ART & LIFE

Hom Nguyen tôn vinh Edith Piaf bằng bức chân dung xuất thần

Jul 25, 2021 | By Trang Ps

Hom Nguyen, sinh ra và lớn lên tại Pháp, sau khi trải qua nhiều thăng trầm tuổi thơ và từng kiếm sống bằng nghề đánh giày, vẽ giày, anh đã trở thành hoạ sĩ sáng tác các bức chân dung khổ lớn ấn tượng. Bức vẽ “chim sẻ” nước Pháp – huyền thoại Edith Piaf của Hom Nguyen đã gây nhiều tiếng vang và nhận được nhiều tình cảm từ giới đam mê nghệ thuật.

Phụ nữ là một trong những chủ đề được Hom tập trung khai thác bởi mẹ là người truyền cảm hứng nghệ thuật cho anh từ thời thơ ấu. Một trong những nhân vật mà khắc hoạ là Edith Piaf, tác phẩm hiện vẫn được trưng bày tại bệnh viên Tenon, nơi bà được sinh ra.

Có thể nói nghệ thuật của Hom Nguyen là cầu nối giữa cái vô hình với hữu hình, những ý tưởng chợt đến, những ảo ảnh mơ hồ hay những giấc mơ thoáng qua.

Các tác phẩm của Hom đều được sử dụng chì than, màu nước, sơn dầu hay thậm chí là bút viết để sáng tác. Việc lựa chọn màu sắc, ứng dụng vật liệu hay sự linh hoạt trong đường nét của Hom đã cho thế giới thấy sức tưởng tượng của anh về con người đã vượt ra khỏi vẻ bề ngoài, thay vào đó, anh nắm bắt và vượt lên trên chiều sâu của cảm xúc và sự phức tạp nội tâm vốn dĩ đang lấn át tâm trí con người.

Đặc trưng của phong cách chân dung kiểu Hom Nguyen là những đường nét đan xen trên mặt vải canvas, rất tự do, đầy ngẫu hứng và chẳng biết hoạ sĩ đã bắt đầu từ đâu kết thúc tại đâu. Sự hỗn độn của những nét vẽ lại giúp lột tả một nội tâm phức tạp nào đó mà mỗi người xem có một sự đón nhận khác nhau.

Một trong những tác phẩm thuộc series “Sans Repère”(Without Bearings) của Hom Nguyen

Hom Nguyen cũng từng khám phá những series khá táo bạo như “Sans Repère”(Without Bearings) vào đầu năm 2016, tập trung vào trẻ em châu Á không có miệng, thể hiện một vấn đề quan trọng về phúc lợi và quyền trẻ em: thế giới hiện đại có tước đi tiếng nói của những đứa trẻ? Về một quan điểm mang tính triết học hơn, Hom muốn thể hiện trực diện “vũ trụ” bên trong họ ngay cả khi miệng, cơ chế biểu đạt, đã bị tước bỏ.

Sau đó, những gì người xem tập trung vào là mọi thứ khác: tai, mắt, mũi và ánh mắt dường như đang nhìn chằm chằm vào chúng ta – chúng ta có thực sự đang nhìn vào những gì anh muốn chúng ta thấy không? Chúng ta có thực sự ‘nhìn thấy’ những đứa trẻ theo cách họ là ai không?

Có lẽ nỗi ám ảnh về khuôn mặt của Hom phản ánh những gì anh trải nghiệm khi là một cậu bé Châu Á sinh ra trong gia đình người nhập cư ở Pháp. Quan điểm của Hom về thái độ đối với người châu Á là những người “không nói, không nghe, không thấy” cho thấy sự khó khăn của một người ngoài cuộc.

Mẹ trong vũ trụ nghệ thuật của Hom Nguyen

Focus: Artist Hom Nguyen

Mẹ của Hom– bà Lan – là một người phụ nữ Việt Nam khép kín và không biết tiếng Pháp, hằng ngày làm công việc phụ giúp ở một tiệm cắt tóc. Khi cậu bé Hom Nguyen mới tròn hai tuổi, tai hoạ đã giáng xuống gia đình nhỏ, mẹ anh bị tai nạn ô tô trên đường cao tốc khi đi làm về, khiến bà bị liệt. Tuổi thơ của Hom Nguyen phải trưởng thành trước tuổi, vừa quấn quít bên mẹ vừa xoay sở với cuộc sống muôn vàn khó khăn trên một đất nước xa lạ. Cậu bé nhỏ đã phải bung nở nội tâm so với vẻ bề ngoài.

Cho đến bây giờ, hoạ sĩ Hom vẫn nhớ như in cảm giác được đánh thức dậy bởi mùi gia vị từ nồi phở mẹ đang ninh trong bếp. Khi đó Hom Nguyen đã lớn hơn và mẹ anh cũng đã hồi phục hơn. Vừa chan tô phở mẹ của hoạ sĩ Hom vừa giảng giải cho anh về triết lý đằng sau cách nấu ăn của người Việt: sự kết hợp cầu kì các loại gia vị và thảo mộc, có sự cân bằng, âm và dương. Lớn lên trong xã hội Pháp, về nhà với một người mẹ thuần Việt, hai thế giới đã cùng tác động tới lòng nhiệt thành của cậu bé Hom Nguyen, khiến cậu thiếu niên khi đó thăng hoa trong những môn thể thao đường phố patin và sau này là trong hội hoạ.

Hom Nguyen tôn vinh Edith Piaf qua bức hoạ được treo ở bệnh viện nơi cô sinh ra

Hom Nguyen sáng tác bức chân dung dựa trên những xúc cảm của anh với cuộc đời của Edith Piaf

Năm 2019, tại bệnh viên Tenon, phía đông Paris, Hom Nguyen đã vẽ một bức chân dung khổ lớn để tưởng nhớ Edith Piaf, nơi mà nữ danh ca huyền thoại của nước Pháp chào đời. Tác phẩm có kích thước 9 x 3,6m được lắp đặt trên một bức tường của khu hộ sinh đã thể hiện lòng kính trọng của Hom Nguyen với “đứa trẻ” được sinh ra trong chính cái nôi của mình. Bên cạnh đó là bức 280 cm x 180 cm được đặt trong sảnh của toà Meynel mới tại bệnh viện. Những bức hoạ vẫn được trưng bài tại bệnh viện cho đến thời điểm hiện tại.

Dù nhiều biến cố nhưng “Chim sẻ nhỏ” nước Pháp đã chọn sống một cuộc đời đẹp cùng tiếng hát đầy cảm xúc và sự chân thực của mình

Có lẽ, Hom Nguyen nhìn ra những điểm chung giữa Edith Piaf và mẹ của anh là bà Lan khi cả hai người phụ nữ đều trải qua cuộc đời kém may mắn nhưng lại luôn giữ vững lòng chân thành, mộc mạc, lan toả hơi ấm tới những người xung quanh. Bên cạnh đó, Edith Piaf từng tới vùng biên giới và nói chuyện với những người con của người nhập cư như cách mà Hom đã làm. Cuộc đời của Edith Piaf như tác động mạnh mẽ tới Hom Nguyen khiến anh phải cầm cọ lên, tinh lặng, và thăng hoa với từng nét vẽ, vệt màu để tạo nên tuyệt tác về một tượng đài được kính trọng qua hàng thập kỷ.


 
Back to top