Ra mắt “Tản mạn kiến trúc Nam Bộ – biên khảo về kiến trúc dân dụng (từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20)”
“Tản mạn kiến trúc Nam Bộ” là biên khảo về không gian nhà ở của người Việt miền Nam từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20. Đây là kết quả của quá trình làm việc sau 3 năm đầu tiên trong dự án dài hạn của nhóm nghiên cứu Tản Mạn Kiến Trúc, dựa trên khối dữ liệu nghiên cứu thực địa trên hàng trăm ngôi nhà cổ thuộc khu vực Nam Bộ, cũng như thông tin thu thập được trong quá trình phỏng vấn nhân vật và phân tích tài liệu lưu trữ. Công trình là ấp ủ của nhóm tác giả trong việc kết nối lại với các giá trị truyền thống và di sản kiến trúc còn hiện hữu, gắn kết kiến thức hàn lâm với mối quan tâm thảo luận từ cộng đồng đương đại.
“Tản mạn kiến trúc Nam Bộ” nỗ lực phác thảo nên một dẫn nhập có tính hệ thống về lịch sử kiến trúc dân dụng ở miền Nam, là gợi ý để bạn đọc bắt đầu tìm hiểu và ứng dụng trong các dự án nghiên cứu, thiết kế của riêng mình. Biên khảo kết hợp dữ liệu với cách dẫn dắt giàu tính kể chuyện, với sự phong phú về tư liệu hình ảnh, đặc biệt là ảnh chụp những công trình đặc sắc ít được biết đến và lần đầu tiên xuất hiện trong một ấn phẩm chính thức, được minh họa bằng các bản vẽ, sơ đồ và bản đồ chi tiết. Với sự phong phú đó, quyển sách vừa là một tư liệu hữu ích cho những người nghiên cứu di sản, vừa là một dẫn nhập dễ tiếp cận cho bạn đọc thuộc các chuyên ngành và mối quan tâm đa dạng.
Trong chương đầu tiên, nhóm tác giả cung cấp góc nhìn khái quát về vận động lịch sử và đặc trưng sinh thái đã tác động đến thị hiếu kiến trúc của cư dân miền Nam. Chương 2 dẫn người đọc đến thăm những công trình kiến trúc truyền thống bằng gỗ được xây dựng trong khoảng cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, cẩn trọng bóc tách những biểu hiện tinh tế trong lựa chọn vật liệu, trang trí và bố trí không gian sinh hoạt cũng như thưởng thức và thẩm mỹ. Trong chương 3, sự tương tác giữa kiến trúc truyền thống với ảnh hưởng phương Tây trong thời thuộc Pháp đã được phân tích để phác họa lựa chọn của con người trong một giai đoạn lịch sử nhiều xáo động. Phần phụ lục cung cấp một khảo lược về thế giới họa tiết phong phú trong không gian sống của người miền Nam. Đặc biệt, người đọc có thể tìm thấy các bản đồ di sản ở cuối sách, một nguồn dữ liệu phong phú thể hiện sự phân bố của hàng trăm công trình kiến trúc mà dự án Tản Mạn Kiến Trúc đã tiếp cận trong 3 năm thực hiện nghiên cứu thực địa.
Nghiên cứu thực địa là phương pháp chính của Tản Mạn Kiến Trúc, đó là một cuộc dấn thân và trải nghiệm sự đa dạng của di sản để tất cả giác quan chìm đắm trong kiến trúc rồi nhặt lấy những rung cảm đời sống. Đi thực tế là quá trình di chuyển trong không gian để thấy kiến trúc không phải là những vết chấm rời rạc. Chúng tồn tại trong những môi trường xuyên suốt, trong tổng thể cỏ cây, sông ngòi, đường sá, cầu tạ, xóm làng,… Không chỉ dừng lại ở khía cạnh hiện vật, nhóm tác giả còn gặp gỡ những người chủ và cộng đồng xung quanh để lắng nghe câu chuyện của họ nhằm kết nối các chiều kích không gian – con người – hiện vật, để khảo sát kiến trúc ở một tầm nhìn rộng mở.
Tổng hợp tài liệu từ quá trình làm việc trong nhiều năm, nhóm tác giả đã đặt bút biên soạn bản thảo từ tháng 11 năm 2020, đến tháng 6 năm 2021 thì bản thảo được hoàn thiện để sẵn sàng cho quá trình biên tập. Nhóm tác giả dự án nhận được sự hỗ trợ và tư vấn từ đội ngũ biên tập viên của Nhã Nam, cũng như các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, nhằm củng cố sự xuyên suốt của cấu trúc quyển sách và tạo ra mạch nội dung nhất quán. Cuối năm 2021, những đợt giãn cách xã hội do dịch Covid 19 tưởng như nối dài bất tận, và dự án tâm huyết của Tản Mạn Kiến Trúc đã gặp nhiều trì hoãn. Tháng 9-2022, quyển sách cuối cùng sẽ được giới thiệu đến đông đảo bạn đọc trên cả nước sau nhiều tháng chờ đợi. Không chỉ là một tập biên khảo, “Tản mạn kiến trúc Nam Bộ” còn là một chặng đường nỗ lực, chứa đựng nhiều kỳ vọng và là một ước mong cuối cùng cũng trở thành hiện thực.
Với ấn phẩm “Tản mạn kiến trúc Nam Bộ”, hành trình kết nối và truyền cảm hứng của Tản Mạn Kiến Trúc bước đến một giai đoạn mới. Quyển sách là một mắt xích trong tầm nhìn dài hạn của dự án Tản Mạn Kiến Trúc trong việc mở rộng nghiên cứu về di sản kiến trúc và văn hóa của đất nước. Tản Mạn Kiến Trúc đóng vai trò như một gạch nối giữa nghiên cứu và cộng đồng, làm cho di sản trở nên dễ tiếp cận với những người yêu mến di sản và truyền cảm hứng cho những dự án mới trong tương lai.
Văn bản in trên bìa 4 của ấn phẩm:
“Trong làn sóng hiện đại hóa, nhiều di sản của đất nước đang dần biến mất, nhường chỗ cho những tiện nghi của thời đại. Tuy vậy, gìn giữ ký ức về các công trình đang phôi pha theo thời gian, gắn kết đời sống hôm nay với lịch sử ông cha thông qua tìm hiểu các di sản kiến trúc đang trở thành nhu cầu ngày càng phổ biến trong cộng đồng người Việt trẻ. Trong bối cảnh đó, cuốn sách Tản mạn kiến trúc Nam Bộ mang đến một hình dung tổng thể về lịch sử kiến trúc dân dụng miền Nam từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20, đồng thời cung cấp những tri thức cơ bản làm hành trang khám phá các công trình kiến trúc. Không chỉ vậy, cuốn sách còn hé cánh cửa dẫn bạn đọc vào bên trong các công trình, để cùng lắng nghe những câu chuyện về lịch sử xây dựng, về tập quán, văn hóa của địa phương, và về cả những ước mơ, khát vọng của gia chủ in dấu trên từng đường nét của ngôi nhà. Với vốn tư liệu phong phú, cách diễn giải giàu tính kể chuyện, cùng những hình ảnh, bản vẽ được đầu tư kỹ lưỡng, cuốn sách chắc hẳn sẽ khơi gợi sự quan tâm và hiểu biết của cộng động về vốn di sản kiến trúc nước nhà.”
Về Tản Mạn Kiến Trúc: Tản Mạn Kiến Trúc là dự án nghiên cứu hệ thống di sản kiến trúc Việt Nam. Kể từ khi thành lập vào năm 2019, Tản Mạn Kiến Trúc thực hiện việc lưu trữ dữ liệu về những công trình đang mất dần, cũng như thu thập câu chuyện từ các nhóm dân cư sống cùng di sản, đồng thời tương tác với cộng đồng người trẻ nhằm lan tỏa tình yêu dành cho văn hóa, nghệ thuật Việt. Tản Mạn Kiến Trúc không hướng tới sự hoài nhớ mà là tiếng nói phản hồi của người trẻ khi đối diện với quá trình đô thị hóa và sự biến mất của di sản, để khám phá những khả năng của cộng đồng trong việc chung tay kiến tạo ý nghĩa cho di sản trong đời sống Việt Nam đương đại.