Trị triệu và chữa lành (Phần 1): Nghệ thuật nhảy múa trị liệu – Giải phóng thân-tâm khỏi mọi phiền nhiễu
Khi cuộc sống thường nhật trở nên tù túng, con người ta mong cầu sự tự do hơn cả. Khi những tổn thương và đau khổ diễn ra, người ta lặp đi lặp lại về sự chữa lành. Ở ngoài kia, có vô số phương pháp giúp tâm an tịnh nhưng không phải phương pháp nào cũng phù hợp với tất cả. Có người tìm về yoga, có người thiền định, có người thực hành chánh niệm, có người trở về thiên nhiên,… Nhưng khi nhắc đến sự tự do thân thể dẫn đến giải phóng về mặt tinh thần, tôi bèn nghĩ đến nhảy múa trị liệu.
Lịch sử nhảy múa hãy còn là một bí ẩn. Nhưng, những bằng chứng khoa học suy đoán rằng nhảy múa có nguồn gốc từ 5.000 đến 9.000 năm trước, trong nền văn hóa nông nghiệp sơ khai ở dải đất từ Pakistan hiện tại đến lưu vực sông Danbube. Khảo cổ học phát hiện những dấu ấn vũ điệu trong hầm đá Bhimbetka 10.000 năm tuổi ở Ấn Độ, hay lăng mộ Ai Cập cổ đại từ 3.300 năm trước Công nguyên. Mỗi điệu múa đều thể hiện truyền thống, phong tục riêng của từng vùng đất, tôn giáo và tín ngưỡng.
Múa được thực hiện trong các nghi lễ tôn giáo hay shaman nhằm giao tiếp với thần linh, qua đó nhờ thần linh giúp đỡ điều mình mong muốn. Chuyện pháp sư múa cầu mưa được nhắc đến nhiều trong các tài liệu cổ của Trung Quốc. Khiêu vũ cũng là nghi lễ tinh thần quan trọng của xã hội Ai Cập cổ đại, tương tự, là dấu ấn quan trọng hàng đầu của người dân Phi châu. Những điệu múa nghi lễ đa dạng được thực hiện ở khắp mọi nơi, từ đền thờ đến các lễ hội tôn giáo như nghi lễ Rasa ở Ấn Độ, điệu múa Chăm của Tây Tạng, hay ở Việt Nam có múa Lục Cúng thường xuất hiện trong dịp lễ Phật Đản, lễ Vu Lan bồn.
Nghệ thuật nhảy múa trị liệu: Giải phóng thân-tâm khỏi mọi phiền nhiễu
Nhảy múa “nguyên thủy” luôn gắn liền với giá trị tinh thần sâu sắc, nhằm kết nối bên trong mình và các thành viên từ nhóm nhỏ đến những nhóm lớn hơn. Đó là sự kết nối vô hình thiêng liêng mà những động tác uyển chuyển của cơ thể mang lại, dẫn đến giải phóng tâm trí và đưa tinh thần con người đến một chiều sâu tâm linh của an nhiên và tự do.
Thi hào lỗi lạc Rumi (1207 – 1273) từng nói rằng: “Hãy di chuyển bên trong, nhưng đừng di chuyển như cách bạn di chuyển vì sợ.” Ông nổi tiếng bởi vũ điệu xoay tròn đặc biệt như cách trẻ con vẫn thường làm. Bằng cách đứng tại chỗ, ở bất cứ nơi nào, không gian nhỏ hay rộng, không quá quan trọng, Rumi quay trong nhiều giờ cho đến khi cơ thể còn cho phép. Khi xoay tít như vậy, ông cảm giác tâm trí mình tĩnh lặng và đạt giải phóng. Nhiều người nghĩ ông ấy điên rồ, nhưng không biết rằng sau mỗi lần kiên nhẫn xoay, ông đã trở thành một con người khác. Những tín đồ của Rumi không được để lại nhiều kinh sách, mà quý giá nhất là điệu múa xoay vòng cùng những bài thơ đẹp mà ông hát sau mỗi lần xoay và ngã.
Câu nói “hãy di chuyển vào bên trong, nhưng đừng di chuyển vì sợ hãi” của Rumi cũng có tính cách mạng. Điệu múa mà ông thể hiện đã chứng minh cho điều đó. Bằng cách tập trung vào sự xoay tròn của cơ thể, một cách phóng khoáng và tự do, tâm trí sẽ cộng hưởng bởi tính tự do ấy để đạt đến giải thoát khỏi những muộn phiền và sợ hãi bên trong. Bởi Rumi là bậc thầy hiểu biết về mối quan hệ giữa thân lẫn tâm. Thân không giải phóng, tâm không thể giải phóng. Thân còn ràng buộc, tâm còn mắc kẹt. Thân còn chưa thả lỏng, tâm còn chưa thể thả lỏng. Thân – tâm tuy hai mà một. Điệu múa xoay tròn tại chỗ ấy của Rumi còn siêu việt hơn ở chỗ, bạn chỉ cần giữ cho mình một tâm điểm, xoay quanh tâm điểm đó, thân và tâm từ ấy mà trở nên vững chãi. Bạn chẳng cần đi đâu xa, chỉ cần một khoảng không gian địa lý đủ để xoay, nghĩa rằng sự giải phóng tinh thần không phụ thuộc xung quanh. Khi không bị phụ thuộc vào bất cứ điều gì, thì người ta lại càng dễ đạt tiêu dao du như Trang Tử đã nói. Tức là thuận theo thiên tính, không tùy thuộc một cái gì, hòa đồng với vạn vật và vô vi (làm mà như không làm).
Hẳn rằng, khi Rumi múa, ông cũng cảm thấy như không múa. Xoay tròn mà như không xoay tròn. Vì lúc này, thân tâm hoàn toàn rơi vào trạng thái giải phóng.
Thực chất, nhảy múa trị liệu không nhất thiết phải theo đuổi một hình thức cụ thể nào. Bạn có thể tự sáng tạo động tác cho mình, miễn là thoải mái với những động tác ấy. Trong căn phòng làm việc khiêm tốn, bạn có thể bật bản nhạc Four Season của Vivaldi giàu năng lượng, ngồi một chỗ, hoặc đứng lên, tự thể hiện lối nhảy múa theo ý mình. Khi tự biên tự diễn cách thức nhảy múa, bạn bắt đầu cảm thấy không bị ràng buộc, dần dần, bạn rơi vào trạng thái phiêu, tâm trí không một suy nghĩ nào ngoài cảm giác thăng hoa được giải phóng.
Sự tự do về thể xác khi nhảy múa là một phần, nhưng quan trọng hơn nữa, đó là sự tự do về mặt cảm xúc. Bạn chớ nên kiềm chế những cảm thọ bên trong mình mà bộc lộ chúng ra một cách tự nhiên. Bạn muốn khóc, hãy khóc. Bạn muốn cười, hãy cười. Bạn muốn la hét, cứ la hét. Bạn muốn ngồi bệt xuống quằn quại trong điệu múa, hãy như vậy. Cái cốt yếu của nhảy múa trị liệu là giải phóng suy nghĩ khỏi các ràng buộc, giải phóng cơ thể khỏi các định kiến. Khi thấu hiểu điều này, bạn sẽ bỏ qua việc mình đang nhảy múa ra sao, mà cảm nhận mình đang thực sự như thế nào.
Hình thức múa như một cây cầu để bạn chạm vào bản thể cao hơn của chính mình. Khi chạm vào bản thể cao hơn này, bạn hiểu rõ chính mình đang ôm giữ những năng lượng tiêu cực ra sao, học chấp nhận và đối diện trọn vẹn với chúng. Bởi chỉ có vậy, nhảy múa mới giúp ích bạn, còn không, nó chỉ đơn giản là một sự vận động thể chất đơn thuần.