Ngọn lửa dưới tàn tro (phần 2)
Ví nghệ thuật An Nam như “ngọn lửa ngủ quên dưới lớp tro dày”, Alix Aymé đã đưa ra những quan điểm và ý tưởng trong việc làm sao để giúp người dân và học trò An Nam có được sự tiếp cận với nghệ thuật, cảm thụ nghệ thuật và sáng tác nghệ thuật.
Art Republik xin tiếp tục đăng tải phần cuối bài viết “Ngọn lửa dưới tàn tro” của Alix Aymé trên tạp chí Les Pages Indochinoises ngày 15 tháng 3 năm 1924.
Ngay từ những năm đầu tiên đặt chân đến Đông Dương, khi Trường Mỹ thuật Đông Dương chưa ra đời, Alix Aymé đã có những trăn trở về giáo dục nghệ thuật ở An Nam với tư cách “Người thầy châu Âu”. Thông qua những bài viết của bà trên các tạp chí đương thời, ta thấy được thêm một hình ảnh về bà, không chỉ là một họa sĩ, một người có công trong việc tìm tòi và phục hưng nghệ thuật sơn mài Việt Nam ở Đông Dương, mà còn là một người làm giáo dục đầy tâm huyết và tận tụy. Bà cũng có chung một tư tưởng lớn với Victor Tardieu, dù ở thời điểm năm 1924 có thể hai người chưa có những kết nối với nhau. Đó là, cả hai đều mong muốn thành lập một bảo tàng mỹ thuật phương Tây ở Hà Nội.
Những bài viết của Alix Aymé còn thể hiện bà là một cây bút phân tích sắc sảo khi trình bày các luận điểm, cũng như văn phong của bà có “độ dầy” và phức tạp về ngôn ngữ, cách viết ví von giàu hình ảnh liên tưởng, nhiều trích dẫn đến những tác giả khác. Chúng tôi đã cố gắng mang tới độc giả bản chuyển ngữ sát thực và dễ hiểu nhất, cũng như chủ động thêm vào phần chú giải bên lề, tuy đôi chỗ có thể sẽ không tránh khỏi những thiếu sót.
[…]
Vậy nên, chúng ta không thể bám vào những lời khuyên tiêu cực. Nhổ cỏ dại, cắt tỉa một vài nhành cây là không đủ, cây xanh cũng sẽ chết nếu không tìm thấy trong đất và trong không khí các thành phần phù hợp. Bí ẩn của tương lai ngụ trong chính nhựa sống: sự úa tàn hay sự sinh sôi. (Ta sẽ muốn bẻ một vài cành cây con trong khu vườn mỹ thuật An Nam, để nhìn thấy sự dâng trào nhựa sống trong khu vườn đó, như ta tìm kiếm trước khi xuân đến, trên những thớ vỏ của một cành hoa tử đinh hương bé nhỏ, lời hứa hẹn thầm ẩn của những đóa hoa…). Thế nên, ta hãy lập tức nói rằng mầm xanh tươi mọng sức sống trên cái cây xinh đẹp này đến từ đâu, hãy lập tức nói rằng chẳng có nguồn dưỡng chất nào cần thiết cho nghệ thuật hơn nguồn dưỡng chất mà nó hút trong lớp đất thực tại nơi nó bắt rễ.
Ngay cả các loại hình nghệ thuật ít mang tính hiện thực nhất, những nghệ thuật mà ở đó trí tưởng tượng và tính tượng trưng dường như đóng vai trò hàng đầu, cũng vẫn cần đến những quan sát thực tế. Sự cách điệu hóa bay bổng nhất cũng không thể thực hiện được khi không dựa trên một điều gì. Ở gốc rễ của các họa tiết trang trí lạ thường nhất, người ta luôn tìm thấy nét hiện thực nào đó. Cả trong nghệ thuật An Nam, những biểu tượng tôn giáo thường gặp nhất, tám vật quý (bát bảo), tám vị thần (bát tiên), tám linh thú (bát vật), tám loài cây quý đều bắt rễ sâu chặt vào trong hiện thực. Mới đây, báo chí còn cho biết người ta có thể đã phát hiện được một hóa thạch ở Trung Quốc, một hóa thạch cho thấy mọi đặc tính của loài rồng nổi tiếng trong nghệ thuật trang trí. Loài rồng đó có thể chỉ là “lời đồn không có thực”, nhưng nó vẫn là thực nhờ vào các đặc tính quan sát được trong tự nhiên và được sắp xếp lại cho mục đích trang trí, điều này làm con rồng của các nghệ sĩ An Nam có được sức sống chân thực của nó.
Vậy, nghệ thuật ở Bắc Kỳ không có những khởi nguồn khác biệt về bản chất so với những nền nghệ thuật mà chúng ta thấy đang phát triển rực rỡ ở những nơi khác – nhưng nó dường như đã “ngủ quên dưới những lớp tro dày”. Điều mà, chúng tôi nghĩ rằng, nó đã từng được sưởi ấm ở cái bếp lửa duy nhất là tín ngưỡng, một tín ngưỡng ngày càng hư hoại dần thành mê tín dị đoan. Ta biết các họa tiết nguyên thủy đã bị phân cấp hóa, quy tắc hóa, không thể thay đổi bởi các quy chế cung đình như thế nào. Nếu người An Nam cũng có những cảm xúc khác để biểu đạt như người châu Âu thì chắc chắn rằng họ đã tự sáng tạo nên một ngôn ngữ nghệ thuật uyển chuyển hơn và mãnh liệt hơn. Nhưng cái mạng thít chặt của hoàn cảnh xã hội hẳn đã không cho phép họ làm một điều gì khác ngoài sống theo kiểu chậm rãi, kiểu sống có lẽ cũng có nét duyên dáng nào đó, trong một khí hậu khiến người ta hay bải hoải.
Nếu không mạnh dạn làm sống lại sự dần tê liệt của các năng lực tưởng tượng và quan sát, sẽ không thể dựa trên những viễn tưởng phi lý để đặt niềm hy vọng vào một tương lai khác. Bầu không khí tự do, bầu không khí mà nước Pháp nỗ lực giúp những người dân ở xứ bảo hộ làm quen một cách thận trọng và từ tốn, bầu không khí này sẽ giúp phục hưng nghệ thuật cũng như mọi lĩnh vực hoạt động xã hội, như thương mại hay nông nghiệp.
Tính trung thực [sự tôn trọng các chân lý] trong tri thức, là những yếu tố tiên quyết mang lại niềm vinh dự cho các bộ môn khoa học, là điều có thể truyền đạt được theo những cách đặc thù nhất, nhưng trên thực tế lại không có nhiều tác dụng đối với các học sinh bảo thủ và có những định kiến riêng. Còn tính trung thực trong đạo đức và trong nghệ thuật là những yếu tố chúng ta nhất định phải quan tâm đến, cũng sẽ không khác biệt mấy so với tính trung thực trong các bộ môn khoa học khác.
Trong hành động thu thập dữ liệu và phát minh của nhà khoa học luôn có một người nghệ sĩ ghi chép và tưởng tượng. Một đồng nghiệp của tôi, Pierre Foulon (1), mới đây đã chia sẻ về niềm vui của người thầy khi thấy tâm trí của một học trò trẻ tuổi đã trở nên rộng mở và đạt được những năng lực quan sát hoàn toàn mới mẻ nhờ sự dạy dỗ của mình, và dần trở nên tự tin qua những thành công bằng nỗ lực của bản thân. Niềm vui đó còn là việc nhìn thấy trí óc non trẻ này đã thoát khỏi sự vận hành theo thói quen của ký ức để nhường chỗ cho những ấn tượng ngây thơ ban đầu, những đánh giá mang tính hiện thực và cá nhân.
Có những tương tác kỳ lạ giữa các năng lực của con người và còn có những tương tác phức tạp hơn nữa giữa cá nhân và xã hội nơi cá nhân phát triển. Chính vì vậy nên khi luận bàn về nghệ thuật, chúng ta luôn chạm đến các vấn đề tâm lý… Tôi không hề có ý định xây dựng tâm lý người An Nam từ tiên nghiệm trong vòng năm mươi năm hay thậm chí chỉ hai mươi lăm năm. Nhưng liệu rằng ta có thật sự hiểu biết về một dân tộc hay đó mới chỉ thoáng nhìn qua? Một dân tộc mà ở họ, ý thức cá nhân rồi cũng sẽ phát triển, [trở nên] sâu sắc hơn, đức tính kiên nhẫn từ cha ông để lại sẽ giúp họ say mê nghiên cứu về một thế giới ngày càng bớt đi những nỗi sợ hãi và thêm nhiều niềm yêu mến. Đất nước này, khi trở nên phồn thịnh, sẽ mang lại cho các nghệ sĩ trang trí một lượng khách hàng đông đảo hơn nhưng cũng khó tính hơn. Đó sẽ là lớp công chúng muốn tìm lại những khát vọng, những cảm xúc và những cảm hứng của họ trong tác phẩm nghệ thuật.
Nhưng thông qua hiệu ứng phản hồi, ta cũng thấy hiệu ứng này trong các lĩnh vực khác, nghệ thuật, ngay từ lúc nó tìm lại được sự trẻ trung và sức mạnh trong bầu không khí của sự chân thật, sẽ dành năng lượng để chinh phục các tín đồ mới. Khi tỉnh thức, nghệ thuật trở thành điều thức tỉnh.
Chính vì lý do quan trọng này mà tôi mong muốn nhìn thấy nước Pháp đặt việc khởi xướng, tạo cho công chúng những tiếp xúc đầu tiên với nghệ thuật lên vị trí hàng đầu trong nhiệm vụ giáo dục. Cần phải có một bảo tàng ở Hà Nội, không chỉ dành cho các học sinh chuyên ngành nghệ thuật mà còn cho mọi học sinh thuộc chương trình bổ túc, dù đó chỉ là một bảo tàng khiêm tốn, có bản sao của những kiệt tác cổ điển và cũng có thể có bản gốc của những tác phẩm hiện đại (Bảo tàng Louvre có cung cấp bản sao chất lượng của những kiệt tác với giá phải chăng). Với bảo tàng này, thuộc địa sẽ có một phương tiện truyền tải nghệ thuật hấp dẫn.
Nếu ta có thể nhìn được [kết quả của việc giáo dục trên] thông qua một vài tác phẩm đáng khen ngợi đang được trưng bày ở các cuộc triển lãm thường niên ở Chính quốc, các tác phẩm “được Chính quyền Đông Dương mua“, tôi nghĩ rằng thuộc địa sẽ giữ vai trò như Mécène (2) và sẽ tìm thấy lợi thế ở vai trò đó vì nhiều lẽ. Còn về các bức tranh, có lẽ vì lý do khí hậu mà người ta quyết định không đưa chúng đến đây, nhưng việc có một bộ sưu tập các bản sao chất lượng của những phòng trưng bày lớn ở châu Âu, được đóng khung và lồng kính, cũng mang lại lợi ích rõ ràng không kém. Không có công trình thư viện nào sẽ thay thế được bảo tàng.
Ta chẳng nên e ngại việc này, việc phát triển giáo dục lên các tầm cao mới! Nghệ thuật là bánh mì của tinh thần cũng như là môn học sơ đẳng nhất trong các môn học ở nhà trường, và người ta chưa đưa nghệ thuật vào chương trình giáo dục thông thường là do băn khoăn với những tư tưởng lạ thường về vai trò xã hội của nghệ thuật. Văn chương không thể một mình đảm đương nhiệm vụ truyền đạt cho học sinh An Nam những bí ẩn của nền văn hóa của chúng ta, nền văn hóa mà, nếu chỉ thông qua một vài khía cạnh, rất khó có thể chạm đến. “Toàn bộ tinh thần của một tác giả nằm ở việc định nghĩa chính xác và vẽ chính xác“, La Bruyère (3) đã nói như vậy. Câu nói này đúng, nhất là khi nói về các tác giả người Pháp và cách tốt nhất để các học sinh bắt đầu tìm hiểu các tác giả này có thể sẽ là một bài giảng hình họa và hội họa, bài giảng được hoàn thiện nhờ những chuyến tham quan thường xuyên các tác phẩm nghệ thuật tạo hình của nước Pháp.
Chính Gide (4), tôi nhớ vậy, là người đã viết rằng người Đức khác với người Pháp ở việc họ không biết vẽ. Và tôi muốn viết ra ở đây, bằng cách diễn đạt lại kết luận mà ông Pujarniscle (5) đưa ra trong những bài báo đáng chú ý của ông ấy về người bản xứ và văn chương thuộc địa, rằng: Bất cứ thành công nào mà nền văn hóa Pháp đạt được ở những lĩnh vực khác, nếu không thành công trong việc khơi dậy một phong trào yêu thích nghệ thuật tạo hình trong cộng đồng người An Nam – dù chỉ là một phong trào yếu ớt – thì có thể nói rằng mục tiêu chính mà chúng ta đang hướng tới trong sự nghiệp giáo dục tại xứ này đã bị bỏ lỡ.
Nhưng tôi tin rằng cái ngày mà nghệ thuật An Nam sẽ chiếm giữ một vị thế có thể sánh được với vị thế của nghệ thuật Nhật Bản sẽ chẳng còn lâu nữa. Những lo ngại về “tình cảm chủng tộc” trong văn chương mà ông Pujarniscle bày tỏ trong đoạn viết trên đã không xảy ra với lĩnh vực nghệ thuật thuật tạo hình.
Hãy đưa các học sinh của chúng ta đến trước thiên nhiên, hòa mình vào thiên nhiên, đến trước một cái cây, trước một loài vật và dạy cho chúng biết quan sát, thấu hiểu và vẽ. Là người thầy, chúng ta hãy chỉ nên can thiệp vào những chỗ có liên quan đến các nguyên tắc chung quan trọng về bố cục, tính hài hòa và việc sử dụng phù hợp các dụng cụ vẽ, về cách tôn trọng các chất liệu sử dụng trong sáng tác. Cuối cùng… phong cách chính là người. Chúng ta hãy tạo nên các cá tính, nuôi dưỡng tâm hồn, khai mở tâm trí và hơn hết, chúng ta sẽ đánh thức được phong cách, làm sống dậy vẻ đẹp còn đang ngập ngừng e ấp, phủi đi lớp tro dày mịn khỏi đóa hoa lửa diệu huyền.
Tác giả: Alix de Fautereau-Vassel (Alix Aymé)
Chuyển ngữ bởi Sity Maria Cotika. Giới thiệu, hiệu đính và trình bày ảnh bởi Sơn Ca, với sự cố vấn của nhà nghiên cứu Phạm Long.
Phần chú thích dưới đây thực hiện bởi Phạm Long (riêng chú thích số 2 của Sity Maria Cotika).
(1) Pierre Foulon (không rõ năm sinh, năm mất): giáo sư dạy môn triết học tại Trường Trung học Bảo hộ (Trường Bưởi) Hà Nội, trong những năm 1920-1930.
(2) Mécène (hay Caius Cilnius Maecenas, 68-8 trước CN): chính trị gia người La Mã, một người thân tín của hoàng đế Auguste. Ông được biết đến vì đã dành hết sản nghiệp và sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để khuyến khích sự phát triển của văn chương nghệ thuật.
(3) La Bruyère (Jean de La Bruyère, 1645-1696): nhà văn, nhà đạo đức học người Pháp. Ông được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp năm 1693. Ông dành 10 để năm viết “Caractères” (Tạm dịch: Những tính cách xuất chúng) và gần 10 năm nữa để sửa chữa, bổ sung. Năm 1688, tác phẩm này được xuất bản và thành công vang dội. Trong cuốn sách này có một đoạn nổi tiếng đã được Alix Aymé trích dẫn một phần:
“Tout l’esprit d’un auteur consiste à bien définir et à bien peindre. Moïse, Homère, Platon, Virgile, Horace ne sont au-dessus des autres écrivains que par leurs expressions et par leurs images: il faut exprimer le vrai pour écrire naturellement, fortement, délicatement.”
Tạm dịch: “Toàn bộ tinh thần của một tác giả bao gồm việc định nghĩa chính xác và vẽ tốt. Moses, Homer, Plato, Virgil, Horace vượt trội hơn các nhà văn khác chỉ bởi cách diễn đạt và hình ảnh của họ: người ta phải diễn đạt sự thật để viết một cách tự nhiên, mạnh mẽ, tế nhị.”
(4) Gide (André Gide, 1869-1951): nhà văn Pháp, đoạt giải Nobel Văn chương năm 1947. Câu văn của ông được Alix Aymé dẫn trong bài là: “Allemand se distingue du Français en ceci qu’il ne sait pas dessiner”.
(5) Pujarniscle (Eugène Pujarniscle, 1881-1951): Tốt nghiệp cử nhân Văn chương năm 1912, ông quyết định sang Đông Dương để hành nghề nhà giáo. Ông cộng tác với các tạp chí như Revue indochinoise, Revue des nouvelles indochinoises hoặc Pages indochinoises, trong đó ông đã xuất bản một số tiểu thuyết phiêu lưu kỳ thú dưới dạng nhiều kỳ trong những năm 1920 và 1930. Các tiểu thuyết của ông mang đến một bức tranh đầy cảm hứng và thơ mộng về Bắc Kỳ, đồng thời bộc lộ sự gắn bó thiết tha của ông với xứ Đông Dương, với phong tục tập quán và triết lý của người dân nơi đây.
Câu văn của ông được Alix Aymé dẫn trong bài là: “… quelque succès qu’elle remporte par ailleurs, si la culture française ne parvient pas à susciter dans les rangs annamites un movement en faveur des arts plastique…”