Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Nghệ thuật cô lập: Không gian thở cho tâm hồn

Jan 17, 2021 | By Trang Ps

Bạn có bao giờ nhận ra rằng trong các bản nhạc, những quãng nghỉ, dấu lặng đã mang đến thành công cho tác phẩm ấy? Là người viết, tôi cũng thường tạo ra những khoảng trống tương tự, để bản thân và người đọc thư giãn. Còn trong cuộc sống, bằng sự cô lập, chúng ta cũng sẽ có những không gian thở dễ chịu như vậy cho tâm hồn.

Spencer Byles dành một năm trong rừng để tạo ra các tác phẩm điêu khắc bí ẩn.

Tôi còn nhớ cách đây khoảng độ 5 năm, một bài báo trên My Modern Met viết về nghệ sĩ Spencer Byles dành một năm trong rừng để tạo ra các tác phẩm điêu khắc bí ẩn. Có lẽ, với một người mơ mộng, thi vị và hẳn nhiên không thiếu can đảm, sẽ mong ước có trải nghiệm của nhà sáng tạo đa tài kia. Tuy nhiên, kẻ yếu tim hay sợ hãi cô độc có thể rùng mình ngạc nhiên khi tưởng tượng viễn cảnh sống 365 ngày ở chốn rừng thiêng nước độc.

Rõ ràng, đây không phải là một thử thách mang tính đám đông hay một cuộc thi cân đo sự dũng cảm, vì thế, ý tưởng cô lập bản thân trong rừng của Spencer Byles hẳn nhiên đến từ bản năng tự nhiên của anh ta, và nếu là một cuộc thi thì anh đang thi đấu với chính mình. Anh ta muốn thử thách chính bản thân. Đắm mình một năm tròn trong rừng cây ở La Colle sur Loup, Villeneuve-Loubet, và Mougins, nghệ sĩ người Anh đã thực hiện thành công dự án tham vọng khiến những người tình cờ bắt gặp các tác phẩm điêu khắc lơ lửng phải tự hỏi liệu chúng được hình thành tự nhiên, do con người lắp đặt hay bị các thế lực siêu nhiên bỏ lại trong rừng. Nhưng điều chắc chắn, tất cả đã dần trở thành một phần của tự nhiên chứ không còn thuộc về anh nữa.

Georgia O'Keeffe's Recipes Sold at Auction and Give a Glimpse Into the Mind of a Geni

Nữ nghệ sĩ Georgia O’Keeffe

“Người đàn bà của hoa” – nữ nghệ sĩ Georgia O’Keeffe cũng từng trải qua mùa hè và mùa thu sống cô lập tại Ghost Ranch, New Mexio, sau thời điểm chồng bà là nhiếp ảnh gia Alfred Stieglitz qua đời vào năm 1946. Ngôi nhà không máy phát điện, không điện thoại với lối trang trí tối giản như gu thẩm mỹ cá nhân,  O’Keeffe tin rằng cô lập mang đến sự tự do mãnh liệt, khiến bà gần gũi hơn với thiên nhiên và là một với thiên nhiên.

Lùi về lịch sử xa hơn thế nữa, chúng ta có đại thi hào Shakespeare, người vốn viết King Lear (Vua Lear) và một số kiệt tác khác khi ông cô lập bản thân khỏi xã hội xô bồ.

Sự cô lập: Không gian thở cho tâm hồn

John Martin (1789-1854), The Destruction of Pharaoh’s Host, 1836.

Nhưng chắc chắn, nghệ sĩ không bắt buộc phải vào rừng, ra đảo hoang, hay một nơi thật yên bình tĩnh lặng thì mới gọi là cô lập. Khi bước đến xưởng vẽ của họa sĩ, khối kiến trúc thậm chí đặt ở một nơi vô cùng xô bồ, thì tôi vẫn cảm nhận được sự tách biệt nhất định. Như vậy, cô lập ở đây không nhấn mạnh quá nhiều vào đặc điểm địa lý, mà là trạng thái tâm thức. Bên ngoài studio có thể là con đường thành phố náo nhiệt, khu dân cư chi chít với sinh hoạt năng động, nhưng người nghệ sĩ vẫn nghiễm nhiên rơi vào trạng thái cô lập với tất cả xô bồ ấy để hợp nhất với quá trình thực hành sáng tạo tác phẩm.

Nhưng có phải nghệ sĩ mới cần sự cô lập? Nếu như vậy thì quả nhiên là một nghịch lý. Vì người nhấn mạnh tính cô lập này là nhà toán học Blaise Pascal (1623 – 1662): “Tất cả mọi vấn đề của nhân loại xuất phát từ việc con người không có khả năng ngồi yên lặng một mình trong phòng.” Phát biểu ấy của ông cũng nhấn mạnh rằng sự cô lập không phải là một trạng thái cần tạo ra, mà là bản tính của chúng ta. Điều quan trọng là làm sao để con người thời hiện đại không từ chối và ghẻ lạnh sự cô lập ấy.

Cô lập là bản tính của chúng ta

Osho từng nói: “Con người vốn dĩ được sinh ra một mình, sống một mình và chết một mình. Tính một mình là bản tính của chúng ta, nhưng chúng ta không nhận biết về nó. Bởi vì không nhận biết về nó, chúng ta vẫn còn là người lạ với bản thân mình, và thay vì nhìn vào tính một mình của chúng ta như cái đẹp và phúc lạc vô cùng, im lặng và an bình, thoải mái với sự tồn tại, chúng ta hiểu lầm nó là cô đơn.” Xã hội nhìn cô đơn như vết thương gây đau. Họ trốn chạy khỏi nó. Nhưng cô đơn (theo cách hiểu thông thường của đa số) là trạng thái thiếu kết nối bên trong nhưng mong cầu sự kết nối bên ngoài. Nhưng cô lập lại khác.

Về khía cạnh tích cực, cô lập chính là một mình và trạng thái tâm thức tách biệt ra khỏi những cá thể khác. Họ không mong cầu sự kết nối với người khác mà là với bản thân. Nếu đọc các cuốn sách như Tự truyện của một Yogi, Đạo Đức Kinh của Lão Tử, Đường mây qua xứ tuyết,… chúng ta sẽ bắt gặp sự cô lập này, đó là những người quyết định chọn núi Hi Mã Lạp Sơn tu tập hay ở ẩn trong suốt quãng đời còn lại. Sự cô lập ở đây vừa mang mang tính địa lý (ngọn núi xa cách cuộc sống con người) vừa mang tính tâm thức (tức rơi vào trạng thái tĩnh lặng và an lạc, không còn vướng bận). Đỉnh cao của sự cô lập này chính là trạng thái thiền.

Trong xã hội hôm nay, có những người đã chọn cuộc sống cô lập ngay chính trong thành phố bộn bề, nhưng cũng có người chọn lui về vùng đất xa xôi và ẩn dật một thời gian nhất định. Dẫu cách chọn của bạn là như thế nào, thì tôi tin rằng chúng ta có thể hưởng trọn niềm an lành của sự cô lập ở mọi lúc mọi nơi.

Hưởng trọn niềm vui cô lập ở mọi lúc mọi nơi

Trong quyển The Art of Stillness, Pico Iyer đã viết về những tuệ giác sâu sắc mà tĩnh lặng mà ngồi yên có thể mang lại cho chúng ta, đặc biệt trong thời đại mà ai ai cũng muốn đi đây đi đó hay những chuyến đi retreat một tuần hay mười ngày mà giờ đây đang thịnh hành. Cả đời, Pico vốn là một nhà du hành. Ông từng nhiều lần đi phi cơ một mình băng ngang qua Bắc cực chỉ để đi đến trường. Nhưng về sau, ông phát hiện, không có nơi nào là kỳ diệu trừ khi ta có một cái nhìn đúng đắn. Nếu một người nóng tánh đến dãy Hi Mã Lạp Sơn, anh ta sẽ bắt đầu phàn nàn, kêu ca về thời tiết, về chuyện ăn uống. Như vậy, cách tốt nhất để khởi phát một cái nhìn sâu sắc và biết thưởng thức là bằng cách không đi đến đâu cả, chỉ cần ngồi yên. Giữa cuộc sống vội vã này, ai ai cũng cần phải nghỉ ngơi và quay về bên trong.

Rồi ông phát hiện một sự thật thú vị rằng những người cung cấp phương tiện cho chúng ta đi khắp mọi nơi lại là những người có vẻ không có ý định đi đâu hết. Có lần đến trung tâm Google, ông chứng kiến tận mắt những căn nhà xây trên cây với những chiếc trampolines để nhân viên cô lập bản thân trong trí tưởng tượng của mình. Một nhân viên tại Google kể rằng anh đang chuẩn bị mở một chương trình đào tạo cho các bạn trở thành huấn luyện viên yoga, thiền định,… Tất cả đã minh chứng cho câu nói “sáng tạo cần không gian”. Mà không gian ở đây là không gian tâm thức. Nếu tâm trí ta đã chất đầy những phiền não thì làm sao ta có thể sáng tạo được điều gì mới mẻ? Ngay như Google, họ dần nhận ra việc tôn trọng tính cô lập của mỗi nhân viên là cực kỳ quan trọng để đạt năng suất làm việc cao.

The Journey Home by Matthew Wong | Christie's

Matthew Wong (1984-2019), The Journey Home, 2017.

Bạn có bao giờ nhận ra rằng trong các bản nhạc, những quãng nghỉ, dấu lặng đã mang đến thành công cho tác phẩm ấy? Là một người viết, tôi cũng thường tạo ra những khoảng trống tương tự, để bản thân và chính người đọc, thư giãn tâm thức. Tôi gọi đó là không gian thở.

Ngày nay, nhiều người đã bắt đầu có ý thức tu sửa và mở thêm những khoảng trống mới trong tâm thức và cuộc sống của mình. Khi nhận ra cô lập là bản tính, con người đồng thời sống chậm lại để cảm nhận chính mình được rõ.


 
Back to top