Rapper Wowy: “Tôi là người độc nhất vô nhị!”
Wowy là một trong những huyền thoại tiên phong cho dòng nhạc rap ở miền nam. Anh sở hữu nhiều bản hit như “Khu tao sống”, “Do real thing”, “Chạy”, “Một điếu”… Có một câu quote về anh thế này: “Hai điều khó hiểu nhất thế giới là con gái và phong cách của Wowy”. Thật vậy, anh luôn gây bất ngờ với các thử nghiệm của mình, không chỉ trong thời trang, mà còn cả âm nhạc.
“Rap đối với anh là gì?” – Tôi hỏi trong buổi phỏng vấn, mong chờ một câu trả lời thật ấn tượng. Nhưng Wowy chỉ phì cười: “Rap đối với anh chỉ là rap thôi”. Những danh xưng lẫy lừng như Lão Đại, Người tiên phong, Huấn Luyện Viên… khiến chúng ta hình dung ra một Wowy nghiêm khắc và quyền lực. Trái với tưởng tượng, anh là một con người giản dị. Đôi lúc, anh hơi thất thường và đơn giản là muốn tận hưởng mọi thứ mình làm.
Xin chào Wowy. Để đến được ngày hôm nay, anh đã phải trải qua một đoạn đường rất dài. Vậy rap của Wowy đã thay đổi như thế nào?
Wowy: Rap của tôi được hình thành theo quá trình phát triển của nhân vật Wowy. Tôi sẽ tạm gọi nó là đương đại. Nó đang diễn ra từ đây cho đến tương lai và đã trải qua một quá khứ. Trước đây, nhân vật đó không cảm nhận được nhiều tình yêu. Anh chỉ muốn phản ánh thực trạng xã hội quanh mình. Dần dà, anh được cảm hóa và các sáng tác của anh cũng thế. Chúng thể hiện nhiều tình yêu hơn,
nhiều sự cho đi, có cả tha thứ và động viên trong đó. Đôi lúc nhân vật đó hơi tưng tửng, bị khùng. Tự thân tôi cũng cảm thấy nhân vật Wowy này có nội tâm rất đa dạng và phong phú.
Có một điểm chung giữa hai chúng tôi là không quan tâm cho lắm việc người nghe sẽ nghĩ sao. Bởi vì nhân vật Wowy đã trải qua khoảng thời gian dài làm nhạc và bị thị trường đả kích. Thông thường, nghệ sỹ muốn bán sản phẩm thì sẽ đi theo số đông. Nhưng nhân vật này lại muốn thể hiện cái tôi cá nhân nhiều hơn thay vì phục vụ cho ý thức chung của mọi người. Vì nhân vật này nghĩ rằng đó là điều làm nên điểm độc đáo của mình. Nhạc của Wowy phải do Wowy biểu diễn thì nó mới thể hiện chính xác hoàn cảnh và câu chuyện được truyền tải.
Tôi là một “limited edition”, dù không hoàn thiện 100%, nhưng độc nhất vô nhị.
Khi nghe các nhạc phẩm gần đây của anh như “Chạy”, “Có cố gắng có thành công”, tôi cảm nhận được các thông điệp động viên rất tích cực.
Wowy: Đúng là tôi có gửi gắm điều này trong các nhạc phẩm của mình rất là nhiều. Về sau, tôi còn lồng ghép thêm các ý về môi trường nữa. Đôi khi, tôi cũng khúc mắc ở chỗ hình như là mọi người không thích cố gắng cho lắm. Họ thích được xoa dịu hơn. Điều đó cũng làm tôi có phần bối rối về thể loại âm nhạc của mình. Nhưng tôi không đổi khác được. Vì điểm cốt lõi là tất cả chúng ta đều đang cố gắng trong mọi hoàn cảnh và mọi trường hợp. Tôi thích đi vào cái cốt lõi nhiều hơn là vẻ bề ngoài. Có thể là vì tôi phát triển trong môi trường hơi ngặt nghèo; giống như đi ngược một dòng sông lười, phải vượt qua các chướng ngại vật đang bốc cháy trôi về phía mình.
Anh luôn làm chúng tôi ngạc nhiên vì âm nhạc của mình. Như trong bài “Buddha”, anh sử dụng chất liệu tôn giáo. Hay cảm hứng cổ tích trong bài “Giải cứu công chúa”. Liệu có giới hạn nào cho các thử nghiệm của anh?
Wowy: Tôn giáo là chủ đề hay mà nhiều người quan tâm. Nó hiện hữu tại mọi đất nước trên hành tinh này. Điểm chung của Wowy và tôn giáo là tinh thần hay tâm linh. Tôi coi đó là mảng chất liệu để sử dụng trong âm nhạc của mình với hy vọng sẽ chạm đến tinh thần và cảm xúc người nghe nhiều hơn. Hầu hết các bài hát trên các bảng xếp hạng âm nhạc quốc tế đều có cùng giai điệu mà tôi gọi là “core”.Cái “core” đó là công thức để người nghe cảm nhạc dễ dàng hơn và các chủ đề dễ chạm đến người ta hơn.
Tuy nhiên, tôi muốn trải nghiệm những cái khác hơn. Không biết liệu việc liên tục tìm tòi những trải nghiệm mới mẻ như tôi có được xem là cốt lõi của sự sáng tạo không nữa. Khi bạn mới nghe rap của Wowy lần đầu sẽ khó mà hiểu được Wowy đang muốn làm cái gì. Nhưng những người hâm mộ đã quen rồi nên sẽ cảm nhận được tôi và giai điệu mà tôi muốn truyền tải.
Trước khi vào buổi chụp, chúng tôi đã nghe anh nói: “Làm nghệ thuật là phải vui” và cảm thấy được truyền cảm hứng bởi câu nói ấy.
Wowy: Có một tỷ phú người Nhật đã chi rất nhiều tiền để mua bức tranh của cố họa sỹ Jean-Michel Basquiat. Đó là một trong những bức tranh được đấu giá cao nhất thế giới. Có người hỏi vì sao ông mua bức tranh này. Ông trả lời: “Vì tôi thấy niềm vui trong đấy”. Cho nên ông muốn sở hữu nó để trưng bày cho những người yêu nghệ thuật có thể cùng nhìn thấy và chia sẻ cảm xúc đó.
Tôi có coi các clip vẽ tranh của Bob Ross. Ông ấy tận hưởng khoảng thời gian vẽ tranh và cho ra các tác phẩm rất đẹp. Khi mắc lỗi, ông sẽ nói: “Đây không phải lỗi lầm mà là một tai nạn vui vẻ”. Pablo Picasso cũng thế, chỉ trong mấy phút ông đã vẽ ra một bức tranh thiên biến vạn hóa. Ông chơi cùng bức tranh của mình. Tôi chỉ xem qua màn hình cũng cảm thấy niềm vui trong quá trình đó.
Tôi nghĩ đó là điều cốt yếu khi làm nghệ thuật: vui và thoải mái, thỏa hứng sáng tạo với nó.
Tôi thấy anh được gọi bằng rất nhiều danh xưng như Lão đại, Người tiên phong, Huấn luyện Viên… Liệu anh có cảm thấy sức nặng từ những cái tên đó?
Wowy: Tôi không quan tâm lắm việc mọi người gọi tôi là gì. Chỉ cần họ nhận ra Wowy thì tôi đã rất biết ơn. Các danh xưng mọi người đặt là ý của mọi người. Nên tôi không cảm thấy áp lực gì đặc biệt cả. Mọi người áp đặt lên cho tôi một cái sức ép hay gánh nặng theo ý họ và nghĩ là Wowy đang phải chịu đựng cái gì đó. Thật ra thì tôi là tôi và tôi biết mình đang làm gì. Sức ép nặng nhất mà tôi hay mọi người đang cảm giác hiện tại chính là sức ép của thời gian. Thời gian ngày càng ít đi mà tôi thì có quá nhiều thứ muốn làm.
Nhà tiên phong, Lão đại, Cây hài, Huấn luyện viên hay Ông trùm… đối với tôi đều không thành vấn đề. Chúng là trí tưởng tượng của mọi người và họ bị mắc kẹt trong đó. Vô hình trung, chính điều đó sẽ đóng khung nhân vật Wowy, khiến cho anh ta không được tự do. Gần đây nhất là chú Chí Tài. Người ta vẫn cứ nghĩ về chú như một danh hài, nhưng chú cũng rất yêu thích ca hát. Vậy sao không ai gọi chú là Ca sỹ Chí Tài? Mãi đến khi chú mất đi, mọi người mới bắt đầu yêu thích nhạc của chú.
Tôi có đọc một cuốn sách có tựa đề rất hay “Mọi người chỉ yêu quý bạn khi bạn mất đi”. Khi người nghệ sỹ còn sống sẽ bị đóng khung trong nhiều hình dạng, khiến họ phải gồng mình, hóp bụng cho phù hợp với khuôn mẫu đó. Nó làm giới hạn sự sáng tạo của người nghệ sỹ đó.
Thực chất là có nhiều người mẫu có thể làm những việc tuyệt vời và phi thường khác. Nhưng khi ta đóng khung họ trong cái danh xưng “hoa hậu” hay “người mẫu”, ta cũng gói gọn họ trong cái sân khấu mà họ bước đi.
Câu hỏi cuối cùng nhé. Con đường sự nghiệp “from zero to hero” của anh quả thực khiến cho chúng tôi nể phục. Vậy đâu là thứ đã làm thay đổi cuộc đời anh?
Wowy: Thực sự tôi đã thay đổi cuộc sống của mình nhờ một cuốn sách mang tên “Empire State Of Mind: From Street Corner to Office Corner”. Đây là tác phẩm của một phóng viên viết về cuộc đời của rapper Jay-Z nhưng không được phỏng vấn Jay-Z. Cho nên bạn phải tìm các manh mối quanh nam rapper như các nhà sản xuất từng cộng tác, khu nhà anh từng sống cùng mẹ hay góc đường nơi Jay-Z từng bị bắn hụt.
Trước thời điểm đó, tôi cũng là một giang hồ bán thuốc trên đường phố. Điểm khác biệt duy nhất là tôi thích đọc sách, dù giờ không có nhiều thời gian để đọc và tôi biết một chút tiếng anh. Một người bạn người Pháp giới thiệu với tôi rằng:“Wowy, cuốn sách này có vẻ hay, đọc thử đi. Mày là rapper, Jay Z cũng là rapper nên cuốn này sẽ tốt cho mày”.
Tôi dành ba tháng để hoàn thành cuốn sách vì phải vừa đọc vừa tra từ. Thử hỏi có thằng giang hồ nào đi đọc sách không? Sau khi đọc, cuốn sách triệt tiêu hoàn toàn những khúc mắc bên trong tôi. Thế là tôi thay đổi.
Tôi cũng khuyên nhủ các bạn trẻ mà tôi quen rằng hãy đọc cuốn sách này đi và đừng dính vào những thứ bất hợp pháp nữa. Tập trung vào đam mê tuy hơi khó nhưng nó sẽ được. Các bạn vâng dạ nhưng rồi mọi thứ cũng đâu vào đấy. Nên chỉ có một cách để chỉ cho họ con đường đúng. Đó chính là sự thành công của Wowy. Hy vọng một ngày nào đó, họ nhìn thấy tôi, biết được câu chuyện của tôi và sẽ tìm được nghị lực để thay đổi chính mình.