ART & LIFE

Nghệ sĩ ý niệm Danh Võ: Làm sao để bán một vỏ thùng carton hàng chục tỷ đồng?

Jul 21, 2020 | By Trang Ps

Lượm một vỏ thùng carton cũ về xịt chút nhũ vàng và ký tên, liệu đó có phải là một tác phẩm nghệ thuật? Liệu có ai chịu bỏ vài trăm ngàn USD ra mua tác phẩm như vậy không? Vậy mà lại có! Các tác phẩm của nghệ sỹ ý niệm Danh Võ đang làm mưa làm gió từ bảo tàng hàn lâm đến các nhà đấu giá chuyên nghiệp trên thế giới.

Trong lĩnh vực thị giác và nghệ thuật đương đại quốc tế, sau Dinh Q. Lê (sinh 1968), Jun Nguyen-Hatsushiba (1968)…, thì Danh Võ (Võ Trung Kỳ Danh, sinh năm 1975 tại Bà Rịa, đến Đan Mạch năm 1979) là một nghệ sỹ gốc Việt thời danh.

Những con số gây choáng váng

Vào buổi tối 26/5/2018, tác phẩm “165°W” (165 độ Tây, vàng lá trên thùng giấy, 91 x 173 cm, 2011) của Danh Võ lên sàn Christie’s Hong Kong với giá dự kiến gây choáng váng, từ 153.532 đến 204.709 USD. Kết quả cuối cùng còn bất ngờ hơn nữa, với hơn 356.000 USD, tương đương 8 tỷ đồng! Tác phẩm này thực chất là miếng băng keo dán hình chữ X mà Danh Võ tình cờ nhìn thấy trên vỏ thùng carton cũ của nhà sản xuất đồ uống chai nhựa ở Thái Lan.

Tháng 3/2018 tại sàn đấu giá Sotheby’s Hong Kong, chữ A bán được hơn 302.000 USD. Tháng 10/2014 tại Sotheby’s London, số 9 bán được hơn 504.000 USD. Tháng 5/2015 tại Sotheby’s New York, vỏ thùng Coca-Cola bán được 466.000 USD; chữ cái L bán được 700.000 USD. Tháng 12/2015 tại Phillips New York, chữ B bán được 329.000 USD… Đây chỉ là một vài trong hàng chục ví dụ về sự thu hút thị trường của Danh Võ hiện nay, mà các tác phẩm chỉ là nhũ vàng quét trên các vỏ thùng carton cũ. Thật khó hình dung vì sao những tác phẩm này lại có giá cao đến vậy?

Theo Christie’s, vật liệu của tác phẩm có xuất xứ là một vỏ thùng giấy cũ của nhà sản xuất đồ uống chai nhựa của Thái Lan. Ở phía góc dưới bên trái, có lời bài hát của David Bowie: “Thời giờ của hắn ta uốn éo như một con điếm”, được Danh Võ viết theo lối gothic. Đây cũng là một kiểu chữ mà cha của Danh Võ – nhà thư pháp Phùng Võ – ưu chuộng.

Trong một bài bình luận lớn, tờ New York Times mô tả Danh Võ như một nghệ sĩ biết sử dụng tất cả những gì hiện có xung quanh để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật.

Anh lấy chính khả năng chơi bài của mình để bày ra một sân chơi bằng chính những chất liệu là lịch sử và kinh nghiệm mà bản thân đã trải qua để khán giả cùng tham gia vào cuộc chơi và thưởng thức. Một ví dụ khác, trong tác phẩm Vo Rosasco Rasmussen (2003), Danh Võ đã tổ chức cưới và ly hôn đồng tính với bạn mình để thay đổi tên họ của bản thân và trưng bày toàn bộ những giấy tờ đó – từ giấy kết hôn, giấy ly hôn, cho đến hộ chiếu, thẻ ngân hàng… với tên tuổi bị thay đổi. Khác với Việt Nam, ở nhiều nước Tây phương, khi kết hôn, người vợ – dù là đồng tính – cũng dễ mất họ riêng, phải mang họ chồng. Ví dụ như diễn viên Tôn Nữ Yên Khê khi lấy đạo diễn Trần Anh Hùng thì đổi tên thành Trần Nữ Yên Khê.

Danh Võ luôn cố gắng giữ tên mình, nhưng qua quá trình cọ xát từ các thủ tục nhập cư, giấy tờ, pháp lý, cuối cùng chỉ còn lại là Danh Võ, tức họ Võ tên Danh. Anh luôn ý thức giữ dấu cho họ của mình, nên trong nhiều ngôn ngữ không có dấu, trên chữ O sẽ là một gạch ngang, một ký hiệu, hoặc một dấu chấm. Những tác phẩm của Danh Võ thường cho thấy khuynh hướng dựa vào các diễn biến lịch sử của bản thân, gia đình và thời cuộc.

Ý niệm của Danh Võ là gì?

Ý niệm của loạt tác phẩm Alphabet được lấy từ chính loạt truyện “Bowditch Alphabet” của Danh Võ. Xin lưu ý, bảng chữ cái Bowditch đề cập đến tiêu chuẩn công nghiệp về chữ viết trong Điều lệ thực hành của Hoa Kỳ năm 1802. Và 25 múi giờ hải quân được sắp xếp theo các chữ cái trong bảng chữ cái này. Hệ thống West-centric của Bowditch đã giúp thiết lập các tuyến đường vận tải nhằm nuôi dưỡng doanh nghiệp thuộc địa, và nó vẫn phân chia toàn cầu cho đến ngày nay. Kinh độ 165° W khơi gợi một giao dịch rộng lớn của thương mại Đông – Tây, nhưng dường như bị lật đổ thông qua trang sức vàng của Danh Võ. Nó như một trang trí điển hình của thần tượng và đền thờ, nơi mà giá trị thiêng liêng bị tiền tệ lấn lướt. Sự sang trọng của vàng tương phản hoàn toàn với hộp các-tông nhàu cũ, cứng đờ…

Danh Võ thu thập các vỏ thùng carton cũ này từ khắp 5 châu, trong đó có Việt Nam, Thái Lan. Anh mượn nó để ẩn dụ cho vỏ của chữ viết, nơi mà người Việt có tiếng nói riêng từ sơ khai, nhưng chữ viết thì phải du nhập và phái sinh. Như cha anh là một nhà thư pháp, khi đến Đan Mạch định cư, chữ viết xứ này không phù hợp phong cách đã ổn định của ông, nên ông phải tìm một lối viết mới để giữ bản sắc nghệ thuật. Bảng chữ cái này, vì vậy mà đan xen các câu chuyện tự truyện và chính trị xã hội, một biểu tượng cho quá trình chu du của bản sắc địa phương ra thế giới.

Ví dụ “165° W” phản ánh sự mất chữ Nôm thời trung đại, khi Việt Nam xuất hiện các nhà truyền giáo dòng Tên, kết quả là chữ Latin trở thành lối viết chính của người Việt hiện tại. Ở Việt Nam, Phùng Võ là một nhà thư pháp, nhưng khi đến Đan Mạch, với rào cản ngôn ngữ mới, ông không thể tiếp tục thực hành theo kiểu cũ. Ông đành phải xen kẽ cách viết gothic trong tác phẩm, như là một phương thức biểu đạt mới. Thư pháp của cha ảnh hưởng tới Danh Võ rất rõ nét. Chính vì vậy, chữ X trong tác phẩm “165° W” trở thành một dấu hiệu cộng hưởng, nó chuyên chở sự phức tạp, đa dạng về ý nghĩa, lịch sử và cả giá trị giải tỏa.

Còn theo Xavier Hufkens: “Các tác phẩm sắp đặt và nghệ thuật ý niệm của Danh Võ thường dựa vào chính các kinh nghiệm sống cá nhân (của chính anh, của cha mẹ và các thành viên trong gia đình), của lịch sử Việt Nam vào cuối thế kỷ 20. Bằng các tài liệu, hình ảnh, các vật dụng tìm được (có ý nghĩa lịch sử hoặc cảm xúc), chữ viết hoặc các tác phẩm của các nghệ sỹ khác, tác phẩm sắp đặt của Danh Võ thường giải quyết các vấn đề liên quan đến danh tính và thuộc tính, sở hữu, quyền sở hữu và vai trò của các mối quan hệ cá nhân. Anh đặc biệt quan tâm đến sự khác biệt giữa huyền thoại và thực tế, giữa quá khứ và hiện tại, giữa danh tính và lịch sử… những thứ áp đặt lên sự định hình của người khác và của chính mình”.

Danh Võ thành công vì anh đã nhanh chóng được các môi trường hàn lâm và thị trường chuyên nghiệp chia sẻ.

Một trong những thế mạnh và sức mạnh của nghệ thuật ý niệm là việc chia sẻ được ý niệm của tác phẩm đến người xem. Danh Võ thành công vì anh đã nhanh chóng được các môi trường hàn lâm và thị trường chuyên nghiệp chia sẻ. Làm sao gìn giữ bản sắc – thông qua cái tên, ký hiệu căn bản – không là câu hỏi của riêng ai, mà là một biểu hiện của toàn cầu hóa, nơi bản sắc riêng dễ bi phai mờ, bị nuốt chửng. Nói như Lão Tử: “Danh khả danh phi thường danh” – không có tên gọi thì sự vật, hiện tượng, cá nhân không tồn tại, mà dễ dàng gọi được tên thì lại quá tầm thường. Qua sự trăn trở với 25 chữ cái, Danh Võ truy vấn đề về điều này.

Danh Võ chia sẻ: “Tôi không thực sự tin vào câu chuyện riêng tư của mình, và nó cũng không phải là một điều gì quá kỳ dị. Nó như tự đan dệt vào và tự đi ra khỏi những câu chuyện riêng tư của mỗi người để hòa nhập vào dòng lịch sử địa phương và lịch sử địa chính trị. Tôi thấy bản thân mình, giống như bất kỳ người nào khác, như một toa tàu, nơi thừa hưởng những dấu vết vô hạn của lịch sử, nhưng lại không thể kế thừa bất kỳ điều gì cụ thể. Vì vậy, tôi cố gắng bù đắp cho điều này, cố gắng hiểu nó và cho nó một hướng đi cho bản thân mình”.

Câu chuyện của thị trường

Để bớt tổn thương cho người sáng tạo, người ta gọi tác phẩm nghệ thuật là hàng hóa đặc biệt, chứ thực chất cũng chỉ là một món hàng. Nghĩa là nó phải chịu sự chi phối của quy luật mua bán và thị trường, muốn tăng giá, phải được sang tay nhiều lần; phải chuyển từ giao dịch sơ cấp sang thứ cấp, sang đa cấp và cao cấp.

Tôi thấy bản thân mình, giống như bất kỳ người nào khác, như một toa tàu, nơi thừa hưởng những dấu vết vô hạn của lịch sử, nhưng lại không thể kế thừa bất kỳ điều gì cụ thể. Vì vậy, tôi cố gắng bù đắp cho điều này, cố gắng hiểu nó và cho nó một hướng đi cho bản thân mình. – Danh Võ

Các tác phẩm Alphabet của Danh Võ có thể vô nghĩa và vô dụng với nhiều người, nhưng với một nhóm người trong cộng đồng thị trường nghệ thuật đương đại, nó lại rất giá trị và có giá cao ngất ngưởng. Chừng 10 năm trước, các bìa carton này chỉ có giá trung bình dưới 50.000 USD, bây giờ đã là hơn 300.000 USD tại các phiên đấu giá. Top 10 nhà đấu giá danh tiếng và xa xỉ nhất của thế giới đang rất hào hứng, chỉ chừng 2-3 năm nữa thôi, những tác phẩm/hàng hóa của Danh Võ sẽ được bán trên cột mốc 1 triệu USD, 2 triệu USD là bình thường.

Nhà bình luận nghệ thuật Đàm Giang nhận định: “Có thể nói Danh Võ là một nghệ sĩ đặc trưng của thời đại văn hóa toàn cầu, các tác phẩm của anh được thể hiện bằng ngôn ngữ toàn cầu, không lệ thuộc vào gốc gác, quốc tịch, hay nơi sống và kể cả nơi triển lãm. Những tác phẩm ấy nối kết được với các bảo tàng nghệ thuật, trình bày cho khán giả những góc nhìn mới lạ, cần nhiều suy nghĩ, cần thấu hiểu nguồn gốc, bản sắc cùng lịch sử của chất liệu tạo nên tác phẩm. Những cuộc triển lãm của anh khiến người xem khi ra về vẫn phải tiếp tục suy nghĩ và nối kết với nhiều dữ liệu khác để suy tư về bản sắc của loài người. Có thể nói, Danh Võ đã thành công trong việc hướng khán giả vào lịch sử của chính họ để chiêm nghiệm một phần trên con đường lịch sử của Việt Nam nói riêng và vào tương lai của nhân loại nói chung”.

Đó là khía cạnh thị trường mua bán, ở khía cạnh hàn lâm, tên tuổi của Danh Võ xuất hiện rộng rãi ở các bảo tàng, sự kiện nghệ thuật danh giá từ New York, Berlin, London, Copenhagen, Kassel, Barcelona… cho đến Thượng Hải, Bregenz, Bangkok, Hong Kong, Mexico City… Tác phẩm từng được vinh danh tại Guggenheim Museum Solomon R., Venice Biennale, Art Institute of Chicago, Musée d’art moderne de la Ville de Paris, National Gallery Singapore, Nottingham Contemporary… Với nhiều người làm nghệ thuật chuyên nghiệp cả đời, chỉ cần được vinh danh tại một trong những địa điểm vừa nêu một lần, đã là mãn nguyện, vậy mà danh sách sự kiện sắp diễn ra của Danh Võ còn rất dài. Anh thắng giải Hugo Boss danh giá vào năm 2012; và nhiều giải thưởng, nhiệm trú, triển lãm danh giá khác.

Bài: Lý Đợi

Bài viết thuộc một phần trong ấn phẩm nghệ thuật song ngữ Art Republik Vietnam #1. Mời bạn đọc đặt mua ấn phẩm tại link: bit.ly/35bgI6N


 
Back to top