Nghệ thuật / Nghệ sĩ

KTS Đoàn Thanh Hà: Những nghĩ suy về thiết kế mô hình nhà ở bền vững tại Việt Nam

Aug 02, 2021 | By Trang Ps

KTS Đoàn Thanh Hà, đồng sáng lập và điều hành văn phòng H&P Architects, đã có những chia sẻ rất quý giá về cách tiếp cận và xây dựng nhà ở bền vững cho vùng nông thôn Việt Nam, tận dụng vật liệu tự nhiên và sẵn có như những đơn nguyên nhỏ tạo nên công trình, từ đó định hình tư duy sáng tạo tôn vinh sự bền vững.

Trong công trình nhà bọc tôn của H&P Architects, anh có chia sẻ: “Đây là thiết kế giúp tiết kiệm tài nguyên ở Việt Nam. Để tiết kiệm diện tích đất và nước, những ngôi nhà đội ngũ làm phải có ít nhất hai tầng. Nếu những ngôi nhà nông thôn Việt Nam (nơi chiếm 70% dân số cả nước) được thiết kế theo mô hình này thì chúng ta có thể giảm thiểu nhiều tài nguyên, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững.” Anh có thể nói rõ hơn về cách tiếp cận mô hình này? Sự bền vững được thể hiện ở những yếu tố nào và đội ngũ có gặp khó khăn gì khi thực hiện?

Với diện tích 80 m2, đó là một không gian ổn cho một gia đình bình thường sinh sống. Khi chưa đủ nguồn lực để hoàn thành tổng thể không gian ấy, họ có thể sử dụng trước một nửa ở bên dưới.

HOUSE của H&P Architects

Nhà bọc tôn.

Điều đó có nghĩa rằng: Mô hình công trình này được chia làm hai tầng với diện tích chiếm đất 40 m2, được hoàn thành xong bộ khung bao che ngay từ đầu, chủ nhà có thể dần hoàn thiện các không gian nội thất (từ dưới lên) trong quá trình sử dụng về sau.

Phần chân nhà còn có thể nâng cao thành mẫu nhà sàn, dùng cho địa hình vùng núi. Chân nhà xòe rộng ra thành mẫu nhà nổi, với hệ thống thùng phuy rỗng ở dưới. Như thế, chúng ta đã tiết kiệm được một nửa diện tích chiếm đất xây dựng so với xây nhà một tầng, và diện tích ấy được dành cho nông nghiệp, cây xanh, mặt nước,..

Người sử dụng tham gia vào quá trình tạo dựng, hoạch định/ngăn chia không gian sống, tự bảo dưỡng ngôi nhà của mình. Đó chính là sự bền vững. Chúng tôi cũng đã thêm sự lựa chọn về hệ khung bê tông và mái lợp ngói ở các phiên bản khác. Ngôi nhà vừa hoàn thành tại Ninh Bình là ví dụ.

Ngoài mô hình trên, anh có gợi ý thêm về cách tiếp cận mô hình nhà ở cho vùng nông thôn tại Việt Nam?

Hiện nay, tôi vẫn đang phát triển một chuỗi nhà ở nhỏ theo mô-đun, dựa trên công cụ “ba lần”:

– Tối thiểu có ba tầng sử dụng (nền, sàn, mái) nhằm tiết kiệm quỹ đất và nước.

– Kiến trúc bao gồm ba thành phần: bộ khung kết cấu, hệ bao che (hai-ba lớp), phần hoàn thiện (thang, đồ đạc,…)

– Ba kiểu mái nhà sinh lợi (phát triển nông nghiệp, năng lượng tái tạo, thu nước mưa,…)

Với H&P Architects, điều gì tạo nên linh hồn kiến trúc?

Tạm thời bỏ qua yếu tố con người, tôi nghĩ ba yếu tố cấu trúc – vật liệu – địa phương gắn kết chặt chẽ sẽ tạo nên một linh hồn kiến trúc trọn vẹn.

Tôi đề xuất một cấu trúc (không gian) tương tự như tự nhiên theo một cách nhân tạo, với những vật liệu quen thuộc (thân thiện và có sẵn), ở từng bối cảnh (vật lý và văn hóa-xã hội). Đương nhiên, tất cả phải dựa trên những nhu cầu của người sử dụng cụ thể.

Quan sát thấy, H&P tiếp cận nhiều công trình bằng gạch, có phải đây là chất liệu chủ đạo? Vật liệu được nhìn nhận ra sao trong triết lý thiết kế kiến trúc của đội ngũ?

Gạch là một vật liệu quen thuộc của người dân Việt Nam và là một trong những vật liệu có nguồn gốc thân thiện và có sẵn mà chúng tôi đã sử dụng: tre, gỗ, đất, đá, gạch, ngói,..

Việc sử dụng vật liệu nào phụ thuộc vào tính chất và địa điểm mà kiến trúc sẽ hiện hữu. Vật liệu đóng một vai trò rất quan trọng vì trong nhiều trường hợp, nó đã là những đơn nguyên nhỏ để tạo nên công trình.

Chẳng hạn, chúng tôi đã tạo ra ngôi nhà làm từ một thanh tre (Tổ ấm nở hoa), một khối đất (Không gian thân thiện BE), một viên gạch (Cái hang gạch), một viên ngói (không gian Ngói), một hạt gỗ (Mành Mành salon), một thanh gỗ (nhà hàng Cheering), một mảnh đá (không gian S), một mảnh hàng rào (hồi sinh công viên Mỏ Mạo Khê),…

Hẳn là trong quá trình thiết kế, anh đã được ảnh hưởng bởi một tư tưởng cụ thể nào đó!

Tôi thích khái niệm về “nguyên mẫu” (archetype) trong “vô thức tập thể” của nhà tâm lý học Carl Gustav Jung. Tức là có thể trong vô thức của chúng ta hiện nay vẫn ẩn chứa những kinh nghiệm sống của tổ tiên (nguyên thủy) và khi ấy sẽ có những “nguyên mẫu” cho thiết kế kiến trúc: cái cây, đám mây, cái hang, bậc thang,..

Về một công trình của H&P mà anh cho rằng lột tả được triết lý thiết kế của anh lẫn đội ngũ? 

Trong trường hợp này, có thể, đó là Cái hang gạch (Brick Cave) ở ngoại thành Hà Nội.

Như chia sẻ ở trên, Cái hang gạch được thiết kế theo triết lý giúp định hình một nơi giống như môi trường tự nhiên theo cách nhân tạo.

Cấu trúc ngôi nhà giống như một hang động. Cấu trúc tổng thể được tạo thành và bao bọc bởi hai lớp tường gạch nối nhau tại ngã ba, với sự xen kẽ của nhiều loại thực vật.

Hai lớp tường như bộ lọc loại bỏ những tác động xấu của môi trường bên ngoài (nắng từ hướng Tây, khói bụi, tiếng ồn) và đưa các yếu tố tự nhiên (ánh sáng, mưa, gió) đến những nơi cần thiết ở bên trong. Phía trên bức tường bên ngoài được nghiêng vào theo các đường chéo khác nhau để tạo góc nhìn tốt hơn cho cảnh quan chung của khu vực, đồng thời giúp người sử dụng ở nhiều chỗ khác nhau bên trong ngôi nhà cảm nhận được sự xê dịch của thời gian.

Cái hang gạch bao gồm một chuỗi không gian được kết nối với nhau, chuyển dần từ cởi mở sang riêng tư và ngược lại. Sự kết hợp này tạo ra các mối quan hệ đa dạng với môi trường xung quanh, xóa mờ ranh giới giữa trong và ngoài, nhà và đường, con người và thiên nhiên.

Hiện anh đang có thử nghiệm hay nghiên cứu mới nào về kiến trúc? 

Tôi vẫn liên tục cố gắng thử nghiệm trong từng công trình và vừa hoàn thành một ngôi nhà khá thú vị ở Hà Nam – tên là Cái tổ ngói.

Điều gì mà anh kỵ nhất trong quá trình thực hiện một công trình kiến trúc?

Sự lặp lại


 
Back to top