NFT là gì và ảnh hưởng đến tương lai thế giới sưu tầm nghệ thuật ra sao?
Trong thời đại kỹ thuật số, nơi mà nội dung trực tuyến có thể dễ dàng bị sao chép và sử dụng thì việc xác thực quyền sở hữu cá nhân ngày càng trở nên khó khăn. Trong bài báo độc quyền này, Art Republik sẽ trình bày giải pháp cho câu hỏi hóc búa thông qua một khái niệm được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây là NFT.
Một nhân vật là Thaddeus Chong (không phải tên thật) đã chờ đợi ngày này từ lâu.
Gần đây, với tư cách là vị khách ẩn danh tham gia cuộc đấu giá của Christie’s qua điện thoại, anh ta đã chờ đợi một tác phẩm hiếm hoi của họa sĩ biểu hiện trừu tượng người Mỹ Jackson Pollock trong nhiều tháng.
Chong, từng theo học các trường kinh doanh tốt nhất ở New York, giàu lên nhờ những hợp đồng dầu mỏ vào những năm 1970, 1980. Anh bắt đầu để ý đến công việc của Pollock khi đang mài giũa tài năng của mình ở phố Wall và tự nhủ một ngày nào đó sẽ sở hữu một tác phẩm của họa sĩ lừng danh.
Cuối cùng, ngày ấy cũng đến. Anh hình dung vui sướng về việc trưng bày tác phẩm của Pollock trong ngôi nhà gỗ rộng 1.114 mét vuông tại khu phố sang trọng ở Singapore. Điều ấy sẽ khiến những người bạn ghé thăm nhà anh phải ghen tỵ.
Bỗng nhiên, đại dịch Covid-19 kéo tới, quốc đảo rơi vào tình trạng đóng cửa. Chong bị bỏ rơi một mình, gia đình và những người bạn của anh không thể đến chơi. Mọi kỳ vọng của Chong hóa thất vọng. Thế nhưng, cũng giai đoạn khó khăn này, anh có dịp biết đến trào lưu sưu tầm đồ NFT.
NFT là gì?
NFT không còn mới. Chúng đã có từ thời điểm mà đồng ether, tiền điện tử lớn thứ hai thế giới (chỉ sau bitcoin tính theo vốn hóa thị trường), xuất hiện.
NFT là viết tắt của Non-Fungible Token, là một chứng chỉ xác thực kỹ thuật số không thể sao chép. NFT được lưu trữ trong một blockchain và được sử dụng nhằm đại diện cho quyền sở hữu các loại hàng hóa điện tử.
Sử dụng blockchain – cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian, NFT theo dõi ai sở hữu phần tài sản kỹ thuật số để chứng thực quyền sở hữu đó.
Cho dù đó là một bức ảnh hay một tác phẩm nghệ thuật, một video hay một thẻ thể thao sưu tầm được, blockchain sẽ trở thành công cụ theo dõi cuối cùng nhằm xác định rõ ràng quyền sở hữu.
Giả sử, bạn tạo ra một bức tranh kỹ thuật số, bức tranh đó có thể được đăng ký với NFT trên blockchain, cũng như lịch sử sở hữu và mã nhận dạng hoặc mã duy nhất của nó.
Khi ai đó mua bức tranh đó từ bạn, blockchain sẽ ghi lại quyền sở hữu mới này và đóng vai trò như một chứng chỉ xác thực không chỉ đảm bảo quyền sở hữu duy nhất vĩnh viễn mà còn đảm bảo rằng bất cứ bản sao nào của tác phẩm sẽ không bị bán lại, vì blockchain là bất biến và cho đến nay, không thể thay đổi.
Quyền sở hữu bản gốc
Một lưu ý quan trọng, quyền sở hữu NFT không ngăn người khác sao chép tác phẩm nghệ thuật.
Bởi vì bất cứ thứ gì là kỹ thuật số đều có thể bị sao chép, không gì có thể ngăn cản vô số bản sao bức tranh của bạn, nhưng không bản sao kỹ thuật số nao của bức tranh sẽ là bản gốc, vì blockchain sẽ chỉ phản ánh một NFT.
Trong khi ngành nghệ thuật chi hàng triệu USD mỗi năm để xác thực nghệ thuật và truy tìm nguồn gốc của các tác phẩm được đánh giá cao, thì NFT cho phép nhà sáng tạo xác nhận tính xác thực và là chứng nhận vĩnh viễn.
Nói ngắn gọn, những người khác có thể tạo ra bản sao tác phẩm kỹ thuật số của bạn, nhưng chỉ một bản gốc tồn tại, và được xác nhận.
NFT cung cấp cho chủ sở hữu quyền sở hữu tác phẩm, đồng thời quyền sao chép, giống như các tác phẩm nghệ thuật thực tế. Chẳng hạn, ai cũng có thể mua một bản in của Monet, nhưng chỉ một người sở hữu bản gốc.
Khác với thế hệ trước đó, thế hệ Millennial và Z thoải mái hơn nhiều trong việc sưu tầm các tác phẩm kỹ thuật số.
NFT hoạt động như thế nào?
Khi tạo ra một tác phẩm kỹ thuật số, bạn gửi nó đến một đại lý có thể xác thực bằng cách xem lịch sử blockchain (nếu có) và sau đó cung cấp cho các cuộc đấu giá.
Vì bức tranh kỹ thuật số là của bạn và có thể theo dõi trên blockchain, nên mỗi khi được bán, bạn với tư cách là người sáng tạo, sẽ nhận được khoản tiền. Hãy tưởng tượng về việc hậu duệ của Monet có thể thu tiền bản quyền sở hữu từ mỗi lần bức tranh của ông được bán.
Với cơn sốt tiền điện tử trong năm qua, nhu cầu và sự quan tâm đối với NFT chưa bao giờ cao như thế.
Ca sĩ, nhạc sĩ và nghệ sĩ thị giác người Canada – Claire Elise Boucher, hay còn được biết đến với tên gọi Crimes, gần đây đã bán một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số với giá 6,6 triệu USD.
Và vào đầu tháng 3, một video clip kỹ thuật số của ngôi sao bóng rổ NBA LeBron James đã đạt giá gõ búa lên đến 200.000 USD.
Cơn sốt NFT thực sự lên đến đỉnh điểm khi vào ngày 11/3, Christie’s đã bán đấu giá một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số có tên gọi Everyday: The First 5.000 Days với giá 69,3 triệu USD, biến nó trở thành tác phẩm có giá trị thứ ba từng được bán bởi một nghệ sĩ đang sống.
Chắc chắn, giá NFT cao ngất ngưởng này là do giá tiền điện tử tăng đột biến gần đây, hầu hết các NFT được giao dịch bằng Ether, giá đã tăng tới 570% trong năm qua.
Nhiều người đặt câu hỏi tại sao các nhà sưu tập lại trả tiền cho một thứ có thể dễ dàng sao chép.
Câu trả lời rất đơn giản: Đó chính là quyền sở hữu!
Thú vui sở hữu
Bởi vì blockchain đảm bảo chắc chắn rằng tác phẩm là của bạn mãi mãi, và mọi người đều biết blockchain minh bạch, NFT cung cấp một đề xuất giá trị duy nhất vừa mới ra đời.
Trớ trêu thay, vì việc tạo ra bản sao kỹ thuật số dễ dàng, nhu cầu về bản gốc thậm chí còn mạnh hơn, NFT tạo ra sự khan hiếm kỹ thuật số trong thời đại internet phong phú và có giá trị vô hình.
Như đã chứng kiến ở Trung Quốc, nhu cầu về hàng nhái của các nhà thiết kế (bất kể chất lượng của chúng như thế nào) đã giảm đáng kể khi người dân trở nên giàu có hơn, và có nhiều nhu cầu sở hữu những sản phẩm nguyên bản do các nhà mốt Pháp hay Ý tạo ra.
Một trong những lợi ích rõ ràng của việc mua nghệ thuật là nó cho phép bạn hỗ trợ tài chính cho những người sáng tạo mà bạn yêu thích, và điều đó cũng đúng với NFT.
Mua NFT thường đi kèm với một số quyền sử dụng cơ bản, chẳng hạn có thể đăng hình ảnh trực tuyến, đặt làm ảnh hồ sơ,… vì thế, mọi người sẽ biết bạn đang sở hữu chúng. Chưa kể, không ít nhà sưu tập còn có dịp để khoe khoang.
Cuối cùng, khi biết bạn sở hữu những bức tranh nguyên bản, nó sẽ mang đến cho bạn cảm giác hài lòng không gì sánh được của những nhà sưu tập sẵn sàng chi tiền.