Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Neil Harbisson và sự tiến hoá giác quan của nghệ sỹ cyborg đầu tiên trên thế giới

Oct 29, 2021 | By Xu

Một nghệ sỹ cyborg xem bản thân là tác phẩm nghệ thuật, là nơi để tự trình diễn cũng như triển lãm cho một khán giả trung thành duy nhất. Neil Harbisson định nghĩa các dự án cyborg của mình như một kiểu thực hành nghệ thuật, anh gọi đó là nghệ thuật thấu hiểu các giác quan của con người, hay nghệ thuật tái thiết kế nhận thức của anh về thực tế. 

Neil Harbisson vẽ tranh bằng cách nghe thấy tần số của màu sắc xung quanh mình. Ảnh chụp bởi Christopher Jones. Nguồn: stirworld.com

Kể từ năm 2004, truyền thông quốc tế bắt đầu mô tả Neil Harbisson là nghệ sỹ cyborg [1] đầu tiên trên thế giới. Anh cũng được biết đến là người đầu tiên được chính phủ công nhận là công dân cyborg (sinh vật cơ khí học) hợp pháp bởi Vương Quốc Anh, với chiếc eyeborg được cấy vào hộp sọ được coi là một bộ phận cơ thể của anh. 

Năm 2010, Neil Harbisson và Moon Ribas – nữ nghệ sỹ cyborg đầu tiên trên thế giới – đồng sáng lập Cyborg Foundation, một tổ chức quốc tế bảo vệ quyền của cyborg, quảng bá cyborg art và hỗ trợ những người muốn trở thành cyborg. Cả hai cũng sáng lập Transpecies Society (Hiệp Hội Loài Chuyển Đổi), một tổ chức hoạt động với mục tiêu mang lại tiếng nói cho những nhân dạng không phải-loài người (non-human identities).

Neil Harbisson định nghĩa các dự án cyborg của mình như một kiểu thực hành nghệ thuật, hay một phong trào hậu-nghệ thuật vì tính thực tiễn của nó không có sự phân biệt giữa nghệ sỹ, tác phẩm nghệ thuật, không gian và khán thính giả. Trong tính thực tiễn đó, Harbisson là nghệ sỹ, là tác phẩm nghệ thuật, là không gian nơi nghệ phẩm/nghệ sỹ tồn tại và là khán giả duy nhất tự chứng kiến/thưởng thức.

“Sonochromatic Records” được trưng bày tại Pioneer Works, New York (2014). Nguồn: wikiwand

Neil Harbisson thực hiện “Sonochromatic Portrait” của biểu tượng thời trang Iris Apfel. Ảnh chụp bởi Moon Ribas tại New York Fashion Week. Nguồn: neilharbisson/facebook

Các nghiên cứu của Neil tập trung vào việc tạo ra các giác quan mới, và từ đó tạo ra các tác phẩm nghệ thuật thông qua các giác quan mới này. 

Năm 2009, Harbisson đã tạo ra “The Human Colour Wheel” dựa trên sắc độ và ánh sáng được phát hiện trên da của hàng trăm người từ năm 2004 đến năm 2009. Mục đích của nghiên cứu là để chỉ ra rằng con người không phải là người da đen hay trắng, mà các sắc thái khác nhau của màu da cam – từ màu cam rất đậm đến màu cam rất nhạt. 

Nguồn: munsell.com

Một nghiên cứu khác của Neil Harbisson là series “Sound Portraits”, được tạo ra bằng cách đứng trước mặt một người và hướng ăng ten vào các phần khác nhau của khuôn mặt, viết ra các nốt nhạc mà anh ấy nghe được và sau đó tạo một tệp âm thanh. Neil đã tạo ra các chân dung âm thanh của những người nổi tiếng, và cả những người bình thường mà anh ấy gặp gỡ, như: Philip Glass, Robert De Niro, Al Pacino, Iris Apfel, Oliver Stone, Woody Allen, Antoni Tàpies, Leonardo DiCaprio, James Cameron, Macy Gray, Prince Albert II of Monaco, Steve Wozniak, Oliver Sacks, Giorgio Moroder, và nhiều người khác. 

Neil Harbisson thực hiện “Sound Portraits” của Le1f. Nguồn: twimg.com

Neil Harbisson thực hiện “Sonochromatic Portrait” của nhà sản xuất phim kiêm, nhà hoạt động vì môi trường người Canada, James Cameron. Nguồn: metalmagazine.eu

Không chỉ “lắng nghe màu sắc” của con người, Neil cũng tìm kiếm các sắc màu đại diện của âm thanh đô thị. Tác phẩm “Capital Colors” của anh thể hiện cặp màu chủ đạo của các thành phố khác nhau mà anh đã đến thăm. 

Sắc màu của các thành phố khác nhau trên thế giới, được “nghe” bởi Neil Harbisson. Nguồn: munsell.com

Neil Harbisson tin rằng con người có nhiệm vụ sử dụng công nghệ để vượt qua các giác quan sẵn có. Anh từng nói: “Trở thành một cyborg không chỉ là một quyết định của cuộc đời. Đó còn là một tuyên bố nghệ thuật – Tôi coi cơ thể và bộ não của chính mình như một tác phẩm điêu khắc“. 

Neil Harbisson đã đóng góp đáng kể vào việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về cyborg, transpecies (loài chuyển đổi) [2], giác quan nhân tạo và sự tiến hoá của con người; bằng cách thường xuyên đưa ra các bài giảng công khai tại các trường đại học, hội nghị và sự kiện trực tuyến. Anh cũng được mời tham gia các lễ hội khoa học, âm nhạc, thời trang và nghệ thuật, như British Science Festival, TEDGlobal, London Fashion Week, và Sónar. 

Neil chuyển thể bài hát “Rehab” của nữ ca sỹ Amy Winehouse thành màu sắc. Nguồn: metalmagazine.eu

Neil chuyển thể  bản nhạc “Toccatta” của nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach thành màu sắc. Nguồn: metalmagazine.eu

Giác quan màu sắc (Sense of Colour: Cyborg Anten)

Ăng-ten cyborg của Neil là một hệ thống giác quan/thiết bị cảm biến được tạo ra để mở rộng nhận thức về màu sắc của anh. Từ năm 2004, ăng-ten được cấy ghép và tích hợp vĩnh viễn vào đầu của Harbisson ở vị trí xương chẩm, giúp anh cảm nhận, nghe thấy màu sắc theo những rung động âm thanh bên trong đầu, bao gồm cả những ánh sáng mà mắt người không nhìn thấy được như tia hồng ngoại và tia cực tím. 

Neil Harisson bắt đầu phát triển ăng-ten tại trường đại học từ năm 2003 cùng với nhà khoa học máy tính Adam Montandon, sau đó được nâng cấp bởi các nhà sáng tạo như Peter Kese, Matias Lizana, và nhiều người khác. Phẫu thuật cấy ghép ăng-ten của Neil đã nhiều lần bị các uỷ ban đạo đức sinh học từ chối nhưng anh vẫn bất chấp tiến hành với sự trợ giúp của các bác sỹ giấu tên. 

Nguồn: alchetron.com

Để thử nghiệm giác quan mới của mình, Neil đã mời 5 người bạn ở 5 châu lục khác nhau gửi màu sắc, hình ảnh, video hoặc âm thanh trực tiếp vào não của anh thông qua ăng-ten cyborg. Khi Neil nhận được một màu sắc trong khi ngủ, màu sắc trong giấc mơ của anh cũng thay đổi. Cuộc trình diễn công khai đầu tiên về hình ảnh truyền qua hộp sọ của Neil đã được phát trực tiếp trên chat show The Stream của Al Jazeera (kênh tin tức tiếng Anh đầu tiên có trụ sở chính tại Trung Đông). Người đầu tiên gọi điện thoại trực tiếp vào hộp sọ của Neil là Ruby Wax – một nữ diễn viên, nhà văn, nhà vận động sức khỏe tâm thần và giảng viên người Anh gốc Mỹ.

Năm 2014, Harbisson thực hiện bức tranh truyền qua hộp sọ đầu tiên trên thế giới. Màu sắc được gửi từ khán giả ở Time Square khi họ vẽ các sọc màu đơn giản lên một cái khung canvas đã được kết nối trực tiếp vào não của Harbisson thông qua internet. Neil đã xác định chính xác và vẽ các sọc cùng màu lên một tấm vải, trước sự chứng kiến của khán giả tại The Red Door, cách Time Square 10 dãy nhà. 

Neil Harbisson trình diễn Color Concert tại Palau de la Musica (Barcelona), ngày 09.05.2014. Nguồn: giantcookie.eu

Neil Harbisson trình diễn Color Concert tại Palau de la Musica (Barcelona), ngày 09.05.2014. Nguồn: wikimedia.org.

Giác quan thời gian (Sense of Time: Solar Crown)

Solar Crown là một thiết bị cảm giác để cảm nhận về thời gian. Một điểm nhiệt quay (rotating point of heat) mất 24h để quay chậm quanh đầu của Neil. Khi anh ấy cảm thấy điểm nóng ở giữa trán mình, đó là giờ mặt trời giữa trưa ở London (kinh độ 0), khi nhiệt đến tai phải của anh ấy, thời điểm đó tương ứng với giữa trưa ở New Orlean (kinh độ 90). Dự án Solar Crown được Neil bắt đầu nghiên cứu từ mùa hè năm 2016. 

Nguồn: thoughtworksarts.io

Mục đích của Harbisson là đưa lý thuyết thời gian tương đối của Albert Einstein vào thực tế bằng cách tạo ra ảo ảnh thời gian. Khi bộ não của anh quen với thời gian trôi qua trên đầu, Neil sẽ khám phá xem liệu anh có thể sửa đổi nhận thức của mình về thời gian bằng cách thay đổi tốc độ quay hay không. 

Neil Harbisson nói rằng chúng ta có thể tạo ra ảo ảnh quang học vì chúng ta có mắt để cảm nhận thị giác, theo cách tương tự, chúng ta sẽ có thể tạo ra ảo ảnh thời gian nếu chúng ta có cơ quan cảm nhận thời gian. Nếu ảo ảnh thời gian hoạt động, Neil nghĩ anh ấy sẽ có thể kéo dài hoặc kiểm soát nhận thức của mình về thời gian, về tuổi tác và giả thuyết du hành thời gian. 

Hình ảnh 3D của Solar Crown. Nguồn: thoughtworksarts.io

Dự án Solar Crown được công bố tại Đại học Princeton vào năm 2017. Nguồn: thoughtworksarts.io

Hệ Thống Giao Tiếp Răng Bluetooth (Transdental Communication System: Bluetooth Tooth)

The Transdental Communication System – Hệ Thống Giao Tiếp Qua Răng bao gồm 2 chiếc răng, mỗi chiếc răng chứa một nút hỗ trợ bluetooth và một bộ rung mini. Bất cứ khi nào nút được nhấn, nó sẽ truyền rung động đến răng của người khác. Một chiếc răng được lắp vào miệng của Neil Harbisson và chiếc răng còn lại nằm trong miệng của Moon Ribas. 

Năm 2016, Neil Harbisson và Moon Ribas đã được bác sỹ phẫu thuật nha khoa Thiago Avelar ở Brazil lắp đặt Hệ Thống Giao Tiếp Răng Bluetooth vào miệng. Nguồn: neilharbisson/facebook

Ý tưởng Hệ Thống Giao Tiếp Răng Bluetooth xuất phát từ lúc Neil bị mất một chiếc răng. Anh không muốn thay thế bằng một chiếc răng bình thường, do đó đã lắp đặt đèn khẩn cấp vào chiếc răng giả phòng khi cần thiết. Không lâu sau người cộng sự của anh cũng bị mất vài chiếc răng. Hai người quyết định tạo ra những chiếc răng có thể giúp giao tiếp. Hai chiếc răng có khả năng kết nối bluetooth được ra đời. Cả Neil Harbisson và Moon Ribas đều biết cách giao tiếp bằng mã morse, do đó họ có thể “trò chuyện” từ răng này sang răng kia. Hệ thống này cũng có thể hoạt động dưới nước. Họ đã trình diễn Hệ Thống Giao Tiếp Răng Bluetooth lần đầu tiên ở São Paulo (Brazil).

Chú thích

[1] Cyborg: thường được dịch là sinh vật cơ khí học, sinh vật bán cơ khí hay sinh vật điều khiển học, hoặc nôm na là “người lai máy”, tức là một sinh vật tồn tại với cả hai yếu tố: sinh học và nhân tạo. Trong bài viết này, thuật ngữ cyborg dùng để chỉ một người có khả năng thể chất được mở rộng (và vượt ngoài giới hạn của một người bình thường) bằng các yếu tố cơ học được tích hợp vào cơ thể như điện tử, cơ khí, thiết bị công nghệ hoặc robot. Từ lâu, việc cường hoá cơ năng của sinh vật bằng giải pháp công nghệ đã đạt được những bước tiến. Tuy nhiên, trong thực tế, các nghiên cứu và ứng dụng chủ yếu tập trung vào việc sử dụng công nghệ điều khiển học để sửa chữa hoặc khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết, thoái hoá về thể chất cũng như tinh thần trên cơ thể sinh vật. Trong lĩnh vực y học, mục đích ứng dụng công nghệ này là để thay thế nội tạng hoặc thay thế các chi bị mất.

[2] Transpecies: tạm dịch là loài chuyển đổi, hay chuyển đổi giống loài. Là thuật ngữ dành cho những “otherkin” – những người xác định mình không phải con người như mọi người, mà là một giống loài khác. Một số xác định mình hoàn toàn là động vật trong thân xác con người, hoặc chỉ một phần là động vật, một số khác có thể cảm thấy mình như một sinh vật thần thoại.


 
Back to top