Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Trần Lương: “Vẫn thiếu hạ tầng cơ sở cho nghệ thuật”

Jan 16, 2023 | By Art Republik

Hình ảnh nghệ thuật đương đại Việt Nam trước thế giới có 2 khuôn mặt. Ở giai đoạn gần đây, sự mất cân bằng đã được cải thiện, nhưng chúng ta vẫn chưa có một bộ mặt chính cho nghệ thuật đương đại như một số nước ở Đông Nam Á.

Trình diễn “Cọc Cạch” tại tháp Eiffel, Paris, 2014. Hình ảnh cung cấp bởi nghệ sỹ

Trần Lương (sinh năm 1960) là một nghệ sỹ thị giác, giám tuyển độc lập và một người đi tiên phong trong việc tạo lập không gian cho nghệ thuật đương đại phản tư tại Việt Nam. Anh đồng sáng lập nhóm nghệ sỹ Gang of Five năm 1983, và Nhà Sàn Studio năm 1998. Hiện anh sinh sống và thực hành ở Hà Nội.

Dự án cộng đồng “Những giọt nước”, 2006. Hình ảnh cung cấp bởi nghệ sỹ

Được biết đến như một nghệ sỹ, nhà giám tuyển, giáo dục nghệ thuật và đôi lúc trong vai trò phê bình, anh có thể chia sẻ về vai trò của nghệ sỹ trong xã hội đương đại ngày nay?

Nghệ sỹ trong xã hội đương đại không thể đóng vai trò như trước. Vì thế mới có nghệ thuật đương đại, với những tương tác mạnh và sâu hơn đến các vấn đề xã hội cụ thể, đến sự tác động của con người với tự nhiên cả tích cực và tiêu cực, đến các vấn đề tâm sinh lý của con người trong quá trình “phát triển”.

“Vết thương lịch sử còn ướt và cái giá phải trả là lâu dài. ‘Vì sao?’ và ‘làm thế nào?’ là câu hỏi cho tất cả.”

Môi trường quan tâm và tương tác đã rộng và phức tạp hơn nên người nghệ sỹ ngày nay cần những kỹ năng, phương pháp và kiến thức đa diện, nằm ngoài các đòi hỏi thông thường như trong quá khứ. Vì thế để thực hiện tác phẩm thì bản thân nghệ sỹ cần có thêm kỹ năng nghiên cứu, phê bình, tổ chức, giám tuyển… chứ không thể phó mặc hoàn toàn từng việc cho nhà chuyên môn. Việc đóng đa vai trò có nguồn gốc như vậy, nhưng phân chia công việc cụ thể thế nào cho mình là tùy ở mỗi người.

Dưới kinh nghiệm thực hành cá nhân, tôi thấy cùng lúc thực hành cả mấy thứ chỉ tốt hơn lên cho cho bản thân và cho mỗi mảng thực hành, nó tương hỗ, cung cấp thông tin, kinh nghiệm, nâng cao chất lượng công việc, nhận thức, và đem lại chiều sâu. Miễn là giữ các nguyên tắc như công bằng, minh bạch, và ở mảng nào thì đặt tiêu chí với mục đích của mảng đó lên trên hết.

“Hãy cùng bôi một vệt cơm!”, cùng các nghệ sỹ tại PAN ASIA, Seoul, 2011. Hình ảnh cung cấp bởi nghệ sỹ

Những năm 2000 anh đã tích cực tham gia các dự án phát triển cộng đồng như dự án “Mỏ than Mạo Khê” (2001) hay “Những giọt nước” (2005)… anh có thể chia sẻ về mối quan hệ giữa nghệ thuật đương đại với phát triển cộng đồng?

Bản chất của nghệ thuật đương đại là đến gần với đời sống hằng ngày, từ cảm xúc phát sinh, nội dung, mối quan tâm của tác giả, phương tiện, vật liệu, ngôn ngữ… Nên hiện tượng nghệ sỹ đương đại tham gia làm phát triển cộng đồng, và các loại hình nghệ thuật đương đại được áp dụng vào các dự án phát triển cộng đồng là rất tự nhiên và hiệu quả. Có một cái tiện ấy là hình thức và phương tiện của nghệ thuật đương đại đã thoát khỏi các vật liệu hàn lâm đặc chủng, thoát khỏi cả nơi trưng bày/trình diễn truyền thống, thoát khỏi cấu trúc làm việc kinh viện.

Việc tôi tham gia nhiều dự án phát triển cộng đồng xuất phát từ nhận thức là nghệ sỹ nên đi ra khỏi “tháp ngà”, đi ra khỏi giai đoạn “đại tự sự”. Khi đi làm phát triển cộng đồng mới thấy bản thân vẫn quá thiếu thực tế, quan liêu và “ngây thơ”. Thực tế cũng cung cấp chất liệu, năng lượng, sự quyết đoán cho sáng tạo nghệ thuật. Vật liệu, ý tưởng từ các dự án phát triển cộng đồng cũng có thể được tái sáng tạo thành tác phẩm. Tôi không thấy việc làm phát triển cộng đồng đã làm mình mất đi thời gian và sức lực cho nghệ thuật, mà ngược lại thực hành này làm cho nghệ thuật đương đại được giàu có, ý nghĩa và có sự hỗ trợ sâu sắc hơn.

Trình diễn “Cọc Cạch” tại Ô Chợ Dừa, Hà Nội, 2013. Hình ảnh cung cấp bởi nghệ sỹ

Năm 2007, anh có tham gia tham luận “Mới chạy mà bình xăng đã cạn” tại hội thảo 20 năm mỹ thuật thời kỳ Đổi Mới 1986-2006. Tham luận như một bản tuyên ngôn mạnh mẽ phê phán và mổ xẻ những vấn đề của nghệ thuật đương đại Việt Nam, tuy nhiên cũng không thiếu sự hy vọng và những niềm tin tích cực cho một tương lai mới. Nhìn lại bài viết này sau 14 năm, anh có nghĩ những đề xuất thay đổi của anh cũng đã phần nào được thực hiện, và có những dấu hiệu tích cực trong toàn cảnh nghệ thuật đương đại Việt Nam?

Về cơ bản không có thay đổi rõ ràng nào sau những đề xuất của tôi sau 14 năm! Tuy nhiên những nỗ lực của cộng đồng nghệ sỹ và các nhà chuyên môn độc lập, cùng các cá nhân và tổ chức yêu nghệ thuật đã tạo được những bước chuyển biến đáng kể cho nghệ thuật đương đại nước nhà. Các nhóm và tổ chức tư nhân tự phát vẫn liên tục ra đời, mặc dù chết yểu cũng nhiều không kém. Sự “mở cửa” đã liên thông năng lượng từ bên ngoài, và nghệ sỹ cũng như nghệ thuật đương đại Việt Nam được tiếp sức và hưởng lợi rất nhiều từ khu vực và thế giới. Tuy nhiên nghệ thuật đương đại quốc tế thì không có đường vào Việt Nam, không có các festival nghệ thuật đương đại, không có triển lãm quốc tế, nên họ không được hưởng tiện ích gì từ Việt Nam. Điều này chứng tỏ hạ tầng cơ sở cho nghệ thuật phát triển là không có!

Dự án cộng đồng “Tôi Hòa Tan” với Hội Đồng Anh, 2005. Hình ảnh cung cấp bởi nghệ sỹ

Anh đã tham gia tổ chức và giám tuyển một số triển lãm quốc tế về nghệ thuật Việt Nam gây tiếng vang, có thể kể đến như triển lãm “Lim Dim” (2009) tại Nauy, Singapore Biennale (2013), “Mien Meo Mieng” (2015) tại Thuỵ Điển… cũng như tham gia với tư cách nghệ sỹ trong nhiều triển lãm khác nhau. Anh nghĩ hình ảnh về Việt Nam với thế giới đã thay đổi ra sao trong khoảng 2 thập kỷ gần đây?

Hình ảnh nghệ thuật đương đại Việt Nam trước thế giới có 2 khuôn mặt: (1) nghệ thuật của các nghệ sỹ Việt kiều, (2) nghệ thuật của các nghệ sỹ lớn lên và sống ở Việt Nam. Cho đến sau năm 2000, khuôn mặt (2) của nghệ thuật Việt Nam vẫn chưa thực sự được chú ý và định hình trên thế giới. Nhưng khuôn mặt (1) đã được biết đến từ trước và có chỗ đứng vững vàng. Thành công của nó xuất phát từ tâm thế của hàng triệu số phận trôi dạt qua lịch sử chiến tranh và ly tán của dân tộc. Khuôn mặt (2) được biết đến khá chậm, phải từ cuối 2010 mới từ từ xuất hiện. Mặc dù từ sau 2010 cho đến nay, khuôn mặt (2) đã xuất hiện nhiều và cân đối hơn, nhưng vị thế cũng còn dưới bóng của các nghệ sỹ Việt kiều một khoảng cách xa.

“Súp Cổ Tích – Chử Đồng Tử & Tiên Dung”, chụp từ tác phẩm video, 2003. Hình ảnh cung cấp bởi nghệ sỹ

Về tổng thể, nghệ thuật đương đại Việt Nam là cả 2 khuôn mặt trên, vì cùng liên quan đến số phận và tương lai của một dân tộc, và trong một số triển lãm quốc tế kể từ sau 2000 có các tác giả ở cả hai khuôn mặt. Ở giai đoạn gần đây, sự mất cân bằng đã được cải thiện, nhưng chúng ta vẫn chưa có một bộ mặt chính cho nghệ thuật đương đại như một số nước ở Đông Nam Á. Vết thương lịch sử còn ướt và cái giá phải trả là lâu dài. “Vì sao?” và “làm thế nào?” là câu hỏi cho tất cả.

“Việc tôi tham gia nhiều dự án phát triển cộng đồng xuất phát từ nhận thức là nghệ sỹ nên đi ra khỏi ‘tháp ngà’, đi ra khỏi giai đoạn ‘đại tự sự’.”

Anh từng sáng lập và điều hành Nhà Sàn Studio (1998-nay), Trung tâm Mỹ thuật Đương Đại (2001-2003) và giờ đây là Center for Art Patronage and Development (2020-nay). Anh có thể chia sẻ, vai trò của anh trong ba trung tâm này khác nhau ra sao và anh đang mường tượng Center for Art Patronage and Development (APD) sẽ phát triển thế nào?

3 nơi này có ba vị trí, ngữ cảnh xã hội khác nhau. Riêng Trung tâm Mỹ thuật Đương Đại Hà Nội là một thử nghiệm phiêu lưu có tính thời điểm, nên thực tế nó đã tồn tại không lâu và có thể biết trước hệ quả. Tuy nhiên vẫn là việc đáng làm vì mô hình của nó chí ít đã tạo nên một bước thực hành sinh học đặc biệt và mới tinh với Việt Nam vào thời điểm đó, và là điểm trực quan để so sánh và chiêm nghiệm.

APD là mô hình khác biệt với những cái gọi là không gian nghệ thuật thông thường. Tôi thu thập kinh nghiệm và nghiên cứu về cấu trúc để có thể có một thực thể kiểu “khác”, vừa phù hợp với tình hình Việt Nam vừa hướng về phía trước ở bình diện chung toàn cầu. Khác như thế nào thì chưa nên “nổ” vội, nhưng cơ bản sẽ là nơi thực hành ở mọi mặt, luôn tương tác, đối thoại và triển lãm không phải là hoạt động trung tâm. Thực hành ở APD nằm ở biên giới giữa nghệ thuật với các chuyển động sáng tạo và xã hội khác. Nên không loại trừ, APD sẽ còn đổi dạng theo hoàn cảnh.

Gặp gỡ báo chí năm 2013 tại Singapore Biennale, triển lãm do Trần Lương đồng giám tuyển. Hình ảnh cung cấp bởi nghệ sỹ

Cảm ơn anh!


 
Back to top