ART & CULTURE

The Gentleman Issue: Trần Anh Hùng

Jan 08, 2025 | By Nguyen Huu Hon

Sinh năm 1962, bắt đầu sang Pháp định cư sau năm 1975, đạo diễn Trần Anh Hùng là được xem là nhà làm phim gốc Việt có ngôn ngữ điện ảnh riêng và để lại dấu ấn lớn nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới. Trong sự nghiệp vang danh suốt 30 năm, Trần Anh Hùng được biết đến với ngôn ngữ biểu đạt hình ảnh đề cao tính thẩm mỹ, thậm chí không ngại chọn những chủ đề kén khán giả.

Ở Trần Anh Hùng, chúng ta dễ dàng nhận ra một tình yêu nguồn cội, một căn tính Việt Nam, một thứ tiếng Việt đầy ý nhị và dịu dàng như trong mỗi khung hình, ống kính của anh. Trần Anh Hùng đại diện cho một lớp người có ảnh hưởng rất lớn đến nghệ thuật đương đại nước nhà, không ít những nhà làm phim trẻ Việt Nam thành danh từng chịu ảnh hưởng từ anh hoặc được anh nhiệt thành hỗ trợ.

Ngược lại thời gian một chút, 30 năm trước anh đứng ở Cannes với Mùi đu đủ xanh, lần đầu tiên được nghe tiếng Việt được vang lên trong một rạp phim và 30 năm sau, anh làm một bộ phim hoàn toàn về nước Pháp là The Pot-au-Feu. Hành trình 30 năm đó đó với anh có gì đã thỏa mãn và có gì còn trăn trở?

Thoả mãn đầu tiên với tôi chỉ đơn giản là mình đã làm xong một cuốn phim. Vào khoảnh khắc bộ phim đóng máy, tôi đã có thể hình dung ra bộ phim đó đã thành công về mặt nghệ thuật hay chưa. Trước The Pot-au-Feu, tôi có làm một bộ phim là Tôi đến với mưa, nhưng sau cùng vì một vài lý do lại không thể công chiếu. Thậm chí, mâu thuẫn của tôi với nhà sản xuất còn lên đến đỉnh điểm khi phải kéo nhau ra tòa án. Điều đó ít nhiều làm tôi bị phân tâm và mất đi sự mềm mại để thưởng thức lại những cảnh quay của mình. Nhưng điều đó cũng không làm tôi đánh mất đi niềm hạnh phúc khi nhìn “đứa con” của mình đã thành hình.

Thứ nữa là hành trình khai phá và lắng nghe “muôn vị nhân gian”. Những khi không làm phim, tôi luôn dành thời gian để xem phim, nghe nhạc, đi triển lãm. Tôi cố gắng tìm ra những giao điểm và tương tác với rất nhiều nền văn hóa khác nhau. Đó là cách giúp tôi hiểu ra cái đẹp của cuộc đời và tạo ra cái đẹp của riêng mình, làm mình có linh cảm tốt hơn. 30 năm làm phim là sự học hỏi, tìm tòi và thực hành để luôn thấy mình tươi mới. Điều ấy cũng đã tạo nên con người của tôi bây giờ.

Còn để nói về những tiếc nuối và trăn trở thì có lẽ là tất cả những dự án phim của tôi luôn khó tiệm cận đối với thị trường, thành ra mỗi lần đến giai đoạn phải đi tìm tiền để làm phim lại rất gian nan, trắc trở và dài đằng đẵng. Cũng vì thế mà tôi làm phim khá chậm, trung bình cứ 5 năm mới ra một phim. Thời gian đâu có cho chúng ta nhiều lần 5 năm đến thế. Mọi thứ cứ trôi đi không lấy lại được làm tôi luôn đau đáu mỗi khi nghĩ về nó

30 năm cho một hành trình với những chuyển dịch về nguồn cảm hứng và cách khai thác đề tài dù vẫn còn trăn trở, vậy ở tuổi 60 bây giờ, anh thấy những thực hành nghệ thuật và sáng tạo của mình cần khơi mở thêm những gì?

Tôi luôn có một tâm niệm, rằng đã làm gì thì phải cố làm cho thật tốt. “Tốt” trong điện ảnh với cá nhân tôi là phải làm sao để khai thác chủ đề mình chọn một cách điện ảnh nhất có thể. Từ đó, người đạo diễn sẽ dần bóc tách chất liệu, đề tài và mang đến cho khán giả những cảm xúc về điện ảnh, hơi thở của điện ảnh, ngôn ngữ trong điện ảnh, hay nói cách khác, đó là những ý nghĩa và suy tưởng, sự mừng vui, buồn bã mà chỉ điện ảnh mới tạo ra cho người xem.

Những mục đích đó tôi vẫn luôn hướng tới và theo đuổi suốt 30 năm qua, từ khi tôi 30 tuổi, giờ đây đã qua tuổi 60, mọi thứ vẫn vẹn nguyên và là chỉ dấu để mình không đi lạc, thậm chí còn là mảnh đất màu mỡ để mình không ngừng đào sâu.

Với tôi ngôn ngữ điện ảnh rất quan trọng và cần được khơi mở thêm. Bởi vì là ngôn ngữ điện ảnh nên không cần phải có quốc tịch, nhưng nó lại đang gặp phải rất nhiều rào cản. Tôi quan sát thấy thời đại này, ngôn ngữ điện ảnh nhiều khi nghèo hơn cả những năm 1920. Có thể vì bây giờ, khi bắt tay vào làm phim, mọi người thường sẽ quan tâm chủ đề mình lựa chọn là gì, thế nhưng mặt trái là khi bạn quá đặt nặng chủ đề là gì thì đồng thời cũng sẽ quên mất điện ảnh là cái gì. Từ đó, bạn sẽ làm ra những bộ phim rất tồi về điện ảnh (về cả nghệ thuật lẫn ngôn ngữ của điện ảnh).

Nếu có một lời khuyên dành cho những đạo diễn trẻ, thì tôi nghĩ là họ nên tập trung vào những thứ quan trọng hơn chủ đề. Với cùng một chủ đề, một nhà báo cũng có thể kẻ lại nó một cách rành mạch và hấp dẫn, nhưng điều làm cho một đạo diễn khác biệt là tái hiện nó dưới một thứ ngôn ngữ hoàn toàn riêng biệt.

Chúng ta đã quay ngược thời gian để nhìn lại những suy tư của anh 30 năm qua. Nhìn về hiện tại, 30 là một con số gợi nhiều cảm hứng và câu chuyện, nó dễ làm người Việt Nam liên tưởng đến chiều 30 Tết – một không gian mang đậm hơi thở và cảm xúc Á Đông, đó cũng là lúc người ta trở về cội nguồn để nhìn thấy những giá trị tốt đẹp, vậy hãy nói về cội nguồn và căn tính Việt Nam trong điện ảnh của anh. Chất liệu nào của Việt Nam khiến anh muốn khai thác qua ống kính điện ảnh nhất?

Rất khó để tôi trả lời đâu là chủ đề ở Việt Nam khiến tôi yêu thích và muốn khai thác nhất, vì cũng giống như hỏi tôi thích màu gì nhất, biết trả lời thế nào đây. Có lẽ nên tùy thuộc vào từng hoàn cảnh xem khi nào mình cần cái gì nhất.

Có rất nhiều tiểu tiết nhỏ về Việt Nam mà bất chợt gặp cũng khiến mình phải lòng, như là một dáng đi, một mái tóc, khuôn mặt, đôi mắt của người Việt Nam. Thế nhưng khi đưa vào trong phim, phải biết cái gì tiềm năng, cái gì có ý nghĩa, cái gì cần thực hiện. Quá trình sàng lọc ấy đòi hỏi sự khắt khe, hiểu được rằng bản chất của nghệ thuật là phát hiện ra thứ mình đang theo đuổi chứ không phải chủ đề mình phải đuổi theo. Đó cũng là điều làm nên sự khác biệt của một tác phẩm nghệ thuật với một sản phẩm nghệ thuật.

Nói sâu hơn về không gian Việt Nam, qua bộ ba tác phẩm của Vietnam Trilogy là Mùi đu đủ xanh (1993), Xích lô (1995) và Mùa hè chiều thẳng đứng (2000), anh từng nói muốn tái tạo một Việt Nam của riêng anh, vậy chân dung Việt Nam đó được thể hiện như nào?

Tôi nghĩ nó thể hiện qua một mắt nhìn rất cá nhân, không phải là hiện thực của mọi người về Việt Nam mà là hiện thực trong tâm trí tôi về Việt Nam. Khi quay trở về Việt Nam đầu những năm 90, tôi nhận ra một sự mệt mỏi rất lớn ở mọi người, họ phải làm việc quá nhiều, bất cứ thời gian nào, buổi nào trong ngày đều thấy có người gục xuống ngủ gật, có lẽ vì họ quá mệt. Thời điểm đó, một công việc không đủ để nuôi sống bản thân, họ phải làm nhiều công việc khác nhau để mưu sinh. Xích lô ra đời từ những góc nhìn đó của tôi, nó thể hiện sự bươn chải và cảm giác mỏi mệt của người lao động Việt Nam những năm đầu 90.

Chân dung và hiện thực trong điện ảnh nhiều khi chính là phương tiện để thể hiện cảm xúc của đạo diễn ở mỗi tác phẩm. Ngoài ra, bối cảnh trong những tác phẩm cũng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là màu sắc, cấu trúc, rồi thì ánh sáng sắp đặt như thế nào, bóng tối có dụng ý ra sao, tất cả đều là những sự tính toán, lựa chọn rất kỹ để mang lại cảm xúc chân thực nhất cho từng thước phim.

Chúng ta đã nói về Việt Nam, về những chiều 30 đổ về nguồn cội, mặt khác 30 đôi khi cũng là một ngày cuối tháng, vậy hãy nói về những “tháng ngày cuối” của điện ảnh. Có bao giờ anh nghĩ mình sẽ không làm phim nữa? Hay bộ phim cuối cùng của mình sẽ mang dáng hình thế nào?

30 năm với điện ảnh có không ít giây phút tôi thấy chán nản. Ví dụ như ở The Pot-au-Feu, có những lúc tôi nghĩ mình sẽ dừng lại và không làm tiếp nữa, vì phải chờ quá lâu và gặp quá nhiều khó khăn khi đi tìm tiền. Giai đoạn đó khá nhiều “đau thương”, tôi đã nhận không ít những lời nặng nề, có thể những người đó họ không đóng vai trò gì trong phê bình điện ảnh, họ chỉ đọc kịch bản và tưởng tượng rồi dưới góc nhìn thương mại bảo nó không phù hợp, không làm được.

Cách một người kinh doanh đọc kịch bản sẽ khác với đạo diễn đọc kịch bản, không tìm được tiếng nói hay giao điểm chung nhưng vẫn phải gặp gỡ và tương tác với nhau. Nhiều khi đấy là sự chán nản và ngán ngẩm vô cùng. Công việc của đạo diễn là viết kịch bản, ở trên trường quay và trong phòng dựng phim, nhưng đôi khi vẫn phải làm cả những việc không phải chuyên môn nên nhiều lúc nản quá lại nghĩ, hay thôi chẳng cần phải tiếp tục làm phim nữa. Còn bộ phim cuối cùng sao?

Tôi chưa nghĩ đến nhiều như thế, chỉ biết trước mắt sẽ là một bộ phim về Đức Phật như chia sẻ ở trên. Ngài chưa được biết đến nhiều, sẽ rất thú vị nếu làm phim về những di sản tinh thần của Ngài trong suốt 25 thế kỷ, điều đó thật phi thường. Tôi cũng mong muốn được làm một bộ phim về Việt Nam với dàn diễn viên toàn là nữ.

Với nghề đạo diễn anh thấy cần đòi hỏi gì để sáng tạo không đi vào lối mòn, để những kỹ năng và tài năng không nhanh đến tháng ngày “hoàng hôn”?

Là sự kiên trì, sự dũng cảm và sáng suốt. Một đạo diễn giỏi trước hết phải biết rõ ngôn ngữ điện ảnh của mình là gì, không được đánh mất và lãng quên nó. Đấy là kim chỉ nam để mình đi đúng hướng và hơn nữa, biết cách thể hiện những điều giản dị thật độc đáo qua mỗi khung hình. Giữ được sự sáng suốt, kiên trì theo đuổi ngôn ngữ điện ảnh của mình sẽ thấy cuộc đời và nghệ thuật rất phong phú, đáng quý.

Duy trì những điều đó hẳn chỉ để đi đến một mục đích lớn nhất, trong điện ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung mục đích lớn nhất với anh là gì?

Là tạo cảm xúc và ý nghĩa qua ngôn ngữ điện ảnh như một món quà tặng cho khán giả. Ví dụ như ở The Pot-au-Feu, không có một giây phút nào tôi không đan cài vào đó chất điện ảnh. Mỗi lần Dodin đi tìm Eugénie trong căn nhà và hỏi “em ơi, em đâu?”, đơn giản vậy thôi, ai cũng có thể làm phim có chi tiết như vậy nhưng cũng được tôi cố gắng thể hiện bằng những góc máy, màu sắc rất điện ảnh.

Đó không đơn giản chỉ là một thông tin hay minh họa, dẫn nhập mà đều chứa đầy những chỉ dấu và ẩn dụ của điện ảnh.

30 năm trước anh đã bắt đầu công việc của mình, 30 năm sau, ở tuổi 60 anh thấy có gì đổi khác ở cả đời sống thường nhật lẫn sự nghiệp riêng?

Cuộc đời với tôi giống như một dòng sông cứ chảy trôi, điện ảnh cũng vậy thôi. Tôi vẫn nhớ những ngày tháng quay phim ngắn đầu tiên ở trường điện ảnh, lúc bắt tay vào dựng phim, giây phút đầu tiên thấy hai khung hình được kết nối với nhau, tôi đã nhìn ra ý nghĩa, ý vị và cảm xúc chỉ có điện ảnh mới mang lại, tôi cũng hiểu được điều gì là quan trọng nhất trong nghệ thuật điện ảnh. Từ đó đến nay dù đã hơn 30 năm, tôi vẫn miệt mài theo đuổi, khơi dậy cũng như tìm lại những cảm xúc đầu tiên đó.

Từ những cảm xúc đầu tiên đó, nếu đưa anh chủ đề về con số 30 và bảo anh rằng là hãy làm một bộ phim xoay quanh con số đấy, anh nghĩ đó sẽ là bộ phim thế nào?

Nói thật tôi cũng chưa hình dung rõ. Nhưng bật ra trong đầu tôi sẽ là một cuốn phim có đúng 30 nhân vật, không có nhân vật chính. Bộ phim sẽ kéo dài 2 tiếng và cứ mỗi 30 phút lại có một thay đổi lớn là bước ngoặt trong phim.

Tất nhiên những gì tôi đang nghĩ chỉ là concept. Thế nhưng một concept hay thì quảng cáo sẽ cần hơn là điện ảnh, để bán sản phẩm chẳng hạn. Trong điện ảnh, nếu mình bắt đầu mà đã tâm niệm nó rất hay, rất ấn tượng thì về mặt nghệ thuật đã thất bại ngay từ đầu.

Một bộ phim điện ảnh cần đi con đường của riêng nó và đạo diễn nên theo đuổi cái tôi nghệ thuật của riêng mình.

Feature director TRAN ANH HUNG
Creative Director ALEX FOX
Project Manager LUCIA KY
Photographer NHU XUAN HUA
Producer MAX
Stylist DAMESE SAVIDAN
Grooming ROGER CHO
Production Assistant VU NHAT DANG KHOA
Photographer’s Assistant ELLA BATS
Styling Assistant EMILIE TORRES
Fashion HERMES, FENDI, YOHJI YAMAMOTO, EGONLAB, Barrie Footwears HERMES, COPERNI X PUMA


 
Back to top