ART & LIFE

Không được tự do sáng tạo sẽ dẫn đến khủng hoảng tinh thần rất lớn

May 14, 2021 | By Trang Ps

Nếu loài người không được tự do sáng tạo thì có thể dẫn đến những khủng hoảng tinh thần cực kỳ lớn.

Aquatic Pyrenees Dance

Một đứa trẻ như tôi không tiếp cận sáng tạo thông qua lý thuyết sáng tạo mà là qua hành động. Sinh ra trong một gia đình làm mộc, ngay từ khi còn nhỏ, vây quanh tôi là khu vườn đầy hoa thơm trái ngọt. Có những ngày ngồi một mình gỡ những sợi dây thép bó tre đã gỉ sau nhà để làm thành những chiếc nhẫn đeo vào ngón tay. Hồi tiểu học, thầy cô cho học sinh thỏa thích vẽ vời. Thầy cô không nhấn mạnh chúng tôi phải sáng tạo như thế nọ, như thế kia, nhưng với trẻ con, đứa nào cũng thích tưởng tượng. Có tưởng tượng thì sẽ có sáng tạo.

Lớn lên, tôi nhận ra rằng sáng tạo vốn dĩ là một bản năng. Nếu bản năng này bị kiềm chế thì sẽ sinh ra những khủng hoảng tinh thần cực kỳ lớn. Hôm rồi, một người bạn gửi tôi xem một bài viết nói rằng không ngành nào sáng tạo kể cả ngành sáng tạo, tôi cho rằng ý kiến này thực sự hời hợt, và không đi sâu được vào nguyên lý vận hành tâm thức con người. Bởi sáng tạo không chỉ nằm trong lĩnh vực nghề nghiệp, mà nằm ở  tất cả mọi khía cạnh đời sống, sáng tạo là một cách để con người giải tỏa và giải thoát.

Sáng tạo là cách giải tỏa và giải thoát

Nghệ sĩ nổi tiếng Louise Bourgeois ở nhà riêng, West 20th Street, New York, 2000.

Nếu cổ xúy không sáng tạo, một bộ phận sẽ dễ rơi vào tình trạng tắc nghẽn tinh thần, lười biếng, tâm lý ỷ lại, chạy theo đám đông,… Về bản chất, con người vẫn là một thực thể độc lập trong liên thuộc với xã hội, vì thế, sáng tạo cho phép họ đảm bảo cá tính nguyên vẹn của mình, đồng thời đi sâu vào tiềm thức. Bởi khi con người tập trung sáng tạo, họ sẽ khai quật được phần nào tàng thức bị chôn giấu rất sâu trong chặng đường sống của mình.

Chúng ta không nên hiểu sáng tạo là tạo ra cái mới. Hai điều này hoàn toàn khác biệt. Nên hiểu sáng tạo là một quá trình tìm tòi, khám phá, kích hoạt tư duy nhận thức mang tính cá nhân nhằm tiếp cận những phương cách để tạo ra những thứ đáp ứng nhu cầu vật chất hay tinh thần.

Trong một môi trường văn phòng truyền thống, nếu cổ xúy không sáng tạo sẽ khiến đời sống tinh thần của con người bị rơi vào bế tắc. Chính áp chế ấy tạo ra một phản ứng muốn giải thoát khỏi môi trường, không sớm thì muộn. Nhưng nếu một người sếp khuyến khích nhân viên mình sáng tạo, kể cả việc sáng tạo ấy không đem đến hiệu quả ngay tức khắc, điều này sẽ khiến môi trường làm việc bớt độc hại hơn. Vì môi trường này đang đi về phía tạo ra sự tự do cho con người.

The Guggenheim Museums and Foundation

Kiến trúc sư Zaha Hadid bên ý tưởng dự án mới.

Tôi đồng ý một điều rằng nền tảng tri thức là quan trọng. Một họa sĩ, một nhà làm phim, một kiến trúc sư,… phải dành một lượng thời gian nhất định để dung nạp lý thuyết của các ngành mà họ chọn. Nhưng hãy quan sát chăm chú, nếu để họ học một cách tự nhiên, thì trong quá trình học, bản năng sáng tạo của mỗi người bộc lộ khác nhau. Vì tập khí của mỗi người là khác biệt. Khi nương theo tập khí này mà làm việc sẽ tạo ra những phong cách khác biệt. Danh họa Lê Bá Đảng khác danh họa Lê Phổ, vì tập khí của hai người này khác. Bởi thế, nếu cổ xúy con người không sáng tạo, nghĩa là bạn đang đi ngược lại với bản chất của chính mình, đi ngược lại với tiếng gọi bên trong mình. Vì tiếng gọi của con người là tiếng gọi của sự tìm tòi, học hỏi, khám phá và phiêu lưu.

Nhà khoa học thiên tài Nikola Tesla.

Khi nói đến các thiên tài như Albert Einstein hay Niokla Tesla, các bạn sẽ nhận ra bản năng sáng tạo của họ được bộc lộ rất mạnh mẽ. Chúng ta cũng không thể cho rằng những người giàu cảm xúc thì giàu sáng tạo, mà những con người thiên về lý tính cũng như vậy. Bởi sáng tạo rất đa dạng, có thể là hội họa, có thể là khoa học.

Nhưng thay vì dùng từ “phát minh” thì tôi nghĩ nên dùng từ “phát hiện”. Albert Einstein phát hiện ra luật tương đối, Nikola Tesla phát hiện ra hệ thống dòng điện xoay chiều. Bởi những điều này hoàn toàn đã sẵn có trong vũ trụ nhưng hai con người đấy đã phát hiện ra và công bố chúng với nhân loại. Nikola Tesla từng nói bộ não chỉ là một cỗ máy tiếp nhận, trong vũ trụ có một trung tâm cốt lõi mà từ đó chúng ta nhận được tri thức, sức mạnh và niềm cảm hứng; ông chưa thâm nhập được vào những bí mật của trung tâm này, nhưng ông biết nó tồn tại. Khi Tesla nhận ra điều này, ông đã khiêm tốn lại trở nên khiêm tốn hơn.

Và từ đó, có thể kết luận một điều rằng, nhờ sự sáng tạo, tìm tòi khám phá, quay về bên trong mà con người mới có thể đạt đến tự do.

Sáng tạo không phải là thứ gì đó vĩ đại, hay những việc người vĩ đại làm mới có thể gọi đó là sáng tạo. Giờ đây bạn hãy nhìn trên người mình, bạn chọn đeo bông tai ra sao, bạn mặc quần áo như thế nào, đó đã là một sự sáng tạo nói lên phong cách thời trang của chính bạn. Nếu bạn ăn mặc dựa trên chỉ bảo của ai đó khác, thì đó không còn là sáng tạo nữa.

Hãy nhìn vào phòng ngủ của bạn, bạn đặt để các đồ vật ra sao, đó là sự sáng tạo nói lên tinh thần bên trong bạn. Sự sáng tạo ở đây là một cách thể hiện tiếng nói bên trong mình. Một nghệ sĩ chia sẻ với tôi rằng: “Phòng của em cũng có thể là một tác phẩm sắp đặt, việc còn lại là em phải trình bày cho được lý do vì sao đó là tác phẩm.”

Chúng ta khích lệ tưởng tượng, khích lệ tự do, mà không khích lệ sự sáng tạo là một mâu thuẫn rất lớn.

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)


 
Back to top