ART & CULTURE

Hỏa mù Nghệ thuật (Kỳ 1): NFT Việt Nam và ba chữ “lạm”

Aug 27, 2021 | By Ace Le

Giữa muôn trùng thông tin hoả mù về NFT Việt Nam, xin giới thiệu đến bạn một cuộc thảo luận xoay quanh các sự kiện NFT nóng hổi, qua nhận định của giám tuyển Ace Lê, cùng nhiều bình luận của giới nghệ sỹ hoạt động trong và ngoài nước.

NFT Việt Nam

Lễ công bố hợp tác giữa VietArtNow và Cổng Trời, tại Hà Nội, ngày 27.04.2021

Sau buổi chia sẻ tại CAB Hội An, có khá nhiều bạn nhắn tin hỏi riêng tôi về việc có nên đầu tư vào NFT, đặc biệt khi hiện tượng này lại tiếp tục giật nhiều tít trong tuần qua. Để các bạn đỡ mất thời gian, lời khuyên của tôi là CHƯA, cho tới khi thị trường NFT Việt Nam giải quyết thỏa đáng được ba điểm bất cập: lạm dụng thuật ngữ, lạm phát danh xưng, và lạm định giá cả.

Trước khi đi vào từng bất cập, chúng ta hãy lùi lại một bước để hiểu thật rõ mình đang bàn về gì.

Từ mong ước chính đáng vì nghệ sỹ

Năm 2014, trong một cuộc hackathon, lập trình viên Anil Dash và nghệ sỹ kỹ thuật số Kevin McCoy đồng phát minh ra NFT – viết tắt của “non-fungible token”, dịch là “vật phẩm không thay thế được”. Nghe thì khó hiểu, nhưng nó đơn giản là một mã số độc nhất, không thể sao chép.

Tâm nguyện nguyên thủy của Anil và Kevin là muốn bảo vệ quyền lợi cho nghệ sỹ thông qua hình thức giao dịch phi tập quyền: các tác phẩm NFT được giao dịch trực tiếp giữa người mua và người bán, và tác giả gốc sẽ vĩnh viễn được trích một phần doanh thu cho mỗi giao dịch. NFT sinh ra là để phá bỏ toàn bộ tầng lớp môi giới trung gian – phòng tranh, nhà đấu giá, cò tranh. Một mong ước chính đáng, bởi trong các giao dịch thứ cấp truyền thống (qua môi giới hoặc sàn đấu giá), tiền không rót đồng nào vào túi nghệ sỹ, mà vào túi người bán và môi giới.

NFT Việt Nam

Tháng 05.2014, trên sân khấu cuộc thi Seven on Seven của Rhizome.org, Kevin McCoy và Anil Dash đã thử nghiệm mua bán tác phẩm kỹ thuật số thông qua blockchain lần đầu tiên. Dash đã bỏ ra 4 USD để mua quyền sở hữu một ảnh gif của nghệ sỹ Kevin McCoy trên blockchain Namecoin.

Đọc thêm: Beeple, crypto-art và 69 triệu USD: Vì nghệ thuật xin đừng nhầm lẫn

Trở thành công cụ cho chủ nghĩa cơ hội

Có lẽ cũng vì quá ngây thơ, Anil và Kevin đã không đăng ký phát minh cho NFT ngay lúc đó, dẫn tới việc ứng dụng NFT bùng nổ dạo gần đây, nhưng đã biến chất thành một cuộc chơi vô luật lệ với những kỷ lục giá chóng mặt, và tổng giá trị thị trường vượt mức tỉ đô. Tháng 04.2021, Anil Dash đã biên một tâm thư dài trên The Atlantic [1] mà thốt lên rằng “Đây không phải là kết cục được kỳ vọng cho NFT!” Vì sao vậy?

Về công nghệ, Anil giải thích rằng trong cuộc thi 2014, do hạn chế về thời gian, anh và đồng sự chưa kịp nghĩ ra cách lưu trữ toàn bộ tác phẩm số lên blockchain – thay vào đó, dung lượng blockchain chỉ cho phép lưu trữ đoạn địa chỉ website chứa tác phẩm đó. Bảy năm sau, hầu hết các sàn NFT vẫn làm theo cách này. Tôi so sánh nôm na, giống như khi bạn bỏ tiền ra, không phải để mua nhà, mà là mua cái biển số nhà. Và cái biển số này sẽ mai một và có thể biến mất theo thời gian khi các website chứa nó gặp sự cố.

Quantum (2014), digital Illustration – tác phẩm NFT đầu tiên mà Kevin McCoy đã “bán” cho Anil Dash tại cuộc thi hackathon năm 2014. NFT này đã được Kevin đưa ra đấu giá trong phiên “Natively Digital: A Curated NFT Sale” của Sotheby’s, từ 03 – 10.06.2021. Nguồn: Ocula.com

Còn về thị trường, tuy mang tiếng phi tập quyền, nhưng điều trớ trêu là các thương vụ kỷ lục (như bức của Beeple đạt 69 triệu USD) vẫn được chào bán qua các sàn đấu giá truyền thống (như Christie’s hay Sotheby’s). Các tác phẩm vẫn bị làm giá và lũng đoạn bởi các tay chơi với quyền lực tập trung. Nếu được, bạn nên đọc bài mổ xẻ công phu của phóng viên độc lập Amy Castor [2] lật mặt nạ người mua, doanh nhân Metakovan (ở trạm tàu điện Kovan tại Singapore) với chiêu trò thổi giá tác phẩm của Beeple, theo đó thổi giá hơn 60 lần cho token B20 mà anh ta đã sở hữu 59% (và Beeple 2%) từ trước.

Rối ren NFT nghệ thuật Việt

Ở Việt Nam, Cổng Trời [3] là sàn đầu tiên chào bán NFT nghệ thuật, và sắp tới là sàn AvatarArt [4]. Một số nghệ sỹ Việt cũng đã gửi bán tác phẩm trên sàn Binance NFT [5].

Khi du nhập tới xứ ta, việc bản thân NFT và blockchain là các khái niệm chưa được phổ cập, cộng thêm giáo dục nghệ thuật mù mờ, dẫn đến hệ quả tất yếu là truyền thông thì đưa tin ngây ngô không kiểm chứng, còn dư luận thì bị chi phối trong một mớ bòng bong kép của cả công nghệ lẫn nghệ thuật.

Lễ họp báo ra mắt Cổng Trời, tại Hội Mỹ Thuật TP.HCM, ngày 03.04.2021

Cơ bản nhất, NFT là một loại tài sản số. Như vậy, trong thị trường nghệ thuật, chỉ có các tác phẩm tồn tại dưới dạng số mới có thể được NFT hóa. Nhưng ở Việt Nam còn quá ít các nghệ sỹ kỹ thuật số có tên tuổi, nên các sàn trên đều mày mò đi theo hướng số hóa các tranh vật lý, rồi bán phiên bản số của tranh dưới dạng NFT cho người mua. Theo những gì tôi quan sát được, rất rất ít sàn trên thế giới đi theo hướng này.

Nói cách khác, không phải bạn mua nhà, mà mua cái bóng dưới ao của căn nhà. Và như đã nói ở trên, thực ra là mua cái biển số nhà của cái bóng dưới ao của căn nhà.

Điều này cũng có nghĩa là nếu người mua muốn sở hữu thêm cả tranh ngoài đời thực, sàn sẽ phải làm thủ tục điều phối riêng giữa bên bán và bên mua. Mô hình phức tạp này, cộng thêm những chiêu trò PR lộ liễu mà ngây ngô, đã tạo ra nhiều hệ lụy và tồn tại, cụ thể là ba chữ “lạm” sau đây.

1. Lạm dụng thuật ngữ

Đánh vào tâm lý thị trường Việt Nam vốn nhức nhối chuyện bản quyền, AvatarArt tuyên bố “khẳng định sự độc nhất cho từng tác phẩm” và “ngăn chặn triệt để các vấn đề đạo nhái”, còn Cổng Trời sẽ “đảm bảo 100% về quyền sở hữu” và “tính độc bản” của tác phẩm. Đây là các tuyên bố rất lớn.

AvatarArt tuyên bố “ngăn chặn triệt để các vấn đề đạo nhái”

Cổng Trời sẽ “đảm bảo 100% về quyền sở hữu” và “tính độc bản” của tác phẩm

Các tuyên bố này chỉ đúng ở mức độ cái biển số nhà – là tài sản NFT được mã hóa mang tính duy nhất. Nhưng điều quan trọng nhất là ngôi nhà mà bị làm giả thì tất nhiên sàn cũng không thể giải quyết. AvatarArt có kế hoạch thiết lập các trung tâm lưu trữ là “các viện bảo tàng, trung tâm trưng bày” để bảo quản các tác phẩm vật lý trong thời gian niêm yết. Tôi rất tò mò không biết “bảo tàng” nào đã đồng ý làm kho cho sàn vậy? Còn Cổng Trời thì ghi rằng khi tác giả bán tranh vật lý kèm NFT cho người mua, tác giả sẽ chuyển nhượng “quyền tác giả” cho người mua, và người mua sẽ mặc định được “quyền sao chép tác phẩm” tùy ý. Điều này làm tôi ngạc nhiên vô cùng, vì từ bao giờ quyền tác giả lại được dễ dàng trao tay như vậy?​​

AvatarArt có kế hoạch thiết lập các trung tâm lưu trữ là “các viện bảo tàng, trung tâm trưng bày” để bảo quản các tác phẩm vật lý trong thời gian niêm yết

Còn ở mức độ cái bóng dưới nước của ngôi nhà thì sao? Một khi bạn đã số hóa một bức tranh (ví dụ chụp ảnh dạng .jpeg), thì về cơ bản là người ta sẽ có cách sao chép và phân tán phiên bản số của nó vô tội vạ. Cũng có nghĩa là, bất cứ ai cũng có thể download tranh số của bạn từ Cổng Trời về và upload nó lên một sàn khác để bán. Chính Cổng Trời cũng thừa nhận khả năng này trong phần Hỏi Đáp. Vậy thì thế nào là “100% quyền sở hữu”? Thế nào là “tính độc bản”?

Cổng Trời ghi rằng khi tác giả bán tranh vật lý kèm NFT cho người mua, tác giả sẽ chuyển nhượng “quyền tác giả” cho người mua, và người mua sẽ mặc định được “quyền sao chép tác phẩm”

Bất cứ ai cũng có thể download tranh số của bạn từ Cổng Trời về và upload nó lên một sàn khác để bán. Vậy thì thế nào là “100% quyền sở hữu”? Thế nào là “tính độc bản”?

2. Lạm phát danh xưng

Với từ khóa “giám tuyển” đang gây nhiều sự chú ý trong thời gian gần đây, để tuyển chọn và thẩm định chất lượng tác phẩm niêm yết, Cổng Trời thông cáo đã kết nạp được một đội ngũ giám tuyển hùng hậu gồm hơn một chục cá nhân [6]. Cổng Trời phân loại tác giả trên sàn làm hai loại: nghiệp dư và chuyên nghiệp. Tác giả nghiệp dư thì không, nhưng tất cả các tác giả chuyên nghiệp đều phải đưa tác phẩm qua đội ngũ giám tuyển thanh lọc.

Nhưng khi tôi gửi danh sách giám tuyển ấy cho các đồng nghiệp trong nghề tham khảo, thì chúng tôi nhận ra nhiều tên tuổi trong danh sách đều chưa giám tuyển bất kỳ một chương trình hay triển lãm nào. Đơn cử, một vị Phó Chủ tịch hội Đá cảnh – Đá phong thủy TP HCM cũng nằm trong danh sách giám tuyển nghệ thuật. Không phải đá phong thủy không hay, nhưng Cổng Trời nên hiểu rằng, giám tuyển là một ngành nghề đặc thù trong nghệ thuật, và cần một sự tôn trọng tối thiểu.

Vị giám tuyển được Cổng Trời phối hợp tiếp thị đình đám nhất là Phạm An Hải. Tôi được biết đến anh như một họa sỹ trừu tượng, nhưng khi đọc thêm những tư liệu truyền thông của Cổng Trời, tôi không khỏi băn khoăn với những danh xưng trong các bài trả lời phỏng vấn của anh.

Đơn cử, thành tích nổi bật nhất anh kể (và rất nhiều báo Việt giật tít lớn) là mình được “giải nhì tranh đương đại thế giới tại Mỹ năm 2015” [7a,b]. Nhưng khi đào sâu thêm [7c] và truy cập website cuộc thi, tôi phát hiện ra đây chỉ là một cuộc thi nghiệp dư trực tuyến, dành cho cả trẻ em và người lớn mới học vẽ [Thông tin đính chính ở cuối bài viết], không có cả thông tin ban tổ chức. Người thắng giải nhất năm đó, Rikardo Druskic, là một sinh viên tốt nghiệp graphic design muốn chuyển sang làm họa sỹ.

Vietnamnews.vn đưa tin hoạ sỹ Phạm An Hải “thắng giải nhì tại Art-Competition.net, một cuộc thi mỹ thuật trực tuyến quốc tế”.

Website của cuộc thi Art Competition

Anh cũng trả lời phỏng vấn rằng mình “được Sotheby’s tôn vinh là một trong 20 họa sỹ trừu tượng của Đông Nam Á trong vòng 100 năm[7b], nhưng thực chất họ chỉ chọn anh vào triển lãm trước phiên đấu giá năm 2015 [8]. Và như ta hiểu, triển lãm của sàn đấu giá chỉ mang tính thương mại, không có tính học thuật.

3. Lạm định giá cả

Vào tháng 04.2021, giới nghệ Việt Nam được phen choáng váng khi Cổng Trời thông báo “kiệt tác NFT triệu đô” của Phạm An Hải ra mắt công chúng, với giá khởi điểm 1 triệu USD. Sàn giới thiệu bức tranh “được tổ chức nghệ thuật Art Avista (USA) vinh danh là một trong số ít những tác phẩm bậc thầy của hội họa thế giới” [9]. Tuy nhiên, không có tổ chức nào ở Mỹ có tên là Art Avista, chỉ có một trang niêm yết dịch vụ tên là Art Avita, trong đó có đăng tác phẩm của Phạm An Hải [10]. Niêm yết là miễn phí với số lượng dưới 05 bức/nghệ sỹ, và với giá 6 USD/tháng nếu vượt mức đó.

Cổng Trời hết lời ca ngợi “kiệt tác NFT triệu $ của danh họa Phạm An Hải”. Bức tranh được đưa ra đấu giá ở mức khởi điểm 9999999KAI (theo Cổng Trời là tương đương 1,000,000$), do đó được ghi nhận kỷ lục mới tại Cổng Trời NFT Việt Nam.

Lý lịch họa sỹ Phạm An Hải trên Art Avita

Trong thông cáo, Cổng Trời ghi rõ rằng họa sỹ Phạm An Hải muốn lưu giữ trọn đời bức tranh thực và sẽ không bao giờ bán. Như vậy cái giá 1 triệu USD là giá chỉ dành cho cái bóng dưới nước của “Serenade #1”. Phạm An Hải cũng là giám tuyển của Cổng Trời, nên đã tự giám tuyển luôn cho tác phẩm của mình chăng? Theo Cổng Trời, tác phẩm của tác giả nghiệp dư chỉ được đưa giá khởi điểm tối đa là 1 triệu VND, còn tác phẩm chuyên nghiệp thì không có hạn mức. Tự thách giá 1 triệu USD, tôi không rõ họa sỹ muốn khẳng định điều gì?

Ở một diễn biến khác, rất nhiều báo đài đồng loạt đưa tin tranh NFT của Xèo Chu cán giá 23,000 USD trên sàn Binance NFT [11]. Đây không phải giá ngẫu nhiên, khi nó được đấu vừa đủ để phá kỷ lục của Tú Na trước đó (khoảng 21,000 USD), trở thành NFT của nghệ sỹ Việt đắt nhất tại sàn này. Thông thường, khi mua xong, sàn sẽ tiếp tục niêm yết để các người mua tiếp theo cân nhắc, nhưng khi tôi truy cập vào sàn này, đã thấy tác phẩm của Xèo Chu biến mất. Thay vào đó, một tác phẩm khác của Tú Na đã vượt mức giá này, hiện ở 24,000 USD. Có thể chỉ là lỗi kỹ thuật, nhưng ta không khỏi đặt ra nghi vấn làm giá để tạo hiệu ứng truyền thông.

Tranh Xèo Chu cán giá 23,000 USD

Tranh Xèo Chu biến mất sau khi đấu giá (thứ tự tác phẩm theo giá từ cao xuống thấp). Tác phẩm của Tú Na đang đạt mức 24,000 USD

Trả lời phỏng vấn, mẹ của Xèo Chu, chủ gallery Bến Thành, nhắc ta rằng “người mua chỉ sở hữu bức tranh dưới dạng kỹ thuật số, tác phẩm hiện hữu vẫn ở Việt Nam”, còn “ở thị trường thực, giá bức tranh có thể cao gấp ba lần”. Việc làm truyền thông và tung hô cậu bé như “Jackson Pollock của Việt Nam” [12] của anh chủ phòng tranh người Mỹ là một so sánh rất ngây ngô và một tiểu xảo làm giá những tranh đến từ nước nhược tiểu, có dịp tôi sẽ phân tích sâu hơn trong một chủ đề khác.

Lời kết

NFT được sinh ra với một tâm nguyện cao cả, nhưng đã bị chủ nghĩa cơ hội lợi dụng và trục lợi. Tại Việt Nam, với kiến thức nền hạn chế, những bước chập chững của NFT – đặc biệt là phân khúc số hóa tranh vật lý – đang lung lay mạnh theo những chiêu trò tung hỏa mù của một bộ phận tham gia. Đồng ý rằng NFT là một công nghệ đột phá – nhưng phá gì thì phá, miễn đừng phá đi nền tảng kiến thức, giá trị văn hóa, và sự tôn trọng khán giả. Thực sự rất mong các sàn lấy tinh thần cầu thị để chấn chỉnh lại hoạt động của mình.

Nguồn

[1] Tâm thư của Anil Dash: https://bit.ly/3yNDuQa

[2] Bài truy cứu của Amy Castor: https://bit.ly/3AN0KhT

[3] Sàn Cổng Trời: https://bit.ly/3kbENCz

[4] Sàn AvatarArt: https://bit.ly/3g2LTbd

[5] Sàn Binance NFT: https://bit.ly/37F4hlQ

[6] Danh sách giám tuyển của Cổng Trời: https://bit.ly/37GAitN

[7a] Đại Đoàn Kết: https://bit.ly/3m2O1U1

[7b] Giáo Dục Thời Đại: https://bit.ly/3m7Trx0

[7c] Vietnamnews: https://bit.ly/2Umhxsy

[8] Triển lãm Sotheby’s: https://bit.ly/3CP5Rjh

[9] Thông cáo tranh triệu đô: https://bit.ly/37MoXbD

[10] Art Avita: https://bit.ly/2W0422i

[11] NFT Xèo Chu: https://bit.ly/3spO79y

[12] “Jackson Pollock Việt Nam”: https://bit.ly/3g3YAm9

* Đính chính thông tin về hoạ sỹ Phạm An Hải 

Hai ngày sau khi giám tuyển Ace Lê đăng post về “Hoả mù NFT” trên Facebook cá nhân và nhận được nhiều phản hồi từ cộng đồng, hoạ sỹ Phạm An Hải đã có động thái chính thức liên lạc với anh qua Facebook, đồng thời đưa ra một danh sách gạch đầu dòng những nội dung yêu cầu tác giả phải đính chính.

Theo đó, giám tuyển Ace Lê đã chính thức đưa ra thông tin đính chính mà Luxuo/Art Republik đã đề cập trong nội dung bài viết như sau: 

…Tôi cũng xin đính chính thông tin duy nhất đã đưa sai lệch trong bài viết trước, đó là về độ tuổi tham dự của cuộc thi Art Competition năm 2015. Do thông tin công cộng duy nhất mà tôi có là website hiện tại, có đăng hình của nhiều trẻ em trong mục “Người thắng cuộc” (và được chụp lại), nên tôi có dùng cụm từ “cuộc thi cho cả trẻ em và người lớn mới học vẽ”. Theo như phần chụp brochure cuộc thi năm 2015 do họa sỹ cung cấp, cuộc thi này chỉ dành cho người từ 18 tuổi trở lên, nên tôi xin thông báo rút lại chữ “trẻ em”.

Còn các phản biện khác như họa sỹ Phạm An Hải đưa ra, tôi đã cân nhắc và thấy không có nhu cầu phải đính chính…”

Thêm nữa, như giám tuyển Ace Lê đã tái bút trong đính chính của mình, tác giả sẵn sàng đối thoại với các bên, bao gồm cá nhân hoặc tổ chức được nêu tên trong bài, với thiện chí tốt nhất. 

Để tham khảo thêm và tìm hiểu các góc nhìn khác nhau thông qua phản hồi của cộng đồng, cũng như từ chính hoạ sỹ Phạm An Hải về những chia sẻ của giám tuyển Ace Lê, mời bạn đọc trực tiếp tại Facebook của anh Ace Lê.

 

Về tác giả: 

Ace Lê là Thạc sỹ về Nghiên cứu Bảo tàng và Thực hành Giám tuyển tại Nanyang Technological University. Anh là đồng sáng lập của nhóm giám tuyển độc lập Of Limits, đơn vị được trao giải 2020 Platform Projects Curatorial Award bởi NTU CCA Singapore.


 
Back to top