ART & LIFE

Hội hoạ biểu hiện của Đào Minh Tuấn

Oct 03, 2022 | By Art Republik

Hội họa của Đào Minh Tuấn là một thế giới lạ, nơi chất chứa hai thái cực đối lập của hiện thực trữ tình và biểu hiện mãnh liệt. Trong đó, thế giới biểu hiện của anh nổi bật về thị giác và đầy hấp dẫn.

Đào Minh Tuấn, trích đoạn “Thời gian đang trôi” (2019 – 2020), tổng hợp, 120 x 184 cm. Ảnh: Trần Thu Huyền.

Cuộc trưng bày tranh mang tên “Nhẹ – Một ván nhẹ”, là một dự án nghệ thuật cá nhân giới thiệu hơn 40 tác phẩm hội họa của Đào Minh Tuấn tại không gian Cá Lăng Toàn Thắng – Hoàn Kiếm, Hà Nội, kéo dài từ 12 tháng 9 tới 12 tháng 10 năm 2022. Khó có thể định danh bằng một tên gọi cho hội họa của Tuấn, nhưng có lẽ tính biểu hiện là đặc điểm nổi bật nhất khi các tác phẩm phán ánh cảm xúc, tính chất tâm linh và sự tự thể hiện. Bên cạnh đó, các sáng tác của anh còn mang hơi hướng của hội họa dã thú và chứa nhiều ký hiệu, biểu tượng.

Đào Minh Tuấn, “Những người đàn bà hát” (2019), acrylic, 90 x 145 cm. Ảnh: Trần Thu Huyền.

 “Cỏ cháy” là loạt tranh Tuấn vẽ những bờ cỏ hoang ven sông Hồng, có vẻ như đây là đối tượng yêu thích và gắn bó trong tranh của anh, bởi Tuấn vẽ rất nhiều những bụi cỏ trơ trụi đơn lẻ, và cỏ được đẩy lên làm đối tượng chính trong tranh. “Có cháy” có đủ những màu sắc, trạng thái. Các nét vẽ cỏ từ bình yên, nghiêng ngả đến hỗn loạn rồi điên cuồng. Các màu sắc đi từ xanh non đến xám vàng tàn lụi, rồi đen, đỏ cùng cực.

Đào Minh Tuấn, thuộc bộ tác phẩm “Cỏ cháy” (2022), acrylic, 130 x 155 cm. Ảnh: Trần Thu Huyền.

Đào Minh Tuấn, “Trong bụi lau xanh” (2022), sơn dầu, 155 x 220 cm. Ảnh: từ tác giả.

Tuấn làm sơn mài cũng khác. Hai bức sơn mài “Đất nước lửa” và “Về” lấy cảm hứng từ văn hóa Việt. Bức “Về” vẽ đoàn người và voi với bố cục ngang trải hết tấm vóc. Họa sĩ vẽ xong rồi xóa/ cào xước dọc tranh khiến đoàn diễu hành đứt đoạn mà vẫn gợi được hình, lại làm tăng trí tưởng tượng của người xem, cùng tính trừu tượng/ biểu hiện của hình ảnh. “Về” trông giống một thước phim của quá khứ bị nhiễu hình. Đối tượng được hiện lên mới mẻ qua lăng kính của họa sĩ.

Đào Minh Tuấn, “Về” (2018), sơn mài, 50 x 180 cm. Ảnh: Trần Thu Huyền.

Đào Minh Tuấn, “Thu về” (2020), sơn dầu, 100 x 160 cm. Ảnh: từ tác giả.

Sự tự biểu đạt nội tâm mạnh mẽ dần qua màu sắc và hình tượng. Bức tranh “Cuộc dạo chơi trên biển” của Tuấn lấy cảm hứng từ một lần anh đến chơi kết hợp lấy tư liệu ở biển Quảng Bình. Một cuộc dạo chơi hoàn toàn bình thường ở thế giới thật để rồi anh cho ra một cuộc dạo chơi đầy tính ám ảnh trên mặt toan. Những màu neon chạy nhịp khắp bức tranh được bao bởi viền đen tạo nên cảm giác rờn rợn, bởi sự tương phản quá rạch ròi và bởi ở bức tranh ta không tìm thấy những nét thẳng vững chãi mà toàn bộ là nét cong, uốn lượn, tranh nhau biểu đạt cảm xúc, mang đến sự bất an cho người quan sát.

Đào Minh Tuấn, “Cuộc dạo chơi trên biển” (2022), acrylic. 200 x 220 cm Ảnh: từ tác giả.

Biển trong tác phẩm này có đầy đủ các dấu hiệu của người tắm, cây dừa, ốc, tàu bè, bãi cát, bầu trời… nhưng đều ở trạng thái biến dị. Những con ốc biển to bất thường áp đảo 1 góc tranh như sắp đổ bộ vào toàn bức tranh. Người bơi trên bầu trời, có cả người cá trong trí tưởng tượng. Cây dừa có mắt, con mắt khiến cây dừa thành một thực thể có tri giác và nhận thức. Hình ảnh biểu tượng của con mắt xuất hiện ở rất nhiều tranh của Tuấn, anh điểm thêm con mắt cho mọi vật thể khiến chúng sống động. Ở một khía cạnh nào đó, đây giống như quan niệm “Vạn vật hữu linh” trong văn hóa phương Đông cổ xưa. Nhìn tranh của Tuấn ta thấy dường như anh giao tiếp với mọi hiện tượng trong cuộc sống bằng một tình cảm và linh cảm khác.

Đào Minh Tuấn, “Chợ Viềng” (2022), acrylic, 100 x 160 cm. Ảnh: Trần Thu Huyền.

Ngoài motif con mắt thì đồng hồ là hình ảnh thường thấy trong tranh anh. Nhưng ở đây, vài chục chiếc đồng hồ thật được dính luôn vào tác phẩm thể hiện mức độ “chơi” của Đào Minh Tuấn. “Chơi” ở đây không phải là anh gắn đồng hồ đắt tiền vào tác phẩm mà là một sự thử nghiệm có lẽ không toan tính nhiều theo kiểu thích thì làm, bởi những thử nghiệm như thế này đi xa khỏi sự an toàn của các tác phẩm với chất liệu nghệ thuật thông thường. Ở tác phẩm khác anh còn dính tiền cũ (những tờ tiền bị thải loại từ ngân hàng mà anh sưu tầm được) vào tác phẩm để tạo chất liệu.

Đào Minh Tuấn, “Thời gian đang trôi” (2019 – 2020), tổng hợp, 120 x 184 cm. Ảnh: Trần Thu Huyền.

Quay trở lại những biểu tượng tạo hình. Bức tranh gắn những chiếc đồng hồ thật có tên “Thời gian đang trôi”, kích thước 120 x 184 cm, trong đó chứa đựng nhiều motif tạo hình mang ý nghĩa hiện sinh rõ rệt. Những chiếc đồng hồ rớt xuống từ một bánh xe. Đồng hồ đại diện cho thời gian đang trôi, tiến dần về cái chết, thứ động lực ngầm lớn nhất thúc đẩy mọi suy nghĩ, hành động của con người trong đời sống hiện hữu. Bánh xe mang ý nghĩa cuộc đời trong tư tưởng của Phật giáo. Bên cạnh đó là hình người với chiếc sọ trơ trụi, tay cầm bông hoa rũ xuống đại diện cho một con người đang ở gần với những ngày tàn của cuộc đời. Những con mắt xuất hiện trong một dòng chảy lớn dần về phía tiền cảnh. Dòng sông với bãi phù sa, núi và bầu trời hậu cảnh cùng cả nhân vật tiền cảnh bị phủ một màu vàng ố như trong một đoạn phim cũ kĩ. Vậy nhưng toàn bộ bức tranh lại không có cảm giác bi thương chết chóc bởi màu hồng neon được sử dụng cho một nhân vật khác, chiếm phân nửa bức tranh đang bay lên. Sắc hồng, tím được sử dụng rất nhiều trong tác phẩm của họa sĩ phần nào nói lên khía cạnh lãng mạn trong tâm hồn anh.

Đào Minh Tuấn, “Ngày cuối cùng” (2016), acrylic, 100 x 160 cm. Ảnh: từ tác giả.

Tuấn lớn lên ở Hà Nội, anh có thói quen và biệt tài bơi sông nên bạn bè gọi là Tuấn cá. Anh sáng tác hàng trăm bức tranh lớn nhỏ chất chồng tại một xưởng vẽ nằm sát bờ ao sen ở hồ Tây. Đời sống của Tuấn giản dị, tính tình hồ hởi, tình cảm, chân chất nhưng cũng không kém phần dí dỏm, “nghịch ngầm” và bất cần. Thế giới trong tranh Tuấn cũng không khác mấy so với những gì người ngoài cảm nhận được về đời sống của anh, cộng thêm những khía cạnh cuộc sống được lọc qua lăng kính kỳ lạ của người họa sĩ mà chỉ có nghệ thuật mới giúp anh hiện hữu hoá nó.

Chân dung họa sĩ Đào Minh Tuấn.

Huyền T. Trần


 
Back to top