sài về ý niệm, nặng tính nông thôn làng xã. Thêm nữa, các tác phẩm đương đại liên quan đến digital hầu như không có.

 

Và, đùng! Ruangrupa trở thành nạn nhân của một màn domino mà không biết là sự vô tình hay cố ý của documenta. Người đứng ra tổ chức không kiểm duyệt và bảo vệ luận điểm của mình, nạn nhân đi xin lỗi, nghệ sĩ ngớ người nói rằng vì mình đến từ Indonesia và không biết được về các vấn đề phương Tây?

Việc từ chức của ban bệ giám đốc hay lời xin lỗi của ruangrupa, đến cuối cùng vẫn không biết trái banh trách nhiệm sẽ được chuyền về ai, nhưng có lẽ documenta 2022 cũng chỉ dừng lại ở việc “rút kinh nghiệm” như ở nhà mình. Còn những người nhân danh nghệ thuật hay nghệ sĩ tham dự dường như không thấy xuất hiện nữa. Như vòng xoay luẩn quẩn, nạn nhân thì lại tiếp tục tìm đến các phương tiện truyền thông để “nạn nhân hóa” bản thân trên các mặt báo quốc tế, mà không thừa nhận các vấn đề liên quan về mặt ý niệm. Thảm đến nỗi, New Yorker phải chữa cháy bằng từ “whole vibe” của gen Z.

Sắp đặt của Party Office, nhóm này sau đó đã tự rút khỏi documenta 2022 vì các thành viên bị quấy rối ở Kassel

Malgorzata Mirga-Tas

Vô tình, chính sự cố này cũng làm mất đi sự tập trung của mọi người lên các tác phẩm – vốn đã vô cùng yếu ớt, nay càng thêm mờ nhạt. Các tác phẩm của Việt Nam đem ra sân chơi lớn, thậm chí còn nhạt nhoà hơn khi vẫn xoay vòng với chủ đề cũ, tính thời sự còn không rõ ràng so với các tác phẩm từ các nước Trung Đông, nếu nói về queer và quyền con người.

Trên mặt trận thế giới, tất cả các vấn đề đều đặt lên bàn cân để so đo đong đếm.

Trên bình diện chung, documenta 2022 thất bại hoàn toàn về mặt nghệ thuật!

Hình ảnh tại documenta 15, Kassel, Đức, năm 2022

Britto Arts Trust, “ছায়ািছব (Chayachobi)” (2022), ảnh chụp chi tiết, documenta 2022. Nguồn: artviewer.org

Baan Noorg Collaborative Arts and Culture, “The Rituals of Things” 2022, ảnh chụp chi tiết, documenta 2022. Nguồn: artviewer.org

Và rồi sau thất bại, liệu còn phải đợi thêm 20 năm nữa mới thấy Đông Nam Á được dẫn dắt và Việt Nam lại được xuất hiện ở documenta hay chăng? Công chúng phương Tây chắc chắn sẽ nghĩ lại về nền nghệ thuật Đông Nam Á. Còn ruangrupa chắc chắn cần phải làm việc với giám tuyển thực sự thay vì gật đầu dễ dàng với phương Tây.

Thực tế documenta chưa bao giờ hấp dẫn như World Cup và không ai biết được rằng, trong 20 năm tiếp theo, hình thức triển lãm của tương lai sẽ là gì?

Với cá nhân tôi, documenta sẽ tái khởi động trước!

Documenta 2022 là phiên bản lần thứ 15 của documenta – một triển lãm nghệ thuật đương đại, được tổ chức tại Kassel, Đức, từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2022.

 


 
Back to top