“Nhà tù” của Văn Ngọc: Nghệ thuật là “cửa ải cuối cùng” của tự do
Nghệ sĩ đa phương tiện Văn Ngọc tiếp cận và thực hiện công trình mang tên “Nhà tù” mà gia đình ông hiện sống ở Vũng Tàu từ góc độ của một người làm nghệ thuật, biến tổng thể không gian giống như một tác phẩm nơi mà khái niệm từng loại hình nghệ thuật trở nên mờ nhạt. Đặc biệt hơn, với “Nhà tù”, ông đã thành công trong việc xóa bỏ lằn ranh giữa nghệ thuật và đời thường đồng thời khích lệ người xem tự do tư tưởng bấp chấp hoàn cảnh.
Xóa nhòa ranh giới giữa các ngôn ngữ nghệ thuật
Nhìn chung, kiến trúc thông thường là không gian vật lý trưng bày các tác phẩm điêu khắc và hội họa. Ngay cả sau cuộc cách mạng chủ nghĩa hiện đại, kiến trúc cũng được nhìn nhận từ góc độ đóng khung các tác phẩm nghệ thuật. Hay nói một cách dễ hiểu hơn, nếu điêu khắc là dạng vật thể không ở được thì kiến trúc là dạng vật thể có thể ở được.
Từ những năm 1960, lịch sử nghệ thuật chứng kiến sự trỗi dậy của nhóm nghệ sĩ theo trường phái tối giản như Richard Serra, người tạo ra các tác phẩm điêu khắc bằng thép có thể ở được, và nghệ sĩ ý niệm như Gordon Matta-Clark, người khoét lỗ vào các tòa nhà vô chủ rồi biến chúng thành các tác phẩm điêu khắc độc đáo. Vào cuối những năm 1960, nghệ thuật sắp đặt hình thành và biến các ngôn ngữ nghệ thuật đặc trưng khác trở nên mờ nhạt bởi trong trường hợp của nghệ thuật sắp đặt, nó có thể vừa bao gồm hội họa, điêu khắc, nghệ thuật kỹ thuật số và thậm chí cả kiến trúc…
Nghệ thuật sắp đặt phụ thuộc vào kiến trúc ở cấu trúc và hình dạng. Không giống như tác phẩm điêu khắc và hội họa có thể di chuyển đến bất cứ đâu, việc sắp đặt thường hoạt động với các không gian đặc thù. Một trong những đặc trưng của tác phẩm sắp đặt là chúng có tính tương tác cao với người xem. Sự tương tác mạnh mẽ này đòi hỏi người nghệ sĩ phải đảm nhận trách nhiệm kiến trúc: từ thiết kế tác phẩm, xây dựng, lắp đặt, tiến hành đo đạc không gian trưng bày, lên kế hoạch hậu cần để đưa vật liệu sắp đặt vào không gian và thi công.
Như vậy, nghệ thuật sắp đặt vượt ra ngoài bức tường trắng để hoạt động trong không gian ba chiều, bốn chiều.
Có thể nói, Văn Ngọc thực hiện ngôi nhà từ góc độ tư duy của một người nghệ sĩ coi khối kiến trúc nhà ở kia là một tác phẩm sắp đặt khổng lồ, và trong ấy là những tác phẩm nhỏ hơn thuộc các loại hình nghệ thuật khác nhau trên mặt phẳng 2 chiều, 3 chiều hay tổ chức không gian đa chiều, được bố trí một cách khoa học ở các gian phòng khác nhau.
Tác giả đã thực hiện ý tưởng đó từ những năm 1995 mà không có một bản phác thảo cố định nào. Ban đầu, nơi đây chỉ đơn thuần là ngôi nhà cấp 4 nhằm mục đích trú mưa trú nắng, sau đó ông mở rộng không gian bao bọc chúng vào nhau. Cấu trúc đan lát với những cột chống vững chãi tạo nên nét đặc trưng cho không gian riêng biệt để cuộc hành trình nghệ thuật tiếp diễn.
Ông chia sẻ: “Tôi vẫn tiến hành đổ cột vào tháng 4 vừa qua, lúc nào cảm thấy không ổn thì tiếp tục sửa, giống như khi mình làm một tác phẩm nghệ thuật.
Suốt gần 30 năm qua, ông làm việc sát sao cùng đội thợ địa phương, đảm bảo tính tỉ mỉ đến từng viên gạch. Cách tiếp cận nghiêm túc và chuyên nghiệp như khi nghệ sĩ làm tác phẩm chứ không đơn thuần là xây dựng một ngôi nhà để ở.
Nhưng chính công năng “ở” khiến “Nhà tù” có sự sống riêng biệt
Nếu chỉ mở ra như một bảo tàng hay phòng trưng bày đón khách tham quan, “Nhà tù” chẳng có gì khác biệt. Cách tiếp cận công trình như một tác phẩm nghệ thuật là một phần nhưng chính công năng “ở” đã khiến nó trở nên mới mẻ, tạo ra những tương tác vừa quen thuộc vừa khác lạ cho người xem.
Nhà thiết kế lừng danh Paul Frankl từng nói: “Bức tranh có thể được giải thích và từ đó làm hồi sinh sự sống của nó, bởi hình vẽ vẫn nằm trong đó. Nhưng một tòa nhà sẽ chết ngay khi sự sống của nó biến mất, ngay cả khi chúng ta biết phong tục của những người từng thuộc về nó.”
“Nhà tù” là một biểu hiện sinh động cho sự sống đó. Tất cả mang hơi thở của con người trong từng khoảnh khắc, ăn nhập vào sinh hoạt của mỗi thành viên trong gia đình. Từ đây, tác phẩm nghệ thuật không chỉ đơn giản phục vụ nhu cầu thưởng lãm như ở bảo tàng, gallery, mà kết nối gắn bó sâu sắc với các hoạt động thể chất lẫn tinh thần của từng cá thể.
Vì là không gian sống nên “Nhà tù” chỉ đón khách vào cuối tuần và cũng hạn chế số lượng ghé thăm. Khách có thể đặt lịch hẹn trước và mỗi lần đến được tự nhiên như ở nhà mình. Không gian và ánh sáng ở đây thay đổi làm chúng ta liên tưởng tới những câu chuyện, những sự kiện, những khoảng khắc diễn ra trong đời sống xã hội.
Khích lệ tự do tư tưởng
Khi nhắc đến nhà tù, người ta lập tức nghĩ đến những trại giam giữ mà ở đó tù nhân bị nhốt, cưỡng bức và tước đoạt các quyền tự do thuộc thẩm quyền của bất cứ một quốc gia nào trên thế giới. Ở Việt Nam, khi kể tên một nhà tù nổi tiếng, người ta không khỏi nghĩ đến “địa ngục trần gian” khiến cả thế giới bàng hoàng, nơi mà khoảng 20.000 người Việt thuộc nhiều thế hệ bị giam cầm và hy sinh.
Dù biết với tác giả, nghệ thuật là không giải thích, nhưng khi dùng tên gọi “Nhà tù” cho công trình này, liệu bên trong ông hẳn có cái nhìn giễu nhại với lịch sử và thời cuộc? Cũng có thể, đây là cách nói ẩn dụ tùy thuộc vào hiểu biết nông sâu của từng cá nhân mà suy đoán và phán xét. Phải chăng trong cuộc đời, ai ai cũng có một nhà tù cho riêng mình, một nhà tù mang tính địa lý và một nhà tù tâm thức? Đó có lẽ là câu hỏi mà người ta phải tự vấn xuyên suốt cuộc đời mình, quan trọng là định nghĩa tự do, liệu rằng con người có thể tự do trong một xã hội hãy còn nhiều định kiến và áp chế chính trị?
Với Văn Ngọc, nghệ thuật thuần túy luôn tôn trọng cảm xúc và ý kiến của người xem. Theo cách hiểu này, nghệ thuật mang ý nghĩa trắc ẩn hơn. Nghệ sĩ mượn câu chuyện chính trị, sóng thần, chiến tranh biên giới phía Bắc nơi ông từng tham gia như một người bộ đội… để làm nghệ thuật, nhưng cái kết thì luôn luôn gợi mở. Sự tự do về mặt tâm thức dẫn ông đến cách tiếp cận ấy. Đó là một tiếng nói mở, khuyến dụ người xem đóng góp và thể hiện mình.
Khi nói về tính tự do tâm thức này, tôi liên tưởng đến câu chuyện Henry David Thoreau kể trong cuốn sách “Bất tuân dân sự”. Một lần, Thoreau bị giam dữ một đêm vì không đóng thuế thân, khi ngắm nhìn bức tường đá ngăn cách ông với đồng bào mình, vị triết gia không cảm thấy bị giam cầm, dù chỉ một khắc, và bức tường kia như sự phí phạm đá và vữa. Điều đó nhấn mạnh rằng không một động lực nào từ bên ngoài có thể kiểm soát lý trí và đạo đức của con người, nếu họ không cho phép điều đó xảy ra.
Với “Nhà tù Văn Ngọc”, những câu chuyện ẩn sau ngôn ngữ nghệ thuật ấy cũng đồng thời truyền tải một ý niệm sâu sắc về sự tự do. Nếu một người biết tự do tư tưởng, tự do tưởng tượng thì không một ai có thể cản trở tư tưởng của anh ta, mặc kệ anh ta đang ở đâu và rơi vào hoàn cảnh nào.
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)