Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Nghệ sỹ cyborg art – những người không muốn thuộc về loài người nữa

Oct 29, 2021 | By Xu

Thật vậy, những nghệ sỹ cyborg art, họ gọi mình là loài chuyển đổi, họ từng thuộc về loài người, nhưng càng ngày họ càng ý thức rõ và thúc đẩy tiến trình tiến hoá của chính mình. Những nghệ sỹ cyborg art đầu tiên trên thế giới, họ là một loài vô-nhân, nhận lấy sứ mệnh định hướng, tái thiết, chuyển đổi thành một loài mới, đồng thời khởi xướng khái niệm hậu-nghệ thuật

Nguồn: designindaba.com

Trước khi biết đến loài vô-nhân, có lẽ chúng ta nên “thử nhớ lại” kể từ lúc mà con người tự gọi mình là “nhân loại”. Cho đến cách đây vài trăm ngàn năm, không chỉ là “loài người” mà chúng ta còn tiến hoá thành “người tinh khôn” (homo sapiens) – vốn được xem là ”loài duy nhất còn tồn tại trong chi Homo (chi người) thuộc họ Người”.

Trải qua rất nhiều cuộc giao tranh diệt chủng, loài “người tinh khôn” đã vạch ra biên giới và lập nên nhiều quốc gia, sau đó phân biệt rồi lại hợp thành nhiều chủng tộc và các nền văn hoá khác nhau. Trong các nền văn hoá tiếp tục phân rã thành nhiều cộng đồng theo bộ lọc thế hệ, giai tầng hoặc bản dạng giới. Và hiện tại, trên thế giới cũng đã có sự xuất hiện của những sinh vật đang thúc đẩy mốc tiến hoá mới của chính họ. Dấu hiệu đầu tiên là tự nhận ra sự khác biệt quá lớn với nhiều người xung quanh và cố gắng tìm kiếm bản thể thực sự của mình. Họ hướng đến việc trở thành một loài mới chưa có tên khoa học, tạm gọi là “loài chuyển đổi” (transpecies) [1] hay “sinh vật cơ khí học” (cyborg) [2].

Thực tế, transpecies và cyborg vẫn có nhiều điểm khác biệt. Ngay cả transpecies cũng có nhiều nhánh và nhiều nhận dạng khác nhau. Nhưng hầu như những cá thể mới này, tạm xác định danh tính là loài vô-nhân, họ không phải-loài người, đã từng là loài người và hiện đang còn vay mượn thân xác, cũng như các tên gọi, định nghĩa, văn hoá… của loài người.

Thật khó chấp nhận, nhưng dòng họ homo sapiens vĩ đại đã sinh ra “những đứa trẻ muốn tách khỏi họ Người”, chưa đặt tên mới và tự xưng là loài vô-nhân. Nhưng đáng nói là, một số ít trong “những đứa trẻ” đó, trở thành những nghệ sỹ cyborg art đầu tiên trên thế giới.

Neil Harbisson. Nguồn: flowingdata.com

No me considero un robot», Moon Ribas

Moon Ribas. Nguồn: cnn.com

Nghệ sỹ cyborg đầu tiên trên thế giới

Anh đến từ một thế giới xám xịt và cật lực tiến bước vào tương lai để lắng nghe màu sắc. Anh là Neil Harbisson.

Neil Harbisson (sinh năm 1984) là một nghệ sỹ cyborg art người Anh gốc Tây Ban Nha và là nhà hoạt động vì quyền tự do của “loài chuyển đổi” (transpecies). Kể từ năm 2004, truyền thông quốc tế bắt đầu mô tả Neil là nghệ sỹ cyborg đầu tiên trên thế giới. Anh cũng được biết đến là người đầu tiên được chính phủ công nhận là công dân cyborg hợp pháp (bởi Vương Quốc Anh), với chiếc eyeborg cấy ghép vào hộp sọ được coi là một bộ phận cơ thể của anh.

Nguồn: bellacaledonia.org.uk

Eyeborg của Neil Harbisson ví như một ăng-ten phức hợp, thu nhận dữ liệu bằng camera và truyền tải những rung động âm thanh qua hộp sọ của Neil, giúp anh nhận biết màu sắc bằng cách lắng nghe tần số âm thanh của chúng. Eyeborg cho phép đo bức xạ điện từ, tiếp nhận cuộc gọi điện thoại, giọng nói, âm nhạc, video… và chuyển đổi thành những thanh âm có thể nghe được. Từ cách đây nhiều năm, eyeborg của Neil đã có thể kích hoạt bluetooth để kết nối với các thiết bị ở gần, hoặc kết nối đến mọi nơi trên thế giới thông qua internet. Thêm nữa, nhờ được hỗ trợ Wifi nên eyeborg cũng cho phép Neil nhận tín hiệu và dữ liệu từ vệ tinh.

Neil Harbisson sở hữu dòng máu lai Tây Ban Nha và Bắc Ireland, lớn lên ở Barcelona, được học piano và bắt đầu sáng tác nhạc ở tuổi 11. Neil mắc chứng Achromatopsia (mù màu toàn bộ) bẩm sinh, có nghĩa là anh ấy chỉ nhìn thấy mọi thứ ở thang độ xám. Năm 16 tuổi, Neil theo học mỹ thuật tại viện Alexandre Satorras (Tây Ban Nha), nơi anh đặc biệt không cần sử dụng màu sắc trong tác phẩm hội hoạ của mình. Các tác phẩm đầu tiên của Neil Harbisson khi ấy chỉ có màu đen và trắng. Năm 19 tuổi, Neil chuyển đến Anh để học sáng tác âm nhạc tại Dartington College of Arts. Nếu không có eyeborg, anh ấy có thể đã trở thành nghệ sỹ dương cầm.

Neil Harbisson. Nguồn: metalmagazine.eu

Eyeborg ban đầu của Neil Harbisson do chuyên gia điều khiển học Adam Montandon ở đại học Plymouth (Anh) nghĩ ra. Cách đây hơn một thập niên, eyeborg của Neil bắt buộc anh phải đeo tai nghe kết nối với laptop. Các nghiên cứu và cải tiến về sau đã loại bỏ mọi sự bất tiện, eyeborg gắn liền với cuộc sống anh, khi anh đi tắm và cả trong khi ngủ.

Khi được hỏi tại sao quyết định cấy ăng-ten vào hộp sọ của mình, câu trả lời không giống như cách mà một số người thường nghĩ, và không đơn thuần là muốn chống lại chứng bệnh mù màu, anh nói: “Tôi muốn trở thành một loại người khác“.

Neil là một người có lập trường kiên định và tinh thần đấu tranh quyết liệt. Khi còn là một thiếu niên, Neil đã sống trên cây để cứu cây khỏi bị chặt. Hành động này của Neil đã thúc đẩy hơn 3.000 người ký vào bản kiến nghị gửi đến toà thị chính để bảo vệ những cây xanh.

Năm 2004, sau khi bị từ chối gia hạn hộ chiếu Anh với lý do Neil sử dụng một bức ảnh chân dung với eyeborg trên đầu. Neil đã bền chí trao đổi thư từ suốt nhiều tuần với cơ quan cấp hộ chiếu của Vương Quốc Anh để giải thích eyeborg không phải là một thiết bị điện tử, mà là một phần cơ thể của anh. Cuối cùng, bức ảnh của Neil đã được chấp nhận.

Neil Harbisson là công dân cyborg đầu tiên được công nhận hợp pháp. Nguồn: cnn.com

Năm 2010, Neil Harbisson đồng sáng lập Cyborg Foundation, một tổ chức quốc tế bảo vệ quyền của cyborg, quảng bá cyborg art và hỗ trợ những người muốn trở thành cyborg.

Năm 2011, Neil đã đệ đơn khiếu nại cảnh sát ở Barcelona về hành vi xâm phạm thân thể, thay vì là thiệt hại tài sản cá nhân. Nguyên nhân là khi Neil có mặt ở một cuộc biểu tình, cảnh sát tin rằng eyeborg của anh là một thiết bị quay phim và đã làm hư hỏng “giác quan” này của anh. Với Neil, eyebord giống như mắt, tai hay hệ thần kinh, là một phần xác thịt, và anh cảm thấy bị tổn hại nghiêm trọng.

Kể từ năm 2013, Neil đã kết nối với trạm vũ trụ quốc tế của NASA để có thể cảm nhận được màu sắc bên ngoài Trái Đất. Anh đã thực hiện các buổi hoà nhạc ngoài không gian (space concerts), bằng cách truyền đạt màu sắc từ không gian tới khán thính giả. Điều này cũng có thể hiểu là, anh có thể gửi tín hiệu eyeborg của mình ra vũ trụ, cảm nhận màu sắc của sao Hoả hay Mặt Trăng mà không cần phải hiện diện ở đó dưới dạng vật lý.

Năm 2017, Neil đồng sáng lập Transpecies Society (Hiệp Hội Loài Chuyển Đổi), một tổ chức hoạt động với mục tiêu mang lại tiếng nói cho những nhân dạng không phải-loài người (non-human identities), nâng cao nhận thức của cộng đồng về những khó khăn mà các “loài chuyển đổi” phải đối mặt, ủng hộ quyền tự do thiết kế và mưu cầu phát triển các giác quan hoặc bộ phận cơ thể mới.

Neil Harbisson trên trang bìa của tạp chí Forbes, tháng 04.2020. Nguồn: neilharbisson/twitter

Neil Harbisson định nghĩa thực hành nghệ thuật của anh là thiết kế các giác quan mới hoặc các bộ phận cơ thể mới, và hợp nhất với chúng. Neil so sánh việc thực hành cyborg art giống như tạo ra các tác phẩm điêu khắc, mục đích của anh là nhào nặn tâm trí để hình thành những nhận thức mới về thực tại.

Neil định nghĩa một nhánh đặc biệt của cyborg art là Chủ Nghĩa Cảm Thụ (Perceptionism), tức nghệ thuật thiết kế những nhận thức mới về thực tại, hay một phong trào hậu-nghệ thuật vì tính thực tiễn của nó không có sự phân biệt giữa nghệ sỹ, tác phẩm nghệ thuật, không gian và khán thính giả. Trong tính thực tiễn đó, Neil Harbisson là nghệ sỹ, là tác phẩm nghệ thuật, là không gian nơi nghệ phẩm/nghệ sỹ tồn tại và là khán giả duy nhất tự chứng kiến/thưởng thức.

Nữ nghệ sỹ cyborg đầu tiên trên thế giới

Moon Ribas (sinh năm 1985), một biên đạo múa đến từ Catalan, cộng sự lâu năm của Neil Harbisson, và là một nghệ sỹ tiên phong. Cô trở thành nhà hoạt động cyborg nổi tiếng từ việc phát triển và cấy một cảm biến địa chấn trực tuyến vào cơ thể, cho phép cô cảm nhận được động đất thông qua các rung động. Kể từ năm 2007, Moon được xem là người nữ cyborg đầu tiên, đồng thời là nữ nghệ sỹ cyborg đầu tiên trên thế giới.

Nguồn: wearablezone.com

Cùng với Neil Harbisson, Moon Ribas đồng sáng lập Cyborg Foundation, ủng hộ những ai muốn trở thành cyborg và thúc đẩy Chủ Nghĩa Cyborg (Cyborgism) như một phong trào nghệ thuật. Cô cũng là đồng sáng lập của Transpecies Society.

Moon Ribas tiếp cận với cyborg art bằng cách mở rộng một loại giác quan tiềm ẩn, tương tự như cách mọi người thường gọi là giác quan thứ 6. Cyborg Foundation đã tạo ra cho Moon một bộ radar dò tia hồng ngoại – thứ mà Neil Harbisson gọi là “hoa tai” – có khả năng phát ra xung điện nhẹ dựa vào sự hiện diện nào đó trong một phạm vi nhất định của Moon, giúp cô ấy có thể cảm nhận sự chuyển động quanh cô mà không cần phải mở mắt, hơn nữa cô còn có thể hình dung chính xác tốc độ di chuyển của chính mình và những người xung quanh.

Nguồn: businessinsider.in

Năm 2007, Moon Ribas cấy ghép một chip cảm biến địa chấn vào cánh tay trái của mình, chip hoạt động bất cứ khi nào có động đất ở đâu đó trên thế giới. Bằng cách đó, Moon có thể kết nối với Trái Đất từ bên trong cơ thể. Cô đã thực hiện các buổi biểu diễn múa hoặc âm nhạc, tạo ra vũ điệu hoặc giai điệu khi có địa chấn, và đôi khi đứng yên trong tĩnh lặng. Cô phát triển vũ đạo nghệ thuật của mình bằng cách ứng dụng công nghệ điều khiển học vào cơ thể sinh học. Cách thức này giúp cô khám phá và sáng tạo các chuyển động mới, với nguồn cảm hứng tức thì từ hoạt động của một “giác quan” mà thông thường con người không biết là có tồn tại.

Khi công nghệ phát triển hơn, Neil và Moon cùng hướng tới việc cảm nhận một cái gì đó bên ngoài địa cầu. Trong khi Neil tận dụng internet và thành tựu của NASA để cảm nhận màu sắc bên ngoài hành tinh, Moon đã cấy ghép một cảm biến mới để có thể kết nối với các đợt địa chấn của Mặt Trăng.

Khác với Neil Harbisson, Moon Ribas không có bệnh hay một khiếm khuyết nào về khả năng vận động hay các “giác quan truyền thống”, tuy nhiên cô lại chọn trở thành cyborg. Vì trong quan điểm của những người theo đuổi Chủ Nghĩa Cyborg như Moon và Neil, đó là một phần của tiến hoá, và họ thúc đẩy điều đó khi tìm cách hợp nhất năng lực của con người với công nghệ.

Cyborg Foundation

Cyborg Foundation là một tổ chức phi lợi nhuận, nền tảng hoạt động dựa trên việc nghiên cứu, sáng tạo cyborg art, đồng thời thúc đẩy các dự án liên quan đến việc thay đổi nhận thức trong tâm trí và tạo ra các “giác quan mới”. Cyborg Foundation ban đầu có trụ sở tại Công Viên Khoa Học (Tecnocampus Scientific Park) ở Barcelona (Tây Ban Nha), và hiện đang hoạt động tại trụ sở mới ở New York (Mỹ).

Sứ mệnh của Cyborg Foundation là hỗ trợ và bảo vệ những người mong muốn trở thành cyborg, ủng hộ việc sử dụng các giác quan cơ khí học như một phần cơ thể con người, thay vì chỉ được coi là một thiết bị thuần tuý. ​​

Kể từ năm 2005, tổ chức này đã trao tặng ăng-ten cyborg cho cộng đồng người mù ở Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ, với mục đích khuyến khích và hướng dẫn người khiếm thị sử dụng ăng-ten cyborg để cảm nhận màu sắc và phát triển cảm giác về màu sắc.

Người mù đầu tiên dùng thử eyeborg là nhà Tây Tạng Học người Đức Sabriye Tenberken, sau đó là các sinh viên mù của Braille Without Borders (tạm dịch: Chữ Nổi Không Biên Giới, một tổ chức do Sabriye Tenberken đồng sáng lập) ở Tây Tạng, và các thành viên của Hiệp Hội Người mù Pichincha (Sociedad de Ciegos de Pichincha) ở Ecuador.

Năm 2012, sau khi thuyết trình tại Escola Politécnica de Pernambuco ở Recife (Brazil), Cyborg Foundation đã ký kết hợp tác để tạo ra ăng-ten và các tiện ích mở rộng khác với trường đại học Bách Khoa Pernambuco ở Brazil.

Người mù ở Ecuador dùng thử ăng-ten cyborg của Cyborg Foundation (2011). Nguồn: Wikiwand.com

Năm 2014, Cyborg Foundation tham gia vào Uỷ Ban Liên Minh Châu Âu về Luật Robot (European Union Commission for Robotic Laws). Năm 2016, tổ chức này hợp tác với Rich MacKinnon – một nhà nghiên cứu/nhà hoạt động về quyền tự do dân sự và quyền dân sự điện tử, cùng đề xuất một danh sách các Quyền Dân Sự Cyborg (Cyborg Civil Rights) tại South by Southwest – một sự kiện thường niên về điện ảnh, phương tiện truyền thông tương tác, workshop và các hội thảo âm nhạc của Mỹ. Danh sách này mô tả việc tái xác định, bảo về quyền tự do cũng như sự tôn nghiêm của cộng động cyborg.

Việc đề xuất Quyền Dân Sự Cyborg đã cảnh báo một cuộc tranh giành quyền sở hữu, cấp phép và kiểm soát các ca giải phẫu tăng cường, thay thế hoặc tổng hợp chức năng bằng công nghệ cơ khí học; cũng như quyền truy cập và sở hữu lượng thông tin, dữ liệu, kết quả đo lường mà các cyborg tạo ra. Thêm nữa, khi bàn về Quyền Dân Sự Cyborg, không thể không kéo theo sự ra đời một triết lý hiện sinh xoay quanh định nghĩa về con người và ý nghĩa của việc là một con người.

Neil Harbisson và Moon Ribas, cũng như những kẻ phi-nhân loại theo đuổi Chủ Nghĩa Cyborg khác, họ đã tự khiến bản thân trải qua một tiến trình biến đổi. Tất cả những thứ như eyeborg, radar hồng ngoại, cảm biến địa chấn, tai nhân tạo hay bộ phận đo lường chất lượng không khí,..mà với Neil, đó chỉ là điểm khởi đầu. Anh tin rằng những thay đổi lớn sẽ đến – ít nhất là với riêng anh – chẳng hạn khi ai đó cũng cấy ghép eyeborg. Sau đó, trên hành trình chuyển đổi giống loài của mình, Neil sẽ có thể giao tiếp với một loài đồng hệ, cùng khám phá ngôn ngữ và cách thức giao tiếp vượt trội, giữa eyeborg với eyeborg, giữa bộ não với bộ não.

Neil từng kể: “Từ năm 2004, mọi người chặn tôi trên đường vì họ thấy tôi có một chiếc ăng-ten nhô ra khỏi đầu, khi được giải thích, họ chỉ cười hoặc cố gắng để thấu hiểu. Nhiều người nghĩ đó là đèn đọc sách và hỏi tôi liệu có thể thử bật đèn được không. Năm 2005 và 2006, mọi người nghĩ rằng đó là một chiếc micro để trò chuyện qua internet. Năm 2007 và 2008, họ nghĩ rằng đó là một chiếc điện thoại giúp rảnh tay giống như các tài xế taxi thường có. Năm 2008 và 2009, eyeborg của tôi bị hiểu nhầm là chiếc máy quay chuyên nghiệp. Năm 2011 và 2012, nó trở thành một cái gì đó để kết nối với Google Glass. Đến năm 2014 và 2015, bọn trẻ hỏi tôi rằng đó có phải là một loại gậy tự sướng và có thể kéo dài hay không. Đến gần đây [năm 2019], nhiều người hét vào tôi rằng “Pokémon” và cố gắng thu phục tôi“. Khi kể lại câu chuyện này trong một buổi diễn thuyết, Neil Harbisson hướng về 2020 với niềm hy vọng, rằng khi mọi người nhìn vào eyeborg của anh, sẽ chỉ nghĩ đó là một ăng-ten, và đặt câu hỏi về khả năng mở rộng giác quan của nó.

Chú thích

[1] Transpecies: tạm dịch là loài chuyển đổi, hay chuyển đổi giống loài. Là thuật ngữ dành cho những “otherkin” – những người xác định mình không phải con người như mọi người, mà là một giống loài khác. Một số xác định mình hoàn toàn là động vật trong thân xác con người, hoặc chỉ một phần là động vật, một số khác có thể cảm thấy mình như một sinh vật thần thoại.

[2] Cyborg: thường được dịch là sinh vật cơ khí học, sinh vật bán cơ khí hay sinh vật điều khiển học, hoặc nôm na là “người lai máy”, tức là một sinh vật tồn tại với cả hai yếu tố: sinh học và nhân tạo. Trong bài viết này, thuật ngữ cyborg dùng để chỉ một người có khả năng thể chất được mở rộng (và vượt ngoài giới hạn của một người bình thường) bằng các yếu tố cơ học được tích hợp vào cơ thể như điện tử, cơ khí, thiết bị công nghệ hoặc robot. Từ lâu, việc cường hoá cơ năng của sinh vật bằng giải pháp công nghệ đã đạt được những bước tiến. Tuy nhiên, trong thực tế, các nghiên cứu và ứng dụng chủ yếu tập trung vào việc sử dụng công nghệ điều khiển học để sửa chữa hoặc khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết, thoái hoá về thể chất cũng như tinh thần trên cơ thể sinh vật. Trong lĩnh vực y học, mục đích ứng dụng công nghệ này là để thay thế nội tạng hoặc thay thế các chi bị mất.


 
Back to top