Tôn Thất Minh Nhật: “Điêu khắc và hội họa tạo nên hiệu ứng tương phản bổ trợ”
“Trong hội họa, không có khái niệm màu xấu hay màu đẹp, chất xấu hay chất đẹp, mà quan trọng là với chất, màu và kỹ thuật đó, cái nào phù hợp và có thể lột tả dụng ý của mình lên tranh, đó mới là hay và đúng nhất.” – Góc nhìn này đã khiến họa sĩ Tôn Thất Minh Nhật tạo nên những tác phẩm sơn mài độc đáo-biến đổi, nếu giai đoạn trước, anh kết hợp giữa hội họa điêu khắc, thì giai đoạn này anh hứng thú thử nghiệm với bề mặt sơn mài phẳng, bóng, sâu theo cách làm của sơn mài truyền thống.
Chào họa sĩ Tôn Thất Minh Nhật! Cơ duyên nào mang anh đến với hội họa, và phải chăng ngay từ đầu anh đã chọn sơn ta? Chất liệu này hẳn đồng điệu với cá tính nội tại của anh?
Có lẽ, nhân duyên đến với hội họa xuất phát một phần từ gen của bố tôi, người từng học hội họa trước thời kỳ giải phóng. Ngay từ nhỏ, bản thân đã thích vẽ và cố làm sao để vẽ ra được những nhân vật mà mình thích thú. Theo năm tháng, duyên số đưa đẩy tôi vào trường Mỹ thuật.
Những năm đầu ở trường, trong quá trình học cơ bản, tôi đã được sử dụng nhiều chất liệu khác nhau như sơn dầu, bột màu, màu nước,… Vì thế, khi phân khoa, tôi đã chọn theo đuổi chất liệu sơn mài do mình chưa từng có cơ hội hiểu biết.
Trong quá trình làm việc với sơn mài, tôi mới bắt đầu nhận ra chất liệu này trái ngược với tính cách bên trong mình. Tôi thường vẽ nhanh với kiểu đi cọ tương đối phóng khoáng và vùng vẫy, tức nghĩ xong thì vẽ, và vẽ một mạch, chồng lấp tức thì, để ra được ý mình đang nghĩ. Tuy nhiên, sơn mài lại là chất liệu cần thời gian, độ chính xác, sự cẩn trọng khi kết hợp từng lớp màu, trứng, vàng bạc hay vật liệu khác nhau, để khi kiên trì mài mới đạt được bề mặt như mình mong muốn.
Có lẽ, bản thân đã chọn sơn mài vì yếu tố trái tính ấy, để tập cho mình tính nhẫn nại, biết sắp xếp thời gian, suy nghĩ tỉ mỉ và tính toán trước khi bắt tay vào thực hiện một tác phẩm. Về lâu về dài, rõ ràng, lựa chọn này sẽ rèn cho mình cách làm việc chuyên nghiệp và bền bỉ thay vì men theo những cảm xúc hay ý nghĩ tức thời.
Hơn nữa, sơn ta khó sử dụng hơn những chất liệu khác, đòi hỏi nhiều công đoạn và kỹ thuật hơn, nhưng đây là chất liệu cực kỳ bền, kết hợp nhiều thứ hoàn toàn tự nhiên nên bản thân thực sự quý. Vì thế, với sơn mài, càng làm càng say mê không chỉ bởi những yếu tố ngẫu nhiên mà còn mang đến cảm giác khám phá và chinh phục.
Nếu chia hành trình sáng tác của Tôn Nhật thành các giai đoạn chính, thì đó là những giai đoạn nào, tương ứng với các bộ sưu tập cụ thể nào?
Từ trước đến nay, quá trình sáng tác của tôi đã kinh qua nhiều thay đổi, tùy thuộc vào ý tưởng mà bản thân muốn diễn đạt cũng như việc thay đổi quan niệm về chất liệu.
Đặc điểm rõ nhất là bề mặt. Giai đoạn đầu, tôi sáng tác theo cung cách truyền thống, bề mặt tranh thường được mài lán, bóng và trong sâu, như những gì được học trong trường lớp. Tác phẩm “Bức tường #1” nằm trong giai đoạn này, mục đích là tạo ra bức tường bằng đá, có bề mặt láng bóng, ẩn chất nhìn sang nhưng cảm giác cũ lạnh.
Sau giai đoạn đó, tôi thay đổi cách nhìn, một phần là để đáp ứng ý tưởng cho tác phẩm mới, nhưng đầu tiên vẫn là thay đổi quan niệm về chất liệu. Trong quá trình thực hành, tôi luôn tự hỏi: “Tại sao vẽ xong lại phải mài? Vẽ lên lợp và tốt rồi, sao phải mài làm gì nữa? Có phải bản thân đang thụ động, làm theo cách của các thầy ngày trước, như vậy thì mình có đang bị chất liệu điều khiển hay không, rằng sơn mài thì phải mài và phẳng bóng sâu? Tại sao không tự điều khiển chất liệu?”
Trong hội họa, không có khái niệm màu xấu hay màu đẹp, chất xấu hay chất đẹp, mà quan trọng là với chất, màu và kỹ thuật đó, cái nào phù hợp và có thể lột tả dụng ý của mình lên tranh, đó mới là hay và đúng nhất. Vì thế, tôi bắt đầu thử nghiệm mới, chủ động mài những chỗ cần mài, tạo chất thô ráp, đắp nổi, đục thủng hay đốt cháy thủng vóc theo cách và ý tưởng của mình. Kết hợp giữa phẳng-bóng-trong-sâu với nổi xù xì và thô ráp, tất cả nhằm thể hiện tối đa ý tưởng vừa điều khiển được phản xạ ánh sáng trên bề mặt tranh khi chiếu đèn như các tranh từ năm 2008 đến nay, như: Dòng sông đêm, Chuyện người ngư dân đến Bức tường #3…
Và đến bây giờ, tôi lại đang đi tìm một cách làm khác, phù hợp với những ý tưởng và dự định sắp tới.
Phải chăng anh đã có một thời gian nghỉ ngơi suy ngẫm trước khi tiếp tục sáng tác?
Đúng là tôi đã có những khoảng thời gian đi làm theo các công trình ở xa. Điều đó đã thay đổi cách suy nghĩ, trải nghiệm cũng như góc nhìn mới trong cuộc sống. Hơn hết, tôi muốn suy ngẫm, tìm kiếm ý tưởng thật sự thôi thúc để làm việc nghiêm túc, để khi kết thúc việc, về nhà, tôi có thể bắt tay vào tập trung sáng tác.
Trong những khoảng thời gian này, tôi sử dụng các chất liệu thuận lợi và năng động hơn như chì acrylic, sơn dầu,… nhưng chủ yếu cũng chỉ là ghi lại ý tưởng, cảm xúc, phác thảo,… để có thể bắt gặp những ý tưởng mới trong quá trình tập luyện ấy.
Trong các sáng tác vào năm 2008, nguồn cảm hứng và ý niệm của anh là gì? Dường như nó có chút tương đồng nào đó về ý tưởng sáng tác “Bức tường” năm 2019, hoặc anh đã triển khai thêm ý tưởng?
2008 là năm tôi vẽ nhiều nhất nhằm chuẩn bị cho triển lãm cá nhân tại Hà Nội. Ý tưởng xoay quanh đề tài quê hương miền trung, với câu chuyện nắng mưa để chia sẻ với những con người nơi đây, cũng là chốn chôn rau cắt rốn của mình với bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông: Hạ nắng như đổ lửa, Đông rét lạnh thấu xương, sự kéo dài của hai mùa khắc nghiệt này khiến Xuân và Thu như bị thu ngắn lại. Cảm giác Huế quê mình chỉ còn lại hai mùa mưa nắng. Nguồn cảm hứng cho cuộc triển lãm bình dị và gần gũi như thế. Những câu chuyện chung-riêng nhằm toát lên bao thân phận con người oằn mình trong thiên tai và điều kiện sống đầy thiệt thòi. Những gương mặt xuất hiện trong không gian ấy không la hét ồn ào mà chìm lấp, chống chịu điều gì đó thật khó khăn, gian nan và khổ cực. Tất cả dường như đã hóa bình thường đối với họ, nhưng các tác phẩm lại như dội lên những tiếng thét trong lòng người xem.
Tác phẩm Bức tường lại là một ý niệm khác, nhưng được làm song song với dòng câu chuyện nắng mưa. Với khái niệm bức tường là vách ngăn, vỏ bọc che chắn, là cái mình nhìn thấy trước mắt. Trong cuộc sống, những bức tường được xây lên bằng ý thức hệ, quy định, tri thức hay giáo điều. Chúng che đậy, ngăn cách và chứa đựng điều bên trong và phía sau nó. Bức tường gợi cảm giác đi tìm chính mình: nhìn nó, suy ngẫm, tìm kiếm những điều chứa đựng, ý nghĩa bên trong và phía sau đó, để khám phá ý nghĩa cuộc sống của chính mình.
Có thể sau bức tường là một bức tường khác, cũng có thể không là gì cả,… Vì thế, Bức tường có nhiều phiên bản với những ý tưởng khác nhau được thể hiện qua cách đục thủng, gạch bỏ hay ẩn chứa,… Nó cũng có những nét tương đồng với dòng Câu chuyện nắng mưa bởi sự hiện diện chìm nổi của các gương mặt, cũng như vài thay đổi về quan niệm chất liệu và gương mặt cũng chỉ là cái cớ để tạo nên hiệu ứng của không gian trên tác phẩm của mình.
Trong thời gian gần đây, Tôn Nhật chú tâm đào sâu vào ý tưởng nào? Dường như anh có một sự “ám ảnh” với chân dung, khi mà chiều sâu trong biểu hiện khuôn mặt hay dáng hình được thể hiện đầy ám ảnh, và điều đó càng được tôn thêm nữa bởi chất liệu sơn mài.
Sau khi may mắn được sưu tập hết các tác phẩm đã thực hiện, song song đó là một thời gian dừng lại vì những lý do chủ quan và khách quan, thì gần đây, tôi đang hình thành những ý tưởng tốt đẹp muốn triển khai, trong đó có vài ý cần độ phẳng bóng và chiều sâu sơn mài, kiểm soát độ chuyển mềm và hiệu ứng chất sau khi mài phẳng bóng mà không bị đứt gãy tạo mảnh đanh cứng, tạo lớp có độ chuyển nhẹ và sâu trên chất liệu sơn ta,… Và đó là điều rất khó với chất liệu sơn mài nên tôi đã dùng chân dung, nude hay vài dáng hình để thể hiện cũng như tập luyện để kiểm soát chất liệu. Bởi khối diện, thân thể hay chân dung đơn giản là có chiều sâu, độ chuyển khối, cứng mềm, nóng lạnh, thích hợp để tôi tập trung kiểm soát tốt chất liệu.
Đó là một bài tập rèn luyện chính mình chứ không phải bản thân bị ám ảnh bởi chân dung. Nó hợp với ý của các dòng tranh trước, vì các dòng tranh trước hết cần sự hiện diện của nó và nó cũng chỉ là cái cớ. Thậm chí, tôi cũng không hứng thú với những chân dung cụ thể bởi những thứ cụ thể không cho phép mình suy nghĩ khác theo cách của mình hay theo cách người xem.
Anh có gì chia sẻ về sự kết hợp hội họa và điêu khắc trong phương thức sáng tác của bản thân?
Hội họa hay điêu khắc, suy cho cùng, cũng là một thứ ngôn ngữ, cách làm, phương tiện để chúng ta tạo ra tác phẩm. Kết hợp chúng là phương thức để tạo nên sự hấp dẫn cho tác phẩm, nhưng cũng phải tùy vào ý tưởng, cách nhìn và cách đặt để, mà tạo nên vẻ đẹp bổ trợ nhau hay tương phản giữa khối chiều (3D) và bề mặt tranh hai chiều (2D).
Ưu điểm khi kết hợp hội họa và điêu khắc là tạo nên hiệu ứng hấp dẫn hơn cho tác phẩm, bởi sự gồ ghề cầm nắm và sờ cảm nhận được khối 3D đi cùng độ sâu phẳng, ảo của bề mặt 2D. Hai điều này bổ trợ tương phản, giúp chiều sâu thêm sâu, độ phô cũng phô nổi ra.
Nhược điểm là sự kết hợp đó gặp phải những khó khăn riêng vì nếu không cẩn thận sẽ tạo nên nhiều điểm vô lý, không ăn nhập, đặc biệt là dưới tác động của ánh sáng cũng như góc đứng nhìn tác phẩm. Nếu nó tạo ra cảm giác chấp vá hay gán ghép thì sẽ phá hỏng bề mặt tranh cũng như chính toàn bộ tác phẩm ấy.
Tuy vậy, với những tác phẩm trước, tôi vẫn thích thú với sự kết hợp này. Điêu khắc và hội họa tạo nên những hiệu ứng tương phản bổ trợ
Anh có thể chia sẻ về các dự án/ thử nghiệm mới của bản thân trong thời gian này hay thời gian tới chứ?
Cũng có một số gallery đề nghị hỗ trợ tôi thực hiện triển lãm nhưng tôi chưa quen cảm giác làm tác phẩm chuẩn bị triển lãm. Điều đó khiến bản thân bị hạn chế thời gian, dễ sinh ra các tác phẩm đối phó, hoặc có những ý kiến khách quan, chủ quan của các đối tác không phù hợp với suy nghĩ hiện tại của bản thân. Nên tôi quyết định chọn phương án làm việc xuyên suốt (với tâm thế chuẩn bị cho triển lãm) rồi gửi đến điểm mà mình có ý định kết hợp.
Trong thời gian này, tôi vẫn đang hứng thú thử nghiệm với bề mặt sơn mài phẳng, bóng, sâu theo cách làm của sơn mài truyền thống, để kết hợp, chuẩn bị và làm phong phú thêm những tác phẩm mới.
Cảm ơn họa sĩ Tôn Nhật vì những chia sẻ thú vị nhé!